Aa

Bài 3: Mặt phố nhếch nhác, muôn kiểu cơi nới nhà

Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Sáu, 14/09/2018 - 06:01

Bảo tồn kiến trúc phố cổ không còn là vấn đề mới nhưng chưa bao giờ “nguội lạnh”. Bởi thực tế, sự đối nghịch giữa nhu cầu phát triển và yêu cầu bảo tồn đã khiến cho bài toán quy hoạch càng trở nên khó giải quyết. Và điều dễ nhận thấy là mặt phố nằm trong khu bảo tồn, tôn tạo cấp 1 đã và đang trở nên nhếch nhác, lộn xộn. Nhà cao tầng vô tư mọc lên xen kẽ giữa các khu nhà cũ phải cơi nới, sửa chữa vì nhu cầu sinh hoạt.

gfvg

Dân số tại phố cổ ngày càng tăng, trong khi diện tích nhà ở, đất đai lại ngày càng thu hẹp. Vì nhu cầu sinh hoạt, các hộ dân không còn cách nào khác ngoài việc phải sửa chữa, cơi nới.

Buộc phải cơi nới, sửa chữa

Tại các con phố thuộc khu bảo tồn, tôn tạo cấp 1 của quy hoạch bảo tồn phố cổ như phố Hàng Gà, Hàng Bè, Hàng Bạc, Hàng Bổ, Lò Sũ, Mã Mây, Gia Ngư…, hầu hết các căn nhà cũ đều đang bị người dân cơi nới, sửa chữa theo “muôn hình vạn trạng”. Trao đổi với người dân tại đây về việc sửa chữa, cải tạo nhà, họ đều cho rằng phải sửa chữa thì mới ở được. Tuy nhiên, việc sửa chữa, cơi nới của các hộ dân đa phần là không phép vì thủ tục hành chính về xây dựng phức tạp, phiền hà.

Có một thực tế là dân số tại phố cổ ngày càng tăng, trong khi diện tích nhà ở, đất đai lại ngày càng thu hẹp. Vì nhu cầu sinh hoạt, các hộ dân không còn cách nào khác ngoài việc phải sửa chữa, cơi nới.

Đi dọc phố Lò Sũ, Mã Mây, không khó để nhìn thấy những căn nhà mặt phố đang “đeo ba lô” nhếch nhác; những “chuồng cọp”, “chuồng chim” bằng rào sắt, mái tôn có vẻ kiên cố được dựng lên bịt kín lối thoát hiểm của căn nhà. Tất cả tạo nên một nếp sống ngột ngạt, khó hình dung. Trao đổi với phóng viên, bà Lan, một người dân sống tại căn nhà số 60 Mã Mây, chia sẻ: “Căn nhà này trông thế nhưng 20 người ở đấy. Trước có một thế hệ, giờ đến ba thế hệ cùng chung sống. Mấy chục năm, người thì ngày càng nhiều, nhưng nhà thì lại càng cũ và chật hơn. Không sửa, không cơi nới như thế này thì lấy đâu ra chỗ ở, chỗ sinh hoạt cho từng ấy con người”.

 
Những

Những "chuống chim", "chuống cọp" người dân dựng lên để mở rộng diện tích tại phố Mã Mây.

Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại phố Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gà, Gia Ngư… Không khí ngột ngạt, bí bách buộc người dân phải nghĩ cách nới rộng không gian sống nhưng lại “e ngại” xin phép chính quyền. Dẫn đến tình trạng kiến trúc mặt tiền phố cổ gần như đã bị phá nát, không còn nguyên vẹn.

Ông Hùng, phố Hàng Gà, cho biết: “Nhu cầu về chỗ ở, chỗ sinh hoạt với chúng tôi bây giờ là rất lớn nên tất yếu phải sửa chữa, xây mới. Nhưng xin giấy phép xây dựng thì cán bộ phường bảo không được, nên đa phần đều tiến hành cơi nới. Mà đã làm kiểu cơi nới thì nguyên vật liệu phải nhẹ, gọn và tính tiện dụng phải được đặt lên hàng đầu. Lúc đó làm sao có thể để ý đến mẫu kiến trúc thế nào cho đúng”.

“Diện tích nhà chỉ có thế, đã nhỏ lại còn đông người ở. Đấy là chưa kể vôi vữa, vật liệu xây dựng cũng chỉ có tuổi thọ nhất định nên dẫn đến bị nứt nẻ, bong tróc. Vì thế mà chúng tôi buộc tiến hành sửa chữa, cơi nới. Mỗi nhà một nhu cầu, thẩm mỹ khác nhau, nên sửa chữa cũng không theo mẫu thống nhất nào", một người dân tại phố Hàng Bạc chia sẻ.

Nhà cơi nới tại phố Gia Ngư

Cơi nới nhà tại phố Gia Ngư. Mặt phố nhếch nhác, xập xệ.

Cơi nới bằng rào sắt bít kín lối thoát hiểm

Cơi nới bằng rào sắt bít kín lối thoát hiểm.

Nghịch lý bảo tồn?

Có thể khẳng định rằng, trước nhu cầu cuộc sống, không gian và kiến trúc của phố cổ đã và đang không ngừng thay đổi theo chiều hướng xấu. Một mặt, các nhà cao tầng "vô tư” mọc lên, các khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại cũng xuất hiện ngày càng dày đặc. Đáng nói, những tòa nhà cao ngất ngưởng do xây dựng vượt tầng ấy lại nằm xen kẽ với những khu nhà cũ xập xệ buộc phải cơi nới thêm “chuồng chim”, “chuồng cọp”.

“Hồn vía” của các khu phố cổ, phố nghề trước đây đã trở nên rất mờ nhạt, thay vào đó là sự bí bách, lộn xộn, nhếch nhác. Phải chăng, ở phố cổ đang tồn tại một nghịch lý giữa bảo tồn và phát triển? Một câu hỏi đặt ra là khi mọi thứ đã trở nên quá lộn xộn, chính quyền đang ở đâu trong câu chuyện bảo tồn này?

Trước tính chất cấp bách của việc bảo tồn kiến trúc phố cổ, phố nghề, từ năm 2013, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ra quyết định 6398/QĐ-UBND ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội. Bản quy chế dài tới 51 trang quy định rất rõ về chiều cao, màu sắc, mật độ xây dựng của từng khu vực trong đó có cả quy định về việc sửa chữa, xây mới. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, mọi nỗ lực thực thi bản quy chế này dường như chỉ mới nằm trên giấy.

Công trình khách sạn 11 tầng nằm cạnh căn nhà cũ cơi nơi tại phố Gia Ngư.

Công trình khách sạn 11 tầng cao ngất ngưởng bên cạnh căn nhà cũ cơi nới  tại phố Gia Ngư. 

Công trình hiện đại xen lẫn công trình cổ tại Lý Thái Tổ

Công trình hiện đại xen lẫn công trình cổ tại phố Lý Thái Tổ.

Nói về vấn đề sửa chữa, xây mới nhà ở tại phố cổ, nhiều người dân tỏ rõ sự bất mãn rằng tất cả đều đã có “luật”. Muốn sửa chữa hay xây thêm tầng thì phải “thêm tiền”, kể cả việc xin cấp phép, “muốn nhanh cũng đều phải có tiền”. Thậm chí, nhiều người dân tiết lộ: “Xây nhà ở đây thêm một tầng là 40 triệu đồng, “có luật” cả rồi. Còn xây khách sạn, muốn vượt một tầng thì phải có 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, tùy vào vị trí…”. Phải chăng, đây là lý do mà các công trình vượt tầng cứ “vô tư” mọc lên ngày càng nhiều nhưng chưa được xử lý triệt để và cũng chưa biết bao giờ sẽ xử lý. Còn những người dân không có điều kiện “đập đi xây lại” thì đành phải tự ý cơi nới, sửa chữa vì “bị làm khó” trong việc xin cấp phép?

Chưa hết, việc xử lý các sai phạm chủ yếu đang được tiến hành theo kiểu lập biên bản rồi “phạt cho tồn tại”. “Do nhu cầu sinh hoạt nên buộc người dân ở đây phải sửa chữa, cơi nới nhà nhưng đa phần đều tự ý. Khi sửa xong rồi thì chính quyền đến lập biên bản sai phạm và phạt cho tồn tại, tức là nộp tiền phạt xong thì vẫn được sử dụng mà không bị phá dỡ", ông Kha, người dân ở phố Mã Mây chia sẻ.

Tương tự, nhiều công trình sai phạm do xây vượt tầng như công trình tại số 128 - 130   Hàng Bông, công trình số 52 Đào Duy Từ, 42 Gia Ngư… đều đã bị lập biên bản xử phạt nhưng đến nay vẫn đang tồn tại?!

Trao đổi với Reatimes, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, nghịch lý trong bảo tồn phố cổ ở thời điểm hiện tại là một mặt, cơ quan Nhà nước đang bất lực trước sự thay hình đổi dạng, một mặt thì người dân lại quá chủ động trong việc tự giải quyết nhu cầu cơi nới, mở rộng không gian sống.

“Về mặt quy hoạch, chúng ta chưa làm được việc ngăn chặn sự thay hình đổi dạng của phố cổ. Hiện nay, nhìn vào 36 phố phường của Hà Nội thì không còn nhận ra được những con phố cũ nữa. Nếu có chăng chỉ giữ lại được 1 vài tuyến phố. Đấy chính là thất bại đầu tiên của bảo tồn phố cổ. Thêm nữa, chúng ta chưa đưa ra một kế hoạch, một lộ trình cụ thể về mặt bảo tồn, dẫn đến việc người dân cứ tự làm theo ý mình, cơi nới hay xây nhà vượt tầng nhưng chúng ta cũng không quản lý được. Việc đập nhà cũ đi rồi xây mới hoàn toàn cũng vậy. Thậm chí, người dân có tinh thần giữ lại cái cũ nhưng lại không được định hướng, hướng dẫn sát sao là phải giữ như thế nào cho hợp lý”, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Lời giải nào cho bài toán bảo tồn?

Phải đau xót thừa nhận rằng, trong sự phát triển chung của đất nước và của Thủ đô nói riêng thì tại phố cổ, nhiều điểm lại đang... giật lùi. Bảo tồn nhưng không đi đôi với phát triển, không dựa trên nhu cầu và mong muốn thực tế của người dân. Giữa người dân, chính quyền và chuyên gia bảo tồn chưa có sự đồng bộ, thống nhất. Dẫn đến tình trạng quy hoạch kiến trúc phố cổ đang dần bị “băm nát” như hiện nay.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, giải pháp đầu tiên phải nhắc đến trong vấn đề bảo tồn phố cổ là thành phố phải có kế hoạch, lộ trình cụ thế. Đồng thời, phải thay đổi cách đánh thuế đất đai, nhà ở tại đây.

“Giải pháp tốt nhất là phải thay đổi cách đánh thuế. Bởi người dân trong hoàn cảnh hiện nay họ buộc phải thay đổi điều kiện sống nhưng thay đổi như thế nào để vừa bảo tồn cái cũ mà vừa tạo ra điều kiện sống tốt hơn?”.

Bên cạnh đó, GS. Đặng Hùng Võ khẳng định: “Chính quyền phải tập trung vào việc bảo tồn phố cổ để phát triển du lịch, đừng có nghĩ đến cái khác, đừng có nghĩ đến việc chúng ta phải được bôi trơn thế nào thì mới làm việc này hay làm việc khác. Sự thực cái tệ của chính quyền hiện nay mà tôi vẫn dùng cụm từ là “thiếu sạch sẽ”, mà thiếu sạch sẽ thì nó dẫn tới quyết định sai, không làm mất đi tiêu cực đang có'.

Đối với người dân phố cổ, họ mong muốn chính quyền bên cạnh việc bảo vệ không gian kiến trúc truyền thống cần tạo điều kiện về chính sách sửa chữa, tư vấn về mẫu nhà cụ thể để người dân sửa chữa, cải tạo phù hợp với nhu cầu cuộc sống. Trước tiên, phải đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt người dân tại các ngôi nhà. Có ổn định thì người dân mới cùng tham gia cải tạo, gìn giữ và bảo tồn kiến trúc đặc trưng của phố cổ.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top