Aa

Bất động sản 24h: Ngang nhiên vẽ dự án "ma" ngay cạnh UBND huyện Bình Chánh

Thứ Năm, 05/03/2020 - 10:30

Ngang nhiên vẽ dự án "ma" ngay cạnh UBND huyện Bình Chánh; Bất động sản Đà Nẵng vẫn “im lìm” chờ cơ hội chuyển mình... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Ngang nhiên vẽ dự án "ma" ngay cạnh UBND huyện Bình Chánh

Ngày 4/3, UBND thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP HCM cho biết vừa phát thông báo và cắm bảng cảnh báo một khu đất nằm trên đường Tân Túc. Khu đất này tiếp giáp 3 mặt tiền đường nằm trong khu vực hành chính huyện Bình Chánh.

Trước đó, nhiều công ty môi giới và "cò" đất đã vẽ hàng loạt "dự án" với tên gọi như: khu dân cư hành chính, khu nhà ở hành chính Bình Chánh... với mục đích phân lô, bán nền trái phép rồi rao bán trên mạng xã hội và các website chuyên mua bán bất động sản.

Ngoài ra, còn có nhiều nhóm người ăn mặc lịch sự dẫn khách hàng tới khu đất này để tổ chức các buổi tham quan, giới thiệu "dự án" và mời đặt cọc giữ chỗ...

Trước thực trạng này, UBND thị trấn Tân Túc kêu gọi người dân cảnh giác và cần kiểm tra thông tin trước khi thực hiện việc mua, bán đất nền ở những khu chưa được cấp phép.

Xem thông tin chi tiết tại đây

VNREA kiến nghị về việc bảo lãnh khi bán nhà ở hình thành trong tương lai

Trong bản kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản mà Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) gửi Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ mới đây có nội dung liên quan đến bảo lãnh với nghĩa vụ bàn giao của chủ đầu tư khi bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản: “Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng”.

Theo VNREA, thực tế, mức bảo lãnh đối với nghĩa vụ bàn giao nhà ở hình thành trong tương lai lên tới 100% giá bán nhà/căn hộ và thư bảo lãnh phát sinh hiệu lực cùng lúc dẫn đến tổng giá trị bảo lãnh của một dự án là rất lớn. Đối với các chủ đầu tư triển khai nhiều dự án với quy mô lớn cùng thời điểm thì việc cấp bảo lãnh trong hạn mức tín dụng là không thể thực hiện được.

Để cấp bảo lãnh thì ngân hàng thương mại sẽ yêu cầu phải có tài sản bảo đảm. Tài sản bảo đảm của dự án đã được dùng để thế chấp cho các khoản vay triển khai dự án; trong khi đó, theo quy định hiện hành của pháp luật thì chủ đầu tư dự án chỉ được phép dùng tài sản hình thành trong tương lai của dự án để đảm bảo cho nghĩa vụ hoàn trả khoản vay cho chính dự án đó nên không được dùng tài sản của dự án này để đi đảm bảo cho nghĩa vụ khác. Bên cạnh đó, tài sản bảo đảm chính là các căn hộ/nhà ở thuộc dự án sẽ giảm dần do cần phải giải chấp ra để bán cho người mua.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản Đà Nẵng vẫn “im lìm” chờ cơ hội chuyển mình

Câu chuyện khan hiếm nguồn cung không chỉ xảy ra tại 2 thị trường lớn Hà Nội và TP.HCM mà còn diễn ra tại Đà Nẵng khi thị trường đang thanh lọc gay gắt.

Số liệu tổng hợp của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy năm 2019, thị trường nhà đất ở Đà Nẵng khan hiếm sản phẩm mới, giao dịch chậm, tỷ lệ hấp thụ khoảng 20% - 25% mỗi đợt chào bán, lượng sản phẩm chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn kho. Phần lớn các dự án đều vướng các quy định pháp luật dẫn đến tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư, khách hàng.

Câu chuyện khan hiếm nguồn cung không chỉ xảy ra tại 2 thị trường lớn Hà Nội và TP.HCM mà còn diễn ra tại Đà Nẵng khi thị trường đang thanh lọc gay gắt (Ảnh minh hoạ).

Ghi nhận thông tin từ một số sàn giao dịch tại Đà Nẵng cũng cho thấy, sự ảm đạm diễn ra ở hầu hết các phân khúc, đặc biệt là sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng. Nguyên nhân có thể kể đến là do tính chu kì của thị trường. Sau 5 năm phát triển mạnh mẽ, nguồn cung lớn đã tạo ra số lượng sản phẩm dư thừa. Tuy vậy, vấn đề khủng hoảng pháp lý còn tồn đọng khiến tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm bất động sản chững lại rõ rệt.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Novaland gửi đơn kêu cứu, Bộ Xây dựng "gửi trả" UBND TP.HCM

Bộ Xây dựng vừa chuyển đơn "kêu cứu" của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) tới UBND TP.HCM để giải quyết bởi những nội dung trong đơn cầu cứu của Novaland không thuộc thẩm quyền của Bộ.

Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết cơ quan này đã nhận được đơn kêu cứu đề ngày 8/01/2020 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland, HoSE: NVL) về một số nội dung liên quan đến việc thực hiện dự án khu dân cư tại khu đất 30,224ha phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM do Công ty TNHH Quốc tế Thế kỷ 21 - công ty thành viên của Novaland - làm chủ đầu tư.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng nhận thấy nội dung nêu trong đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP.HCM. Do vậy, Bộ Xây dựng chuyển đơn của Novaland đến UBND TP.HCM để công ty được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đồng Nai: Khó dẹp nạn… “dự án treo”

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tổng diện tích dự án nhà ở thương mại tại địa phương này khoảng 9.832 ha và 158 ha dự án nhà ở xã hội. Các dự án bất động sản tập trung ở khu vực TP Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom.

Tỉnh Đồng Nai có gần 300 dự án bất động sản, bao gồm 248 dự án nhà ở thương mại và 49 dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều dự án vẫn chỉ là bãi đất trống.

Đáng chú ý, trong năm 2019, HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua danh mục 170 dự án sẽ thu hồi đất, trong đó hiện có 119 dự án đang thực hiện các bước thu hồi đất. Theo đó, 29 dự án đã có quyết định thu hồi đất, 40 dự án có thông báo thu hồi đất và 50 dự án đang lập thủ tục thu hồi đất.

Ghi nhận và khảo sát thực tế của phóng viên tại một số quận huyện trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho thấy: Tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá cao nhưng lại khá nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa triển khai, hoặc đang triển khai nhưng theo kiểu cầm chừng khiến người dân nằm trong vùng quy hoạch dự án khá bức xúc.

Lý do khiến người dân bức xúc vì đất đai, nhà cửa bị quy hoạch trong dự án nên không thể đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa, những quyền lợi khác như tách thửa, sang nhượng, cho tặng đất đai cũng bị giới hạn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top