Cần hiểu đúng về vùng Thủ đô

Đây là ý kiến của Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính trước đề xuất về việc phân vùng thành 7 vùng kinh tế - xã hội, trong đó có vùng Thủ đô mới.

06:30 02/03/2020

PV: Thưa ông, trước đề xuất phân 7 vùng kinh tế - xã hội thay cho 6 vùng hiện nay, ông có quan điểm như thế nào?

Ông Trần Ngọc Chính: Triển khai Luật Quy hoạch, việc phân vùng kinh tế - xã hội là điều cần thiết, làm căn cứ để tiến hành lập quy hoạch vùng ở giai đoạn tiếp theo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phân thành 7 vùng kinh tế - xã hội, gồm vùng núi phía Bắc; Đồng bằng Sông Hồng mở rộng hay còn gọi là vùng Thủ đô mới; Bắc Trung bộ; Nam Trung bộ; Tây Nguyên; Đông Nam bộ; Đồng bằng sông Cửu Long.

Tôi đồng tình quan điểm vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện nay dài quá, điều kiện địa lý và văn hóa giữa các địa phương từ đèo Hải Vân trở ra phía Bắc (đến Thanh Hóa) và các tỉnh từ đèo Hải Vân trở vào phía Nam (đến Bình Thuận) rất khác biệt, do vậy cần tách thành 2 vùng Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ.

Đối với vùng Tây Nguyên, mặc dù Lâm Đồng kết nối với thành phố Hồ Chí Minh thuận tiện hơn, nhưng bản chất của Lâm Đồng là thuộc Tây Nguyên nên giữ nguyên các tỉnh trong vùng Tây Nguyên là hợp lý.

Việc phân vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo tôi cũng hợp lý vì điều kiện địa lý, kinh tế, lịch sử, văn hóa xã hội của 2 vùng rất rõ ràng.

Điều tôi băn khoăn là vùng Đồng Bằng sông Hồng lấy thêm các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên và Hòa Bình của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc hiện nay, thành vùng Đồng bằng sông Hồng mở rộng, hay còn gọi là vùng Thủ đô mới.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính

Theo tôi, có thể mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng với 4 tỉnh nói trên nhưng tôi không đồng tình với quan điểm gọi vùng này là vùng Thủ đô mới, mà chỉ gọi là vùng Đồng bằng sông Hồng. Bởi việc hình thành và gọi tên vùng Thủ đô có tiêu chí, nguyên lý riêng.

Tôi cũng có một băn khoăn khác là từ trước đến nay Quảng Ninh nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng nhưng tỉnh này về mặt địa lý lại không liên quan gì đến Đồng bằng sông Hồng.

Mặt khác, Quảng Ninh là tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc, có hệ thống kinh tế cửa khẩu phát triển và có ý nghĩa về mặt an ninh quốc phòng giống các tỉnh miền núi phía Bắc.

Vì vậy, đưa Quảng Ninh vào vùng Đồng bằng sông Hồng là không hợp lý. Trong khi vùng núi phía Bắc lại cần có Quảng Ninh làm hạt nhân của vùng, đồng thời kết nối toàn bộ các tỉnh miền núi phía Bắc hướng ra cảng biển Quảng Ninh.

PV: Các vùng kinh tế - xã hội này sẽ tiếp tục tồn tại song song với các vùng kinh tế trọng điểm, vùng có tính chất đặc thù như vùng Thủ đô Hà Nội, vùng TP.HCM phải không, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Chính: Theo Luật Quy hoạch, sau khi phân vùng, bước tiếp theo nghiên cứu lập quy hoạch từng vùng một. Về lý thuyết thì như thế, nhưng thực tiễn cần có quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy được thế mạnh của tất cả các vùng. Vùng kinh tế trọng điểm chính là lõi, động lực phát triển của một vùng hoặc liên vùng.

Theo tôi, cần tiếp tục phân vùng kinh tế trọng điểm Bắc - Trung - Nam. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, gồm hầu hết các tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng và có thêm Quảng Ninh. Bởi có thêm Quảng Ninh, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc sẽ mạnh hơn.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thì lấy một phần của Bắc Trung Bộ là Thừa Thiên - Huế và các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương vùng Nam Trung bộ như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Nam thì gồm toàn bộ vùng TP.HCM (bao gồm vùng Đông Nam bộ và 2 tỉnh Long An, Tiền Giang của vùng Đồng bằng sông Cửu Long).

Ảnh minh họa.

Bên cạnh các vùng kinh tế - xã hội nói trên, Việt Nam hiện cũng đang tồn tại 2 vùng đặc thù là vùng Thủ đô Hà Nội, gồm Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang; Và vùng TP.HCM gồm TP.HCM và 7 tỉnh lân cận: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang.

Quy hoạch điều chỉnh xây dựng 2 vùng đặc thù này đã Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và vẫn đang còn hiệu lực.

PV: Ông vừa đề cập việc hình thành vùng Thủ đô có nguyên lý riêng nên không đồng tình đổi tên vùng Đồng bằng sông Hồng mở rộng thành vùng Thủ đô mới. Vậy nguyên lý hình thành vùng Thủ đô gồm những gì, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Chính: Cũng giống như các nước trên thế giới, việc hình thành vùng Thủ đô được tính toán rất kỹ, có nguyên lý, có tiêu chí về địa lý, dân số, lịch sử, văn hóa, xã hội, giao thông, cảnh quan, phát triển đô thị… Cơ cấu đô thị - nông thôn được tính toán rất kỹ lưỡng, bài bản.

Với đề xuất hiện nay, vùng Thủ đô mới như “trộn” giữa vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng hiện hữu. Theo đó, vùng Thủ đô mới sẽ “ôm” thêm cả khu vực nông nghiệp rộng lớn của các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và vùng núi xa xôi, vùng giáp biên Trung Quốc của Quảng Ninh làm mất đi ý nghĩa của vùng Thủ đô.

Về nguyên lý, việc hình thành, quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội là tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển đồng thời kích thích sự phát triển của các địa phương xung quanh.

Trong vùng sẽ tạo nên một chùm, hệ thống đô thị vừa là để giãn dân đô thị ở lõi (khu vực trung tâm là Hà Nội), vừa tạo điều kiện, kích thích phát triển cho các đô thị vệ tinh, các đô thị trong vùng, để các địa phương này cùng chia sẻ, cùng gánh vác nhiệm vụ phát triển của vùng ở các lĩnh vực công nghiệp, văn hóa, thể thao, đào tạo, y tế…

Bán kính giữa Thủ đô và các địa phương trong vùng chỉ nên khoảng 50 – 70km, để người dân thuận tiện đi vào Thủ đô làm việc, đồng thời tạo nên những khu vực phát triển năng động sát cạnh Thủ đô.

Do đó, tôi khẳng định lại lần nữa, quy hoạch vùng Thủ đô vẫn phải theo nguyên lý của nó. Vùng Thủ đô không thể lấy đến tận Móng Cái và cả vùng nông nghiệp rộng của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Không có cơ sở để gọi tên vùng đề xuất là vùng Thủ đô mới, mà chỉ có thể gọi đó là vùng Đồng bằng sông Hồng mà thôi.

PV: Vậy theo ông, sự tồn tại của các vùng đặc thù như vùng Thủ đô Hà Nội, vùng TP.HCM trong cơ cấu quy hoạch quốc gia là cần thiết hay không?

Ông Trần Ngọc Chính: Vì cần thiết nên trước đây Bộ Chính trị, Trung ương mới chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu quy hoạch hình thành 2 vùng đặc thù nói trên với nhiều định hướng, chiến lược quan trọng. Việc triển khai phát triển đô thị, nông thôn, giao thông, cấp nước, xử lý rác… tại các địa phương trong vùng phải tuân theo quy hoạch vùng.

Tôi lấy ví dụ, sau nhiều năm triển khai, nhiều định hướng quan trọng trong quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được thực hiện và hiện hữu. Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh nhưng các bệnh viện tuyến Trung ương vẫn được đưa về phát triển tại Hà Nam, các trường đại học được phát triển nhiều hơn ở Thái Nguyên…

Các đô thị trong vùng được kết nối với Thủ đô mang hiệu quả hơn thông qua hệ thống giao thông xuyên tâm, đường vành đai 4, 5… Đó là những minh chứng hiện hữu về sự chia sẻ lợi ích, kích thích sự phát triển, hỗ trợ lẫn nhau giữa các đô thị trong vùng.

Bên cạnh hiệu quả đạt được, vùng Thủ đô vẫn còn những hạn chế. Hiện tại Việt Nam không có cấp chính quyền vùng.

Vùng Thủ đô Hà Nội có Ban chỉ đạo và Văn phòng thường trực, nhưng đây không phải là cấp quản lý nên không có thực quyền. Việc triển khai các định hướng phát triển được giao cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Vùng TP.HCM thậm chí không có cả Ban chỉ đạo. Chính bởi vậy, vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM hiện hữu có ý nghĩa nhiều về định hướng phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch không gian nhưng việc triển khai các định hướng quan trọng trong 2 vùng này còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả cao nhất.

Trong thời gian tới, Trung ương cần đánh giá, xem xét hiệu quả thực hiện quy hoạch xây dựng 2 vùng đặc thù này, nếu thấy cần thiết và hiệu quả thì nên tiếp tục công nhận, đồng thời xem xét điều chỉnh quy hoạch và bổ sung các chính sách để vùng phát triển hiệu quả hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Quý Anh/Báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Cần hiểu đúng về vùng Thủ đô
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận