Cẩn thận sổ đỏ giả khi mua đất!

Thời gian gần đây, lợi dụng cơn “sốt đất” đang diễn ra ở nhiều địa phương, một số đối tượng đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để mua bán, chuyển nhượng… đất cho người khác. Các loại giấy tờ làm giả này rất tinh vi, khó phân biệt được bằng mắt thường. Do đó, người mua cần thận trọng, tránh gặp rủi ro.

01:55 02/04/2019

DÙNG SỔ ĐỎ GIẢ ĐỂ BÁN ĐẤT

Hiện nay, dịch vụ làm sổ đỏ giả được quảng cáo tràn lan trên mạng internet. Hầu hết các đối tượng quảng cáo làm “sổ đỏ” đều cam kết như: làm nhanh 24 giờ, bảo đảm phôi thật, bao soi chiếu… Việc mua sổ đỏ giả giao dịch qua mạng rất dễ dàng, nên có những người đã sử dụng dịch vụ này để thực hiện hành vi gian dối khi bán đất.

Nhiều bảng rao bán đất được treo tuyến đường Tóc Tiên-Hắc Dịch (TX. Phú Mỹ).

Nhiều bảng rao bán đất được treo tuyến đường Tóc Tiên-Hắc Dịch (TX. Phú Mỹ).

Cuối năm 2018, anh Nguyễn Văn H. (SN 1985, trú tại xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ) mua một lô đất của ông Phạm H. (SN 1940, trú tại ấp 2, xã Sông Xoài) với giá 100 triệu đồng. Vì ông Phạm H. mất sổ hộ khẩu, không thể công chứng hợp đồng mua bán nên hai bên giao dịch bằng giấy tay. Đến tháng 2-2019, anh Nguyễn Văn H. bán lại lô đất trên cho anh Tạ Văn B. (SN 1987, trú tại phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) với số tiền 320 triệu đồng. Do anh B. muốn sang tên mình trên giấy CNQSD đất, nên anh Nguyễn Văn H. đã liên hệ làm giả giấy CNQSD đất qua mạng. Anh Nguyễn Văn H. kết nối với tài khoản zalo tên “N.P” để nhờ làm “sổ đỏ” đứng tên anh B. Người có tài khoản zalo “N.P” đồng ý. Anh H. đưa thông tin của anh B. và chuyển 15 triệu đồng cho người này qua tài khoản mở tại một ngân hàng ở TP. Bà Rịa. Khoảng 4 ngày sau, anh B. đã nhận được sổ đỏ đứng tên mình nên hoàn tất việc mua bán đất. Tuy nhiên, khi anh B. đem sổ đỏ này đến Phòng TN-MT TX. Phú Mỹ để kiểm tra, thì phát hiện đây là sổ đỏ giả! Vụ việc đang được cơ quan công an xác minh.

Một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh cho biết, cơ quan này cũng đang xác minh, điều tra, xử lý nhiều vụ làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan nhà nước liên quan tới giao dịch đất đai. Các loại giấy tờ giả được các đối tượng làm tinh vi, rất khó phân biệt bằng mắt thường. Điều cần lưu ý là các trường hợp lừa người mua bằng sổ đỏ giả thường có giá bán thấp hơn giá thị trường. 

Người dân cần cảnh giác khi giao dịch nhà đất để tránh rủi ro khi gặp phải “sổ đỏ” giả.
Trong ảnh: Phôi thật giấy CNQSD đất để làm “sổ đỏ” giả được quảng cáo trên mạng internet.

Người dân cần cảnh giác khi giao dịch nhà đất để tránh rủi ro khi gặp phải “sổ đỏ” giả. Trong ảnh: Phôi thật giấy CNQSD đất để làm “sổ đỏ” giả được quảng cáo trên mạng internet.

NHẬN BIẾT THẾ NÀO?

Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn BR-VT phát sinh hiện tượng “sốt đất” ở nhiều khu vực. Do giá đất liên tục tăng, nhiều người tranh thủ mua - bán đất để kiếm lời, theo đó cũng phát sinh những giao dịch gian dối như vụ bán đất bằng “sổ đỏ” giả.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện giá đất vẫn đang “nóng”, đặc biệt là khu vực Bình Châu, Hồ Tràm. Đất tại 2 khu vực trên được người dân đẩy giá rất cao từ 900 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/mét ngang, chiều dài khoảng 30-40m. Vì vậy, người dân khi mua đất nên đến UBND xã, thị trấn để kiểm tra lại sổ mục kê, bản đồ địa chính nhằm tránh rủi ro. Nếu mua đất của các dự án đang được phân lô rao bán, người dân cần đến chính quyền địa phương, Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện để kiểm tra, cấp chứng chỉ quy hoạch, tránh trường hợp mua phải đất nông nghiệp, không đúng quy hoạch. “Trong cơn “sốt đất” hiện nay, mọi người cần hết sức cảnh giác để tránh gặp phải trường hợp này, gây thiệt hại về tài sản của mình”, ông Nguyễn Quốc Khanh khuyến cáo.

Điều 341 Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Phạm tội trong các trường hợp khác, tùy theo mức độ thì bị phạt tù từ 2 -5 năm, hoặc từ 3-7 năm.

Theo ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Vũng Tàu, để nhận biết được giấy CNQSD đất thật hay giả phải căn cứ vào chữ ký, con dấu của người và cơ quan có thẩm quyền. Đối với những “sổ đỏ” được ép plastic thì khả năng là “hàng giả” khá cao nên người mua đất cần cảnh giác. Bởi lẽ, “sổ đỏ” giả thường được làm bằng cách scan từ giấy CNQSD đất do cơ quan thẩm quyến cấp. Nếu tinh ý, sờ tay trên mặt “sổ đỏ” giả sẽ thấy những phần in nổi không có mà chỉ thấy hình ảnh. Ngoài ra, chữ ký của người có thẩm quyền trên “sổ đỏ” giả thường không sắc nét, bị rung nên không có vết hằn ở lực tỳ ấn khi ký và không giống với giấy CNQSD đất do cơ quan thẩm quyến cấp.

Theo Sơn Khê/Báo Bà Rịa -Vũng Tàu

Bạn đang đọc bài viết Cẩn thận sổ đỏ giả khi mua đất! tại chuyên mục Đông Nam Bộ của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận