Aa

Chậm cấp sổ đỏ cho cư dân: “Tại anh, tại ả”?

Thứ Tư, 18/07/2018 - 14:01

Chậm cấp sổ đỏ cho cư dân: “Tại anh, tại ả”?; Người mua nhà vẫn khát thông tin “sạch”; Nhà đầu tư địa ốc "đánh bắt xa bờ"; Địa ốc 10, Intresco: Những đứa “con hư” của TCT Địa ốc Sài Gòn;... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Chậm cấp sổ đỏ cho cư dân: “Tại anh, tại ả”?

Dự án Thảo Điền Pearl ở quận 2, TP.HCM được xây dựng từ năm 2010, đến cuối 2013 bắt đầu bàn giao nhà cho khách hàng. Dự án được giới thiệu là cao cấp với nhiều tiện ích nên nhiều khách hàng sẵn sàng bỏ tiền tỷ để mua căn hộ. Tuy nhiên, đến nay sau gần 5 năm bàn giao nhà, người dân vẫn chưa nhận được sổ đỏ.

Chị Phương, một khách hàng mua căn hộ tại đây, cho biết chị đã ký hợp đồng và đóng 95% giá trị căn hộ nhưng tới nay vẫn chưa có sổ đỏ. Quá sốt ruột, chị liên tục lên hỏi chủ đầu tư về tiến độ làm sổ đỏ thì chỉ nhận được những lời hứa. Mới đây chị được thông báo nộp hồ sơ làm sổ đỏ. Nhưng sau mấy tháng nộp hồ sơ thì đến nay vẫn chưa thấy sổ đỏ đâu.

Cư dân Hòa Bình Green City 550 Minh Khai căng băng rôn tố cáo chủ đầu tư.

Cư dân Hòa Bình Green City 550 Minh Khai căng băng rôn tố cáo chủ đầu tư.

Cùng chung cảnh ngộ, ngay ngày đầu tiên của tháng 7, hàng trăm cư dân thuộc 2 tòa chung cư H1 và H2 thuộc chung cư cao cấp Hòa Bình Green City (số 505 Minh Khai, Hà Nội) do Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư đã tập trung căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng mua bán với nhiều nội dung, trong đó có trả sổ đỏ cho cư dân.

Theo phản ánh của cư dân thì trong 3, 4 năm qua, kể từ khi người dân được nhận bàn giao nhà, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người dân như đã cam kết. Trong khi đó, Điều 13, Luật Kinh doanh bất động sản quy định, trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà, Chủ đầu tư phải làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho bên mua.

Ông Trần Như Tô, một người dân đại diện 255 hộ dân đang sống tại chung cư An Bình (quận Tân Phú) bày tỏ, 5 năm qua người dân ngụ tại chung cư này đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư, nhưng đến nay chủ đầu tư dự án chưa trao giấy chứng nhận cho người dân như cam kết ban đầu.

Xem chi tiết tại đây.

Nhà đầu tư địa ốc "đánh bắt xa bờ"

Theo số liệu của Sở Kế hoạch - Đầu tư Tp.HCM, trong 6 tháng đầu năm nay, thành phố thu hút gần 487 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hoạt động kinh doanh BĐS là lĩnh vực đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI, chiếm hơn 1/4 tổng vốn vào thành phố. Việc BĐS tiếp tục giữ vị trí “á quân” trong thu hút FDI có vai trò quan trọng trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng đang siết lại với kinh doanh, đầu tư, mua bán BĐS.

Trong nửa đầu năm 2018, Việt Nam ghi nhận hàng loạt dự án mới được doanh nghiệp triển khai trên thị trường thông qua nguồn vốn M&A với khối ngoại.

Đơn cử, Tập đoàn The Global Group (Nhật Bản) góp vốn với Công ty Nhà Mơ triển khai xây dựng dự án Dream Home Riverside; Liên doanh Tiến Phát - Sanyo Homes tiếp tục hợp tác phát triển dự án Ascent Lakeside với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD; Keppel Land thâu tóm 10% cổ phần còn lại của Jencity Limited, cùng kế hoạch xây dựng cộng đồng Saigon Sports City với khoảng 11,4 triệu USD; Tập đoàn khách sạn Mikazuki của Nhật Bản đầu tư 100 triệu USD triển khai khu phức hợp đẳng cấp 5 sao Bamboo Capital…

Việt Nam đang ở chu kỳ đầu phát triển.

Việt Nam đang ở chu kỳ đầu phát triển.

Một đột phá trong dòng chảy vốn ngoại là thay vì chỉ luẩn quẩn ở các dự án nội thành, nhà đầu tư ngoại đang mở rộng sân chơi ra các khu vực vùng ven, các tỉnh lân cận.

Mới đây Tập đoàn Nam Long vừa công bố các nhà đầu tư chiến lược cùng hợp tác phát triển giai đoạn I của khu đô thị Waterpoint, Long An gồm Nishi Nippon Railroad, TBS Group và Công ty TNHH Đầu tư Tân Hiệp với tỷ lệ góp vốn lần lượt là 35%, 10% và 5%.

Nishi Nippon Railroad có tỷ lệ vốn góp vượt trội so với các đối tác trong nước, chỉ xếp sau chủ đầu tư Nam Long (50%). Điều này cho thấy nhà đầu tư ngoại này sẵn sàng di chuyển ra xa trung tâm hơn, thậm chí là về tỉnh giáp ranh Sài Gòn để đầu tư.

Cũng trong trung tuần tháng 7, Công ty CP Đầu tư Xây dựng BCONS và A ASSET Co., Ltd – công ty con của Tập đoàn PPSN Co., Ltd của Thái Lan đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược. Thông qua A Asset Co., Ltd, PPSN và BCONS sẽ thiết lập và xây dựng mối quan hệ hợp tác dài lâu.

Xem chi tiết tại đây.

Người mua nhà vẫn khát thông tin “sạch”

Thông tin về bất động sản đã tốt hơn, nhiều hơn, cập nhật đầy đủ hơn, nhưng rõ ràng là chưa đủ, đúng, chính xác. Với sự phát triển của internet, mạng xã hội, thông tin được đưa tới khách hàng đa dạng hơn, từ nhiều nguồn hơn. Tuy nhiên, chính điều này khiến khách hàng không biết đâu là thông tin chính xác, đâu là thông tin đáng tin cậy. 

Trong bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, nhất là bất động sản, thông tin là quan trọng nhất, nhưng trên thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay lại không có đơn vị chính thống cung cấp thông tin. Hiện tại, thông tin vẫn một chiều từ chủ đầu tư, tới nhân viên môi giới, rồi tới khách hàng. Còn thông tin quan trọng là quy hoạch lại do các sở, ngành quản lý và người dân khó tiếp cận các thông tin này, nếu có tiếp cận được đôi khi lại không hiểu.

Do thông tin một chiều, nên nhiều chủ đầu tư, đơn vị môi giới sẽ đưa ra những thông tin tốt đẹp về dự án, thậm chí cung cấp các thông tin chưa được xác minh để nói tốt về dự án, nhằm mục đích bán hàng.

Do đó, khách hàng sẽ chịu rủi ro, thiệt thòi khi dự án thiếu những tiện ích như “tô vẽ” lúc mở bán của chủ đầu tư, đơn vị phân phối. Khi đó, chủ đầu tư thường đổ cho đơn vị phân phối cung cấp sai thông tin, đơn vị phân phối lại đổ trách nhiệm cho nhân viên môi giới, trong khi nhân viên môi giới thường hay “nhảy việc”, nên khách hàng gần như không biết bấu víu vào đâu để đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Với một thị trường bất động sản đang phát triển như ở Việt Nam, để chuẩn hóa và minh bạch thông tin từ quy hoạch đến xây dựng, bán hàng, vận hành là tương đối khó. Do đó, khách hàng chỉ còn biết lựa chọn các chủ đầu tư uy tín.

Xem chi tiết tại đây.

Môi giới phải tạo dựng được thương hiệu cá nhân

Từ năm 2006, môi giới bất động sản đã được pháp luật thừa nhận. Cụ thể, theo Luật Kinh doanh bất động sản 2006, môi giới bất động sản là hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản, cá nhân muốn kinh doanh dịch vụ bất động sản - môi giới bất động sản phải qua đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và phải được cơ quan quản lý thị trường bất động sản cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Kinh doanh bất động sản 2005, lực lượng các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản đã phát triển rất mạnh mẽ, cả về số lượng lẫn chất lượng. Lĩnh vực môi giới bất động sản thu hút khoảng 200.000 người tham gia hành nghề, trong đó có hơn 30.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

Theo nhận định của giới chuyên gia, lực lượng môi giới bất động sản Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, đóng góp cho sự phát triển bền vững của thị trường, là cầu nối không thể thiếu giữa nhà tạo lập, nhà phát triển bất động sản với người mua, thuê bất động sản.

“Có thể nói, hiện nay, có đến 90% lượng giao dịch bất động sản trên thị trường được phân phối bởi các sàn giao dịch bất động sản và các nhà môi giới bất động sản độc lập. Hiện còn rất ít chủ đầu tư hình thành bộ máy bán hàng riêng của mình, mà chuyển sang sử dụng hệ thống các sàn giao dịch bất động sản để bán hàng”, ông Hà cho biết.

Ở góc độ khác, theo nhận định của các chuyên gia, môi giới bất động sản là một nghề có đặc thù, đó là nhu cầu minh bạch về thông tin thị trường rất cao. Có thể nói, người làm môi giới bất động sản mà không có thông tin thị trường, thông tin về dự án, nhu cầu bán, mua bất động sản cập nhật hàng ngày, thì không thể hoạt động kinh doanh hiệu quả được, kèm theo đó là nhu cầu cập nhật những thay đổi về pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn.

Trong bối cảnh đó, câu chuyện làm thế nào để trở thành một môi giới bất động sản giỏi, vốn dĩ đã không hề dễ dàng, càng trở nên khó khăn, với áp lực đến từ mọi phía, từ yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, từ sức ép doanh số của chủ đầu tư, cho đến sự cạnh tranh của những môi giới khác.

Xem chi tiết tại đây.

Địa ốc 10, Intresco: Những đứa “con hư” của TCT Địa ốc Sài Gòn

Trong số những dự án bất động sản mà Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vừa đề nghị UBND TP.HCM xử lý nghiêm và báo cáo kết quả trước ngày 1.8, có dự án khu dân cư Hồ Học Lãm của Địa ốc 10 làm chủ đầu tư. 

Trước khi bị “bêu tên” vì sai phạm tại dự án khu dân cư Hồ Học Lãm, cuối tháng 6.2018, từ kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất và tiến độ thực hiện dự án Khu dân cư (KDC) Bắc Rạch Chiếc tại quận 9 của Thanh tra TP.HCM, UBND TP.HCM đã chỉ đạo chuyển hồ sơ sang công an, đề nghị làm rõ sai phạm của cá nhân liên quan tại Địa ốc 10.

Theo đó, dự án KDC Bắc Rạch Chiếc có quy mô 82ha, tọa lạc tại phường Phước Long A (quận 9, TP.HCM) do Địa ốc 10 làm chủ đầu tư. Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định (số 282/QĐ-TTg ngày 15.3.2001) giao đất cho Công ty để xây dựng hạ tầng kỹ thuật trục chính. Sau khi hoàn chỉnh hạ tầng phải bàn giao đất để thành phố tiếp tục giao đất cho các nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, trước khi được Thủ tướng Chính phủ giao đất, các cá nhân tại Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV đã có dấu hiệu làm trái quy định của nhà nước khi ký hợp đồng nguyên tắc với CTCP Saca và Chi nhánh Vận tải phía Nam - Công ty Vận tải Ô tô 6 thuộc Cục Đường bộ, có nội dung giao đất cho đơn vị thực hiện dự án. Các cá nhân tại RES 10 cũng có hành vi ký hợp đồng kinh tế với Công ty Phát triển Hàng Hải và Công ty TNHH Thương mại Him Lam được tham gia làm nhà đầu tư thứ cấp trước khi dự án KDC Bắc Rạch Chiếc được Thủ tướng Chính phủ giao đất cho RES 10.

Xem chi tiết tại đây.

Thị trường bất động sản “rục rịch” những kế hoạch cho quý III

Con số ghi nhận từ các đơn vị CBRE, Savills, JLL cho thấy, trong nửa đầu năm, thị trường các phân khúc trầm lắng so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt phân khúc căn hộ. Nguyên nhân là do những tác động thông tin tiêu cực từ thị trường, nhất là vụ cháy chung cư Carina ảnh hưởng đến tâm lý người mua và đầu tư.

Tuy nhiên, giới phân tích và chuyên gia nhận định trong quý III, thị trường địa ốc được dự báo tươi sáng khi nhiều chủ đầu tư đã chuẩn bị đầy đủ về pháp lý dự án, sẵn sàng nguồn hàng để bung thị trường đón nhu cầu đến cuối năm. Bởi đây là thời điểm tâm lý mua căn hộ của khách hàng đã dần ổn định.

Tính riêng tại Hà Nội, theo báo cáo từ Savills, trong nửa cuối 2018, hơn 14.300 căn hộ sẽ gia nhập thị trường từ 20 dự án, trong đó, hầu hết là các căn hộ Hạng B và Hạng C. Trong khi đó, báo cáo của CBRE dự kiến đến hết năm sẽ có khoảng 32.000 căn hộ mở bán mới tại Hà Nội. Các chủ đầu tư ngày càng có kinh nghiệm hơn trong phát triển dự án và phân tích thị trường.

Ngoài ra, hai đơn vị nghiên cứu đều nhận định trong các quý sắp tới, dự kiến thị trường biệt thự và liền kề sẽ sôi động với hàng loạt các dự án bao gồm cả mở bán lần đầu và giai đoạn sau của các dự án khu đô thị quy mô lớn... Ngoài ra, một số dự án được kỳ vọng sẽ bắt đầu triển khai gồm Vincity Gia Lâm, Smart Town của BRG-Sumitomo.

Đánh giá những triển vọng cho thị trường vào cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam dự báo: “Trong quý III, thị trường giữ nhịp như quý II, lượng giao dịch có thể giảm, nhưng không đáng kể do tính thời vụ, thời tiết không thuận lợi, tháng ngâu. Quý IV sẽ sôi động hơn, giá bất động sản dự kiến tăng khoảng 3 - 5% so với 2017. Đáng chú ý, nguồn hàng đặc biệt là phân khúc nhà ở giá bình dân sẽ ra hàng nhiều hơn và phân khúc cao cấp sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt hơn.

Xem chi tiết tại đây.

Căn hộ chung cư bình dân Hà Nội: Nốt cao trong bản đồng ca

Tính trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng căn hộ chung cư ở Hà Nội được mở bán là 15.012 căn, trong đó nguồn cung ở phân khúc chung cư có mức giá bình dân vẫn chiếm đa số với 43,8% và lượng hấp thụ ở phân khúc này vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất. Nguồn cung chủ yếu vẫn tập trung ở các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm và Long Biên.

Về giao dịch, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, lượng giao dịch nhà ở chung cư tại Hà Nội tính trong quý II/2018 là 6.755 giao dịch, tăng mạnh khoảng 32,7% so với quý I/2018 và tăng 24,7% so với cùng kỳ 2017. Lượng sản phẩm được giao dịch chủ yếu vẫn nằm ở phân khúc chung cư có mức giá bình dân, chiếm 47,2% tổng lượng căn hộ chung cư giao dịch trong quý. Tiếp đó là chung cư trung cấp chiếm 40,8% và căn hộ chung cư cao cấp chỉ chiếm 12%.

Theo Savills Việt Nam, thị trường nhà ở tại Hà Nội đang hoạt động ổn định, các chỉ số đều cho thấy những tín hiệu tốt. Chỉ số nguồn cung mới và nguồn cung sơ cấp đang có tăng trưởng. Cụ thể, với sự góp mặt của 11 dự án mới và 31 dự án đã mở bán, lượng cung mới của quý II/2018 đạt 9.700 căn, tăng 77% so với quý I và 43% so với cùng kỳ năm 2017. Về nguồn cung sơ cấp, thị trường đang đạt 28.000 căn, tăng 17% so với quý trước và 14% so với cùng kỳ năm 2017. Số căn bán được cũng tăng 31% so với quý I/2018 và 11% so với cùng kỳ năm 2017. Giá bán sơ cấp có xu hướng giảm, trung bình đạt 1.160 USD/m2, giảm 7% so với quý I và 12% so cùng kỳ năm trước. Căn hộ tầm trung giữ ưu thế về thanh khoản khi chiếm đến 59% lượng tiêu thụ, căn hộ giá rẻ chiếm 38%, căn hộ cao cấp là 4%.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top