Aa

Chỉnh trang đô thị: Chuyện luẩn quẩn cái vỉa hè

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 03/04/2019 - 06:00

Hơn 100 tuyến phố nằm trong diện đề xuất lát vỉa hè bằng đá tự nhiên có thực sự làm đẹp đô thị Hà Nội hay vẫn là một vòng tròn lãng phí?

Cuối tháng 3, Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký ban hành "thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn", trong đó có khoảng 100 tuyến phố tại các quận, huyện, thị xã sẽ được lát vỉa hè bằng đá tự nhiên theo quyết định về thiết kế mẫu hè đường đô thị mới.

Quyết định này của Hà Nội một lần nữa lại nhận được những phản ứng trái chiều của dư luận, kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch. Thực tế, trong vòng 10 năm qua Hà Nội cũng đã lát đi lát lại vỉa hè nhiều tuyến phố, nhiều lần, gây lãng phí. Giờ cũng với quyết định này liệu Hà Nội có thể thực hiện một cách quyết tâm hơn, toàn diện hơn, và vật liệu tốt hơn hay không?

Theo tìm hiểu từ các tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng, tuổi thọ của một công trình nhà cửa hoặc cầu đường thường từ 20 - 25 năm. Tuy nhiên, vòng đời vỉa hè tại Hà Nội lại thật ngắn, từ năm 2010 đến nay, vỉa hè Hà Nội có ít nhất 3 lần “khoác áo mới”. Cụ thể, vào năm 2010 hầu hết nền gạch đỏ trên vỉa hè tại các quận trung tâm được thay thế bằng gạch block tự chèn với các loại gạch Terrazzo, lục giác…

Tiếp đến năm 2013 - 2014, vỉa hè nhiều tuyến phố lại được giao cho các quận chuyển sang lát gạch giả đá, riêng bó vỉa hè là đá xanh tự nhiên. Đến đầu năm 2017, chỉ sau hơn 2 năm sử dụng, loại gạch giả đá trên vỉa hè nhiều tuyến phố bị nứt, vỡ vụn. Thời điểm này, TP. Hà Nội cũng đưa ra kế hoạch giao cho các quận làm chủ đầu tư lát đá tự nhiên trên vỉa hè nhiều tuyến phố và đá tự nhiên này sau vài tháng được lát cũng bị nứt, vỡ.

Tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) đá nham nhở sau khi sử dụng hơn 1 năm.

Tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) đá nham nhở sau khi sử dụng hơn 1 năm.

Theo đại diện một số Ban quản lý dự án, nguyên nhân dẫn đến đá lát vỉa hè bị gãy vỡ là do ý thức người dân chưa cao để phương tiện cơ giới đi trên vỉa hè; vỉa hè vừa lát xong chưa qua 24 tiếng đã phải chịu sự tác động của người đi lại... Song, nhiều người dân Thủ đô cho rằng, đá vỉa hè bị gãy, vỡ là do thi công ẩu, chất lượng đá chưa đảm bảo, nền cốt vỉa hè kém... 

Một vấn đề khác, về đơn giá, đá để lát đá vỉa hè cũng có sự chênh lệch nhau khá lớn, từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng/m2. Độ dày, kích thước của đá lát cũng khác nhau. Nơi thì kích thước viên đá 30x30, chỗ lại 40x40.

Những đơn giá trên đều cao hơn gấp nhiều lần so với giá gạch tự chèn. Còn nhìn rộng hơn, để lát đá vỉa hè của toàn bộ hơn 900 tuyến phố của Hà Nội, số tiền sẽ lên tới cả nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền này đều được trích từ ngân sách của thành phố, của quận. 

Nhưng dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa thì kết quả cũng cho thấy sự thất bại của việc lát đá vỉa hè mà rộng hơn là kế hoạch chỉnh trang đô thị Hà Nội. Đó là chưa tính đến các vấn đề kinh tế. Chỉ tưởng tượng một khối lượng khổng lồ đá tự nhiên sẽ sử dụng để lát vỉa hè cho toàn thành phố thì chi phí sẽ lớn thế nào? Hơn nữa, khối lượng các núi đá sẽ bị khai thác phục vụ cho việc đó sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và môi trường nơi khai thác ra sao? Và những con đường mới lát đá hôm nào nay đã hỏng đã cho thấy sự lãng phí ngân sách quá kinh khủng. 

Giới phân tích cho rằng lát đá vỉa hè là một giải pháp về chỉnh trang đô thị nhưng quan trọng hơn, mục tiêu của nó là gì? Nếu các tuyến phố chỉ phục vụ cho việc đi bộ và kinh doanh thì giải pháp về chất lượng đá, độ dày, kết cấu nền sẽ rất khác với việc vẫn sử dụng giao thông hỗn hợp như hiện nay. Tùy theo khu vực mới nên lát đá hay không vì chỉ đi bộ thì đá rất lâu mới hỏng nhưng ôtô, xe máy đi lên thì sẽ chỉ vài năm là vỡ hết. Còn nếu có lát đá vỉa hè đồng bộ thì chỉ nên chọn những tuyến đường có hạ tầng hoàn chỉnh như tại khu vực quận Ba Đình, Hoàn Kiếm… để thực hiện, chứ không phải đường nào cũng làm được. Do đó, kế hoạch thực hiện cần cân nhắc kỹ và thống nhất được việc quản lý đô thị với các ban, ngành liên quan cùng quản lý như giao thông, điện, nước, chiếu sáng, viễn thông.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội: “Chủ trương chỉnh trang đô thị, làm thủ đô đẹp hơn là việc cần thiết, trong đó có lát đá vỉa hè. Đây là câu chuyện đã được nói nhiều trong vài năm trước, đó là phải quan tâm nhiều vấn đề như kinh phí đầu tư ra sao, có sân sau cung cấp vật liệu hay không. Bởi vốn dĩ câu chuyện lợi ích nhóm đã nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua. Tiếp đó là xem, dùng đá tự nhiên đã thật sự hợp lý chưa, có nên ồ ạt làm hay không? Thực tế, chỉnh trang đô thị không chỉ ở vỉa hè mà có rất nhiều việc chúng ta phải làm từ cây xanh, biển hiệu, vạch kẻ đường, dây điện… và vỉa hè không phải là câu chuyện quá cấp bách. Để không lặp lại câu chuyển lát đá vỉa hè của nhiều năm trước thì điều quan trọng là phải đảm bảo các yếu tố chất lượng vật liệu, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, chi phí hợp lý và bảo dưỡng thường xuyên mới có thể có kết quả tốt”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top