Aa

Cò tháo lui, giá đất Đà Nẵng hạ nhiệt

Thứ Năm, 25/04/2019 - 14:12

Cò tháo lui, giá đất Đà Nẵng hạ nhiệt; Mải phát triển du lịch, “bỏ quên” việc đồng bộ hạ tầng;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

Cò tháo lui, giá đất Đà Nẵng hạ nhiệt

Ngày 24-4, chúng tôi dạo quanh một số điểm nóng về BĐS tại Đà Nẵng sau nhiều động thái chấn chỉnh thị trường của chính quyền địa phương.

Theo một số đại lý BĐS tại quận Liên Chiểu, giá đất nền tại khu vực Tây Bắc Đà Nẵng thuộc các khu đô thị như Golden Hills, KimLong City… đang giảm sâu. Chỉ một tháng trước, đất đai tại đây bị giới “cò cá mập” dùng đủ chiêu trò thổi giá, đẩy một nền đất 100 m2 chạm ngưỡng 3,5-4 tỉ đồng. Nay một nền như vậy đang được rao bán 2,8-3,3 tỉ đồng.

Tại khu đô thị sinh thái Hòa Xuân và Nam Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thị trường cũng trầm lắng. Một nền đất 125 m2 tại Nam Hòa Xuân đang có giá khoảng 3,5 tỉ đồng nhưng rao bán chẳng ai mua. Trong khi trước đây, mức giá đến hơn 4 tỉ đồng. Vào các group mạng xã hội chuyên rao bán BĐS, cò đăng đi đăng lại một nền đất với “giá sập sàn” nhưng số người hỏi ngày càng ít.

Tại các xã thuộc huyện Hòa Vang, nơi chúng tôi từng phản ánh cơn sốt đất trong loạt bài “Cò đất náo loạn miền Trung”, khung cảnh giờ vắng ngắt. Theo ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, tình trạng tung tin đồn thổi giá đất nông thôn không còn diễn ra. “Giờ có ai hỏi mua đất ruộng vườn nữa đâu. Cò bay đi hết rồi” - ông Hành nói.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

ĐHĐCĐ Vietinbank 2019: Cổ đông nhắc nợ... cổ tức

Ngày 23/4/2019 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2019 và bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Một trong những tiêu điểm nổi bất trong kỳ họp ĐHĐCĐ 2019 là mặc dù đã được ĐHĐCĐ thông qua nhưng Vietinbank chưa thể chốt được phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 vì vẫn phải chờ phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Sang phần thảo luận, nhiều câu hỏi của cổ đông xoay quanh vấn đề cổ tức và chất vấn phương án xử lý trụ sở 10 nghìn tỷ đồng ở Ciputra.

Cổ đông hỏi, nếu không được tăng vốn, ngân hàng sẽ làm thế nào? Và bao giờ cổ đông được nhận cổ tức năm 2017?

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, cho biết, đối với câu hỏi của cổ đông về trường hợp nếu không được tăng vốn, Vietinbank hiện nay buộc phải tăng vốn mới có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng.

"Tỷ lệ cổ tức năm 2017 như đã trình cổ đông năm ngoái dự kiến là 7%. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị 7% sẽ chia bằng cổ phiếu, hoặc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ", ông Lê Đức Thọ trả lời câu hỏi.

Xem chi tiết tại đây

Khu công nghiệp và khu đô thị là “đôi bạn cùng tiến”

Gắn kết giữa khu công nghiệp và khu đô thị hướng tới những ngành nghề xanh tạo nên mô hình mới, đáp ứng được nhu cầu của mọi đối tượng và tạo nên giá trị gia tăng lớn cho xã hội.

Tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019 tổ chức ngày 23/4, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết, phát triển bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục rộng mở.

Ông Cung nhấn mạnh: “Hãy thử suy nghĩ, nếu một ngày, nền sản xuất tại các khu công nghiệp biến mất thì khu vực đó sẽ là thành phố hay quay trở lại là nông thôn. Chỉ có công nghiệp hóa mới là chìa khóa để nâng tầm quốc gia. Và khi đó, các khu công nghiệp không chỉ đơn thuần là nơi lao động sản xuất mà còn là nơi tạo nên cuộc sống xã hội. Đó là nơi tạo nên hệ thống những ngành dịch vụ và nhiều ngành nghề khác phát triển”.

Cùng quan điểm, ông Ngô Hữu Tiệp, CEO GIZA E&C cho hay, khác với mô hình nhà ở công nhân hiện nay chỉ phục vụ cho bản thân công nhân khu công nghiệp, mô hình quy hoạch đô thị công nhân lại được quy hoạch phát triển cho cộng đồng dân cư đa dạng với nhiều người, với bản thân cư dân là công nhân tại chỗ chiếm đa số. Các cư dân không làm công nhân trong các khu công nghiệp vẫn tham gia cung ứng các tiện ích sống trong khu đô thị.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hệ thống giao thông công cộng là cứu cánh hay gánh nặng của đô thị phát triển?

Các thành phố Châu Á đều đối mặt với thách thức: Sự bất đối xứng giữa hạ tầng đô thị và bất động sản.

Ví dụ của 3 thành phố ASEAN cùng cảnh ngộ với Hà Nội cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan của những dự án giao thông đô thị khổng lồ.

Nếu Hà Nội, Manila và Jakatar đang vật vã vì không có tiền đầu tư cho giao thông công cộng thì Bangkok (Thái Lan) đã có hệ thống GTCC đáng mơ ước với 2 tuyến MRT, 2 tuyến LRT; 1 tuyến BRT và taxi, xe bus trên bộ và đường sông. Tuy vậy chỉ có 40% chuyến đi sử dụng GTCC mặc dù vé được trợ giá.

TP 17 triệu dân đang là TP tắc nghẽn nhất Châu Á năm 2016. Người Bangkok lạc quan cho rằng “TP tắc nghẽn một lần mỗi ngày, thời gian tắc nghẽn là cả ngày”.

Mỗi TP đều có những hoàn cảnh kinh tế xã hội riêng nhưng khá giống nhau khi gặp khó khăn trong giai đoạn đầu phát triển thì trông chờ, vay mượn, nhập khẩu ý tưởng, thiết bị, tiền vốn từ bên ngoài để giải quyết những khó khăn nội tại... Và có chung kết quả thì không như mong đợi mặc dù đầu tư lớn, khó khăn thêm chồng chất và gánh năng nợ nần ngày một nhiều hơn.

Xem chi tiết tại đây

Mải phát triển du lịch, “bỏ quên” việc đồng bộ hạ tầng

Gần như năm nào vào thời điểm tháng 3, tháng 4, thị trấn Sa Pa (Lào Cai) đều phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch, nhưng năm nay việc thiếu nước diễn ra trầm trọng nhất khi nguồn nước chính đang bị cạn kiệt kéo dài.

Trao đổi với Reatimes, PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch cho biết, căn nguyên của tình trạng “khát” nước sạch ở Sa Pa hay nhiều khu du lịch khác hiện nay đều xuất phát từ công chuyện quy hoạch thiếu đồng bộ:

“Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật để phát triển du lịch ở Sa Pa đang chưa tính đến nhu cầu của lượng khách trong tương lai mà chỉ tính đến nhu cầu của dân số trong khu vực. Vì không dự báo trước được khả năng tăng lượng khách, đặc biệt là trong các mùa lễ và cả sự tác động của biến đổi khí hậu nên việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, khả năng cung cấp nước sẽ không tương ứng khi nhà máy cung cấp được được thiết kế nhỏ hơn so với nhu cầu, nhất là khi lượng khách du lịch đang quá tải như hiện nay”.

Rõ ràng, tình trạng "khát" nước sạch ở Sa Pa chỉ là một hiện tượng điển hình của việc quy hoạch thiếu đồng bộ, không phải chỉ ở Sa Pa mà còn ở nhiều nơi khác, không chỉ thiếu nước, mà còn nhiều hạ tầng du lịch không theo kịp tốc độ phát triển của thị trường bất động sản du lịch, tốc độ phát triển của các dự án.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top