Aa

Nhiều chủ đầu tư "phớt lờ" quy định dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội

Thứ Bảy, 12/11/2016 - 07:50

Theo kết luận vừa được Ban giám sát đô thị của HĐND TP Hà Nội công bố sau khi kết thúc đợt kiểm tra công tác quy hoạch đô thị và thực hiện quy định về xây dựng tại các quận huyện trên địa bàn TP cho thấy, nhiều chủ đầu tư các khu đô thị, dự án bất động sản đã không dành 20% quỹ đất cho mục đích nhà ở xã hội.

Nhiều chủ đầu tư đã không dành 20% quỹ đất cho mục đích nhà ở xã hội

Nhiều chủ đầu tư đã không dành 20% quỹ đất cho mục đích nhà ở xã hội

Quy định chưa... thống nhất

Theo đoàn giám sát, nhằm đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội tại các dự án bất động sản, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định của Luật Nhà ở về việc cắt lại 20% diện tích đất của dự án để xây nhà ở xã hội. Tuy nhiên, qua kiểm tra, hầu hết không được các chủ đầu tư chấp hành nghiêm túc.

Cụ thể, theo quy định của Hà Nội, trong quá trình lập quy hoạch chi tiết các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên phải dành 25% diện tích đất ở hoặc 25% diện tích nhà ở để phát triển nhà ở xã hội, không phân biệt vị trí dự án thuộc khu vực đô thị hoặc khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ, đối với dự án có quy mô trên 10ha tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị loại 3 trở lên mới phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội. Chính quy định không thống nhất này giữa Chính phủ và UBND thành phố đã khiến hầu hết các dự án “ngó lơ” quy định của Hà Nội.

Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thừa nhận, đối với các dự án nhà ở thương mại việc dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội còn buông lỏng, triển khai rất chậm và có nhiều vi phạm cần có giải pháp xử lý nghiêm các dự án còn tồn đọng. 

Do vậy trong thời gian tới các dự án mới cần tập trung vào một phương án duy nhất: Bắt buộc chủ đầu tư nhà ở thương mại phải xây dựng đồng thời với nhà ở xã hội (Giá rẻ: diện tích 25 - 45m2, vật liệu thông thường…) để chủ dự án quản lý đồng bộ toàn dự án (không nên có phương án chuyển lại cho nhà nước xây dựng). Nhà nước tập trung quản lý quy hoạch, chất lượng và giá thành như: Thông qua hình thức phê duyệt khu vực 20% nhà ở xã hội, hình thức bắt buộc khi bán nhà ở thương mại đồng thời với bán nhà ở xã hội…

Nguồn kinh phí đầu tư cho nhà ở xã hội nói chung và cho người thu nhập thấp nói riêng cần được quốc hội, Hội đồng Nhân dân thông qua hàng năm (nên quy định tỷ lệ tối thiểu % trong ngân sách nhà nước là tốt nhất).

"Công tác phân cấp giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng thực hiện, đặc biệt cần có sự phối hợp của Hội đồng Nhân dân và Liên đoàn lao động địa phương để kiểm tra thực hiện" - ông Hùng khẳng định.

Cần tiếp sức cho doanh nghiệp

Một doanh nghiệp cũng thừa nhận, quy định buộc doanh nghiệp phải dành 20% đất của một dự án bất kỳ để làm nhà ở xã hội là không phù hợp. Doanh nghiệp này lý giải: "Có những dự án doanh nghiệp đã phải cắt 20% đất làm trường học. Do đó, nếu tiếp tục phải dành thêm 20% để làm nhà ở xã hội, thì đất kinh doanh chỉ còn 60%, trong khi vẫn phải đóng tiền sử dụng đất 100% diện tích".

Về phân khúc nhà ở xã hội cho thuê, qua khảo sát có thể thấy, cầu của phân khúc này tỷ lệ nghịch với cung khi các dự án chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc hàng trăm người thu nhập thấp chen nhau nộp hồ sơ thuê căn hộ như tại dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden, Đại Kim… mới đây đã chứng tỏ thị phần này rất phát triển và cần được khai phá.

Sự thiếu hụt phân khúc nhà ở xã hội cho thuê, bản thân các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho biết, vấn đề khó khăn đầu tiên chính là quỹ đất. Ngay cả quỹ nhà ở xã hội nói chung hiện nay cũng còn thiếu nói gì đến nhà ở xã hội dành cho thuê, thuê mua lại. Hà Nội muốn đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội phải rà soát lại toàn bộ quỹ đất. Một dự án xa trung tâm quá cũng không thể phát triển loại hình nhà ở này.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà, cần xây dựng khung pháp lý cụ thể với phân khúc cho thuê, mở đường cho doanh xây dựng hướng đầu tư dài hơi bằng cách hỗ trợ nhiều nguồn vốn với lãi suất khoảng 4-5%/năm, như vậy doanh nghiệp mới có lực đủ mạnh để đầu tư vào phân khúc nhà ở cho thuê giá rẻ này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top