Aa

Có thể cải tạo những con sông “thối” ở Hà Nội, Kỳ 5: “Đây là dự án có tính bền vững, khả thi cao, nhiều lợi ích vô cùng lớn”

Thứ Tư, 09/11/2016 - 15:15

Đó là nhận xét của KS. Nguyễn Trường Duy, nguyên Phó chi cục Quản lý nước và nguyên Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình của Sở Nông nghiệp &PTNT; Hà Nội. Với nhiều năm lăn lộn với các công trình xây dựng phục vụ tưới tiêu cho từng mảnh ruộng, từng con kênh nhỏ dẫn nước ở mọi ngóc ngách của Hà Nội, ông rất tâm đắc với ý tưởng này và coi đó là một phương án bền vững lâu dài, ít tốn kém nhất, có tính khả thi cao để có thể cải tạo hiệu quả những con sông “thối” của Hà Nội. Reatimes xin đăng bài viết của ông về vấn đề này.

Thiên nhiên đã ban tặng cho Thủ đô Hà Nội một ưu thế về dòng chảy vô cùng thuận lợi, đó là con sông Đà ở địa giới phía tây Hà Nội có dòng chảy đi từ phía Nam lên phía Bắc hòa chung với sông Hồng tại xã Phong Vân, huyện Ba Vì. Trong khi đó, cao độ địa hình của vùng này lại có độ dốc từ Ba Vì xuống phía Nam và từ Tây sang Đông, ngược với chiều dòng chảy của sông Đà. Chúng ta nên lợi dụng địa thế này đón đầu nguồn nước từ cuối sông Đà chảy theo sông Tích về đến Sơn Tây. Tại đây làm mới cống điều tiết và tuyến dẫn nước đi theo hướng đường trục Tây Thăng Long, tiếp nước cho sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch và Hồ Tây.

1. Từ thực tế và ý tưởng trên, đề tài khoa học “Nghiên cứu giải pháp công trình, lấy nước tự chảy cho sông Đáy, sông Nhuệ và sông Tô Lịch” lấy từ nguồn nước mặt sông Đà sau cống Lương Phú - Ba Vì, đã được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội mời thầu với mã số 01C-05/12-2012-2. Trường đại học Thủy Lợi đã chủ trì nghiên cứu triển khai thực hiện từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2013. Với 25 báo cáo các chuyên đề đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Thành phố tổ chức xem xét và nghiệm thu, kết luận đề tài có tính khả thi cao. Song để triển khai tiếp thành đề án và bổ sung quy hoạch theo quy định nhưng do thiếu nguồn lực nên chưa thực hiện được.

Sông Nhuệ ô nhiễm ở mức độ đáng báo động.

Sông Nhuệ ô nhiễm ở mức độ đáng báo động.

2. Về hạ tầng công trình: Cống Lương Phú lấy nước từ sông Đà đã được khởi công xây dựng từ ngày 17/05/2010 đến nay cơ bản đã hoàn thành. Cống có hai tầng cửa, mỗi tầng gồm 3 cửa, mỗi cửa rộng 6,0m, cao 3,5m. Cao trình đáy cống lấy nước mùa kiệt +5,50m, cao trình đáy cống lấy nước mùa lũ +10,00m. Cống được thiết kế với mực nước báo động lũ cấp I là +16,5m; Mực nước báo động lũ cấp II là +17,5m; Mực nước báo động lũ cấp III là +18,5m; Mực nước kiểm tra lũ tần xuất (P=0,5%) là +20,11m và (P= 0,1%) là +20,54m.

Lưu lượng qua cống phụ thuộc vào mực nước thượng và hạ lưu cống. Từ sau cống Lương Phú đến cầu Ái Mỗ là con sông Tích với lưu lượng thoát lũ khoảng 200m3/s đang được triển khai thi công (thuộc dự án “Tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích”) nên không cần mở rộng thêm. Đầu tư xây dựng trục dẫn mới từ cầu Ái Mỗ đi theo trục đường Tây Thăng Long về đến sông Nhuệ và sông Tô Lịch, những vị trí cắt qua đường quốc lộ và đi qua đê Đáy hoặc những vị trí khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng có thể làm xi phông hoặc đường ống đi ngầm sẽ không ảnh hưởng đến kiến trúc trên mặt đất, chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng không lớn.

Kẻng Mỏ - ngọn nguồn của sông Đà trên đất Việt.

Kẻng Mỏ - ngọn nguồn của sông Đà trên đất Việt.

3. Nguồn nước sông Đà luôn ổn định cả về mùa kiệt (mỗi tổ máy phát điện của Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình có lưu lượng 300m3/s, nếu vận hành cả 8 tổ lưu lượng là 2.400m3/s). Vào mùa kiệt khi mực nước sông Đà thấp (do đáy sông bị bào mòn) có thể dùng công trình tạm (đập dâng cao su) nâng mực nước trước cống Lương Phú khoảng +13,0m.

Từ cống Lương Phú đi theo sông Tích đến cầu Ái Mỗ (cuối địa phận thị xã Sơn Tây) dài 36,7km, với độ dốc đáy sông hiện tại i= 0.00007, mực nước tại cầu Ái Mỗ khoảng +10,0m. Tại vị trí này xây dựng cửa chia nước và xây dựng mới tuyến kênh hoặc đường hầm tuy nen đi theo đường trục Tây Thăng Long đến sông Đáy (tại khu Hiệp Thuận) dài khoảng 12km. Từ sông Đáy về đến sông Nhuệ (tại khu Cầu Diễn) dài khoảng 18km và từ sông Nhuệ về sông Tô Lịch (tại khu Dịch Vọng) dài khoảng 04,0km.

Theo quy trình vận hành của Hệ thống sông Nhuệ, mực nước tưới sau cống Liên Mạc từ +3,0m đến +3,5m là đủ cao trình tạo dòng chảy tưới cho cả hệ thống. Sông Tô Lịch có cao độ đáy lòng dẫn khoảng ± 1,0m, chọn mực nước sông khoảng ± 3,0m là tạo được dòng chảy về hạ du. Vậy từ Sơn Tây về đến sông Nhuệ dài khoảng 30km, về đến sông Tô Lịch dài khoảng 34km mà có có độ chênh mức nước từ 6,0m đến 7,0m thì việc khai thác nguồn nước tự chảy là rất khả thi, không cần đến phương án xây dựng trạm bơm bằng động lực.

4. Về lưu lượng lấy khoảng 100m3/s đến 120m3/s (thấp hơn tổng lưu lượng hiện tại của các công trình đầu mối hiện nay (sông Tích 60m3/s, trạm bơm Phù Sa 12m3/s, sông Đáy 36m3/s, trạm bơm Đan Hoài 10m3/s, sông Nhuệ 40m3/s) trên cơ sở đó sẽ điều tiết lưu lượng vào các trục tưới, tiêu theo từng thời điểm để phục vụ sản xuất và kết hợp tạo dòng chảy cho các con sông nên sẽ không làm ảnh hưởng đến việc chia sẻ lượng nước của các địa phương khác vùng hạ du.

5. Chủ động được trong công tác chống úng ngập. Vào mùa lũ, cống Lương Phú chỉ lấy với lưu lượng tối thiểu trong hệ thống, khi dự báo thời tiết có mưa, đóng kín cống Lương Phú, đồng thời mở toàn bộ các cống điều tiết trên trục sông tiêu về sông Đáy để không vùng nào bị ngập úng.

KS. Nguyễn Trường Duy (người chỉ tay bản đồ) cùng các đồng nghiệp trong khi thực hiện đề tài nghiên cứu.

KS. Nguyễn Trường Duy (người chỉ tay bản đồ) cùng các đồng nghiệp trong khi thực hiện đề tài nghiên cứu.

6. Hiệu quả đầu tư:

- Về giải phóng mặt bằng, tận dụng công trình cũ đoạn sông Tích dài 36,7km, đoạn xây dựng mới kết hợp với hành lang của trục đường Tây Thăng Long nên chi phí giải phòng mặt bằng sẽ rất nhỏ so với tổng mức đầu tư của dự án.

- Giải pháp thi công, nước ta đã hội nhập với các nước tiên tiến trên thế giới nên thiết bị thi công đã có nhiều công nghệ mới, hiện đại, giá thành xây dựng sẽ thấp, thời gian thi công nhanh.

- Nguồn nước sông Đà sau thủy điện Hòa Bình trong và sạch không có phù sa (vì đã được lắng đọng trên 03 bậc thang hồ thủy điện lớn (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình), nước trong và sạch, đủ tiêu chuẩn cung cấp cho trồng rau sạch, tưới hoa, cây xanh, rửa đường vệ sinh đường phố, cấp nguồn cho các ao, hồ lớn để nuôi trồng thuỷ sản và phục vụ cho các ngành kinh tế khác. Giải quyết được tận gốc cho việc cấp nguồn ổn định tạo ra được dòng chảy tự nhiên thường xuyên trên các con sông nội thành, lấy lại môi trường nước sông trong xanh, sạch đẹp, tạo không khí thoáng mát cho khu vực hai bên bờ các con sông.

- Khi dòng sông có nước chảy, chất lượng nước trong và sạch, sẽ thu hút được du lịch thuyền trên sông và các dịch vụ hai bên bờ các con sông, Thành phố sẽ “hái ra tiền” thu từ các dịch vụ này, thời gian hoàn vốn nhanh và còn mang lại mỹ quan, môi trường cho Thủ đô Hà Nội xứng tầm là Thành phố hòa bình, xanh, sạch đẹp và bền vững.             

- Đập dâng tạm trong mùa kiệt cuối sông Đà sẽ tạo ra mực nước cao ổn định ở lòng sông, tạo điều kiện thuận tiện cho vận tải thủy từ Ba Vì lên Hoà Bình không bị mắc cạn vào mùa kiệt như những năm vừa qua, đồng thời giảm bớt mật độ xe tải theo đường bộ, giảm giá thành vận chuyển hàng hóa cho khu vực miền núi phía Tây Bắc.

- Về vốn đầu tư, đoạn sông Tích từ cống Lương Phú xã Thuần Mỹ của huyện Ba Vì đến cầu Ái Mỗ thị xã Sơn Tây đã được đầu tư theo dự án “Tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích”. Đoạn kênh dẫn tiếp theo về đến sông Đáy, sông Nhuệ và sông Tô Lịch dài khoảng 34km, đề nghị những đoạn kết hợp được dịch vụ, du lịch sẽ tổ chức đấu thầu lấy kinh phí đầu tư hoặc quản lý theo hình thức PPP.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top