Aa

GS Đặng Hùng Võ: “Giờ mới thu thuế BĐS thứ 2 là quá chậm và có phần phiến diện”

Thứ Tư, 02/11/2016 - 21:00

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng không chỉ đánh thuế lũy tiến vào BĐS thứ 2, thứ 3 mà còn phải nâng toàn bộ thuế nhà đất cao lên thì mới có thể giải quyết được nhiều vấn đề còn đang tồn tại.

Liên quan đến thông tin Bộ Tài chính đang có dự định đánh thuế tài sản mang tính trực thu, trong đó có việc đánh thuế vào các BĐS thứ 2, thứ 3 trở lên, mới đây GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ với Reatimes những quan điểm của ông về vấn đề này. 

PV: Từng nhiều lần nêu ý kiến về việc cải cách thuế BĐS, ông đánh giá thế nào về ý định thu thuế BĐS thứ 2, thứ 3 trở lên của Bộ Tài chính? 

GS Đặng Hùng Võ: Chúng ta phải có cải cách lớn về thuế BĐS, nếu không cải cách thì mãi mãi chúng ta không phát triển được, mãi mãi thị trường BĐS Việt Nam sẽ luôn luôn rơi vào nghịch lý giá BĐS trung bình cao hơn thu nhập của người lao động trung bình. 

Tôi cho rằng việc bây giờ mới có ý định áp dụng đánh thuế lũy tiến tài sản BĐS thứ 2 thứ 3 là quá chậm và có phần phiến diện. Quan điểm của tôi là cần nâng toàn bộ thuế nhà đất cao lên trong đó có đánh lũy tiến vào đất và nhà dư thừa (nhiều hơn hạn mức).  

GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

PV: Có thể thấy rằng, hiện nay chúng ta đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư  công, thâm hụt ngân sách, không có nguồn thu, bội chi cao, nợ công... nhưng dường như thuế BĐS lại chưa phát huy được vai trò của nó trong việc góp phần vào công cuộc phát triển hạ tầng liên quan trực tiếp đến BĐS. Đây phải chăng là một nghịch lý mà chúng ta chưa giải quyết được? 

GS Đặng Hùng Võ: Thực tế, chúng ta đang lãng quên việc chi trả cho những tiện ích tốt mà chúng ta được thụ hưởng thông qua thuế, nên mới không thể giải tỏa tình trạng thâm hụt ngân sách, thiếu ngân sách, thiếu nguồn thu ngân sách. 

Ở các nước trên thế giới, thuế BĐS đã mang lại nguồn thu đủ để nâng cấp, phát triển đô thị, nâng cấp hạ tầng, dịch vụ công cộng dựa trên nguyên tắc tất cả những người thụ hưởng hệ thống tiện ích này đều phải “trả phí” thông qua thuế. Những quốc gia này không phải “loay hoay” để tìm nguồn vốn phát triển đô thị, phát triển các dự án đầu tư công. 

Tuy nhiên ở nước ta, thuế rất thấp, nhà nước luôn phải đi tìm nguồn vốn ODA cho các khoản đầu tư công và thực tế là chúng ta không có nguồn thu. Điều này tự nhiên hình thành cơ chế là mọi người ở đô thị của ta rất sướng, được tận hưởng mọi dịch vụ công cộng hiện đại, hạ tầng hiện đại nhưng không phải trả bất cứ một chi phí nào. Đó là bất công! 

PV: Như vậy tức là mỗi người đang sử dụng BĐS và thụ hưởng những tiện ích, hạ tầng công cộng đều phải có trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Nhưng dường như ở nước ta điều này chưa được thể hiện rõ ràng, thưa ông? 

GS Đặng Hùng Võ: Chúng ta đang có mức thuế đất quá thấp, chỉ 0,03% giá nhà nước trong khi ở các nước khác là 1 - 1,5% giá thị trường. Việc mức thuế thấp như vậy khiến cho người đóng thuế không có cảm giác là mình đang phải mang trách nhiệm đóng thuế, bởi với mức thuế chỉ khoảng 1 triệu - 2 triệu đồng một năm không nhằm nhò gì so với tổng thu nhập của một người, chưa nói là một gia đình.

Vì vậy, chúng ta tăng thuế là để người sử dụng BĐS có động lực để phải khai thác BĐS mà mình sở hữu để nó sinh lợi, không phải cứ mua để đó là được bởi như vậy thì BĐS sẽ chết, đó là nghịch lý, đi ngược lại quy luật chung.  

PV: Nhưng thưa ông, người dân nước ta có thu nhập thấp nên mức thuế thấp là lẽ dĩ nhiên? 

GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng hệ thống thuế của chúng ta còn chưa phù hợp với cơ chế thị trường trong đó bất hợp lý nhất là thuế BĐS. Việc cho rằng vì thu nhập thấp nên thuế phải thấp mới phù hợp là quan điểm lệch lạc. Bởi chúng ta hoàn toàn có thể miễn thuế cho những người phải sống trên những thửa đất giá trị thấp, còn những người sống trên những khu đất có giá trị cao thì phải nộp thuế càng cao. Nguyên tắc này mới công bằng. 

PV: Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng nếu tăng thuế và đánh thuế vào BĐS thứ 2 trở lên sẽ làm giảm số lượng giao dịch BĐS, tụt giá BĐS, người dân thì sợ mình phải chịu thuế chồng thuế... Vậy phải chăng chính sách thuế mới này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường BĐS trong nước thưa Giáo sư? 

GS Đặng Hùng Võ: Thực tế hoàn toàn ngược lại, việc tăng thuế nhà đất và đánh thuế vào BĐS dư thừa không hề ảnh hưởng đến việc giảm số lượng giao dịch trên thị trường theo hướng tiêu cực như nhiều người nhầm tưởng mà giao dịch sẽ vẫn cao, chỉ có điều khách mua sẽ phải cân nhắc về việc khai thác BĐS thế nào rồi mới quyết định mua, chứ không phải mua rồi để đấy. 

Cụ thể, ở Mỹ, để mua được một ngôi nhà có khi chỉ 100.000, 200.000, 500.000 USD, một biệt thự sang trọng chắc cũng chỉ đến 1 triệu USD. Tuy nhiên để mua thì dễ nhưng mua rồi câu chuyện trả thuế cho ngôi nhà đó mới là vấn đề, người ta sẽ phải tính toán làm thế nào để đủ thu nhập trả thuế cho BĐS của mình. Như vậy người có tiền thì mua nhà, không có tiền thì đi thuê nhà xã hội; người thu nhập cao thì mua nhà giá trị cao, người thu nhập thấp thì mua nhà giá trị thấp. Điều này vô hình chung tạo ra được một thị trường mà các giao dịch BĐS đều từ nhu cầu thực, rất “chất”. 

Việt Nam thì ngược lại, chúng ta có thuế thấp cứ tưởng là tiến bộ nhưng thực tế lại làm giá trị BĐS bị đẩy lên cực cao, gây bất lợi về phát triển kinh tế. Việc áp dụng sắc thuế mới sẽ làm giá BĐS giảm xuống, nhưng điều đó không phải xấu. Chúng ta sẽ không bao giờ có khả năng phát triển kinh tế khi giá BĐS cứ cao ngất ngưởng. Người có nhu cầu thực sự thì không mua được nhà, mà chúng ta lại chưa có hệ thống nhà ở cho thuê vì vậy bài toán chiến lược nhà ở lại không giải quyết được. 

PV: Nhân nói đến việc những người có nhu cầu lại không mua được nhà bởi giá BĐS hiện nay quá cao, chúng ta phải thừa nhận rằng điều đó một phần là bởi nạn đầu cơ tích trữ. Nếu chính sách thuế mới được áp dụng hứa hẹn sẽ phần nào giải quyết được tình trạng này, nhưng theo ông làm thế nào để có thể hiện thực hóa được sắc thuế mới đồng thời triệt tiêu được những bất cập như lách luật bằng cách nhờ người khác đứng tên...? 

GS Đặng Hùng Võ: Nếu làm tốt, việc đánh thuế vào BĐS thứ 2 trở lên chắc chắn sẽ giải quyết được tình trạng đầu cơ tích trữ và xóa sổ các khu đô thị ma.

Trước đây, vì thuế BĐS quá thấp nên các nhà đầu tư thứ cấp dù tích trữ BĐS bao nhiêu cũng không phải trả thuế nhiều, găm đến bao giờ cũng được. Nhưng nếu bây giờ chúng ta áp dụng đúng với cả các gia đình cá nhân và doanh nghiệp, nếu là đất thì đánh thuế đất, khi hình thành tài sản trên đất thì đánh thuế tài sản. Dựa trên giá thị trường hoặc giá nhà nước phù hợp thị trường mà đánh thuế, nhân với tỷ suất thuế là ra tiền phải nộp.

Các doanh nghiệp có đất để đó thì phải chịu thuế đất, xây nhà lên thì phải chịu thuế nhà, khi bán được cho khách hàng tiền thuế sẽ được “chuyển” sang cho khách sở hữu nhà. Như vậy doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực hết sức để bán sản phẩm, sẽ không còn các khu đô thị ma hay các khu đất hoang nằm phơi nắng phơi mưa nhiều năm đằng đẵng nữa.

Về việc nhờ người thân đứng tên BĐS để lách luật, tôi cho rằng dù có xảy ra cũng chỉ đến một mức nào đó nhất định chứ không thể xảy ra mãi được vì ai cũng sẽ phải cân nhắc việc đưa đất của mình cho người khác đứng tên.

PV: Vậy là không chỉ góp phần thúc đẩy người dân khai thác BĐS để sinh lời, kìm hãm đầu cơ tích trữ, việc nâng cao thuế nhà đất và đánh thuế lũy tiến còn mang lại những ảnh hưởng tích cực cho thị trường BĐS và an sinh xã hội. Tuy nhiên hiện tại, đại diện Bộ Tài chính nói rằng vẫn đang nghiên cứu việc áp dụng sắc thuế mới, vậy theo ông để thực hiện sắc thuế mới chúng ta phải áp dụng lộ trình như thế nào để chính sách này sớm phát huy ảnh hưởng tích cực? 

GS Đặng Hùng Võ: Theo quan điểm của tôi, việc nâng cao thuế BĐS hay đánh thuế lũy tiến BĐS thứ 2 trở lên vừa làm được nhiệm vụ đưa giá BĐS xuống thấp; điều phối được dân cư, những người muốn di cư về các đô thị lớn cũng phải tìm kiếm các công việc phù hợp chi trả được khoản thuế này; muốn nâng cấp đô thị, phát triển hạ tầng cũng đã có nguồn vốn mà không cần vay mượn hay tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước; ngăn ngừa đầu cơ tích trữ, tích tụ bong bóng thị trường BĐS; rồi có vốn để trích vào khu vực NƠXH an sinh xã hội... 

Tuy nhiên, dù mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực như vậy nhưng chúng ta cũng chưa thể thay đổi ngay lập tức bởi có thể gây sốc, chưa chắc đã phải tốt. Có thể định hướng theo hướng tăng dần, để người dân hình thành tư duy thuế BĐS chính là từ thu nhập của mình, ảnh hưởng đến thu nhập của mình, đến mức phải cân nhắc trước khi ra quyết định mua một BĐS. Sau đó có thể áp dựng từ từ, trong 5 - 10 năm tới thì tăng từ 0,03% giá nhà nước lên 0,15%, rồi thay đổi từ đánh thuế theo giá nhà nước đến đánh thuế theo giá nhà nước phù hợp thị trường... 

PV: Xin cảm ơn ông! 

Liên quan đến vấn đề này, mới đây trao đổi với báo chí, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết quy định đánh thuế sở hữu nhà từ cái thứ 2, thứ 3 trở đi mới chỉ là định hướng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cũng cho biết Bộ Tài chính đã giao Vụ Chính sách thuế nghiên cứu dự thảo đánh thuế nhà ở, nhất là những chủ thể có từ 2 - 3 nhà trở lên. Tuy nhiên cũng theo ông Hải nhiều khả năng trong năm 2017 chưa thể áp dụng sắc thuế này vì phải có thời gian xây dựng, nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ thu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top