Hà Nội: Muốn vào phố đi bộ phải để xe ở đâu?

Hà Nội thông báo mở rộng không gian, tuyến phố đi bộ trong khu vực phố cổ, bờ hồ Hoàn Kiếm khiến nhiều người dân băn khoăn đặt câu hỏi, muốn vào phố đi bộ phải để xe ở đâu?

00:42 30/08/2016

UBND TP Hà Nội mới thông qua phương án phát triển không gian đi bộ khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Dự kiến ngày 1/9 UBND quận Hoàn Kiếm bắt đầu triển khai phương án này.

Thời gian hoạt động của không gian đi bộ khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận là 3 tối cuối tuần (thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật) và các ngày 30/4, 1/5, 2/9, 10/10, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Giờ hoạt động mùa hè từ 19h đến 2h sáng, mùa đông từ 18h đến 2h sáng. 

Như vậy, cộng thêm 6 tuyến phố đi bộ từ năm 2014, không gian đi bộ sẽ tăng lên 16 tuyến phố và 1 quảng trường Nhà hát Lớn. Đây là một vùng rộng chiếm gần hết khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm, trung tâm Hà Nội.

Mướt mồ hôi tìm chỗ để xe

Việc mở rộng không gian đi bộ là một đề xuất đúng đắn của quận Hoàn Kiếm được người dân Thủ đô quan tâm, ủng hộ. Tuy nhiên, việc mở rộng không gian đi bộ trên một địa bàn rộng cũng cần cân nhắc thêm các yếu tố hỗ trợ, cơ sở hạ tầng giao thông và đời sống của người dân trong khu vực đi bộ và vùng phụ cận.

Mật độ giao thông trong khu vực phố cổ ngày một đông, trong khi những điểm trông giữ phương tiện ở các khu vực phụ cận lại rất hạn chế.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hiện nay, ngoài vài điểm trông giữ phương tiện trên phố Nguyễn Xí, Đinh Lễ, trước Bưu điện Hà Nội, Đinh Tiên Hoàng (đoạn gần đài phun nước), chợ Đồng Xuân... luôn trong tình trạng quá tải, chưa đáp ứng được nhu cầu trông giữ phương tiện cho người dân và du khách trước khi vào khu vực 6 tuyến đi bộ đã triển khai từ 2014.

Nếu mở rộng thêm không gian đi bộ lên 16 tuyến phố cũng đồng nghĩa với việc các điểm trông giữ phương tiện sẽ xa hơn, trải trên một địa bàn rộng hơn.

Thực tế, từ năm 2004 khi Hà Nội tổ chức phố đi bộ Hàng Ngang - Hàng Đào và mới đây, năm 2014 thêm các tuyến mở rộng như: Đào Duy Từ, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện... nhiều vấn đề bất cập cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Những dịp lễ, Tết, khi ngành chức năng cấm phương tiện lưu thông khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, người dân phải mướt mồ hôi mới gửi được chiếc xe máy ở cách đó cả con phố với giá vé “cắt cổ”.

Những ý tưởng về xây dựng các bãi gửi xe cho người dân, sử dụng xe buýt cũng không mấy khả thi vì không gian chật hẹp của khu vực phố cổ rất khó để quy hoạch những bãi gửi xe cho người dân...

Trả lời trên báo Giao thông, KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cũng đặt nghi ngại về vấn đề tổ chức giao thông. Ông nêu một dẫn chứng: “Tuyến phố Đinh Tiên Hoàng - Lê Thái Tổ - Hàng Khay chạy quanh Hồ Gươm được người Pháp quy hoạch theo loại hình boulevard, nghĩa là đường trục trung tâm có trồng cây. Trục giao thông này giữ vai trò quan trọng như một tuyến đường xuyên tâm Bắc - Nam của Hà Nội. Nếu cấm xe, việc đảm bảo không tắc nghẽn tại các tuyến phố nhỏ chạy song song với trục đường này cần được tính rất kĩ”.

Sở Giao thông - Vận tải đã chuẩn bị gì?

Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã có phương án chi tiết tổ chức không gian đi bộ khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Theo đó, các tuyến đường giao thông quanh hồ là: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, 1/2 đường Lê Thái Tổ phía bên hồ Hoàn Kiếm, đoạn từ Hàng Trống đến Hàng Khay; khu vực phụ cận gồm: Phố Lê Lai, đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ; phố Lê Thạch; phố Trần Nguyên Hãn, đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ; phố Đinh Lễ; phố Nguyễn Xí; phố Tràng Tiền, đoạn từ Ngô Quyền đến Hàng Bài; phố Lò Sũ, đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Nguyễn Hữu Huân; phố Hàng Dầu, đoạn Đinh Tiên Hoàng đến Cầu Gỗ; phố Hồ Hoàn Kiếm; phố Lương Văn Can, đoạn từ Hàng Hành đến Lê Thái Tổ; phố Hàng Bài, đoạn từ Hai Bà Trưng đến Hàng Khay; phố Bảo Khánh, đoạn từ ngõ Bảo Khánh đến Lê Thái Tổ.

Lực lượng chức năng bố trí 17 chốt (vòng 1), kết hợp hệ thống biển báo “Đường cấm”, cấm triệt để các phương tiện lưu thông vào khu vực trên. Vòng 2, gồm 13 chốt, hướng dẫn, hạn chế các phương tiện vào các khu vực cấm; phân luồng chống ùn tắc giao thông. Ngoài ra, bố trí 23 chốt phân luồng từ xa, chống ùn tắc giao thông tại các nút, tuyến đường, phố liên quan; điều chỉnh lộ trình của một số tuyến xe buýt và các phương tiện vòng tránh.

Dự kiến có 78 điểm trông giữ ô tô, xe đạp, xe máy, với diện tích gần 17.400 m2, sức chứa 87 xe du lịch, 607 xe ô tô con, 2.751 xe đạp, xe máy, phục vụ du khách và nhân dân tham quan khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận