Aa

“Hãy đồng hành với kinh tế tư nhân Việt Nam!”

Chủ Nhật, 04/08/2019 - 05:31

Thiếu tôn trọng sở hữu tư nhân trong một thời gian dài làm cho xã hội ta, đất nước ta đã và đang phải trả giá đắt, rất đắt. Tôi rất vui là hiện nay, Đảng và Nhà nước đang chú trọng khắc phục điều này.

Vốn là cán bộ cấp vụ từ hồi còn rất trẻ năm 1987 ở cơ quan tham mưu giúp việc cho Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, được tham gia vào quá trình gần 10 năm cải tiến quản lý, cải cách kinh tế và đổi mới của đất nước, thế mà ông đã đột ngột “bẻ ngoặt” sự nghiệp sang tham gia điều hành một Tổng công ty Nhà nước, rồi lại “ngoặt” lần nữa sang làm kinh tế tư nhân năm 1989. Một khối lượng thông tin và kiến thức phong phú, sinh động và hấp dẫn, phổ quát từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc trong suốt 30 năm, qua cuộc phỏng vấn giữa nhà báo Nguyễn Hoàng Linh (Thường trực Hội đồng biên tập của Reatimes) và ông sẽ hy vọng đem đến cho bạn đọc nhiều điều thú vị...

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh: Thưa ông, cách đây 30 năm, khi ấy ông đang làm quan chức cấp cao, trẻ và đầy triển vọng trong bộ máy Nhà nước, lý do gì khiến ông “bẻ ngoặt” sang sự nghiệp kinh doanh tại một doanh nghiệp Nhà nước?

Ông Bùi Huy Hùng: Chuyện quan trường, rồi thương trường của tôi thời trai trẻ đúng là có nhiều điều lý thú, không giống ai. Có thể nói là không bình thường. Vào đầu năm 1987, đang làm cán bộ cấp vụ, được may mắn làm việc ở cơ quan tham mưu giúp việc cho Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, được tham gia vào quá trình gần 10 năm cải tiến quản lý, rồi cải cách kinh tế và đổi mới, tôi quyết định xin đi cơ sở. Hồi đó, chưa có chủ trương rõ ràng về quy hoạch, luân chuyển cán bộ theo quy trình chặt chẽ như bây giờ. Tôi “tự luân chuyển” bằng việc thuyết phục sếp lớn cho đi, trình bày nguyện vọng với Thủ trưởng nơi nhận với một lý do duy nhất: Xin được về một Tổng công ty nào đó để được “cọ xát” với thực tiễn. Thực sự là như vậy. Thế hệ anh em chúng tôi khi đó ham hiểu biết, muốn khẳng định mình và có lẽ, hơi lãng mạn.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh: Nhưng chỉ 2 năm sau, ông lại quyết định tham gia thành lập một công ty tư nhân và “ở lỳ” trong thành phần này từ ngày ấy đến giờ. Điều gì đã hấp dẫn ông đến mức độ “ngoặt” tiếp nhanh đến như vậy?

Ông Bùi Huy Hùng: (cười) Không biết các công ty tư nhân khác ở Hà Nội lúc đó cũng mới thành lập như FPT, CMC, BEMES, MEFRIMEX..., anh em họ nghĩ gì, nhưng khi đó, anh em chúng tôi nhìn thấy một cơ hội kinh doanh qua một vài hoạt động thời kỳ Liên Xô đang có dấu hiệu tan rã liên bang nên muốn lao vào thử sức, nắm bắt cơ hội để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh lớn trong lĩnh vực mới mẻ là điện tử và tin học. Phải nói là với lớp trí thức trẻ như anh em chúng tôi, cứ nghĩ đến điều đó là rất phấn khích, bị cuốn hút. Hơn nữa, tự lập công ty, tự thảo điều lệ, tự phong chức tước cho nhau và tự quyết định mà không phải họp hành nhiều, không phải xin ý kiến cấp trên là điều mới mẻ. Nó tựa như một sự giải phóng nên rất tuyệt vời. Mà sau đó, kinh doanh thành công, tiền về rất nhiều, ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi, tất cả chúng tôi rất phấn khích. Ai mà chẳng thích có tiền nhiều, nhất là tiền do mình làm ra.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh: Hình như khi ấy, ông vẫn đang là Đảng viên, mà tôi nhớ rằng đến năm 2006, Nghị quyết của Đảng mới cho phép Đảng viên làm kinh tế tư nhân. Vậy có khó khăn gì không trong quá trình khởi nghiệp ấy?

Ông Bùi Huy Hùng: (nghĩ một lúc, có vẻ phân vân) Theo các quy định nguyên tắc của Đảng với đảng viên khi đó thì chúng tôi không được lập công ty tư nhân, mà chỉ có thể làm thuê. Chủ tư nhân là tư bản, bóc lột..., làm sao mà Đảng viên Đảng Cộng sản lại tham gia vào quá trình bóc lột đó trong khi lãnh đạo xây dựng xã hội XHCN. Thật mâu thuẫn về lý luận cơ bản. Vậy mà trên thực tế, chẳng ai cấm đoán và cũng chẳng ai bị kỷ luật vì tham gia thành lập công ty tư nhân cả, trừ khi vi phạm pháp luật. Tôi nghĩ, đây cũng là hệ quả của tư tưởng đổi mới hồi bấy giờ.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh: Tôi cho rằng bản năng sở hữu là cốt lõi cho sự tồn tại và phát triển của bất kể một sinh linh nào trên trái đất, kể cả con người. Vậy ở một xã hội thiếu tôn trọng sở hữu tư nhân, theo ông, nó phải trả giá như thế nào?

Ông Bùi Huy Hùng: Nhà báo nói rất chính xác, về bản chất, con người là muốn sở hữu. Đó là động lực cao nhất cho phát triển của mỗi cá nhân và xã hội. Điều này, thực tiễn đã chứng minh rồi. Việc thiếu tôn trọng sở hữu tư nhân trong một thời gian dài làm cho xã hội ta, đất nước ta đã và đang phải trả giá đắt, rất đắt. Tôi rất vui là hiện nay, Đảng và Nhà nước đang chú trọng khắc phục điều đó. Kinh tế tư nhân đang được tôn trọng và hỗ trợ phát triển. Tôi cho rằng, cả hệ thống chính trị và xã hội cùng đồng hành với kinh tế tư nhân, đất nước ta sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để phát triển.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh: Ông suy nghĩ như thế nào về sự xuất hiện các Tập đoàn kinh tế tư nhân của nước ta hiện nay, như Vingroup, Trường Hải, Sun Group, Vietjet, Masan, Hòa Phát...?

Ông Bùi Huy Hùng: Với chính sách mới của Đảng và Chính phủ, tự do hoá nền kinh tế từng bước và hội nhập, sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các Tập đoàn tư nhân như Vingroup, Sun Group, Hòa Phát, Vietjet... và hàng chục ngân hàng, công ty chứng khoán cổ phần tư nhân đã và đang cho thấy vai trò ngày càng tăng lên của khu vực tư nhân nước ta đối với sự phát triển nền kinh tế dân tộc. Chính khu vực này sẽ là động lực chính cho sự phát triển tiếp theo của quốc gia, nếu các chính sách của Nhà nước tiếp tục được hoàn thiện theo các xu hướng tiến bộ của thế giới và nếu bộ máy Nhà nước thật sự là nhà nước pháp quyền, công chức là những người phục vụ dân và doanh nghiệp.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh: Trong các DNNN, Tập đoàn Viettel luôn là tấm gương mẫu mực, đáng để học hỏi. Ông có ý kiến gì về hiện tượng này?

Ông Bùi Huy Hùng: Đã có không ít người nói về sự thành công nhanh chóng của Viettel như một minh chứng về vai trò và khả năng bứt phá của DNNN trong điều kiện mới, thị trường cạnh tranh và hội nhập. Trước hết, phải nói rằng, tôi khâm phục và rất vui mừng vì những thành tựu mà Viettel đã và đang đạt được trên thị trường viễn thông trong nước và một số nước nhỏ ở châu Phi, Đông Nam Á với tư cách là một doanh nghiệp dân tộc, thương hiệu Việt. Không thể phủ nhận những nỗ lực không ngừng, những quyết định táo bạo, thông minh và tài tổ chức của Ban lãnh đạo Viettel, đứng đầu là nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng, cũng như sự lao động nghiêm túc, sáng tạo của hàng vạn kỹ sư, nhân viên Viettel. Họ xứng đáng được khích lệ, tôn vinh.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh: Theo ông, liệu có thể nhân rộng mô hình này sang các tập đoàn DNNN khác?

Ông Bùi Huy Hùng: Theo cách nhìn của tôi, Viettel là một hiện tượng, một trường hợp đặc biệt, không phải là một mô hình để nhân rộng, phổ biến, chỉ có thể rút ra những kinh nghiệm, bài học về cách kinh doanh, nắm bắt thời cơ về đầu tư và phát triển. Và thẳng thắn mà nói, với quy mô lớn như hiện nay, với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường điện tử - viễn thông và với sự thay đổi đến chóng mặt của công nghệ và thị trường, thì phía trước Viettel là những thử thách khắc nghiệt để giữ được những thành quả đã đạt được và tiếp tục phát triển. Về lĩnh vực kinh doanh dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ siêu lợi nhuận này lên rất nhanh và xuống cũng rất nhanh. Hãng máy tính Bull của Pháp, hãng Nokia, niềm tự hào của người Phần Lan, hay một số tên tuổi từng chiếm lĩnh thị trường thế giới của Nhật Bản..., đến nay có hãng đã biến mất trên thị trường, có hãng đang lùi dần về phía sau.

Một mô hình kinh tế, một doanh nghiệp chỉ thành công nếu nó được tổ chức và hoạt động phù hợp với những quy luật kinh tế, trong đó quyết định là từ nhu cầu của thị trường và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Mà thị trường thì liên tục thay đổi và rất đỏng đảnh.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh: Nói chuyện vĩ mô nhiều lý trí quá có vẻ hơi nặng nề. Xin hỏi sang trạng thái khác là cảm xúc và liên quan tới một mô hình đang thành công trong khu vực kinh tế tư nhân. Đó là nhân sự kiện chiếc ô tô đầu tiên do Việt Nam sản xuất mang thương hiệu Vinfast ra đời, ông có cảm xúc gì khi bầu máu nóng về niềm tự hào của doanh nhân Việt Nam luôn sôi sùng sục trong tâm trí ông?

Ông Bùi Huy Hùng: Cảm xúc của tôi nhân sự kiện Vinfast cho ra loạt xe hơi mang nhãn hiệu Việt Nam, do người Việt Nam sản xuất tại Việt Nam ư? Đó là niềm vui xen chút tự hào. Vào những ngày cuối tháng 6 vừa rồi, khi Vinfast giao xe Fadil cho khách hàng đợt đầu ở khuôn viên Dinh Thống Nhất, tôi tình cờ có mặt ở Sài Gòn. Không khí là nhộn nhịp, hào hứng và vui vẻ. Tôi bắt gặp vài chiếc xe hơi Fadil màu đỏ lăn bánh trên đại lộ Lê Duẩn bên cạnh những chiếc xe sang trọng của nước ngoài. Fadil trông khoẻ khoắn và dễ thương. Tôi lái xe vượt lên trước, ngoái lại và nhìn thấy ngươi chủ của chiếc xe Fadil còn trẻ trung, ôm tay lái đi giữa dòng xe cộ trên đường phố đông đúc, ghế sau là một phụ nữ trẻ và cháu nhỏ, cả hai mặt tươi tỉnh, cười nói gì đó. Tôi cũng thấy vui lây!

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh: Cũng có ý kiến cho rằng, đây là cuộc đầu tư khá mạo hiểm của Tập đoàn Vingroup. Là một doanh nhân, ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Ông Bùi Huy Hùng: Theo tôi nhớ, hình như 60 năm đã trôi qua sau chiếc xe hơi đầu tiên do một xí nghiệp quân đội sản xuất theo mẫu xe của Pháp, bây giờ mới xuất hiện những chiếc xe hơi tiếp theo mang thương hiệu Việt. Xin nhấn mạnh: 60 năm. Đất nước đã tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá 30 - 40 năm, Nhà nước đã ra bao chính sách khuyến khích sản xuất ô tô, giao nhiệm vụ và đầu tư vốn liếng cho nhiều doanh nghiệp quốc doanh cơ khí ô tô mà không thành công, để hôm nay, một doanh nghiệp tư nhân tự bỏ vốn làm ra ô tô thương mại thì thật đáng suy nghĩ.

Ai cũng biết rằng, thị trường ô tô ở một nước gần 100 triệu dân như Việt Nam là rất tiềm năng và cạnh tranh khốc liệt. Đất nước đã hoà nhập, hàng chục “ông lớn” trong ngành ô tô thế giới đã có mặt ở ta cả chục năm nay, xe hơi của họ chạy đầy đường rồi. Trong tình hình thị trường khó khăn, phức tạp như vậy mà tập đoàn tư nhân Vingroup quyết định đầu tư cả tỷ đô la vào sản xuất ô tô thì quả là một sự dũng cảm, một quyết tâm lớn chấp nhận đương đầu, đối mặt với rủi ro. Họ đầu tư lớn vào một lĩnh vực phức tạp như sản xuất ô tô, khi mà không ít nhà đầu tư muốn sản xuất ô tô nội địa (như Malaixia vài chục năm trước với dự án xe Proton được Chính phủ bảo trợ, hay nhà đầu tư Xuân Kiên của Việt Nam hai chục năm trước...), chắc chắn đã có những nghiên cứu và tính toán nghiêm túc và có cách làm riêng trong điều kiện hội nhập, việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật có nhiều thuận lợi.

Rõ ràng là phía trước Vinfast và những nhà hoạch định chiến lược phát triển của Vingroup là những thử thách khắc nghiệt của cạnh tranh để thuyết phục được người tiêu dùng không mấy dễ tính và có nhiều lựa chọn ở Việt Nam hôm nay.

Tôi có cái nhìn lạc quan về con đường đi đến thành công của Vinfast và thực lòng mong muốn họ thành công.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh: Câu chuyện về phát triển kinh tế tư nhân của Việt Nam chắc hẳn sẽ dài vô tận. Để kết thúc cuộc phỏng vấn này, xin hỏi ông câu cuối cùng. Muốn phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ngang tầm thế giới, dứt khoát phải có quá trình tích tụ tư bản. Vậy theo ông, doanh nhân Việt Nam đã và sẽ tích tụ bằng con đường nào?

Ông Bùi Huy Hùng: Đây là một câu hỏi khó, rất khó! Không dễ gì trả lời câu hỏi này về tích tụ tư bản để phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ngang tầm thế giới, nhất là trong khuôn khổ một cuộc trao đổi phỏng vấn như thế này. Trước hết, tôi muốn nói rằng, không có Thánh Gióng trong kinh doanh. Thánh Gióng là câu chuyện hư cấu, truyền thuyết dân gian có ý nghĩa giáo dục lịch sử dân tộc. Dựng nghiệp, kinh doanh và thương trường là một câu chuyện hoàn toàn khác, tuy hấp dẫn vì kiếm tiền và khẳng định bản thân, nhưng là quá trình đầy chông gai, thử thách, rủi ro luôn rình rập. Hình như chẳng có ông chủ lớn nào trong giới kinh doanh, trừ những người thừa kế từ gia sản dòng tộc, mà lại không phải trải qua quá trình đi lên từ nhỏ đến lớn, trải qua thất bại không chỉ một lần để tích luỹ kinh nghiệm và tiền bạc từ đó mà đi lên, thành công trong sự nghiệp. Thành công, làm chủ doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn đã khó, mà giữ vững và phát triển nó còn khó hơn.

Đơn giản bởi, đồng tiền kiếm thì rất khó nhưng tiêu tiền thì lại rất dễ và tiền có khả năng “bốc hơi” rất nhanh! Bản thân tôi và nhiều doanh nhân từng thành công rồi thất bại đã có những bài học cay đắng, sâu sắc về việc này trong sự nghiệp kinh doanh của mình, khi làm đồng chủ sở hữu và là Tổng giám đốc công ty 3C và Ngân hàng VPBank vài chục năm trước. Những người có trí thông minh trên trung bình như chúng ta, có thời điểm tự nhiên trí tuệ “bừng sáng” mà tôi gọi là “điểm sáng của suy nghĩ”, giúp ta có quyết định sáng suốt tuyệt vời, thế là thành công (tất nhiên kèm theo may mắn). Rồi có lúc, tự nhiên trí tuệ “tối đi”, tôi gọi là “điểm mù” của suy nghĩ làm ta ra quyết định sai, đôi khi ngớ ngẩn kéo theo thảm họa, thất bại (cũng kèm theo sự không may mắn), đẩy doanh nghiệp vào khó khăn, khủng hoảng. Do vậy, phải chăng nên rèn luyện, nuôi dưỡng sao cho để có nhiều điểm sáng của tư duy.

Trở lại vấn đề tích luỹ tư bản, theo tôi, chẳng có gì cao siêu ngoài triết lý muôn đời của kinh doanh: “Tiền phải đẻ ra tiền”. Kèm theo đó là một lời khuyên: “Không có Thánh Gióng trong kinh doanh”!

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện lý thú này!

“Việc thiếu tôn trọng sở hữu tư nhân trong một thời gian dài làm cho xã hội ta, đất nước ta đã và đang phải trả giá đắt, rất đắt. Tôi rất vui là hiện nay, Đảng và Nhà nước đang chú trọng khắc phục điều đó. Kinh tế tư nhân đang được tôn trọng và hỗ trợ phát triển. Tôi cho rằng, cả hệ thống chính trị và xã hội cùng đồng hành với kinh tế tư nhân, đất nước ta sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để phát triển”.
“Không thể phủ nhận những nỗ lực không ngừng, những quyết định táo bạo, thông minh và tài tổ chức của Ban lãnh đạo Viettel, đứng đầu là nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng, cũng như sự lao động nghiêm túc, sáng tạo của hàng vạn kỹ sư, nhân viên Viettel. Họ xứng đáng được khích lệ, tôn vinh”.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top