Aa

Hà Nội: Nhức nhối cảnh "sống cạnh người chết"

Chủ Nhật, 30/10/2016 - 03:01

Quá trình đô thị hóa và sức ép dân số đang khiến cho người dân tại không ít các quận nội thành phải chấp nhận sống chung với những ngôi mộ cổ. Chuyện người sống ở cạnh "người chết" đang diễn ra ở rất nhiều khu vực của Hà Nội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống, mỹ quan đô thị cũng như sức khỏe con người.


Nghĩa trang phường Quan Hoa cách nhà dân chỉ vài bước

Nằm khuất sâu trong con hẻm chật hẹp, khu nghĩa địa thuộc tổ dân cư số 36 phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy có diện tích chừng 300m2 với gần 200 ngôi mộ lớn nhỏ. Trước đây, những ngôi mộ này nằm trên một khu đất trống cách xa nhà ở của dân cư. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, khoảng cách này ngày càng được rút ngắn và hiện chỉ có thể tính bằng những bước chân.

Điều đáng ngạc nhiên là dù làm “hàng xóm” của của người đã khuất, nhưng các hộ dân nơi đây vẫn vô tư sống và sinh hoạt. Những ngày nắng ráo, người dân mang cả chăn chiếu, quần áo ra phơi trên những ngôi mộ. Thậm chí, một số gia đình còn không có cổng ngăn cách, mở cửa ra là thấy nghĩa trang. Hơn nữa, khu bếp cũng được đặt cách phần mộ chỉ vài mét.

Một hộ dân sống tại đây cho biết: “Xóm nghĩa địa” này đã tồn tại từ rất nhiều năm nay. Sợ quá rồi hóa quen, nhiều gia đình không có điều kiện chuyển đi nên chỉ hi vọng các cơ quan chức năng sớm xem xét, di dời để các hộ dân có được không gian sinh hoạt lành mạnh hơn.

Cũng tại Quận Cầu Giấy, khu nghĩa trang làng Cót ( phường Yên Hòa) dù nằm trong vùng quy hoạch nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng ngày một tiến gần tới khu dân cư. Thậm chí, ngoài việc cách nhà dân khoảng chừng 5 đến 7m, nghĩa trang này còn liền kề ngay sau trường Tiểu học Yên Hòa. Liệu những đứa trẻ ở đây có đảm bảo được môi trường học tập đúng nghĩa, khi trường học và nghĩa trang chỉ cách nhau có một bức tường?.

Bên cạnh những nghĩa trang tập chung, làng Cót ( Hạ Yên) còn tồn tại nhiều phần mộ nhỏ lẻ nằm ngay sát nhà dân. Bà Nguyễn Thị Minh (70 tuổi), người dân sống tại đây nhiều năm cho biết: “Chẳng biết bao giờ mới hết cảnh sống cùng người chết như thế này. Gọi là nơi an nghỉ thì phải được đảm bảo theo đúng nghĩa an nghỉ, chứ người dân cứ thường xuyên sinh hoạt, qua lại ngay phía trên thế này thì quả là khổ cho các cụ quá”.

Thực tế cho thấy, nghĩa trang nằm “lọt thỏm” trong khu dân cư không phải chuyện hiếm. Hiện nhiều nghĩa trang khác như nghĩa trang phố Chùa Láng, nghĩa trang phường Phú Lương (Hà Đông)… cũng đều nằm trong tình trạng nhức nhối, chật chội này.

Cũng do sức ép dân số nên tại các khu đô thị mới như Văn Quán, Dương Nội (Hà Đông), Pháp Vân – Tứ Hiệp (Thanh Trì), Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai)… các nghĩa trang cũng đang dần bị ép sát vào các khu dân cư, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân.


Mở cửa sổ ra là thấy nghĩa trang

Theo Tiêu chuẩn Quốc gia về thiết kế nghĩa trang đô thị của Bộ xây dựng thì khoảng cách giữa tường rào của hộ dân gần nhất tới nghĩa trang hung táng tối thiểu là 1.500m, nghĩa trang chôn một lần là 500m và nghĩa trang cát táng là 100m. Nhưng xét từ thực tế, các khu nghĩa trang nêu trên đều không đảm bảo những tiêu chuẩn này.

Trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển Nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều quan điểm chỉ đạo.

Theo đó, để chấm dứt tình trạng chôn cất phân tán, tự phát, đối với nghĩa trang hiện có nằm trong khu vực phát triển đô thị không được sử dụng hình thức hung táng, khi có nhu cầu lấy đất phục vụ nhu cầu phát triển đô thị sẽ được di chuyển đến các nghĩa trang tập trung gần nhất hoặc các nghĩa trang phục vụ quy tập mộ di chuyển.

Cũng theo quy hoạch, dự báo đến năm 2050, quỹ đất dành cho xây dựng nghĩa trang toàn thành phố Hà Nội sẽ là 1247 ha. Trong đó, tại khu vực đô thị là 1103 ha và khu vực nông thôn là 144 ha. Tuy nhiên, với thực tế nêu trên, nếu nhà quản lý, các lực lượng chức năng không có biện pháp, hướng giải quyết cụ thể thì mục tiêu phát triển, quy hoạch nghĩa trang sẽ rất khó có thể thực hiện được.

Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay, việc để các nghĩa trang nằm xen kẽ trong khu dân cư đã và đang gây nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, mỹ quan đô thị và sức khỏe của con người. Để có phương án di dời nghĩa trang trong khu dân cư hiệu quả, các ngành liên quan cần có phương hướng nghiên cứu đánh giá và có giải pháp cụ thể nhằm chấm dứt cảnh “sống cùng khu nghĩa địa”, đảm bảo chất lượng đời sống, vong linh người đã chết, đặc biệt là phù hợp Quyết định phê duyệt quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của Thủ tướng Chính phủ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top