Aa

Lý do các nhà đầu tư ngoại không thể bỏ qua Đà Nẵng

Chủ Nhật, 06/11/2016 - 07:00

Nổi tiếng với hệ thống cơ sở vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế, cùng các di sản văn hóa, môi trường đầu tư thân thiện… Đà Nẵng đang trên đà trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Giống các đô thị lớn khác của Việt Nam, Đà Nẵng cũng từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụp đổ của thị trường BĐS Việt Nam một vài năm trước đây. Lạm phát, các ngân hàng thắt chặt việc cho vay khiến thị trường BĐS vào cảnh bế tắc. Đến quý IV/2013, hoạt động trên thị trường BĐS mới bắt đầu hồi sinh trở lại trên cả nước khi lãi suất cho vay được cải thiện, nhiều đơn vị kinh doanh BĐS lại bắt đầu "rục rịch" trở lại, thời kỳ này được ví như “mùa xuân lại một lần nữa quay về".

Thời điểm đó, không nơi nào đáng chú ý hơn Đà Nẵng, thành phố này có các dấu hiệu rất đa dạng cho thấy thị trường BĐS đang “tăng nhiệt” trở lại. 

Nhiều ưu thế 

Một trong những điểm mạnh nhất của nền tảng đầu tư BĐS ở Việt Nam là bờ biển dài hơn 3.200km. Trong đó, bờ biển miền Trung là khu vực sở hữu nhiều ưu thế. Tại Đà Nẵng - thành phố lớn thứ tư cả nước và sẽ sớm phát triển mạnh hơn - ưu thế này còn thể hiện mạnh mẽ hơn với sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống hạ tầng giao thông được chính quyền chú trọng phát triển. Thành phố này cũng sở hữu nhiều BĐS dọc bờ biển hấp dẫn nhất Việt Nam.

Thêm vào đó, Đà Nẵng còn có các điểm tham quan là di sản văn hóa tầm cỡ thế giới. Thành phố này cũng có hệ thống dịch vụ giải trí mang lại cho du khách nhiều sự lựa chọn, từ sân golf đến các dịch vụ nấu ăn truyền thống, đạp xe đạp quanh các cánh đồng, làng quê… Nền khí hậu thuận lợi cũng là lý do giúp Đà Nẵng kích thích được sự quan tâm của các nhà đầu tư khắp các khu vực trên thế giới.

Chưa kể, chính quyền Đà Nẵng cũng có nhiều chính sách thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Đà Nẵng (Ảnh: TBone Lee/Shutterstock)

Đà Nẵng (Ảnh: TBone Lee/Shutterstock)

Trong tất cả các tỉnh, thành phố của Việt Nam, Đà Nẵng đừng đầu danh sách chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh/thành (Provincial Competitiveness Index - PCI) từ năm 2013 đến năm 2015. Chỉ số này thể hiện hiệu suất, năng lực và tính thiện chí của chính quyền địa phương trọng việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển khu vực tư nhân.

PCI đánh giá môi trường kinh doanh ở các địa phương bằng cách nhìn vào chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận và tính an toàn của các BĐS, tính minh bạch trong kinh doanh, thời gian dành cho các thủ tục hành chính và chất lượng dịch vụ hỗ trợ.

Dựa trên các tiêu chí này, Đà Nẵng được đánh giá là có môi trường kinh doanh tốt do nỗ lực không ngừng của chính quyền thành phố trong cải cách hành chính và cam kết xây dựng một môi trường kinh doanh thân thiện.

“Những sáng kiến đã đưa Đà Nẵng trở thành địa phương dẫn đầu các tỉnh thành khác của Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh” - ông David Lim - quản lý của Zicolaw Việt Nam, một công ty cung cấp kiến thức pháp luật và tư vấn cho các nhà đầu tư nhận định.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng thu hút nhà đầu tư ngoại

Giống như Bali của Indonesia hay Phuket của Thái Lan, thị trường nhà ở nghỉ dưỡng ở miền trung Việt Nam đặc biệt sôi động, hấp dẫn những người mua nhà từ HongKong, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản (tất cả đều được hưởng lợi từ đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng) khiến họ liên tục “rót tiền” vào khu vực này trong những tháng gần đây.

“Từ khi chính sách mua nhà đối với người nước ngoài được nới lỏng từ tháng 7/2015, Đà Nẵng đã thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư BĐS nghỉ dưỡng từ khắp châu Á và xa hơn nữa” - Timo Schmids của Savills Việt Nam nhận định.

Ông này nói thêm: “Khách mua ngày nay đang tìm kiếm những ‘khu nhà nghỉ dưỡng’ của các chủ đầu tư giàu kinh nghiệm và có lợi nhuận hấp dẫn. Gần đây, chúng tôi đang nhìn thấy sự tập trung mạnh mẽ vào phân khúc BĐS cao cấp với các giao dịch trị giá nhiều triệu đô”.

 

Các nhà đầu tư giàu có hiện đang nhắm vào các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Intercontinental Sun Peninsula, The Nam Hai and Naman Resort…

Trong khi có rất nhiều dự án đang được triển khai, Đà Nẵng cũng đồng thời chuẩn bị cho làn sóng lớn tiếp theo của các nhà ở, khu nghỉ mát…

Alexander Schmid - một nhà đầu tư Thụy Sỹ tại Dubai (đang sở hữu 2 BĐS tại dự án Hyatt Regency Danang trong đó có một căn hộ penthouse) là một trong những người đã nắm bắt cơ hội khi quy định về sở hữu nhà ở với người nước ngoài ở Việt Nam được nới lỏng.

Ông này cho biết: “Tôi là một trong những người nước ngoài đầu tiên sở hữu BĐS ở đây. Sau khi đi du lịch đến những nơi khác nhau trên toàn thế giới, tôi nhận ra rằng Đà Nẵng có triển vọng tuyệt vời để trở thành một trong những lựa chọn nghỉ dưỡng hàng đầu Đông Nam Á”.

“Nhìn thấy tiềm năng to lớn cho công việc kinh doanh, phong cách sống đẳng cấp mà khu vực này cung cấp cũng đã thuyết phục tôi. Tôi dành vài tuần mỗi năm tại Đà Nẵng và tận hưởng kỳ nghỉ của mình. Thực ra, tôi đã coi nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình”, Schmid nói thêm.

Năm 2017 sẽ đánh dấu một mốc quan trọng của Đà Nẵng khi thành phố này trở thành địa điểm tổ chức diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương.

Để chào đón người đứng đầu các quốc gia thành viên APEC cũng như các đại biểu tham gia, Đà Nẵng đã phê duyệt dự án nâng cấp 34 tuyên đường chính trong thành phố với tổng số vốn là 10,9 triệu USD.

Việc xây dựng nhà ga hành khách quốc tế tại sân bay quốc tế Đà Nẵng với vốn đầu tư 157 triệu USD cũng được dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3 năm sau.

Tại Đà Nẵng, cuộc sống hiếm khi “đứng yên”. Là điểm tham quan quen thuộc ở Việt Nam, Đà Nẵng cũng đầy triển vọng đầu tư mới cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top