Aa

“Ngậm ngùi” môi giới chứng khoán

Thứ Tư, 29/01/2020 - 16:30

Tết đến, Xuân về, các nhân viên ngân hàng đang hào hứng với những phần thưởng hậu hĩnh, thì các nhân viên môi giới chứng khoán lại tủi phận với một năm đầy thăng trầm của thị trường chứng khoán.

Không những thế, nhiều công ty chứng khoán dùng robot giao dịch thay nhân viên môi giới và phí môi giới không còn duy trì, đã khiến lớp lớp "tráng sỹ" môi giới ngậm ngùi dứt áo chia tay với nghề…

Cạnh tranh giữa người và máy

Trước đây, chuyên gia môi giới chỉ cần thạo tin nghe ngóng xem mã nào có thể đầu tư được hoặc quỹ nào đang thu gom cổ phiếu là có thể tư vấn cho khách hàng. Nhưng ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ 4.0, công việc của môi giới chuyên nghiệp nhàn nhã hơn nhưng “buồn nhiều hơn vui”.

Ngay từ năm 2018, một số công ty chứng khoán đã đưa robot vào giao dịch nhận định thị trường thay các chuyên viên chuyên nghiệp. Đến khi hợp đồng tương lai chỉ số bùng nổ thì các công ty đua nhau sắm robot giao dịch và tư vấn cho khách hàng.

Nếu bạn không có tinh thần thép, thực sự khó có thể trụ lại được với nghề môi giới chứng khoán, vì thị trường "sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng".

Nhóm robot đầu tiên của Công ty Chứng khoán MBS có tên là “Sơn robot” với cái đầu lạnh lại mới mẻ và tư vấn đầu tư lãi từ 10 - 15% đã thu hút khá nhiều khách hàng. Theo các nhà đầu tư giao dịch với robot, họ có cảm giác yên tâm hơn các nhân viên môi giới bằng xương bằng thịt. Do đó, sau khi có lãi sau vài phiên giao dịch với robot, các nhà đầu tư đã bỏ hẳn các chuyên viên môi giới truyền thống.

Chưa dừng lại đó, Công ty Chứng khoán BSC lại trang bị iBroker phái sinh - robot tư vấn đầu tư. BSC đặt tên cho chú robot tên là Hỏa. Với màu sắc chủ đạo là đỏ, Bot Hỏa mang trong mình máu nóng nhưng trái tim lạnh với tham vọng chinh phục mọi chướng ngại trên con đường đầu tư chứng khoán.

Có thể nói iBroker phái sinh đã mở ra một giai đoạn mới cho nhà đầu tư. Từ nay, nhà đầu tư có thể tham khảo rất nhiều hạng mục khi chat trực tiếp với robot, như thông tin lịch giao dịch đầu tiên, thời điểm đáo hạn, xu hướng mua, bán, chốt lời…

Với robot và nhiều ứng dụng miễn phí, thì việc tư vấn, cập nhật thông tin có thể nói là mọi lúc, mọi nơi, rất tiện lợi. Do đó, để trụ được, chuyên viên môi giới phải thực sự được trang bị "đến tận răng" mới hy vọng có thể cạnh tranh được với robot.

Sức ép ngập đầu

Các vị trí top 10 công ty chứng khoán thường bị xáo trộn, cho thấy sự cạnh tranh quyết liệt về thị phần môi giới. Điều này không chỉ thể hiện qua việc các công ty mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch, tuyển thêm các nhân viên môi giới, mà còn là cuộc cạnh tranh ngầm không khoan nhượng.

Thông tư 128/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính cho phép gỡ bỏ mức phí sàn giao dịch 0,15% đã giúp các công ty chứng khoán ngoại giảm phí, thậm chí miễn phí giao dịch, qua đó tạo áp lực lớn đối với các công ty chứng khoán và chuyên viên môi giới chứng khoán trong nước. Thậm chí, nhiều chuyên viên môi giới chấp nhận chia sẻ hoa hồng nhận được cho các khách hàng VIP để giữ chân họ.

Ngoài ra, nhiều công ty chứng khoán có ngân hàng mẹ hỗ trợ, hoặc có yếu tố nước ngoài còn sẵn sàng ưu đãi cho khách hàng mức lãi suất cho vay margin vô cùng hấp dẫn đến 10%/năm, thậm chí 8%/năm nếu vòng quay tài sản của khách hàng lớn. Tuy nhiên, để nhận được ưu đãi, các công ty chứng khoán thường yêu cầu khách hàng phải có vòng quay tài sản lớn trong một tháng, tức là lướt sóng liên tục, mà với thị trường nhiều biến động bất thường như thời điểm cuối năm 2019, đó chính là "con dao hai lưỡi". Với lương tâm thì môi giới không cho phép tư vấn để làm hao hụt tài sản của khách hàng, thế là "cái khó bó cái khôn" trong khi áp lực doanh số đè nặng.

Hơn 10 năm theo nghề, tôi chứng kiến không ít khách hàng ngậm ngùi ngậm trái đắng khi nhận ra rằng, tổng phí và lãi suất margin hàng năm lên đến 20 - 30% giá trị tài sản ròng. Vì vậy, cần chiến thắng thị trường chung ở mức 45 - 50% mới thực sự là có lãi - điều không phải môi giới nào cũng làm được. Tổng kết trong năm vừa qua cho thấy lãi được 10 - 15% là rất xa xỉ; khách hàng lãi ít thì môi giới cũng chẳng được là bao nhiêu.

Sau gần 20 năm thị trường chứng khoán đi vào hoạt động, nhiều nhân viên môi giới đã sống trọn vẹn với nghề, nhưng thời điểm này họ đang nghĩ tới “nghỉ tay gác kiếm”. Cuộc đời vốn dĩ không phải màu hồng và dù làm nghề nào đi chăng nữa cũng phải đối diện với những khó khăn, yêu nghề là cách duy nhất để chúng ta tiếp tục hành nghề. Nghề môi giới cũng giống như vậy, nếu không yêu chắc chắn bạn sẽ không thể đồng hành.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top