Aa

Ngành xây dựng và những triển vọng lạc quan trong giai đoạn 2020 - 2021

Thứ Năm, 28/05/2020 - 06:00

Dù chịu không nhiều những tác động tiêu cực từ dịch bệnh, nhưng năm 2020 được cho rằng sẽ ẩn chứa nhiều thách thức cho các doanh nghiệp xây dựng khi nhu cầu sụt giảm và áp lực cạnh tranh gia tăng mạnh bởi dịch Covid-19.

2020 sẽ là một năm khó khăn với ngành xây dựng

Tại báo cáo Cập nhật ngành Xây dựng được công bố mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) nhận định, năm 2020 sẽ mang lại nhiều thách thức cho các doanh nghiệp xây dựng khi nhu cầu sụt giảm và áp lực cạnh tranh gia tăng mạnh bởi dịch Covid-19. Theo đó, xây dựng nhà không để ở bị ảnh hưởng nặng nhất, sau đó là xây dựng nhà để ở. Ngược lại, xây dựng cơ sở hạ tầng có thể được hưởng lợi từ đầu tư công gia tăng.

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã gây ra không ít những hệ quả xấu cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nhưng trong các ngành kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh này tới ngành xây dựng được đánh giá ở mức trung bình. 

Nhóm nghiên cứu FPTS chỉ ra rằng, ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh chủ yếu thông qua 2 yếu tố, đó là gián đoạn kinh tế và suy giảm nhu cầu đầu tư. Trong đó, gián đoạn kinh tế ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng ngắn hạn của ngành; ngược lại, suy giảm nhu cầu đầu tư sẽ có ảnh hưởng dài hạn hơn. 

"Do đó, ngành xây dựng chỉ đạt tăng trưởng 4,37% trong quý I/2020 - thấp nhất từ năm 2014 tới nay", báo cáo cho hay.

Dù ngành chỉ chịu ảnh hưởng trung bình, nhưng nhóm nghiên cứu bày tỏ sự quan ngại và cho rằng: Năm 2020 vẫn sẽ khó khăn cho các nhà thầu xây dựng vốn phần lớn là doanh nghiệp nhỏ với biên lợi nhuận thấp. 

Trước đó, Báo cáo Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, khoảng 47% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn trong quý I và sẽ khó khăn hơn trong quý II/2020, so với chỉ khoảng 18% doanh nghiệp nhận định kinh doanh tốt hơn.

Ảnh minh họa.

Có thể thấy, áp lực cạnh tranh giữa các nhà thầu sẽ tăng cao trong giai đoạn khó khăn này, với chiến lược cạnh tranh chủ yếu bằng giá khiến cho doanh thu và biên lợi nhuận nhà thầu sụt giảm. Dự báo cạnh tranh sẽ gay gắt nhất trong xây dựng dân dụng do thị trường này có mức phân mảnh cao. Nhà thầu cơ sở hạ tầng sẽ gặp ít khó khăn hơn do lĩnh vực này cạnh tranh ít hơn, và nhu cầu chịu ảnh hưởng thấp. 

"Đặc biệt, một số nhà thầu cơ sở hạ tầng đã đầu tư da dạng hóa vào cơ sở hạ tầng, chủ yếu là các nhà máy năng lượng tái tạo như thủy điện nhỏ, điện gió và điện mặt trời với rủi ro thấp và gần như không chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ngược lại, các nhà thầu dân dụng thường ưu tiên đầu tư vào bất động sản và những dự án này sẽ khó tiêu thụ trong 2020", báo cáo nêu.

Kịch bản nào cho giai đoạn 2020 - 2021?

Trong cập nhật tháng 4/2020, Fitch Solutions điều chỉnh dự phóng tăng trưởng ngành xây dựng Việt Nam năm 2020 xuống 5,7% (giảm 1,5 điểm phần trăm so với dự phóng trước) để phản ánh mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến nền kinh tế khi số ca bệnh Covid-19 tại Việt Nam tăng nhanh trong tháng 3/2020. 

Ở góc độ nghiên cứu, nhóm chuyên gia FPTS đặt niềm tin rằng các lĩnh vực xây dựng (nhà ở, nhà không để ở, và cơ sở hạ tầng) chịu ảnh hưởng tương đối đồng đều bởi các biện pháp chống dịch quy mô lớn được áp dụng tại Việt Nam.

Với tình hình dịch Covid-19 trong cộng đồng tại Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát, FPTS đánh giá gián đoạn kinh tế sẽ chỉ tập trung trong nửa đầu năm và sẽ giảm đi trong nửa cuối năm 2020. Cùng với các động thái nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều công trình đã bắt đầu thi công trở lại. Thêm nữa, nguồn cung nguyên vật liệu và nhân công xây dựng nội địa của Việt Nam có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu xây dựng và chỉ phải chịu ảnh hưởng nhỏ từ gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Theo đó, triển vọng của ngành xây dựng trong nửa cuối 2020 và 2021 sẽ phụ thuộc vào khả năng phục hồi kinh tế, và triển vọng từng lĩnh vực phụ thuộc ảnh hưởng của dịch tới nhóm khách hàng tương ứng. Trong các lĩnh vực, xây dựng nhà không để ở sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất; ảnh hưởng lên xây dựng nhà ở thấp hơn; và xây dựng cơ sở hạ tầng ngược lại có thể hưởng lợi nếu Chính phủ gia tăng đầu tư công nhằm thúc đẩy khôi phục kinh tế.

Bởi vậy, nhóm nghiên cứu đã đánh giá triển vọng ngành xây dựng dựa trên kịch bản lạc quan về khả năng hồi phục kinh tế của Việt Nam. Thứ nhất, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới kinh tế Việt Nam ở mức thấp so với khu vực, nhờ kiểm soát bùng phát dịch trong nước và các biện pháp hỗ trợ quy mô lớn đã được thực hiện kịp thời. Thứ hai, Việt Nam có các yếu tố vĩ mô ổn định (bao gồm lãi suất thấp và lạm phát được kiềm chế trong nhiều năm gần đây, nhu cầu tiêu dùng trong nước cao…), tạo bàn đạp cho kinh tế hồi phục nhanh chóng sau dịch. 

Đi sâu hơn về triển vọng của các lĩnh vực xây dựng trong giai đoạn 2020 - 2021, nhóm nghiên cứu cho rằng phần lớn sẽ phụ thuộc vào ảnh hưởng khác nhau của dịch tới mỗi nhóm khách hàng.

Cụ thể, xây dựng nhà không để ở sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất do khách hàng của lĩnh vực này chịu nhiều thiệt hại bởi dịch Covid-19 như: Du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề do lệnh cấm di chuyển và ngừng nhập cảnh hành khách quốc tế; sản xuất, thương mại sụt giảm nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường chính như Trung Quốc, Mỹ, EU... Những khó khăn này có thể được thấy qua chỉ số Sản xuất công nghiệp (Index of industrial Production - IIP) và Nhà quản trị mua hàng (Purchasing Manager Index - PMI). 

Số liệu cho thấy, trong đầu năm 2020, cả hai chỉ số này đều cho thấy ngành sản xuất đang gặp khó khăn lớn: IIP tháng 4/2020 giảm 11,3% so với cùng kỳ và PMI ở mức thấp nhất từ khi chỉ số này bắt đầu tại Việt Nam năm 2012 và lần đầu tiên thể hiện sụt giảm sau hơn 4 năm. 

"Những khó khăn của sản xuất và du lịch phần nhiều phụ thuộc vào tình hình dịch Covid-19 quốc tế và có thể kéo dài nhiều tháng cho tới khi dịch được ngăn chặn hiệu quả. Do đó, ưu tiên hàng đầu cho nhóm khách hàng này sẽ là phục hồi và ổn định kinh doanh; với nhiều khả năng đầu tư mở rộng sẽ bị hoãn lại", báo cáo cho hay.

Đối với lĩnh vực xây dựng nhà để ở, nhóm nghiên cứu cho rằng sẽ chỉ chịu ảnh hưởng trung bình của dịch Covid-19 nhờ nhu cầu nội địa cao, thúc đẩy bởi xu hướng đô thị hóa dài hạn của Việt Nam. 

"Sau nhiều khó khăn trong năm 2020, chúng tôi kỳ vọng thị trường nhà ở sẽ có phục hồi khả quan trong 2021, do nhu cầu mua nhà ở không bị mất đi mà bị dời từ 2020 sang 2021 (dưới kịch bản cơ sở kinh tế hồi phục trong 2021), và lãi suất sẽ được cắt giảm, hỗ trợ cho cả doanh nghiệp phát triển bất động sản và khách hàng mua nhà", FPTS dự báo.

Theo đó, một chỉ báo nhanh để đo lường ảnh hưởng suy giảm kinh tế tới khách hàng xây dựng nhà ở là chỉ số Niềm tin người tiêu dùng (Consumer Confidence Index 0 CCI). Trong quý I/2020, CCI của Việt Nam vẫn ở mức rất cao, thể hiện người tiêu dùng Việt Nam đang cảm thấy yên tâm về tình hình tài chính hiện tại cũng như triển vọng tương lai.

Cuối cùng là lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Như đã đề cập ở trên, FPTS nhận định lĩnh vực này có thể được hưởng lợi nếu Chính phủ thành công trong tăng cường đầu tư công để thúc đẩy kinh tế. 

Bởi, trong bối cảnh coi giải ngân đầu tư công là một công cụ quan trọng thúc đẩy kinh tế và đặt ra mục tiêu giải ngân hết gần 700 nghìn tỷ trong năm 2020 (gấp khoảng 2,2 lần so với số vốn thực hiện trong năm 2019 là 312 nghìn tỷ), Chính phủ đã đưa ra hàng loạt biện pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công gồm: Chuyển đổi 9 dự án hợp tác công - tư (PPP) chưa lựa chọn được nhà đầu tư sang đầu tư công (trong đó có 8 dự án thuộc đường cao tốc Bắc - Nam); thúc đẩy phê duyệt, hoàn thành thủ tục pháp lý tại các dự án đầu tư công. 

Dù vậy, FPTS lo ngại rằng Chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn để hoàn thành mục tiêu tham vọng này trong 2020 và tăng cường vốn đầu tư công sẽ kéo dài sang 2021 do 2 nguyên nhân cơ bản. 

Thứ nhất, ngân sách hạn chế, đặc biệt cộng thêm các chính sách hỗ trợ dịch, gây khó khăn trong tìm nguồn vốn cân đối cho các dự án mới bổ sung vào đầu tư công. Nhiều khả năng Chính phủ sẽ phải điều chuyển nguồn vốn từ các dự án vi phạm giải ngân khác hoặc phát hành trái phiếu công trình (tuy nhiên, nợ công ở Việt Nam vẫn ở gần mức trần dù đã giảm nhẹ trong vài năm gần đây).

Thứ hai, giải ngân đầu tư công Việt Nam luôn không đạt kế hoạch, và những nỗ lực cải cách quy trình thủ tục của Chính phủ thường tốn nhiều thời gian để có hiệu quả.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top