Aa

Phải trả giá quá đắt để sửa sai

Thứ Năm, 13/06/2019 - 20:01

Phải bỏ ra đến gần 8.000 tỷ đồng xây một đoạn đường ngắn, nhằm sửa sai cho những yếu kém về công tác quy hoạch là quá đắt nhưng đó vẫn chưa phải là cái giá phải trả cuối cùng.

Ông Lê Văn Bính, Phó giám đốc Ban Quản lý các công trình xây dựng và công nghiệp Hà Nội thông báo dự án xây dựng đường vành đai 1 Hoàng Cầu - Voi Phục, tuyến đường được mệnh danh là “đắt nhất hành tinh” sẽ được khởi công trong quý III/2019.

Tuyến đường, dù chỉ dài có 2,2km, nhưng lại có tổng mức đầu tư tới 7.779 tỷ đồng. Số tiền này gần đủ để hoàn tất công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài trên 51km, một dự án cấp bách đã khởi công từ cách nay 10 năm nhưng chưa biết bao giờ mới xong do thiếu vốn.

Quyết định đầu tư tuyến đường Hoàng Cầu - Voi Phục thực chất là một hành động sửa sai do sự yếu kém của công tác lập quy hoạch gây ra.

Quyết định đầu tư tuyến đường Hoàng Cầu - Voi Phục thực chất là một hành động sửa sai do sự yếu kém của công tác lập quy hoạch gây ra.

Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra ở Hà Nội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng không ngần ngại nói thẳng chất lượng quy hoạch còn thấp nhưng công tác điều chỉnh, bổ sung, cập nhật quy hoạch chậm được thực hiện và “đây là nguyên nhân chính dẫn đến những con đường đắt nhất hành tinh như báo chí, dư luận đề cập”.

Phải bỏ ra đến gần 8.000 tỷ đồng xây một đoạn đường ngắn, nhằm sửa sai cho những yếu kém về công tác quy hoạch là quá đắt nhưng đó vẫn chưa phải là cái giá phải trả cuối cùng.

Trong điều kiện vốn ngân sách dành cho các công trình giao thông còn thiếu trước hụt sau, việc phải chi số tiền rất lớn để làm tuyến đường “đắt nhất hành tinh” cũng đồng nghĩa Nhà nước phải tìm cách cắt giảm đầu tư ở đâu đó. Đồng bằng sông Cửu Long, chỗ dựa lương thực của cả nước, là một trong những vùng đang phải trả giá vì hệ thống hạ tầng giao thông yếu kém do ít được đầu tư nâng cấp.

Trong tám năm qua, hệ thống hạ tầng của khu vực có 13 tỉnh và thành phố này trung bình chỉ được đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng/năm và hiện vẫn còn hàng chục dự án, cái nào cũng được xếp vào loại cấp bách, nhưng chưa tìm đâu ra vốn để thực hiện.

Nếu cộng cả những thiệt hại cho những địa phương mất đi cơ hội phát triển do cơ sở hạ tầng yếu kém gây ra vì phải ưu tiên vốn để sửa sai quy hoạch ở những địa phương khác, thì cái giá sẽ là khổng lồ.

Điều đáng lo là bất cập trong công tác quy hoạch, dẫn đến phải trả giá, không chỉ tại năng lực yếu kém mà còn có những bất cập có chủ ý để phục vụ cho một nhóm lợi ích.

Đó là tình trạng bóp méo, điều chỉnh quy hoạch theo xu hướng để “tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng và lợi ích của người sử dụng” như điều chỉnh tăng mật độ xây dựng, tăng tầng cao tòa nhà... được các đại biểu Quốc hội nêu ra tại nghị trường khi thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai tại đô thị.

Không khó để nhận ra những hậu quả tai hại của loại “bất cập” về quy hoạch có chủ ý này. Đó là tình trạng mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đô thị bị quá tải, gây ùn tắc giao thông, ngập úng, ô nhiễm môi trường... và cùng với đó là quá tải trong hệ thống trường học, bệnh viện và các dịch vụ xã hội khác.

Nếu xu hướng này không sớm bị chặn đứng, thì những dự án “đốt tiền ngân sách” tương tự như “con đường đắt nhất hành tinh” sẽ còn xuất hiện nhiều hơn nữa và hậu quả mà nó để lại cho cả nền kinh tế cũng ngày một nghiêm trọng hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top