Aa

Phó Thủ tướng tiếp tục giao Bộ Tài chính trả lời kiến nghị về Nghị định 20

Thứ Bảy, 14/12/2019 - 11:50

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài Chính phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét và trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp về sửa đổi quy định khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Theo đó, về báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp về tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ trong tháng 10/2019, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét, xử lý và trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện, đồng thời gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để tổng hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Trong số các kiến nghị, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Bất động sản Bình An, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Nhà Rồng cùng Công ty Cổ phần Đầu tư RC12 kiến nghị sửa đổi quy định, khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/12/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 29/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về việc sửa đổi quy định áp mức chi phí lãi vay vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp để nộp thuế theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Trần Quang Chiểu bày tỏ ủng hộ Nghị định số 20 có tác dụng rõ ràng về chống chuyển giá, tuy nhiên cũng gây nên những khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Chiểu đề xuất hướng sửa là nâng chi phí mức lãi vay từ 20% như hiện nay lên 30% kèm theo điều kiện loại trừ một số trường hợp và cho phép hạch toán chi phí lãi vay vào số lỗ được chuyển giao theo quy định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính có nghiên cứu, khảo sát, đánh giá những bất cập phải sửa và quá trình này cần làm khẩn trương nhưng phải thận trọng. Nội dung sửa Nghị định 20 sẽ tập trung vào các bất cập hiện nay như quy định khống chế mức chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, phạm vi áp dụng, đối tượng đặc thù...

Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi theo quy trình rút gọn, không chờ Chính phủ ban hành Nghị định thực hiện toàn diện Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, đồng thời bảo đảm kịp thời gian quyết toán thuế năm 2019.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Sửa Nghị định 20, tập trung vào khoản 3, Điều 8 là cấp thiết và phải theo nguyên tắc công khai, minh mạch, không phân biệt đối xử, bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo thuận lợi về chính sách thuế cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu chống chuyển giá”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về việc sửa đổi Nghị định 20. Ảnh: Báo Chính phủ 

Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2017. Nghị định 20 và Thông tư 41/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành đã đưa ra theo hướng cụ thể, chi tiết hơn so với các quy định trước đây về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết về nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục xác định giá giao dịch liên kết; nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá của giao dịch liên kết và kê khai nộp thuế; trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, sau khi đi vào thực tiễn, Nghị định 20 đã đặt ra nhiều tranh cãi khi mũi tên nhắm tới hành vi gian lận chuyển giá của các doanh nghiệp FDI bị lệch, trong khi đó doanh nghiệp nội địa lại chật vật vì “vòng kim cô” này.

Cụ thể, khoản 3, điều 8 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế".

Có nghĩa là nếu chi phí lãi vay vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần của doanh nghiệp thì sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế. Nội dung này gây ra nhiều thiệt hại đối với nguồn thu và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhất là các lĩnh vực cần đầu tư vốn lớn như bất động sản, công nghệ cao, chứng khoán.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Nghị định 20 đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vay vốn của các doanh nghiệp tư nhân hoặc tập đoàn kinh tế có mô hình kinh doanh công ty mẹ - công ty con đang kinh doanh hiệu quả trên thị trường bất động sản. Bởi nếu kinh doanh dưới mô hình công ty mẹ thì việc huy động vốn trong nước và quốc tế sẽ thuận lợi hơn so với các công ty con. Những ưu thế của tập đoàn sẽ chiếm ưu thế và sẽ chuyển tiếp nguồn vốn vay cho các công ty con để hoạt động kinh doanh.

Cũng tại văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét, xử lý và trả lời các kiến nghị khác của doanh nghiệp. Cụ thể:

Công ty TNHH Kingmo New Materials Việt Nam kiến nghị về việc Chi cục Hải quan Bắc Ninh ra Quyết định ấn định thuế đối với 61 tờ khai của sản phẩm xuất khẩu từ nguyên liệu nhập khẩu kê khai theo loại hình sản xuất xuất khẩu kể từ ngày 1/9/2016.

Công ty TNHH Mở Nikel Bản Phúc góp ý Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau.

Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại - VCCI kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp, hỗ trợ sớm khắc phục các vấn đề kỹ thuật để doanh nghiệp có thể khai báo thuận tiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top