Nhà đầu tư ngoại "ngại" gì khi đầu tư BĐS tại Việt Nam?

Thứ Tư, 02/11/2016 - 03:01

Có 3 cách nhà đầu tư ngoại đầu tư tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam đó là mua cổ phần của công ty Việt Nam; hợp tác với doanh nghiệp Việt với tỷ lệ góp vốn 50/50; doanh nghiệp trong nước vay tiền từ doanh nghiệp nước ngoài để phát triển sản phẩm. Tuy nhiên các nhà đầu tư ngoại vẫn còn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình hiện thức hóa ý định đầu tư của mình tại Việt Nam.

Hạn chế phạm vi hoạt động

Trong khi các nhà đầu tư BĐS Việt Nam được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức tách đất thành các lô đất để bán thì các nhà đầu tư nước ngoài lại không được phân lô bán nền, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng đó.

Ngoài ra, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép thu tối đa 50% giá trị hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng thuê mua bất động sản được hình thành trong tương lai, trong khi tỷ lệ áp dụng dành cho nhà đầu tư bất động sản Việt Nam là 70%.

Đối với nhà, công trình xây dựng, nhà đầu tư nước ngoài không được mua đẻ bán, cho thuê, cho thuê mua mà chỉ có thể thuê những BĐS này để cho thuê lại.

Nguy cơ bị thu hồi đất

Các nhà đầu tư nước ngoài thường không nắm rõ quy định về đất đai cũng như các thủ tục hành chính có liên quan tại cơ quan nhà nước Việt Nam. Chính vì vậy, các dự án đầu tư BĐS đôi khi không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, kế hoạch thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó việc gặp khó khăn trong công tác thủ tục hành chính càng làm các nhà đầu tư nước ngoài phải đối diện nguy cơ không thể hoàn thành dự án đúng thời hạn và bị thu hồi đất.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tính minh bạch

Dù những năm gần đây nhiều chính sách, quy định về việc công khai minh bạch thông tin được ban hành nhưng để thị trường BĐS thu hút được dòng vốn đầu tư lớn thì hị trường cần minh bạch hơn. Bởi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn làm việc rất bài bản và nguyên tắc, yêu cầu khắt khe trong việc minh bạch thông tin dự án và không chấp nhận những khoản phí “lobbie” không hợp lý.

Báo Đầu tư dẫn các trường hợp liên danh giữa công ty trong nước và công ty nước ngoài rút khỏi các dự án do không cố định được chi phí, thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng…

“Liên doanh Hongkong Land và Sumitomo Realty & Development rút lui khỏi dự án 164 - Đồng Khởi (TP.HCM) sau 4 năm theo đuổi. Lý do là Thành phố không cố định được chi phí và thời gian bồi thường và giải phóng mặt bằng cho dự án. Hai bên cũng không chốt được chiều cao công trình để đảm bảo đầu tư dự án hiệu quả… Cần nhắc lại rằng, để trở thành nhà đầu tư được chỉ định cho dự án 164 - Đồng Khởi, liên doanh này đã phải vượt qua 70 nhà đầu tư khác”, báo Đầu tư viết.

Thực tế việc các doanh nghiệp trong nước mập mờ với đối tác nước ngoài trong các hồ sơ giới thiệu dự án, “giấu nhẹm” các rắc rối liên quan đến dự án khiến các nhà đầu tư nước ngoài mất lòng tin, khó chịu.

Giới hạn số lượng nhà được sở hữu

Luật nhà ở cho phép các cá nhân/tổ chức nước ngoài sở hữu không quá 250 nhà ở riêng lẻ, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề, trong một đơn vị hành chính cấp phường. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định lại đưa ra thêm một quy định hạn chế, theo đó tổ chức/cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không vượt quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ của mỗi dự án nhà ở. Ngoài ra, những quy định về khu vực cấm, quyền gia hạn sở hữu không rõ ràng.

Cụ thể, theo quy định tại điều 161 Luật nhà ở 2014, các đối tượng gồm: doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư. Nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.

 

 

Nghị định 99 ban hành ngày 20/10/2015 quy định chi tiết hơn một số nội dung về việc giới hạn số lượng nhà ở mà các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu, cụ thể như sau: 

Trường hợp trên một địa bàn có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trong đó có nhà ở riêng lẻ để bán, cho thuê mua thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu số lượng nhà ở riêng lẻ như sau:

- Trường hợp chỉ có một dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ dưới 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% tổng số lượng nhà ở trong dự án đó;

- Trường hợp chỉ có một dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ tương đương 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 250 căn;

- Trường hợp có từ hai dự án trở lên mà tổng số nhà ở riêng lẻ trong các dự án này ít hơn hoặc bằng 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% số lượng nhà ở của mỗi dự án.