TTVH Online

Đồng Nai: Đề xuất điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 5 - 10 năm tới

Phong Cầm 16/01/2020 06:15 GMT+7

UBND tỉnh Đồng Nai vừa đề xuất Chính phủ cho rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất khu vực xung quanh các dự án lớn mang tầm quốc gia, khu vực trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất cho rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất xung quanh các khu vực như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường cao tốc: Dầu Giây - Đà Lạt, Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành. Mục đích là để theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với việc đầu tư các công trình lớn, tỉnh Đồng Nai sẽ rà soát bổ sung điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất khu vực xung quanh các công trình trên để khai thác đất đai có hiệu quả hơn.

Quy hoạch sử dụng đất thường áp dụng cho thời kỳ 5 - 10 năm, nếu chờ đến kỳ đầu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào kỳ cuối, thời gian xử lý các dự án trên sẽ kéo dài do vướng thủ tục đất đai.

Do vậy, Đồng Nai kiến nghị Trung ương sau khi rà soát quỹ đất trên địa bàn, nếu có nội dung cần điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cho phép UBND tỉnh được chủ động báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp để triển khai các dự án.

UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng trong giai đoạn 2021 - 2030, Đồng Nai sẽ có nhiều dự án giao thông cấp quốc gia, cấp tỉnh hoàn thành và đi vào khai thác. Đây sẽ là lợi thế để phát triển hàng loạt các dự án về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, khu dân cư đi kèm.

Hiện đã có nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến Đồng Nai tìm hiểu và đề xuất sẽ đầu tư vào nhiều lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Để đón được "làn sóng" đầu tư vào tỉnh ở nhiều ngành nghề khác nhau thì phải làm tốt quy hoạch sử dụng đất. Bởi vì, khi các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh mà các quy hoạch đã được đồng nhất, sẽ rút ngắn thời gian làm hồ sơ, thủ tục. Dự án triển khai nhanh, sớm đi vào hoạt động sẽ góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Song song đó, với tốc độ đô thị hóa nhanh, những năm tới, các địa phương như TP. Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom trở thành những nơi có nhu cầu cao trong việc chuyển đổi nhiều đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, du lịch, dịch vụ...

Chẳng hạn, huyện Trảng Bom đang rà soát lại hiện trạng các loại đất trên địa bàn, sau đó lấy ý kiến người dân để tiến hành quy hoạch sử dụng đất giai đoạn sau cho phù hợp. Nhiều diện tích đất nông nghiệp sẽ được huyện đề xuất UBND tỉnh cho chuyển sang đất phi nông nghiệp để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn.

Huyện Trảng Bom hiện có hơn 1.440ha đất trồng lúa, năng suất lợi nhuận từ cây lúa mang lại rất thấp so với nhiều cây trồng khác. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021 - 2030, nhiều dự án lớn về khu công nghiệp, tổng kho trung chuyển sẽ được triển khai nên huyện sẽ giảm đất lúa, đất trồng cây hằng năm, lâu năm để quy hoạch đất phi nông nghiệp nhằm thực hiện các công trình, dự án.

UBND huyện Long Thành thì cho biết địa phương là nơi tập trung nhiều dự án lớn về hạ tầng kỹ thuật như: Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, hương lộ 10, các đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành... nên trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 sẽ phải điều chỉnh nhiều đất nông nghiệp (trong đó có đất trồng lúa) sang đất phi nông nghiệp để thực hiện.

Huyện Long Thành sắp tới sẽ mở thêm 4 khu công nghiệp và một số khu đô thị nên sẽ giảm đất nông nghiệp để quy hoạch đất phi nông nghiệp cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đất ở. Long Thành đang tiến hành kiểm tra lại hiện trạng đất đai để quy hoạch sử dụng đất giai đoạn sau theo kịp với nhu cầu phát triển của địa phương.

Huyện Long Thành hiện có diện tích gần 43,1 nghìn ha, trong đó gần 34,7 nghìn ha đất nông nghiệp và hơn 8,3 nghìn ha đất phi nông nghiệp. Dự kiến trong giai đoạn tới đất nông nghiệp của huyện sẽ giảm mạnh.

Theo Nam Phong/Nhịp sống kinh tế
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN