TTVH Online

Bất động sản 24h: Vừa lên thành phố, giá đất Thuận An (Bình Dương) tăng gấp đôi

Phong Cầm 12/03/2020 10:30 GMT+7

Bình Dương: Vừa phê duyệt lên thành phố, giá đất Thuận An tăng gấp đôi; Nhà đầu tư hoảng loạn, cổ phiếu bất động sản “nằm sàn là liệt”;... là một số tin tức nổi bật 24h qua.

Bình Dương: Vừa phê duyệt lên thành phố, giá đất Thuận An tăng gấp đôi

Theo Nghị quyết 857/NQ về việc thành lập thành phố mới Thuận An (tỉnh Bình Dương) vừa được thông qua, thành phố mới Thuận An được thành lập trên cơ sở 83,71 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 508.433 người, tiếp giáp thành phố Dĩ An, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Tân Uyên và TP.HCM.

Thành phố Thuận An sẽ có 10 đơn vị hành chính gồm các phường: An Phú, An Thạnh, Bình Chuẩn, Bình Hòa, Bình Nhâm, Hưng Định, Lái Thiêu, Thuận Giao, Vĩnh Phú và xã An Sơn.

Vị trí địa lý của thành phố mới Thuận An được xem là nơi có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, tiếp giáp với hai địa phương lớn là Đồng Nai và TP.HCM. Bên cạnh đó, đa số các khu công nghiệp lớn đều nằm ở hai địa phương này, được xem là cửa ngõ trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương.

Có nhiều điểm sáng để thị trường bất động sản Thuận An không ngừng gia tăng giá trị. Cộng với việc được Ủy ban Thường vụ Quốc thông qua về việc thành lập thành phố, thị trường bất động sản tại Thuận An càng trở nên sôi động, giá đất đang được đẩy lên theo từng ngày.

Theo bảng giá đất vừa được UBND tỉnh Bình Dương công bố giai đoạn 2020 - 2024, giá đất trên địa bàn tỉnh này tăng khoảng 5 - 30%. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của PV, giá thị trường nhà đất trên địa bàn thành phố Thuận An tăng cao hơn rất nhiều, có nơi tăng khoảng 50 - 60%. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản cũng đua nhau đổ về gom hàng chờ tăng giá. Nếu như trước đây giá căn hộ khu vực này chỉ trên dưới khoảng một 1 tỷ đồng thì nay hầu hết ở mức giá trên dưới 1,3 tỷ đồng. Đặc biệt các dự án ở vị trí đắc địa vừa ra mắt thị trường lập tức được các nhà đầu tư săn tìm.

Xem chi tiết tại đây

Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc thành lập thành phố mới Thuận An kể từ ngày 1/2/2020, giá đất tại Thuận An tăng mạnh, có nơi tăng đến 60%.

Nhà đầu tư hoảng loạn, cổ phiếu bất động sản “nằm sàn là liệt”

Ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch ngày 11/3, nhiều cổ phiếu trụ cột tiếp tục đà hồi phục và điều này giúp kéo cả 2 chỉ số chính là VN-Index và HNX-Index lên trên mốc tham chiếu. Có thời điểm VN-Index bật tăng đến gần 7 điểm.

Tuy nhiên, đà hưng phấn của nhà đầu tư nhanh chóng hạ nhiệt khi áp lực bán dần dâng cao. Số mã tăng ít dần đi trong khi số mã giảm nhiều hơn khiến VN-Index nhanh chóng đảo chiều ngay sau đó.

Đỉnh điểm của sự tiêu cực diễn ra trong khoảng thời gian đầu phiên chiều khi thông tin về bênh nhân thứ 35 xuất hiện là nhân viên bán hàng tại Điện Máy Xanh quận Hải Châu, Đà Nẵng. Ngay lập tức áp lực bán tháo xảy ra đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu bán lẻ bao gồm MWG, FRT hay PNJ. Ngay sau đó, lực bán tháo cũng được kích hoạt ở nhiều cổ phiếu trụ cột khác như VJC, VPB, GAS hay SSI.

Trong khi đó, đa số các cổ phiếu nhóm bất động sản cũng không nằm ngoài xu thế chung khi đều giảm mạnh và thậm chí còn bị kéo xuống mức giá sàn. Các cổ phiếu như HD8, BII, VCR, UNI, HDG, LGL, TCH, HDC hay NTL đồng loạt giảm sàn. Bên cạnh đó, DXG giảm 6,3%, VRC giảm 6,4%, LHG giảm 5,8%, SCR giảm 5,4%...

Xem chi tiết tại đây

Hơn 300 sàn môi giới đóng cửa vì khó khăn

Ghi nhận từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tính đến hết năm 2019, Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, hay còn gọi là các sàn bất động sản. Có những sàn môi giới lớn với quy mô gần 3.000 nhân viên môi giới trên cả nước; có những sàn nhỏ chỉ một vài chục nhân viên.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện tình hình hoạt động của các sàn đang rất thê thảm. Có tới 1/3 số sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa vì chủ đầu tư dự án không mở bán sản phẩm. Từ việc không có hàng hóa để chào bán nên các sàn môi giới không có nguồn thu để nuôi bộ máy công ty, trả lương nhân viên. Trong đó, một số sàn định đóng cửa hẳn, có nhiều sàn tạm dừng hoạt động để chờ thời cơ hồi phục của thị trường.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Hội, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Các sàn này có hai phương án về tổ chức hoạt động trong mùa dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Đính cho hay hiện chỉ có khoảng 150 - 200 sàn bất động sản có tình trạng hoạt động khá tốt do trước đó đã ký kết được những hợp đồng mới với các chủ đầu tư bất động sản. Sản phẩm hiện vẫn có dồi dào để rao bán, lượng khách hàng cũng khả quan.

Xem chi tiết tại đây

Nhiều doanh nghiệp bất động sản TP.HCM nợ thuế khủng

Cục Thuế TP.HCM vừa công khai danh tính hơn 500 doanh nghiệp nợ tiền thuế kỳ 1/2020, với tổng số tiền lên tới hơn 3.186 tỷ đồng. Trong đó, tập trung phần lớn là nhóm các công ty kinh doanh bất động sản, xây dựng. Đứng đầu danh sách nhóm ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng, có số nợ trên 100 tỷ đồng là Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Tân An Huy, nợ hơn 173 tỷ đồng. Xếp vị trí thứ hai là Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc Phòng, nợ hơn 106 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ, nợ hơn 105 tỷ đồng.

Theo Cục Thuế TP.HCM, để chống thất thu thuế, trong năm 2020, đơn vị sẽ tập trung các chuyên đề và phân tích các hồ sơ có rủi ro cao về thuế; có dư địa thu lớn như dầu khí, xăng, điện lực, bất động sản; ngành nghề kinh doanh mới như kinh doanh qua mạng, kinh tế chia sẻ, đa cấp, games…

Xem chi tiết tại đây 

Sửa đổi Nghị định 20: Không hồi tố, doanh nghiệp sẽ mất trắng hàng nghìn tỷ đồng

Nghị định 20 quy định về quản lý thuế có hiệu lực từ 1/5/2017 được đánh giá đã "điểm trúng huyệt" các doanh nghiệp FDI liên tục mở rộng kinh doanh nhưng báo lỗ triền miên.

Thực tiễn, Nghị định này lại ảnh hưởng "ngoài ý muốn" lên khối doanh nghiệp Việt, đặc biệt các tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ - con.

Trong ý kiến thẩm định đối với dự thảo sửa đổi mới đây nhất, Bộ Tư pháp đã đề nghị xem xét nội dung cho áp dụng hồi tố đối với việc xác định định khống chế chi phí lãi vay năm 2017 và 2018 phải đảm bảo lợi ích chung của xã hội, lợi ích của tổ chức, cá nhân; có cơ chế thống nhất chung trong việc thực hiện khoản 3 Điều 8 mà không phân biệt những trường hợp đã thanh tra, kiểm tra hay chưa thanh tra, kiểm tra.

Mặc dù ý kiến thẩm định không phản đối hồi tố nhưng trong tờ trình gửi Chính phủ ngày 20/2, Bộ Tài chính đã quyết định bỏ quy định hồi tố. Điều đó có nghĩa là những khoản tiền hàng nghìn tỷ đồng doanh nghiệp phải nộp từ những năm trước mất trắng, không thể thu hồi lại được.

Với kỳ vọng sẽ được hồi tố tiền thuế đã nộp để giảm bớt khó khăn đang gặp phải, trong nửa đầu năm 2019, Hoàng Anh Gia Lai đã ghi nhận một số khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập chi phí dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp đã được trích lập vào báo cáo tài chính tổng hợp những năm trước lũy kế đến 31/12/2018 với số tiền 335,3 tỷ đồng liên quan đến Nghị định 20.

Nếu phương án không hồi tố được "chốt" thì theo như ý kiến loại trừ của kiểm toán, Hoàng Anh Gia Lai sẽ phát sinh thêm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành khoảng 155 tỷ đồng và lỗ lũy kế tăng thêm 491 tỷ đồng. Đây là một gánh nặng tài chính không đáng có khi mà đơn vị này đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ lớn trong nhiều năm gần đây do quá trình tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh.

Và không chỉ riêng Hoàng Anh Gia Lai, nhiều doanh nghiệp khác cũng mong mỏi ngành thuế có sự sửa đổi thấu đáo hơn để tháo gỡ hàng tỷ đồng tiền thuế đang bị treo từ năm 2017, khi kỳ quyết toán thuế năm 2019 (hạn 31/3/2020) đã đến gần và cộng đồng còn đang phải đối mặt với khó khăn đình trệ kinh doanh, sản xuất do dịch Covid-19.

Xem chi tiết tại đây

Mai Hà (tổng hợp)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN