TTVH Online

“Bắt mạch” điểm nghẽn của du lịch miền Trung – Tây Nguyên

Phong Cầm 27/02/2019 23:30 GMT+7

Du lịch miền Trung – Tây Nguyên phát triển chưa xứng tiềm năng bởi những hạn chế về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Khi số liệu thực tế chưa tương xứng với tiềm năng phát triển

Miền Trung – Tây Nguyên là địa bàn phát triển du lịch sôi động nhất cả nước. Năm 2018, khu vực này đón khoảng 56 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch khoảng 120.000 tỷ đồng (bằng 18,75% tổng thu du lịch toàn quốc).

Dù vậy, kết quả này vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng. Tại Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên ngày 16/2 vừa qua, nhiều chuyên gia đã chỉ rõ hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp không khói.

GS.TS Đặng Đình Đào (Đại học Kinh tế quốc dân) phân tích, miền Trung – Tây Nguyên hiện có 12 sân bay (trong đó có 5 cảng hàng không quốc tế), 13 cảng biển (trong đó có 7 cảng biển loại I) chạy dọc bờ biển dài hơn 1.800km… nhưng đến nay cả vùng vẫn chưa có một hệ thống để kết nối, khai thác hiệu quả. Thực tế cho thấy, các quốc gia có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ đều có ngành du lịch phát triển, như Nhật Bản, Singapore, Hà Lan, Mỹ…

Tại Diễn đàn kinh tế miền Trung hồi tháng 1/2019, TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, với hệ thống cảng biển “dày”, khu vực này có lợi thế mà ở nơi khác không có nhưng nghịch lý là đang diễn ra cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các tỉnh, thành sở hữu cảng chứ không phải xu hướng kết nối chặt chẽ để cùng khai thác tiềm năng của cả vùng.

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group.

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group.

Ở một góc độ khác, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường phân tích, đường biển dài như vậy nhưng cả dải duyên hải miền Trung chưa có một Cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt. Trong khi, trên bản đồ du lịch tàu biển châu Á, Việt Nam đứng thứ 4 sau Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan về số du thuyền ghé thăm.

Về đường hàng không, theo ông Trường, số lượng 12 sân bay hoạt động trong khu vực cũng chưa thể là con số khả dĩ khi sân bay quốc tế Đà Nẵng đang quá tải. Sân bay quốc tế Phú Bài (Huế) đang gấp rút chuẩn bị triển khai nâng cấp. Phú Yên, Đà Lạt, Nha Trang… đều cần những sân bay công suất lớn, hiện đại hơn.

Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) dự báo, Việt Nam là thị trường tăng trưởng hành khách nhanh nhất thế giới trong nhóm thị trường trên 50 triệu hành khách giai đoạn 2016 - 2040. Nhưng cả nước mới có 22 sân bay quốc tế và nội địa. Nhìn ra khu vực, Indonesia có tới 683 sân bay, mỗi hòn đảo nước này có ít nhất một sân bay quốc tế.

Về đường bộ, thời gian qua, miền Trung - Tây Nguyên đã được cải thiện đáng kể với 13 tuyến quốc lộ và 57 tuyến tỉnh lộ được đầu tư. Tuy nhiên, khu vực vẫn đang dựa nhiều vào một tuyến huyết mạch duy nhất là Quốc lộ 1A. Dù đã được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn, bổ sung hệ thống hầm vượt đèo (hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông), khai thông sự kết nối giao thương nhưng xét về lâu dài, các địa phương vẫn kỳ vọng về việc đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam đồng bộ để giải phóng áp lực lên đường 1, hỗ trợ kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng phát triển.

Phương thức nào được kỳ vọng tạo nên đột phá?

Nói về giải pháp để tạo đột phá mạnh cho phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung trong chiến lược chuyển từ xây dựng “điểm” (địa phương) sang liên kết vùng, PGS.TS. Phạm Trung Lương – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch kiến nghị cho phép các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia không giới hạn về tỷ lệ vốn để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng trọng yếu của vùng.

TS Lương mong muốn nhà nước cho áp dụng cơ chế để tư nhân đầu tư và khai thác đầu mối hạ tầng giao thông, tương tự như chính sách áp dụng để xây dựng sân bay Vân Đồn (sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam) và cảng hành khách quốc tế Hạ Long tại Quảng Ninh.

Quảng Ninh đã có sân bay quốc tế đẳng cấp, cảng tàu khách chuyên biệt nhờ huy động vốn tư nhân.

Quảng Ninh đã có sân bay quốc tế đẳng cấp, cảng tàu khách chuyên biệt nhờ huy động vốn tư nhân.

Quảng Ninh đã rất thành công khi chỉ trong một thời gian ngắn, khoảng 3-4 năm đã huy động được hơn 48.000 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông, từ sân bay, cảng hành khách quốc tế, cầu lớn và hàng loạt tuyến cao tốc quan trọng kết nối các khu du lịch trọng điểm, mà địa phương chỉ phải bỏ ra tổng cộng hơn 12.000 tỷ, còn lại vốn của chính các nhà đầu tư như Sun Group. Những con số đó nhanh chóng biến thành kết quả đột phá cho ngành du lịch khi 2 năm liền, mức tăng trưởng của ngành công nghiệp không khói Quảng Ninh đã lên trên 20%.

Xây dựng kết cấu hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian dài. Do đó, để phát triển kết cấu hạ tầng ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, ngoài vốn đầu tư của nhà nước, thì liên kết hợp tác để thu hút các nguồn lực bên ngoài là phương án khả thi, là chìa khóa để tháo gỡ điểm nghẽn.

Ánh Dương
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN