TTVH Online

Long An: Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư

Phong Cầm 14/03/2019 06:39 GMT+7

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư (BT, GPMB, TĐC) là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Từ đó, ông yêu cầu các địa phương, sở, ban, ngành tỉnh phối hợp chặt chẽ với nhau, tập trung đẩy nhanh tiến độ BT, GPMB, TĐC, tạo quỹ đất sạch sớm thực hiện dự án (DA) và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư.

Cuối tháng 02/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh làm việc với các huyện nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh để kiểm tra tiến độ BT, GPMB, TĐC đối với các DA đầu tư trên địa bàn. 

Xác định lại đơn giá bồi thường

Theo UBND huyện Đức Hòa, hiện nay, huyện đã và đang thực hiện công tác BT, GPMB 59 DA, gồm: 11 DA vốn ngân sách nhà nước và 48 DA vốn ngoài ngân sách. Thời gian qua, công tác này luôn được huyện tập trung triển khai nhanh chóng. 

Tuy đạt một số kết quả bước đầu nhưng việc BT, GPMB, TĐC trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định. DA tại Đức Hòa tương đối nhiều, diện tích đất thu hồi lớn, giáp ranh TP.HCM nên đất đai có sự biến động lớn, nhất là giá đất. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính khiến DA kéo dài. Một số hộ dân không đồng ý nhận tiền BT vì cho rằng đơn giá BT còn thấp, chưa phù hợp thực tế tại địa phương,...

Phó Chủ tịch UBND huyện - Lê Trường Chinh cho biết, huyện tích cực phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh đẩy nhanh tiến độ BT, GPMB, TĐC để bàn giao mặt bằng, sớm triển khai DA, đồng thời kiến nghị tỉnh xem xét, rà soát các chính sách BT, nhất là xác định đơn giá BT nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng, hoa màu,... để làm cơ sở BT, hỗ trợ, bảo đảm phù hợp với giá thực tế trên thị trường, tạo sự đồng thuận của người dân. Đối với từng DA cụ thể, huyện cũng cần sự phối hợp để cập nhật thiết lập bản đồ GPMB chính xác, cụ thể, hạn chế sai sót, tránh tình trạng tốn kém thời gian điều chỉnh. Tỉnh cần lập tổ giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các DA kéo dài, gây bức xúc dư luận, nhất là DA Khu công nghiệp Xuyên Á.

Làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tạo điều kiện để nhanh chóng triển khai dự án, góp phần quan trọng vào việc phát triển KT-XH địa phương

Làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tạo điều kiện để nhanh chóng triển khai dự án, góp phần quan trọng vào việc phát triển KT-XH địa phương

Từ năm 2004 đến 2018, huyện Bến Lức có 89 DA với tổng diện tích đất đã có quyết định thu hồi là 1.471ha, có 11.257 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng kinh phí BT, hỗ trợ và TĐC đã phê duyệt hơn 3.312 tỉ đồng. Trong đó, huyện chi trả bồi thường cho 11.060 hộ với tổng số tiền 3.226 tỉ đồng, tổng diện tích đất thu hồi, thực hiện DA 1.441ha. Bến Lức tập trung thực hiện công tác BT, GPMB, TĐC nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là trên địa bàn có nhiều DA kéo dài, gây bức xúc dư luận, chủ đầu tư một vài DA năng lực tài chính còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số hộ dân chưa đồng thuận với đơn giá BT do Nhà nước đưa ra vì cho rằng không còn phù hợp thực tế (đối với các DA kéo dài, đơn giá BT không còn đúng so với thời điểm hiện tại) hoặc giá còn thấp so với thị trường. Từ đó, huyện kiến nghị tỉnh xem xét điều chỉnh đơn giá BT, nâng mức hỗ trợ về chính sách, mở rộng thêm chính sách về TĐC.

Cần hỗ trợ các dự án đất lúa trên 10ha

Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh, đến tháng 02/2019, huyện có 95 DA được tỉnh chấp thuận đầu tư (không tính DA nhỏ, lẻ) với tổng diện tích đất khoảng 6.332ha, trong đó, đã và đang chi trả BT cho 7.506 hộ dân với tổng số tiền 3.736 tỉ đồng, bàn giao 1.768ha đất để thực hiện DA. Huyện chủ động, tập trung thực hiện việc BT, GPMB, TĐC trên địa bàn. Tuy nhiên, huyện vẫn còn gặp khó do một số DA kéo dài nhiều năm, một số hộ dân còn chưa đồng thuận với đơn giá BT, một số điều theo quy định của Luật Đất đai 2013 chưa phù hợp thực tế, nhất là liên quan đến DA đất lúa trên 10ha,... Huyện tiếp tục vận động người dân phối hợp, tuân thủ chủ trương của Nhà nước. Bên cạnh đó, huyện kiến nghị tỉnh xác định lại đơn giá BT cho phù hợp thực tế. Tỉnh cần kiến nghị Trung ương sớm sửa đổi một số quy định về luật cho phù hợp, hướng dẫn trình tự, thủ tục cưỡng chế nếu hộ dân cố tình cản trở, chống đối theo đúng quy định của pháp luật hiện hành,...

Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng thông tin, công tác BT, GPMB, TĐC trên địa bàn huyện được tập trung thực hiện nghiêm túc, đạt một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều DA trên địa bàn liên quan đến đất lúa hơn 10ha nên huyện vẫn còn khó trong quá trình triển khai. Huyện cần tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ về cơ chế, chính sách, pháp luật để đẩy nhanh tiến độ công tác này, nhất là những DA liên quan sử dụng đất lúa trên 10ha phải chờ Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận.

Tại các buổi làm việc, đại diện một số chủ đầu tư DA trên địa bàn cũng kiến nghị tỉnh cần có những hướng dẫn, giải pháp hỗ trợ các đơn vị để thực hiện DA liên quan đến sử dụng đất lúa trên 10ha.

Tập trung tháo gỡ

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Nguyễn Văn Thông, đơn giá BT từng DA do Hội đồng Bồi thường cấp huyện thuê đơn vị có chức năng thẩm định giá khảo sát giá từng vị trí, từng loại đất bảo đảm phù hợp với giá thị trường trong điều kiện bình thường. Từ đó, đề xuất giá cụ thể thông qua Hội đồng Bồi thường GPMB trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt. Sở TN&MT là cơ quan tham mưu UBND tỉnh xác định giá đất cụ thể để thực hiện công tác BT. Khi xác định giá, sở chủ trì cùng Cục Thuế, Sở Tài chính, UBND cấp huyện, xã (nơi có DA), sau đó, thông qua Hội đồng Thẩm định giá đất của tỉnh thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở để Hội đồng Bồi thường cấp huyện triển khai áp giá chi trả theo giá đúng quy định. Quá trình xác định, thẩm định đơn giá BT bảo đảm chặt chẽ, khách quan, sát thực tế, đúng trình tự thủ tục. Trước các kiến nghị của các địa phương về đơn giá BT, sở sẽ chủ trì phối hợp sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, kiểm tra lại để tham mưu UBND tỉnh giải pháp phù hợp.

Bên cạnh đó, theo khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai 2013: Đối với DA có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây: Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên; từ 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên; nghị quyết của HĐND cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10ha đất trồng lúa, dưới 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

Thời gian qua, tỉnh có nhiều DA sử dụng đất lúa trên 10ha. Căn cứ quy định pháp luật đất đai phải hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục gửi Bộ TN&MT chủ trì lấy ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc này đôi lúc kéo dài thời gian nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai DA. Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương sửa Luật Đất đai 2013 theo hướng phân cấp HĐND tỉnh quyết định sử dụng diện tích đất lúa, kể cả diện tích trên 10ha. Trong thời gian chưa sửa đổi Luật Đất đai, khi nhận hồ sơ DA có đất lúa trên 10ha từ địa phương, kiến nghị Bộ TN&MT sớm thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để DA triển khai bảo đảm đúng tiến độ theo quyết định chủ trương đầu tư.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Văn Tiều cho biết: Sở phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương liên quan rà soát, kiểm tra lại một số DA chậm trên địa bàn. Song song đó, sở có kế hoạch tham mưu giải pháp cho UBND tỉnh chấn chỉnh, đôn đốc hoặc thu hồi DA theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, tỉnh xác định công tác BT, GPMB, TĐC là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Công tác này có vai trò quan trọng trong việc phát triển KT-XH của tỉnh. Ông đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy các địa phương phải quán triệt tinh thần, tập trung thực hiện nhiệm vụ và giao trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí trong ban thường vụ phụ trách địa bàn phải nắm rõ từng DA, tiến độ để kiểm tra, đôn đốc và phối hợp thực hiện. Ông yêu cầu từng sở, ban, ngành tỉnh xác định rõ trách nhiệm của đơn vị, từ đó, phối hợp với nhau, kịp thời cùng địa phương nắm bắt, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ GPMB, tạo quỹ đất sạch sớm triển khai DA và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư vào tỉnh. Ông đề nghị các chủ đầu tư DA phải tích cực, nhanh chóng triển khai DA theo kế hoạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được yêu cầu các sở,p/ban, ngành tỉnh, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn

Đối với một số DA kéo dài, gây bức xúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh cùng địa phương rà soát, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện hoặc thu hồi DA theo quy định. Ngoài ra, những cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật còn vướng mắc, chưa sát với thực tế, UBND tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo và đề xuất cấp trên có giải pháp phù hợp. 

Theo Thanh Mỹ / Báo Long An
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN