Quảng Nam: Đẩy mạnh Chương trình phát triển nhà ở xã hội

Quảng Nam vừa ban hành Nghị quyết mới liên quan việc điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

09:27 13/09/2018

Đến năm 2020,Quảng Nam đặt mục tiêu tổng diện tích nhà ở khoảng 38,79 triệu m² sàn.

Đến năm 2020,Quảng Nam đặt mục tiêu tổng diện tích nhà ở khoảng 38,79 triệu m² sàn.

Trong Nghị quyết vừa được HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành, mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tổng diện tích nhà ở tỉnh Quảng Nam khoảng 38,79 triệu m² sàn. Diện tích bình quân đầu người là 25,0 m² sàn; trong đó tại đô thị đạt 32,5 m² sàn và tại nông thôn đạt 22,64 m² sàn.

Kế hoạch phát triển nhà ở với tổng diện tích 9.446.100 m² sàn (Cụ thể: Nhà ở thương mại: 1.539.200 m² sàn; Nhà ở do người dân tự đầu tư xây dựng: 5.408.300 m² sàn; Nhà ở người có thu nhập thấp khu vực đô thị: 224.900 m² sàn; Nhà ở công nhân: 610.500 m² sàn; Nhà tái định cư: 419.800 m² sàn...). Liên quan nhu cầu đất ở, trong giai đoạn 2013-2020, nhu cầu đất ở toàn tỉnh Quảng Nam khoảng 1.275,6 ha, trong đó khu vực đô thị khoảng 657,6 ha và khu vực nông thôn khoảng 618 ha. Trong quá trình thực hiện, kết hợp với nhu cầu đất hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để hình thành các dự án cụ thể.

Từ sự thay đổi này, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở giai đoạn 2013 -2020 dự kiến khoảng 66.024 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và vốn tự có từ người dân.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có Văn bản chỉ đạo số 5871/VPCP-CN ngày 20/6/2018, về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, liên quan việc bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, là 20% tổng quỹ đất ở theo đúng quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Các tỉnh phải nghiên cứu, bố trí quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân gắn với quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế, các cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn tỉnh; cũng như quy hoạch khu nhà ở cho công nhân phải tích hợp với quy hoạch chung của đô thị và là một bộ phận cấu thành của hệ thống nhà ở đô thị, với định hướng nhà ở cho công nhân phải gắn với các dự án nhà ở thương mại hoặc các dự án khu đô thị mới để đảm bảo tính đồng bộ về cơ sở hạ tầng xã hội.

Nhằm thúc đẩy các chương trình phát triển nhà ở, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có Văn bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ theo thẩm quyền; có văn bản thông báo danh mục các khu vực đô thị (cập nhật bổ sung khi có thay đổi);

Thông tin về các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh thuộc chương trình, kế hoạch đầu tư nhà ở xã hội do UBND tỉnh phê duyệt; cung cấp thông tin định mức về khối lượng, suất vốn đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở riêng lẻ, thông tin giá vật liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Nam để làm cơ sở thẩm định cho vay theo quy định.

Quảng Nam đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cũng như bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.

Quảng Nam đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cũng như bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại trên địa bàn tỉnh báo cáo danh sách khách hàng đã được vay vốn hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ (gói 30.000 tỷ đồng).

Khung lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội năm 2018 tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, với lãi suất ưu đãi sẽ là 4,8%/năm (0,4%/tháng).

Theo Nguyễn Tuấn / Báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Quảng Nam: Đẩy mạnh Chương trình phát triển nhà ở xã hội tại chuyên mục Nam Trung Bộ của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận