Aa

"Sàn giao dịch không tuân thủ pháp luật, tất yếu sẽ xuất hiện thị trường ảo"

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 01/07/2018 - 02:27

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam. Theo ông Đính, nếu người làm môi giới và sàn giao dịch không tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc nghiệp vụ về thị trường, về sản phẩm, khách hàng… tất yếu sẽ làm xuất hiện thị trường ảo, tạo nguy cơ bong bóng và gây rủi ro cao cho các nhà đầu tư bất động sản và thị trường.

Thế mạnh của “đầu tàu” với hơn 50 dự án

Nhận định tại Hội thảo “Bất động sản miền Trung: Thực trạng và hướng phát triển bền vững” diễn ra tại Đà Nẵng sáng 28/6, đại diện Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, tốc độ phát triển của dự án bất động sản ở nhiều địa phương trong cả nước đang có dấu hiệu chậm lại. Tuy nhiên, phần lớn các dự án tại Đà Nẵng vẫn đang được triển khai đúng tiến độ.

Cụ thể, Đà Nẵng hiện có khoảng hơn 50 dự án đã và đang được triển khai. Tổng số căn hộ, nhà liền kề, biệt thự khoảng hơn 50.000 căn với nhiều nhà đầu tư lớn như Vinacapital, Alphanam Luxury, Sun Goup, Trung Nam, Hòa Bình, An Thịnh, Vingroup… Thị trường bất động sản Đà Nẵng vẫn đang giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư về tiềm năng và triển vọng của thị trường Đà Nẵng.

Đáng chú ý là thị trường bất động sản Đà Nẵng có sự nở rộ của hàng loạt các dự án từ phân khúc cao cấp đến bình dân, với đa dạng loại hình từ bất động sản nghỉ dưỡng đến đất nền, phong phú về sản phẩm từ condotel đến officetel hay Shophouse… Từ cuối năm 2017 và các tháng đầu năm 2018, thị trường thực sự sôi động, đặc biệt là ở phân khúc sản phẩm đất nền.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, Đà Nẵng có khoảng 800 căn biệt thự nghỉ dưỡng và gần 7.700 căn hộ khách sạn (condotel). Ở phân khúc thấp hơn 1 chút, Nha Trang – "kinh đô" condotel với 22.837 condotel và hàng loạt bất động sant nghỉ dưỡng lớn chủ yếu đến từ các nhà đầu tư trong nước.

Trước sự sôi động của thị trường, nhiều chuyên gia nhận định Đà Nẵng là một trong những thành phố miền Trung đang có lợi thế khi xác định phát triển kinh tế biển, du lịch biển là ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, xây dựng các chính sách thu hút đầu tư bất động sản trong thời gian qua tại TP đã mang về những tín hiệu tích cực.

Đà Nẵng luôn là thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư

Đà Nẵng luôn là thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư

Cũng theo tin từ Văn phòng Đà Nẵng, tổng FDI mà TP. Đà Nẵng thu hút được trong 6 tháng đầu năm 2018 là 837,2 triệu USD. Lũy kế đến nay, TP có 320 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 94.650 tỷ đồng và 609 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3,136 tỷ USD. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã thu hút được 12 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 933,6 tỷ đồng và 04 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 102,5 triệu USD. Lũy kế đến nay TP đã thu hút được 12 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao với tổng vốn 290 triệu USD. Những con số này một lần nữa khẳng định lại vị thế “đầu tàu” của Đà Nẵng tại thị trường miền Trung.

Hàng loạt chính sách chấn chỉnh thị trường

Đà Nẵng luôn là thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư. Với các quy hoạch hạ tầng quy mô lớn của thành phố thì sự tăng giá bất động sản là đương nhiên. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, để chọn dự án đầu tư thì cũng phải cân nhắc kỹ vì không phải dự án nào cũng đem lại lợi nhuận nhanh chóng.

Mặt khác, nhằm chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản trên địa bàn TP. Đà Nẵng, từ tháng 4/2017, TP đã ban hành nhiều công văn nhằm chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản. Trong đó, Sở Xây dựng thường xuyên cập nhập các thông tin về dự án UBND TP đã phê duyệt, các dự án đủ điều kiện bán được phê duyệt hình thành trong tương lai trên cổng thông tin điện tử TP.

Gần đây nhất,  UBND TP. Đà Nẵng cho biết, hiện nay các quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp thông thoáng nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó không quy định mức vốn đầu tư tối thiểu đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Dẫn đến tình trạng một số người nước ngoài lợi dụng điều này để tham gia góp vốn đầu tư với số vốn rất thấp (có những trường hợp chỉ dưới 50 triệu đồng Việt Nam). Thế nhưng từ đó họ lại được hưởng các ưu đãi miễn Giấy phép lao động và được cấp thẻ tạm trú ở lại Việt Nam lâu dài.

Vì vậy, UBND TP. Đà Nẵng đề nghị HĐND TP nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư quy định mức vốn đầu tư tối thiểu đối với người nước ngoài để hạn chế việc lợi dụng các vấn đề như nêu trên.

Trên thực tế cũng cho thấy, hầu hết các giao dịch bất động sản đất nền tại Đà Nẵng và các vùng lân cận trong thời gian vừa qua đều thông qua cò đất và giao dịch riêng lẻ trong dân cư, không thông qua sàn giao dịch. Do đó, điều đáng lo ngại nhất là nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng lớn. Chỉ cần có sự thay đổi chính sách thị trường nhà đất thì những nhà đầu tư, nhất là nhỏ lẻ đang sử dụng đòn bẩy tài chính có thể bị tác động mạnh.

Nhận định tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đã nhấn mạnh: "Nếu người làm môi giới và sàn giao dịch không tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc nghiệp vụ về thị trường, về sản phẩm, khách hàng… tất yếu sẽ làm xuất hiện thị trường ảo, tạo nguy cơ bong bóng và gây rủi ro cao cho các nhà đầu tư bất động sản, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản và rộng hơn là cả nền kinh tế".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top