Sơn nữ còn ngái ngủ

Nếu như miền Trung với “con đường di sản” mang đến cho du khách những bữa tiệc cảm xúc duyên hải, thì Tây Nguyên sẽ là những trải nghiệm, khám phá độc đáo của văn hóa rừng. Đã có những ký kết, đã đặt nhiều ý tưởng để kết nối một “Con đường xanh Tây Nguyên”. Thế nhưng, vẫn còn nhiều điều cần phải tính toán để cho những giá trị thiên nhiên, lịch sử, văn hóa Tây Nguyên trở thành tài nguyên vô giá cho ngành công nghiệp không khói toàn vùng phát triển.

23:30 09/10/2018

Tây Nguyên - miền đất huyền thoại, là kho báu vô tận để khai thác phát triển du lịch. Thế nhưng, do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, ngành du lịch của khu vực này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. 

Giữa thập niên 90, cựu trung tá đặc công Nguyễn Đức Phúc, người có những năm tháng chiến đấu dưới sự che chở của núi rừng Tây Nguyên bỗng nảy ra ý tưởng thiết kế một tour du lịch kết hợp nhiều yếu tố liên quan đến rừng. Từ Đà Lạt, ông Phúc dẫn du khách đến với những địa danh một thời là chiến khu; cho họ thăm những buôn làng dân tộc bản địa, những di tích, thắng cảnh; làm những chiếc chòi lá trên ngọn cây cổ thụ cho khách nghỉ ngơi; tổ chức những đêm dân nhạc, dân vũ cho khách thưởng lãm.

Nhiều du khách đến với Tây Nguyên

Nhiều du khách đến với Tây Nguyên

Trên những thớt voi xuyên rừng già, người cựu binh vốn rành rừng núi, đã dẫn khách vượt qua những khúc sông, những triền núi, khám phá vẻ đẹp hùng vĩ Tây Nguyên. Ông Phúc không chỉ kinh doanh, ông còn về rừng để trả nghĩa cho rừng. Người dân ở những buôn làng trong vùng dự án đã trở thành cộng sự của ông và cuộc sống của họ được cải thiện nhờ ông dẫn dắt làm du lịch. 

Cũng như ý tưởng của tour du lịch “đêm trong rừng vắng” của ông cựu trung tá đặc công mê rừng, những người làm du lịch các tỉnh Tây Nguyên đã nghĩ đến một “con đường xanh” trên hành trình khám phá Việt Nam. Ông Phúc chỉ là một doanh nghiệp tư nhân với nguồn lực nhỏ bé nhưng đã ít nhiều thành công bởi ý tưởng độc đáo. Còn ngành du lịch các tỉnh Tây Nguyên, tại sao không liên kết để xây dựng thành công một hành trình du lịch chung mà điểm đến rất phong phú, dàn đều trên khắp khu vực? Tiềm năng du lịch đại ngàn được ví như vẻ đẹp hoang dã của nàng sơn nữ, nhưng có vẻ sơn nữ chỉ mới vừa được đánh thức, hãy còn ngái ngủ.  

Tây Nguyên, biết đến là một khu vực cực kỳ giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Sức hút của đại ngàn là những dòng sông, những thác nước, những cánh rừng, những đỉnh núi; những tộc người bản địa với hệ thống trầm tích, lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; là dáng nét đặc thù của một không gian cao nguyên. Là những đô thị, buôn làng sơn cước với sắc màu khác biệt. Ở khu vực này có thể phát triển khá nhiều loại hình du lịch như: sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, thể thao, mạo hiểm, hội nghị, hội thảo, canh nông... Cũng từ “Con đường xanh Tây Nguyên”, có rất nhiều cơ hội để mở ra các vùng du lịch rộng lớn trong nước, quốc tế, đặc biệt là các nước cận biên như Lào, Campuchia, Thái Lan... 

Ðặc trưng chung, độc đáo riêng

Trong không gian đại ngàn, mỗi địa phương lại mang dấu ấn một miền huyền thoại. Con đường xanh, vì thế, càng đa dạng sắc màu.  

Tôi cho rằng, đã đến lúc du lịch Tây Nguyên phải ngồi lại, liên kết với nhau thông qua những việc làm, hành động cụ thể, nếu không cứ mãi phát triển nhỏ lẻ, manh mún, chia cắt theo kiểu địa phương nhỏ hẹp. Phát triển cục bộ sẽ dẫn đến sự trùng lặp, đơn điệu sản phẩm du lịch... PGS-TS Trần Ðình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Tây Nguyên là một bình nguyên trên cao. Qua hàng trăm triệu năm kiến tạo địa chất đã hình thành nên những quần thể địa hình cảnh quan và tự nhiên đặc biệt độc đáo. Đó là hệ thống núi đồi, hang động, sông ngòi, thác hồ dày đặc. Lên Tây Nguyên, đến tỉnh nào cũng được thưởng lãm những danh thắng tuyệt vời. Đến Kon Tum gặp di chỉ Lung Leng, đỉnh Ngọc Linh với nguồn sâm quý, thác Yaly hùng vĩ, Măng Đen hoang sơ và kỳ thú Chư Mom Ray. Qua Gia Lai vời vợi Biển Hồ, chiêm ngưỡng núi lửa Chư Đăng Ya, khám phá khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng trong công viên địa chất toàn cầu.

Đến Lâm Đồng thả hồn giữa bát ngát rừng thông và muôn vàn hồ, thác: những Pongour, Prenn, Datanla, Xuân Hương hay Tuyền Lâm. Về Đắk Lắk cưỡi voi xuôi hồ Lắk, ngược dòng Sêrêpôk và mãn nhãn với những ngọn thác hùng vĩ Draynur, Dray Sáp Thượng hay mục kích những khu rừng nguyên sinh trong Vườn Quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin; khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Nam Ka. Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô mới được phát hiện ở Đắk Nông cũng làm phong phú thêm di sản thiên nhiên... 

Núi rừng Tây Nguyên là nơi lưu giữ những dấu tích người Việt tiền sử. Đặc biệt, đó là không gian sinh tồn ngàn đời của đồng bào các sắc tộc miền thượng. Trong không gian ấy, từ bao đời nay đã góp phần tạo nên hệ thống di sản văn hóa cổ truyền vô cùng độc đáo mà đỉnh cao là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Khi nói đến Tây Nguyên, là nói đến những buôn làng cổ với sinh hoạt thường ngày, các lễ hội “năm ăn tháng uống”, là nhà rông, nhà dài, các loại nhạc cụ, các bộ sử thi, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề truyền thống và ẩm thực độc đáo... Đó là những thực hành văn hóa đã gắn chặt máu thịt với không gian rừng và thiết chế buôn làng. 

Du lịch Tây Nguyên cần khai thác tối đa những bản sắc văn hóa riêng có

Du lịch Tây Nguyên cần khai thác tối đa những bản sắc văn hóa riêng có

Nói đến Tây Nguyên là nói đến vùng đất bazan tươi tốt và một bầu khí hậu trong lành phù hợp với việc chuyên canh các loại cây công nghiệp dài ngày và các loại cây thực phẩm. Nói đến Tây Nguyên là nói đến dấu vết người tiền sử, là hệ thống di sản kiến trúc từ thời hậu phong kiến và thời thuộc địa, khi vùng đất này là một trong những cái nôi của người Việt cổ, là thủ phủ “Hoàng triều cương thổ” và trung tâm của “Liên bang Đông Dương”.

Trong cái nền đặc trưng chung của không gian Tây Nguyên, mỗi địa phương trong vùng lại mang những dáng nét riêng. Lâm Đồng được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu mát mẻ quanh năm, đất đai màu mỡ; hệ thống di sản kiến trúc độc đáo, phong cảnh hữu tình; cùng nền văn hóa đa dạng.

Nhờ đó, địa phương này có tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch - dịch vụ chất lượng cao và đa dạng. Lâm Đồng đang sở hữu nhiều văn hóa phi vật thể, trong đó UNESCO đã công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản triều Nguyễn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang. Đà Lạt được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Thành phố Festival Hoa”.

Gia Lai có vô số câu chuyện hấp dẫn về văn hóa, lịch sử, văn học như câu chuyện trong tác phẩm “Đất nước đứng lên” gắn với Làng kháng chiến Stơr và Anh hùng Núp; những dấu tích về nhà Tây Sơn, về đời sống tinh thần phong phú của người bản địa mà đặc biệt là văn hóa làng cổ Tây Nguyên.

Tiềm năng du lịch lớn của Đắk Lắk là tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, tìm hiểu văn hóa, lịch sử, du lịch mạo hiểm. Đắk Nông có nhiều thế mạnh từ tài nguyên thiên nhiên, các khu di tích lịch sử, sự đa dạng văn hóa của hơn 40 dân tộc thiểu số, bộ sử thi Ót N’rông của đồng bào M’nông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Kon Tum có di chỉ Lung Leng, có đỉnh núi Ngọc Linh... 

Tất cả những gì đang có ở Tây Nguyên đều có thể biến thành kho báu vô tận cho ngành du lịch. Nếu chúng ta biết phối, kết hợp các thế mạnh lại với nhau sẽ tạo nên một con đường xanh riêng biệt. 

 Chưa tương xứng tiềm năng 

Lâm Đồng có nền du lịch phát triển cao nhất Tây Nguyên. Hiện địa phương có 59 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch nội địa và quốc tế; 1.244 cơ sở lưu trú với tổng số 18.689 phòng. Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Lâm Đồng đón khoảng 20 triệu lượt khách, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế, lượng khách du lịch tăng bình quân hơn 9,6%/năm. Riêng năm 2017 là 5,9 triệu lượt, tăng 8,7% so năm 2016.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, sắp tới, sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu và phát huy thế mạnh về du lịch tại một số địa phương khác trong tỉnh, nhằm mở rộng phạm vi cho du lịch Đà Lạt, tăng cường mở thêm nhiều điểm du lịch sinh thái, canh nông, tìm hiểu văn hóa đồng bào bản địa...  

Du lịch Tây Nguyêm

Du lịch Đà Lạt hút khách du lịch

Các tỉnh khác tại Tây Nguyên ngành du lịch phát triển chưa cao. Tổng lượt khách đến Gia Lai năm 2017 chỉ đạt 500 ngàn lượt với tổng doanh thu 245 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2012-2017, tỉnh Đắk Lắk đã thu hút được gần ba nghìn tỷ đồng các nguồn vốn khác nhau đầu tư phát triển du lịch. Năm 2017 tổng lượt khách đến Đắk Lắk đạt cao hơn trước với 703 nghìn lượt và doanh thu từ du lịch đạt 610 tỷ đồng.

Còn Đắk Nông, năm 2017 lượng khách đến là 300 ngàn lượt, doanh thu đạt 300 tỷ đồng. Tại Kon Tum, ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh nói: “Hiện nay đa phần các điểm du lịch còn rất hoang sơ, chưa hình thành được các điểm mua sắm để níu chân du khách. Vì vậy khách đến du lịch ở lại Kon Tum rất ít và hầu như không quay trở lại. Hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có 8 công ty lữ hành hầu hết là nhỏ lẻ, chưa liên kết, mạnh ai nấy làm; trình độ làm du lịch chưa chuyên nghiệp, thiếu các hướng dẫn viên am hiểu về phong tục tập quán văn hóa địa phương, vốn ngoại ngữ yếu...”. 

Mặc dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng nhìn chung, ngành du lịch các tỉnh Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đắk Lắk Phạm Tâm Thanh thừa nhận: Việc thực hiện thủ tục đầu tư và chính sách đất đai, thuế đối với việc kêu gọi đầu tư chưa phù hợp và hấp dẫn nên việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch còn nhiều vướng mắc.

Trong khi đó, ngân sách Nhà nước hạn chế nên cơ sở vật chất các điểm đến như giao thông, điện, nước, vệ sinh môi trường không có nguồn đầu tư. Cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ nghiêm trọng, nhất là rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, nguồn nước cạn kiệt. Việc đầu tư các công trình thủy điện trên các dòng sông Sêrêpốk, Krông Bông... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều di tích, thắng cảnh quốc gia. Bản sắc văn hóa truyền thống, nhất là nhà dài, văn hóa cồng chiêng, các lễ hội dân gian không có điều kiện phục dựng, bảo tồn để giới thiệu, quảng bá. Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu về kỹ năng, nghiệp vụ, trong khi đó nhu cầu của khách du lịch ngày càng cao...

Đó cũng là thực trạng chung của nhiều tỉnh Tây Nguyên. Ví như Đắk Nông, dù tỉnh đang tập trung phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch nhưng do ngân sách địa phương eo hẹp nên tình hình đầu tư khó khăn. Giám đốc Sở VH-TT&DL Đắk Nông Vũ Thị Ái Duyên đánh giá: “Các nhà đầu tư lĩnh vực du lịch trong thời gian qua chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng tài chính hạn chế nên đã tác động đến tiến độ triển khai dự án, hoàn thiện các dịch vụ.

Sản phẩm du lịch vẫn đang ở trong giai đoạn hình thành và xây dựng chứ chưa thể thỏa mãn nhu cầu du khách để có thể phát huy tiềm năng vốn có của địa phương. Các dịch vụ giải trí quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo được ấn tượng và kéo dài thời gian lưu trú du khách, chất lượng dịch vụ chưa cao và chưa tạo được khả năng cạnh tranh với các địa phương khác”.

Tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum dồi dào nhưng để đầu tư thì tỉnh đã kêu gọi nhưng rất ít doanh nghiệp đến với địa phương. Một số điểm du lịch mới như trải nghiệm Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, khám phá núi Ngọc Linh... đến nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục để được công nhận là các điểm du lịch.

Theo Báo Lâm Đồng

Bạn đang đọc bài viết Sơn nữ còn ngái ngủ tại chuyên mục Tây Nguyên của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận