Aa

Thanh Hóa gặp khó khi giải bài toán "câu giờ" của doanh nghiệp?

Thứ Năm, 12/03/2020 - 11:10

Dù cơ quan Thuế đã nhiều lần đôn đốc liên danh trúng đấu giá hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, nhưng tất cả dường như vẫn dậm chân tại chỗ.

Liên danh trúng đấu giá “ôm rơm nặng bụng”?

Ngày 28/2 vừa qua, Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa có văn bản gửi UBND tỉnh về việc nộp tiền sử dụng đất trúng đấu giá Dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc khu đô thị Đông Hương, TP. Thanh Hóa (mặt bằng 3241).

Theo đó, để đảm bảo thu kịp thời tiền sử dụng đất trúng đấu giá và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, Cục Thuế đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP. Thanh Hóa và các đơn vị có liên quan giải quyết vướng mắc của đơn vị, tạo điều kiện cho cơ quan Thuế thực hiện thu tiền sử dụng đất cho ngân sách Nhà nước.

Văn bản nêu: Ngày 24/10/2019, Chi cục Thuế khu vực TP. Thanh Hóa - huyện Đông Sơn đã thông báo cho Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ADI và Công ty CP Đông Sơn, Thanh Hóa nộp khoản tiền đất là 1.215.030.000.000 (một nghìn hai trăm mười lăm tỷ không trăm ba mươi triệu đồng) và khoản tiền đã quá hạn nộp là 1.070.988.000.000 đồng (một nghìn không trăm 70 tỷ, chín trăm tám mươi tám triệu đồng). 

Số tiền mà liên danh trúng đấu giá đã nộp là 144.020.000.000 đồng (một trăm bốn mươi bốn tỷ không trăm hai mươi triệu đồng) bao gồm cả 66.000.000.000 đồng (sáu mươi sáu tỷ đồng) tiền đặt cọc.

Ngày 22/11/2019, Cục Thuế Thanh Hóa phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Thanh Hóa mời liên danh trúng đấu giá đến làm việc về khoản tiền sử dụng đất nói trên. 

Tại Quyết định phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất (đợt 1) Dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc khu đô thị Đông Hương, TP. Thanh Hóa ghi rõ: "Quá 120 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan Thuế, nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá sẽ bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Việc hủy kết quả trúng đấu giá quy định tại Khoản 1, Điều 72 Luật Đấu giá tài sản và được ghi trong quy chế cuộc đấu giá”.

Dù quy định là vậy, nhưng đến nay liên danh trúng đấu giá vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, đồng thời quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá cũng chưa bị hủy. 

Mặt khác, liên danh này đã lấy lý do hạ tầng kỹ thuật khu đất đưa ra đấu giá thi công nhưng chưa hoàn chỉnh đồng bộ, vì vậy, việc đôn đốc nộp tiền trúng đấu giá của cơ quan Thuế gặp nhiều khó khăn.

Toàn cảnh mặt bằng 3241

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Xuân Hải, Phó Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa cho hay, trong thời gian tới sẽ đề xuất biện pháp cứng rắn nếu doanh nghiệp không hoàn thành nghĩa vụ tài chính sau khi trúng đấu giá.

“Sau khi làm việc, đơn vị trúng đấu giá có cam kết rằng trong năm 2019 sẽ nộp 300 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay đơn vị chỉ nộp được 144 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả tiền đặt cọc - PV). Họ lấy lý do khó khăn về mặt bằng nên chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Với trách nhiệm được giao phó, cơ quan thuế vẫn thực hiện đúng trách nhiệm đó là đôn đốc và tính tiền phạt chậm nộp đối với doanh nghiệp trúng đấu giá.

Nếu doanh nghiệp khó khăn thì đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo tháo gỡ. Còn nếu doanh nghiệp vẫn cứ như vậy thì chúng tôi sẽ đề nghị cưỡng chế, hủy quyết định công nhận kết quả đấu giá”, ông Hải cho biết.

Mặt bằng nghìn tỷ sẽ thêm một lần dang dở?

Nói về việc hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá đối với trường hợp doanh nghiệp chậm nộp quá 120 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan Thuế, ông Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa cho hay: “Việc này phải cáo tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo”.

Ông Khanh cho biết thêm, hiện nay TP đang phối hợp với cơ quan thuế yêu cầu liên danh này hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

“Đến nay, TP. Thanh Hóa đã hoàn thiện hạ tầng giai đoạn 1 tại mặt bằng này. Chúng tôi đang phối hợp với ngành thuế yêu cầu đơn vị trúng thầu thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định”, ông cho Khanh cho hay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Bình luận về vụ việc nêu trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, về nguyên tắc sau khi trúng đấu giá mà đơn vị trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì không được giao đất. Hệ lụy của việc chậm thanh toán các khoản tài chính theo quy định gây ảnh hưởng tới tài khóa quốc gia nói chung.

“Khi tham gia đấu giá, đơn vị phải chuẩn bị sẵn phương tiện về tài chính để khi có phê duyệt kết quả trúng đấu giá, họ có thể thanh toán các khoản tài chính bắt buộc theo yêu cầu. Không thể có chuyện thích thì tham gia đấu giá, sau khi trúng rồi thì… tính sau.

Mặt khác, việc đấu giá là giao dịch mà đáng lý ra Nhà nước có thể thu thuế thông qua đấu giá nhưng đơn vị trúng đấu giá lại không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ làm cho tài sản của quốc gia ứ đọng lại, không thể lưu thông, sinh lời. Đây có thể coi là sự lãng phí về tài nguyên quốc gia", TS. Hiếu nhận định.

Vị này cũng cho biết thêm, việc không thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính đúng hạn của doanh nghiệp trúng đấu giá cũng sẽ khiến uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Phân tích thêm về việc này, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng, một khi liên danh trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch thu chi tại địa phương.

“Việc này gây ra hệ lụy về mặt kinh tế, đặc biệt là việc cân đối ngân sách thu chi của địa phương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nếu nguồn thu không đủ theo kế hoạch sẽ tác động đến hoạt động chi cho đầu tư, phát triển. Bên cạnh đó, quy hoạch đất đai, hạ tầng cũng không thực hiện được như dự kiến”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top