Thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM đối lập nhau, cơ hội cho tỉnh lẻ "lên ngôi"

Báo cáo quý I/2019 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, hoạt động của 2 thị trường Hà Nội và TP.HCM bộc lộ nhiều điểm khác biệt về xu hướng đầu tư nhưng đều giảm mạnh cả về nguồn cung và lượng giao dịch căn hộ. Trong khi đó, các địa phương khác có dấu hiệu phát triển sôi động hơn.

23:30 01/05/2019

Hà Nội: Tỷ lệ hấp thụ căn hộ giảm 15,3%

Tại thị trường Hà Nội, lượng cung căn hộ chung cư chỉ đạt 31,5%, bằng 75,7% so với cùng kỳ 2018; lượng giao dịch đạt 30,4%, bằng 61,7% so với cùng kỳ năm trước; tỉ lệ hấp thụ căn hộ chung cư giảm 15,3% và không có nhiều biến động; giá bán ở phân khúc trung và cao cấp đi ngang, ở phân khúc bình dân tăng nhẹ.

Lý giải về điều này, VARS cho biết, do nhiều dự án đã ra hàng với số lượng rất lớn từ quý IV/2018, cùng với việc rà soát, thận trọng trong việc phê duyệt dự án là những nguyên nhân hạn chế nguồn cung bất động sản vào đầu năm 2019.

Bên cạnh đó, tín dụng bất động sản được kiểm soát chặt chẽ hơn do các chính sách mới được áp dụng từ tháng 1/2019, cùng với việc giá căn hộ chung cư ổn định, làm giảm các hoạt động đầu cơ của các nhà đầu tư thứ phát vào phân khúc căn hộ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng giao dịch chung cư giảm.

Trong khi đó, giá đất nền tăng khoảng 5% so với quý trước. Có hiện tượng sốt giá diễn ra khá mạnh ở một vài nơi, giá chào bán tăng từ 30 - 50% so với IV/2018. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ diễn ra ở các khu vực đất thổ cư trong các khu vực dân cư sinh sống lâu đời và chủ yếu là chào bán một chiều chứ việc giao dịch của người có nhu cầu ở thật gần như không có.

TP.HCM: Tỷ lệ hấp thụ căn hộ lên đến gần 90%

Trong quý I/2019, tại TP.HCM cũng đẩy mạnh việc rà soát lại quá trình giao đất, giao dự án. Bởi vậy, trong giai đoạn này, có rất ít nguồn hàng mới được đưa vào thị trường. Chỉ có vài ba ngàn sản phẩm được cháo bán trong quý I, so với dân số thành phố mà 3 - 4 năm tăng 1 triệu dân, nhu cầu nhà ở rất lớn thì nguồn cung này rất thấp. Từ đó dẫn đến tổng lượng giao dịch trên toàn thị trường giảm mạnh so với quý trước.

Tuy nhiên, tỉ lệ hấp thụ sản phẩm dự án mới tương đối cao, phân khúc căn hộ chung cư trung cấp có tỉ lệ hấp thụ lên tới 89,7%. Điều này cho thấy nhu cầu và sức mua của thị trường vẫn đang rất mạnh.

Cũng do nguồn cung hạn chế nên giá căn hộ tại TP.HCM tăng từ 5 - 7% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 2 - 3% so với quý IV/2018; con số này ở phân khúc đất nền là 4 - 5% và 1 - 1,5%.

Thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM đối lập nhau, cơ hội cho tỉnh lẻ

Thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM đối lập nhau, cơ hội cho tỉnh lẻ "lên ngôi"

Dự đoán về xu hướng của thị trường bất động sản trong những quý tới, VARS nhận định: Thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM mặc dù có sự sụt giảm về số lượng cung và giao dịch, nhưng có xu hướng tăng mạnh về tỉ lệ hấp thụ tại các dự án mới.

Điều này cho thấy lực cầu tại 2 khu vực này vẫn rất cao. Giá bất động sản nhà ở có chiều hướng tăng nhẹ nhưng không sốt, có xuất hiện một số điểm nóng về thị trường đất nền nhưng đều được kiểm soát. Vì vậy, không xảy ra bong bóng bất động sản.

Thời gian tới, nguồn cung từ các dự án bất động sản sẽ tăng mạnh so với quý 1 bởi việc phê duyệt, xử lý hồ sơ, thủ tục các dự án phát triển bất động sản mới từ các cơ quan quản lý nhà nước đang có dấu hiệu tích cực.

Nguồn cung chủ đạo tiếp tục là dòng sản phẩm căn hộ, trong đó phần lớn là phân khúc bình dân và trung cấp; lượng giao dịch cũng sẽ tăng mạnh bởi nguồn cung dồi dào, phong phú từ các dự án ra hàng. Đồng thời giá nhà ở có thể tăng nhẹ ở mọi phân khúc.

Bất động sản tại các địa phương "lên ngôi"

Sự ảm đảm và khan hiếm nguồn cung tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM là cơ hội giúp thị trường bất bất động sản tại các địa phương phát triển hơn. Một trong số đó là Đà Nẵng và Khánh Hòa.

Theo nhận định của VARS, Đà Nẵng và Khánh Hòa vẫn là những thị trường bất động sản rất tốt và có giá cả cực kỳ hợp lý. Đặc biệt, hoạt động mua đi bán lại đang sôi động lên nhờ sự đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp.

Sở dĩ có được sự phát triển tốt là vì hai địa phương này đã có sự đầu tư mạnh mẽ từ ngân sách nhà nước và từ các doanh nghiệp phát triển bất động sản trong và ngoài nước đã tạo được một hệ thống hạ tầng đô thị đạt chất lượng cao, tạo đà cho phát triển kinh tế và thị trường bất động sản ở mức tăng trưởng mạnh.

Một địa phương khác có sự khởi sắc về thị trường bất động sản nữa là Vân Đồn, Quảng Ninh. Trong quý I/2019, sau khi 2 dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được khánh thành, tình hình thị trường bất động sản Vân Đồn đã "nóng" trở lại.

Hiện tại, Vân Đồn đã có mặt hầu hết các nhà phát triển bất động lớn trên cả nước như CEO Group, Vingroup, SunGroup, FLC, BIM Group, HD Mon… Điều này được kì vọng sẽ mang đến cho thị trường bất động sản tại đây nhiều nguồn sản phẩm phong phú, đa dạng và chất lượng.

Tại Phú Quốc, quý I/2019 cũng có những dấu hiệu rất tích cực của thị trường bất động sản. Theo báo cáo của VARs, các giao dịch bất động sản tại Phú Quốc tập trung ở một số khu gần thị trấn Dương Đông. VARS cũng dự báo giá đất nền Phú Quốc sẽ tăng nhẹ từ khoảng 3 - 5% và thị trường đất nền sẽ đi theo xu hướng dài hạn, không còn lướt sóng như trước đây.

Một số địa phương khác cũng được đánh giá là có thị trường bất động sản sôi động chính là Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên...

An Yên

Bạn đang đọc bài viết Thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM đối lập nhau, cơ hội cho tỉnh lẻ "lên ngôi" tại chuyên mục THÀNH PHỐ HCM của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận