Aa

Hà Nội thiếu nhà ở xã hội, vì sao chủ đầu tư vẫn "ngó lơ"?

Thứ Sáu, 04/11/2016 - 20:31

Theo quy định của Chính phủ, đối với dự án có quy mô trên 10ha tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội, tuy nhiên quy định này đang bị các chủ đầu tư "ngó lơ".

Theo thông tin trên báo Nhân dân, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 60 dự án phát triển nhà ở xã hội đã và đang được triển khai.

Chỉ tính riêng năm 2015, Hà Nội đã đưa sáu dự án vào sử dụng, với diện tích sàn 434.603 m2, tương đương 5.000 căn hộ. Từ đầu năm đến nay, nhiều dự án tiếp tục được đưa vào sử dụng, tiếp nhận hồ sơ thuê, mua, như: Kiến Hưng, Phú Lãm (Hà Đông), dự án Thanh Hà Đồng Mô (Hoàng Mai), Bright City (Hoài Đức), nhà ở 662 Minh Khai (Hai Bà Trưng), dự án Tứ Hiệp Plaza (Thanh Trì), Dự án Bam Boo City (Quốc Oai), Ecohome (Bắc Từ Liêm)...

Hiện Sở Xây dựng đang tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội đợt 1 Dự án xây dựng nhà ở xã hội Kiến Hưng, tòa OXH1 tại Khu đô thị mới Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông đến hết ngày 12-12-2016. Giá bán căn hộ là: 13.245.545 đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và chi phí bảo trì). Sở cũng đang tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội Bamboo Garden, đợt 6 tại lô đất CC-1 thuộc Khu đô thị mới Quốc Oai, với giá căn hộ bán (tạm tính): 9.960.000 đồng/m2 (đã bao gồm VAT và 2% phí bảo trì).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đánh giá, số lượng hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội rất lớn, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu, nhất là những dự án nằm ở địa bàn ven đô. Như vậy, nhu cầu của người mua lớn, Chính phủ cũng đã có quy định chủ đầu tư các dự án BĐS phải dành 20% quỹ đất của dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Vậy vì sao Hà Nội vẫn thiếu nhà ở xã hội và chủ đầu tư ngó lơ quy định này?

Quy định “vênh” nhau

Vneconomy đưa tin, sau khi kết thúc đợt kiểm tra công tác quy hoạch đô thị và thực hiện quy định về xây dựng tại các quận huyện trên địa bàn, Ban giám sát đô thị của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã công bố kết luận liên quan đến vấn đề này.

Cụ thể, theo đoàn giám sát, nhằm đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội tại các dự án bất động sản, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định của Luật Nhà ở về việc cắt lại 20% diện tích đất của dự án để xây nhà ở xã hội. Tuy nhiên, qua kiểm tra, hầu hết không được các chủ đầu tư chấp hành nghiêm túc.

Bởi theo quy định của Hà Nội, trong quá trình lập quy hoạch chi tiết các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên phải dành 25% diện tích đất ở hoặc 25% diện tích nhà ở để phát triển nhà ở xã hội, không phân biệt vị trí dự án thuộc khu vực đô thị hoặc khu vực nông thôn.

Trong khi đó, theo quy định của Chính phủ, đối với dự án có quy mô trên 10ha tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị loại 3 trở lên mới phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội.

Chính quy định không thống nhất này giữa Chính phủ và UBND thành phố đã khiến hầu hết các dự án “ngó lơ” quy định của Hà Nội.

Thông tin trên báo Nhân dân, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Bùi Xuân Tùng kiến nghị, đang có độ "vênh" trong quy định phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong dự án để làm nhà ở xã hội giữa Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐND của HĐND thành phố và Nghị định 100/2015 của Chính phủ về phát triển quản lý nhà ở xã hội. Do vậy"cần nghiên cứu chỉnh sửa Nghị quyết cho phù hợp với thực tiễn nhằm thu hút khuyến khích đầu tư tại các khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh.

Có nên dành hẳn một khu đô thị làm quỹ đất?

Theo thông tin trên Vneconomy, ông Nguyễn Minh Đức (thành viên Ban Đô thị Hội đồng Nhân dân thành phố) cho rằng, để xảy ra tình trạng này, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội phải có trách nhiệm về việc bố trí quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội tại các khu đô thị, trong đó phải làm rõ việc các chủ đầu tư phớt lờ quy định của thành phố. Chính điều này đã khiến nguồn cung nhà ở xã hội tại Hà Nội thiếu hút so với nhu cầu của người dân.

Thông tin trên báo Nhân dân, thành viên Ban đô thị HĐND thành phố cho rằng, Sở cần phải làm rõ hơn vấn đề bố trí quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội tại các khu đô thị. Việc sử dụng quỹ đất này đến nay đã đạt được kết quả như thế nào và tới đây có nên dừng thực hiện việc dành 20% quỹ đất tại mỗi khu hay dành hẳn một khu đô thị riêng lẻ, đồng bộ làm quỹ nhà tái định cư và nhà ở xã hội.

Trước đó, trả lời báo Lao động về vấn đề thiếu nhà ở xã hội, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc lập và tổ chức thực hiện kế hoạch hàng năm để triển khai các quy định của Luật, Nghị định, Chương trình về nhà ở, trong đó có nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và khu công nghiệp của các tỉnh - thành phố là yếu tố rất quan trọng trong phát triển nhà ở. Tuy nhiên, thời gian qua việc thực hiện nhiệm vụ này còn chưa đồng đều, ở nhiều nơi còn chưa được coi trọng. 

Ông Hùng nhận định, trong lĩnh vực quy hoạch, cần đảm bảo việc lập và duyệt quy hoạch đô thị chi tiết phải đảm bảo dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong đó có nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị và khu công nghiệp.

Đối với các dự án nhà ở thương mại việc dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội còn buông lỏng, triển khai rất chậm và có nhiều vi phạm cần có giải pháp xử lý nghiêm các dự án còn tồn đọng.

Thời gian tới các dự án mới cần tập trung vào một phương án duy nhất: Bắt buộc chủ đầu tư nhà ở thương mại phải xây dựng đồng thời với nhà ở xã hội (Giá rẻ: diện tích 25 - 45m2, vật liệu thông thường…) để chủ dự án quản lý đồng bộ toàn dự án (không nên có phương án chuyển lại cho nhà nước xây dựng). Nhà nước tập trung quản lý quy hoạch, chất lượng và giá thành như: Thông qua hình thức phê duyệt khu vực 20% nhà ở xã hội, hình thức bắt buộc khi bán nhà ở thương mại đồng thời với bán nhà ở xã hội…

Doanh nghiệp kêu khó

Trao đổi với VnEconomy, Chủ tịch một tập đoàn bất động sản cho rằng: quy định của Chính phủ, của Luật Nhà ở về việc buộc doanh nghiệp phải dành 20% đất của một dự án bất kỳ để làm nhà ở xã hội là không phù hợp.

Theo ông này, quy định quá cứng nhắc, bởi có những dự án doanh nghiệp đã phải “cắt” 20% đất làm trường học. Do đó, nếu tiếp tục phải dành thêm 20% để làm nhà ở xã hội, thì đất kinh doanh chỉ còn 60%, trong khi vẫn phải đóng tiền sử dụng đất 100% diện tích.

“Quy định này là quá vô lý. Nó dẫn tới đơn giá tiền đất tăng cao hơn nhiều. Và không còn cách nào khác doanh nghiệp phải đẩy vào giá nhà, qua đó làm giá nhà tăng cao, chứ lẽ ra có thể giảm thấp hơn nhiều”, Vị chủ tịch này nhấn mạnh.

Báo Nhân dân đưa tin, theo các chuyên gia, để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, Hà Nội cần thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về rà soát các dự án, trong đó tập trung 20% quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở quy mô từ 10 ha trở lên.

Bên cạnh đó, cần linh hoạt tạo điều kiện và cụ thể hóa các ưu đãi đã ban hành như miễn giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính..., cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Phân tích về nghịch lý giá nhà ở, một chuyên gia bất động sản cho rằng, với giá nhà ở xã hội tại Hà Nội trung bình 10 triệu đồng/m2, những người có thu nhập từ năm đến tám triệu đồng/tháng gần như không thể nào mua được nhà.

Người dân chỉ có thể tích lũy ở mức 30 đến 40% tổng thu nhập của mình để dành cho việc mua nhà, và giá nhà ở hợp lý cần đáp ứng mức này.

"Nhu cầu về nhà ở xã hội cho người dân hiện rất lớn, song chính sách phát triển loại hình này vẫn đang bộc lộ nhiều bất cập. Trong điều kiện hiện tại, chính sách cần thay đổi linh hoạt hơn" - chuyên gia này nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top