Aa

TP.HCM đưa hàng loạt kiến nghị "giải vây" cải tạo chung cư cũ

Thứ Bảy, 05/11/2016 - 07:14

Mới đây, trong kiến nghị gửi Bộ Xây dựng, TP.HCM đã đưa ra một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, thành phố muốn ủy quyền cho UBND các quận, huyện thực hiện việc phê duyệt dự toán kinh phí sửa chữa và kinh phí kiểm định; ban hành văn bản thông báo kết quả kiểm định cho chủ sở hữu nhà chung cư; phê duyệt và công bố kế hoạch cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới thay thế chung cư cũ; công nhận chủ đầu tư; chấp thuận, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phê duyệt phương án di dời, bố trí tạm cư và phương án cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp; ban hành Quyết định chấp thuận đầu tư dự án.

Ngoài ra, một số công việc thuộc thẩm quyền của các sở, ngành, cũng sẽ phân công cho UBND các quận - huyện thực hiện như: ban hành văn bản kết luận kiểm định; tổ chức thẩm định và phê duyệt phương án phá dỡ nhà chung cư do chủ đầu tư tổ chức lập; điều chỉnh đồ án quy hoạch phân khu 1/2000; thẩm định và phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật, giao thông; thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công; cấp phép xây dựng...

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Về chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc, UBND các quận - huyện sẽ chủ động thực hiện quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch cho các vị trí chung cư cũ để đảm bảo dự án triển khai hiệu quả khả thi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Tránh kéo dài việc thỏa thuận bồi thường, UBND TP.HCM kiến nghị không áp dụng thực hiện phương thức bồi thường mà thực hiện phương thức tái định cư (tại chỗ hoặc nơi khác) theo nguyên tắc: nhà đầu tư được nhà nước lựa chọn làm chủ đầu tư có trách nhiệm ứng vốn để quận - huyện chi trả tiền tạm cư cho các hộ dân; thực hiện đầu tư xây dựng và bàn giao quỹ nhà tái định cư cho UBND quận - huyện để tổ chức bố trí tái định cư tại chung cư xây dựng mới. Chủ đầu tư không trực tiếp thực hiện việc tái định cư cho người dân.

Quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sở hữu và chủ sử dụng hợp pháp nhà chung cư được bảo toàn trước, trong và sau khi di dời, tạm cư và tái định cư.

Về tiêu chuẩn căn hộ tái định cư, căn hộ có diện tích tối thiểu bằng 1,1 lần so với diện tích căn hộ cũ và người dân không phải đóng thêm bất kỳ khoản tiền nào.

Trường hợp căn hộ được bố trí tái định cư có diện tích nhỏ hơn 25m2 thì được bố trí căn hộ có diện tích tối thiểu là 25m2. Đây là phần hỗ trợ riêng cho các đối tượng có nhà ở nhỏ hơn mức tối thiểu của nhà ở xã hội, các hộ có diện tích căn hộ nhà ở tái định cư lớn hơn mức tiêu chuẩn tối thiểu của nhà ở xã hội thì không được hỗ trợ. Trường hợp có nhu cầu chính đáng (hộ gia đình có nhiều nhân khẩu) thì được xem xét, giải quyết cho thuê mua hoặc thuê nhà ở xã hội.

Nếu trường hợp đã ký hợp đồng bố trí nhà ở tái định cư, nhưng người dân không có nhu cầu ở tại chung cư xây dựng mới thì vẫn được bán căn hộ tái định cư theo hình thức chuyển nhượng căn hộ hình thành trong tương lai. Hay trong trường hợp chưa ký hợp đồng bố trí nhà ở tái định cư, nhưng người dân muốn nhận tiền tại thời điểm di dời thì được thanh toán khoản tiền tương đương với giá trị căn hộ được tái định cư...

TP.HCM hiện có 474 chung cư xây dựng trước năm 1975. Số chung cư này có 565 lô tọa lạc trên hơn 592.000m2 đất với 26.362 hộ gia đình đang sinh sống. Các quận tập trung nhiều chung cư như: Q.5 với 203 lô, Q.1: 98 lô, Q.3: 45 lô, Q.4: 36 lô, Q.6: 32 lô, Q.10: 28 lô...

Theo Sở Xây dựng TP, có 24 nhà đầu tư quan tâm đến việc cải tạo chung cư cũ này.

Hiện nay có 45 lô chung cư đã được kiểm định, đánh giá là hư hỏng, nguy hiểm (tương đương cấp D), tập trung nhiều ở các quận: 1, 5, 10. Trong đó, có ba chung cư với sáu lô đã có chủ đầu tư và một số chủ đầu tư quan tâm đến 12 lô chung cư Ngô Gia Tự (Q.10).

Theo chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM, từ nay đến năm 2020 TP hoàn thành tháo dỡ và đầu tư xây dựng mới ít nhất 50% trong 474 chung cư cũ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top