Aa

Trương Gia Bình –“Bưởng trưởng” mỏ vàng trí tuệ Việt Nam, Kỳ cuối: Những “viên sỏi” quý hơn vàng!

Thứ Tư, 19/10/2016 - 12:25

Sau những bài học thất bại cùng với nỗ lực không ngừng, “Bưởng trưởng” Trương Gia Bình đã đưa tốc độ khai thác “mỏ vàng” trí tuệ Việt Nam lên một tốc độ chưa từng thấy, bình quân 30-40% một năm; có doanh nghiệp tăng 70-80%.

Những năm 2000, thị trường Nhật – Việt Nam là “zero”, nay lên khoảng trên 4%, chỉ sau Ấn Độ và vượt Trung Quốc. Tập đoàn Hitachi có tới ¼ sản phẩm gia công ở nước ngoài đặt từ Việt Nam.

Ước mơ “thung lũng phần mềm” của Trương Gia Bình và các cộng sự dần dần hình thành. Doanh thu phần mềm và dịch vụ năm 2015 khoảng 1,4 USD, nội dung số cũng khoảng 1,4 tỷ USD. Khoảng 40% là doanh thu xuất khẩu phần mềm.

Để đạt được con số đó, không thể kể đến một bước ngoặt quan trọng của ngành công nghiệp phần mềm non trẻ Việt Nam, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của những “viên sỏi” quý hơn vàng có tên là Think Tank.

Đó là kết quả của câu chuyện đáng ghi nhớ về một cuộc triệu tập họp bất thường của “Bưởng trưởng” Trương Gia Bình.

Chẳng là vào những năm 2009-2010, một dấu hiệu không tốt lành cho tương lai nguồn nhân lực phần mềm của Việt Nam đã xuất hiện. Sự chú ý của xã hội đối với ngành CNTT nói chung và ngành phần mềm nói riêng đi xuống rất nghiêm trọng, đến mức điểm tuyển vào khoa CNTT của các trường đại học bằng điểm sàn (13 điểm). Trước đấy, điểm vào khoa CNTT thuộc top cao nhất trong khối ngành kỹ thuật.

Anh Nguyễn Nhật Quang, Giám đốc công ty Hài Hòa, nhớ lại: “Một cuộc họp bất thường cuối giờ chiều tại chính phòng anh Bình ở FPT (bình thường họp ở Văn phòng VINASA),Thường vụ Ban Chấp hành được triệu tập, chỉ có 5 – 6 ông đến. Anh Bình thấy vấn đề như vậy, đặt câu hỏi đơn giản: làm thế nào để làm nóng lại ngành này. Nếu không có sự chú ý của xã hội với CNTT thì về mặt thị trường là rất gay, người ta không chú ý chuyện ứng dụng CNTT nữa. Các doanh nghiệp CNTT sẽ gặp khó khăn. Năm 2000 – 2001 đã có sự chú ý của xã hội. Giờ giới trẻ không quan tâm, không muốn học CNTT thì sẽ ảnh hưởng lâu dài, trầm trọng tới sự phát triển của ngành. Vậy nguyên nhân là cái gì. Tất cả anh em phải tìm cho ra.

Có nhiều nguyên nhân được phân tích. Một trong số đó là truyền thông quá mức về chuyện outsourcing, tạo ra cách nghĩ của cả xã hội cho rằng làm outsourcing tốt lắm, lương cao lắm. Thực tế làm thuê thì giá trị gia tăng không cao, và nghe bên ngoài có vẻ rất hứa hẹn nhưng thực tế lương không cao được. Rồi những chính sách ưu đãi của Nhà nước dẫn xuất từ Chỉ thị 58 nhạt dần, đặc biệt khi đi vào vận dụng của các cơ quan quản lý như thuế, khiến ưu đãi không như kỳ vọng... Nhiều lý do dẫn đến câu chuyện ngành phần mềm của Việt Nam bị chìm xuống”.

Tìm ra nguyên nhân thì dễ nhưng tìm giải pháp thế nào mới khó. Sau cuộc họp khoảng 2 – 3 tiếng đồng hồ, một câu hỏi được đặt ra: “Làm thế nào để thuyết phục xã hội nói chung, lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói riêng để khắc phục tình trạng này?”.

Anh Bình phân tích: “Hiện nay, phần mềm chiếm bao nhiêu % GDP? Chắc chỉ khoảng 0,1%, tỷ trọng rất nhỏ. Nếu tăng gấp đôi cũng chỉ được 0,2% GDP. Với con số đó khó thuyết phục ai, kể cả các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và xã hội. Phải chuyển sang lập luận rằng, GDP đầu người của 1 người làm nông nghiệp chỉ được 30 USD/tháng, công nhân được 70 USD/tháng, còn 1 lập trình viên có thể làm ra 700 USD/tháng thì chưa hẳn đã thuyết phục. Nếu thuyết phục rằng, ứng dụng CNTT để đưa thu nhập của nông dân từ 30 USD lên 60 USD, công nhân từ 70 USD lên 150 USD, thì 700 USD có ý nghĩa hơn rất nhiều. Thực sự có thể tăng GDP lên gấp đôi. Như vậy, việc ứng dụng CNTT quan trọng hơn việc outsourcing”.

Ý tưởng tổng quát sau khi trao đổi là, hóa ra xuất khẩu phần mềm không phải là hay, mà nhập khẩu nhiều phần mềm, sản xuất nội địa được nhiều phần mềm mới là hay, vì nó tác động để nâng cao năng suất lao động của toàn xã hội. Vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay chính là năng suất lao động.

Mọi người cùng thấy đúng và cảm thấy bài toán có lời giải. Nếu trình bày câu chuyện như vậy, rõ ràng sẽ được sự ủng hộ hơn rất nhiều.

Ông Trương Gia Bình trong một buổi hoạt động ngoại khóa của FPT.

Ông Trương Gia Bình trong một sự kiện của FPT.

Vậy ai sẽ làm việc này? Trương Gia Bình ư? Dù đã từng là Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam, dù là người có tài “chém gió” nhiều lần thành công trong và ngoài nước, dù đã từng dày dạn kinh nghiệm, “lên bờ xuống ruộng” trong sự nghiệp phần mềm... nhưng một người sao có thể phân thân, tựa như “một ngôi sao chẳng sáng đêm; một thân lúa chín chẳng nên mùa màng...” (thơ Tố Hữu).

Vì thế, một ý tưởng mới xuất hiện, đó là phải mời các chuyên gia hàng đầu về kinh tế, xã hội ngồi cùng mấy ông CNTT để bàn cách đưa CNTT vào để nâng cao khả năng cạnh tranh chung của đất nước.

Thế rồi, các chuyên gia hàng đầu Việt Nam, như Trương Đình Tuyển, Mai Liêm Trực, Trần Đình Thiên, Võ Trí Thành, Nguyễn Bá Ân, Vũ Mạnh Lợi... đã được Trương Gia Bình mời đến, hình thành nhóm Think Tank để tư vấn chính sách.

Hàng tuần, nhóm chuyên gia “có sỏi trong đầu” gặp gỡ nhau và bàn các chủ đề có tầm quốc kế dân sinh, như đưa CNTT vào nông nghiệp như thế nào, đưa CNTT vào giáo dục thế nào, kể cả vể mặt công nghệ và đặc biệt là mặt chính sách, rồi các ngành phải tái cơ cấu thế nào để CNTT có thể vào được.

Cuộc họp bất thường lịch sử ấy đã tìm ra một hướng đi mới không chỉ cho riêng các doanh nghiệp phần mềm và CNTT Việt Nam mà còn gợi mở cho một câu chuyện lớn hơn rất nhiều, mà từ đó, rất rất nhiều người đã dốc toàn lực đi vận động, thuyết phục để biến chúng thành hiện thực.

Một thời gian sau, năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, khai thông nhiều nút thắt quan trọng trong nhận thức và hành động của cả một bộ máy khổng lồ cũng như trong toàn xã hội về vai trò của CNTT trong tương lai.

Khi ấy, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã nhận xét: “Với Nghị quyết 36, CNTT Việt Nam lại có thời cơ, cơ hội vàng để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đưa Việt Nam sớm trở thành một quốc gia mạnh về CNTT và bằng CNTT. Những định hướng, tư tưởng, giải pháp lớn trong Nghị quyết 36 sẽ là tiền đề quan trọng, là kim chỉ nam cho sự phát triển CNTT Việt Nam trong 10-20 năm tới”.

Vĩ thanh

Hôm mới đây, cư dân mạng xôn xao vì tiết mục văn nghệ nội bộ của FPT  có tên "Time to say goodbye" với câu hát nổi tiếng: "Bình ơi, bọn mình 60, FPT đã lớn... Quá cao rồi, quá oai rồi, về thôi!".

Vở kịch đề cập tới vấn đề nóng của FPT là việc các sếp to nhất mãi chưa về hưu, với mô tả lãnh đạo ngoài 60 tuổi vẫn tiếp tục là “ôm rơm rặm bụng” rồi “trăm dâu đổ đầu tằm”, dẫn tới ngày đêm lo nghĩ, ảnh hưởng tới sức khoẻ, với nhẹ thì “mặt mụn như đang dậy thì”, nặng thì “thoái hóa đốt sống cổ”.

Trên thì diễn, ở dưới, Trương Gia Bình cười như bắt được của, vỗ tay ràn rạt. Thậm chí Tổng giám đốc Bùi Quang Ngọc còn phấn khích tặng thêm anh em diễn vở kịch đoạt giải nhất hội diễn 10 triệu đồng bằng tiền cá nhân.

Thiết nghĩ, mọi lời bình luận thêm về Trương Gia Bình trong sự kiện này cũng sẽ là thừa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top