Aa

Việt Nam không có quỹ đất dành cho logistics?

Chủ Nhật, 09/12/2018 - 06:31

Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ nhưng quỹ đất lại dành nhiều cho trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng chứ không dành cho logistics...

Phiên thảo luận chuyên đề nâng cao năng lực hạ tầng cho logistics Việt Nam - Ảnh: Việt Tuấn.

Phiên thảo luận chuyên đề nâng cao năng lực hạ tầng cho logistics Việt Nam - Ảnh: Việt Tuấn.

Đó là một trong những bất cập lớn được ông Bùi Anh Tuấn, giám đốc Mapletree Việt Nam (Mapletree có trụ sở chính tại Singapore) cho rằng cần được khắc phục để nâng cao năng lực hạ tầng cho logistics Việt Nam.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018 diễn ra ngày 7/12 tại Quảng Ninh, phiên thảo luận chuyên đề nâng cao năng lực hạ tầng cho logistics đề cập một số vấn đề cần tháo gỡ mà nan giải nhất chính là quỹ đất.

Ông Tuấn cho biết, Mapletree đã vào thị trường Việt Nam từ hơn chục năm trước, hiện có đến trên 300 ngàn m2 kho vận, và định hướng 5 năm tiếp theo có 600 - 800 ngàn m2 kho vận theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.

Chia sẻ lý do muốn mở rộng quy mô tại Việt Nam, ông Tuấn nói rằng những con số về kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP hay thu hút FDI có vẻ hấp dẫn. Nhưng ở góc nhìn gần hơn, thực dụng hơn thì có thể tìm thấy những bất ngờ ở một số con số khác.

Những năm gần đây mỗi năm Việt Nam thu hút 25- 30 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài , trong khi đó thì tiêu dùng nội địa gấp 6 lần, xấp xỉ 200 tỷ USD mỗi năm. Điều này cho thấy thị trường nội địa hết sức hấp dẫn, vị này nhấn mạnh.

Với chủ đề của diễn đàn, ông Tuấn đồng tình logistics là mạch máu để kết nối các vùng tăng trưởng và đầu tiên là phải nói đến hạ tầng cho ngành kinh tế quan trọng này.

Nói đến hạ tầng cho logistics thì lâu nay mới nói đến hạ tầng động, về giao thông, về cầu cảng... nhưng hạ tầng tĩnh ở mức độ còn rất hạn chế, ông Tuấn nhận xét.

Nêu con số nguồn cung cho dịch vụ kho vận ở Việt Nam mới chỉ từ 3 triệu cho đến 3 triệu 500 ngàn m2, ông Tuấn cho biết tại Singapore con số này gần gấp đôi trong khi cả diện tích và dân số Singapore đều nhỏ hơn Việt Nam.

Như vậy Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, đó là lý do vì sao Mapletree mở rộng quy mô tại Việt Nam nhanh đến như vậy, vị này nhấn mạnh.

Nhưng, theo ông Tuấn thì hạ tầng logistics tại Việt Nam đang gặp phải khó khăn không nhỏ từ bất cập trong quy hoạch đất đai.

Nhiều năm nay các đô thị lớn tập trung phát triển bất động sản hỗ trợ cho sự ra đời các khu đô thị mới, mọc lên nhiều chung cư và trung tâm thương mại, khu công nghiệp, cao ốc văn phòng, khách sạn, còn quy hoạch quỹ đất dành cho logistics là không nhiều.

Mục đích sử dụng đất cũng tuyệt nhiên không có quy hoạch cho hạ tầng logistics, ông Tuấn nhấn mạnh.

Trong khi theo vị này thì với tiêu dùng nội địa mỗi năm tăng trưởng từ 12- 15%, thương mại điện tử cũng tăng trưởng với mức độ rất đáng quan tâm thì rất rất cần có hạ tầng logistics để hỗ trợ.

Ông Tuấn cũng nhắc lại con số đã được Thứ trưởng Bộ Công Thương đề cập trong phát biểu khai mạc diễn đàn, đó là theo Báo cáo của World Bank về Chỉ số hoạt động logistics (LPI), công bố ngày 24/7/2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.

Vị giám đốc điều hành của Mapletree cho rằng hai năm nhảy 25 bước nhưng trước đó thì đã từng tụt từ vị trí 48 xuống đến vị trí 60, điều đó chứng tỏ kết quả chưa ổn định do hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của logistics.

Thêm một lần nhấn mạnh tầm quan trọng của quỹ đất, ông Tuấn cho rằng hiện nay đất để xây dựng kho vận chỉ cơ bản đáp ứng cho xuất khẩu mà quên rằng tiêu dùng nội địa đang tăng trưởng rất nhanh.

Ông Tuấn cho rằng có thể điều chỉnh quy hoạch để đón đầu và đáp ứng tốt nhất cho hạ tầng logistics trong lâu dài. Bởi dù với tốc độ phát triên thương mại điện tử như hiện nay thì Việt Nam không tránh được việc phải chuẩn bị hạ tầng cho logicstics.

Ở vị trí điều hành phiên thảo luận, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới quay sang ông Vũ Văn Đát, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Ninh, người vừa trình bày những "tham vọng" của tỉnh này về hạ tầng cho logistics.

Câu hỏi dành cho ông Đát là Quảng Ninh có chuẩn bị gì về quy hoạch để có quỹ đất cho hạ tầng logistics?

Đồng ý là rất cần quan tâm đến quỹ đất, ông Đát cho rằng tới đây Bộ Công Thương cần kiến nghị đưa quỹ đất dành cho logistics vào luật khi sửa Luật Đất đai và các luật có liên quan.

Theo vị này thì trong quy hoạch sử dụng đất có có thể có một loại đất là đất kho bãi, và đã đưa vào luật thì khi quy hoạch xây dựng mỗi đô thị đều có quy hoạch cho loại đất này để có cơ sở bố trí cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

Bên cạnh quỹ đất, một số ý kiến khác tham gia phiên thảo luận chuyên đề còn đặc biệt quan tâm đến các yếu tố công nghệ và giáo dục. Bởi nếu không quan tâm đến hai yếu tố này thì rất khó để có thể có được ngành logistics hiện đại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top