Aa

Bài 3: Lời thú nhận của người trong cuộc

Thứ Tư, 25/11/2020 - 15:22

Hàng loạt các công trình xây dựng cơ bản tại xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc có dấu hiệu lập khống hồ sơ, rút tiền ngân sách. Luật sư cho rằng, cần điều tra dấu hiệu hình sự để làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân...

Lời tòa soạn:

Đất đai, xây dựng cơ bản luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân và Nhà nước. Do vậy, giải quyết triệt để những vi phạm xung quanh lĩnh vực này cũng chính là cách “tháo ngòi nổ” xung đột lợi ích, giúp ổn định dư luận.

Từ căn cứ trên, phóng viên Reatimes đã thực hiện khảo sát một số vụ việc liên quan tới quản lý đất đai, xây dựng cơ bản tại xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa theo đơn phản ánh, tố giác của người dân. Từ đó, kiến nghị các giải pháp xử lý vi phạm, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Thú nhận

Hàng loạt các công trình xây dựng cơ bản có dấu hiệu lập khống hồ sơ, rút tiền ngân sách đang được thanh tra huyện Vĩnh Lộc làm rõ. Theo cơ quan có thẩm quyền, đây là vụ việc phức tạp, có nhiều nội dung, nên cơ quan thanh tra tiếp tục gia hạn (lần 3) để xác minh vụ việc.

Quay trở lại nội dung đơn tố giác của công dân, ngoài nội dung phản ánh về việc lập khống xây dựng lề đường, rãnh tiêu nước thôn Đông Môn, công trình đèn led trang trí, trồng cây xanh đường trung tâm và các công trình phụ trợ khác tại xã Vĩnh Long (đã nêu ở bài trước), thì công trình giao thông Ông Phiệt đi Đồng Dấn; công trình đường Đông Môn đi Thạch Đồng cũng bị nghi ngờ có khuất tất.

Theo phản ánh từ phía người trong cuộc, cả hai công trình này đều do người dân đóng góp tiền của để làm, trong khi doanh nghiệp không hề thi công, hoặc thi công một phần nhưng được UBND xã Vĩnh Long đứng ra "nhờ" với tư cách bên nhận thầu để thực hiện quyết toán toàn bộ khối lượng công trình, rút tiền ngân sách.

Trụ sở UBND xã Vĩnh Long.

Cụ thể, tài liệu mà phóng viên có được cho thấy, công trình giao thông nông thôn đoạn từ Ông Phiệt đi đồng Dấn (tên gọi khác là Gò Dài đi Đồng Dấn) có chiều dài khoảng 700m, thực chất là do người dân thôn Đông Môn tự nguyện đóng góp xây dựng. Công trình hoàn thành cuối năm 2014, đầu năm 2015. Theo một số người dân thôn Đông Môn, sau khi công trình hoàn thành, số tiền hoàn công đã được người dân đóng góp, thanh toán cho bên nhận thi công với số tiền khoảng 200 triệu đồng theo hợp đồng đã ký trước đó.

Theo phản ánh của người dân, đây là công trình do thôn Đông Môn làm chủ đầu tư và đã nghiệm thu, hoàn thành, thanh toán cho bên nhận thi công, thế nhưng, ngày 21/6/2018, ông Vũ Đình Viên, đại diện chủ đầu tư (UBND xã Vĩnh Long) và đơn vị thầu "dựng" hồ sơ kỹ thuật, nghiệm thu, ký quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành công trình này với chiều dài hơn 1,2 km, số tiền hơn 864 triệu đồng (bao gồm cả chiều dài người dân đã làm trước đó -PV) để rút tiền ngân sách.  

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Hiệp - Hợp tác xã xây dựng và thương mại dịch vụ Hiệp Lực, đại diện nhà thầu có tên trong hồ sơ quyết toán thừa nhận, doanh nghiệp của ông không thi công tuyến đường Ông Phiệt đi Đồng Dấn mà chỉ giúp xã đứng ra quyết toán hồ sơ, rút tiền kho bạc.

“Chúng tôi không làm công trình này. Đoạn đường chúng tôi làm là công trình khác. Nhưng khi làm hồ sơ quyết toán thì có đưa công trình giao thông Ông Phiệt đi Đồng Dấn vào hồ sơ quyết toán, rút tiền ngân sách (công trình này đã được người dân thôn Đông Môn hoàn thành, nghiệm thu cuối năm 2014 đầu năm 2015 - PV). Xã nhờ làm hồ sơ rút tiền chứ chúng tôi có tự nhiên làm được đâu”, ông Hiệp nói.

Tương tự, công trình đường Đông Môn đi Thạch Đồng cũng được cho là có nhiều nghi vấn về việc lập hồ sơ quyết toán. Theo phản ánh của người dân, công trình này có chiều dài khoảng 700m, do thôn Đông Môn làm chủ đầu tư, trong đó UBND xã Vĩnh Long hỗ trợ 50% khối lượng xi măng. Công trình được hoàn thành năm 2015.

Tuy nhiên, năm 2016, UBND xã Vĩnh Long đã “dựng” hồ sơ công trình này với chiều dài lên đến khoảng 1,1km, với giá trị quyết toán gần 800 triệu đồng. Công trình này do UBND xã Vĩnh Long làm chủ đầu tư và đại diện nhà thầu là ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã xây dựng và thương mại dịch vụ Hiệp Lực.

Qua xác minh, ông Trần Ngọc Hiệp, đại diện nhà thầu cho hay, công trình tổng chiều dài, hơn 1,1km, nhưng thực tế, đơn vị của ông chỉ thi công 300m. Chiều dài còn lại đã được người dân thôn Đông Môn đóng góp xây dựng trước đó.

“Sau khi hoàn thành hồ sơ quyết toán, tôi rút hơn 1 tỷ đồng, nhưng tôi chỉ nhận 400 triệu đồng cho khối lượng tương đương 300m thi công. Phần còn lại xã giữ lại. Còn họ để số tiền đó dùng vào việc gì tôi không rõ”, ông Hiệp nói.

Ký khống hồ sơ quyết toán vì... nể nang

Ông Hà Văn Phấn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Vĩnh Long (nay ông Phấn là Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long), đại diện giám sát, tham gia ký quyết toán nhiều công trình xây dựng cơ bản tại địa phương, trong đó có một số công trình được phản ánh nêu trên thừa nhận: “Có nhiều nhóm công trình xây dựng cơ bản tôi hoàn toàn không biết chủ trương và không được mời tham gia dự giao thầu, ký kết hợp đồng, không tổ chức giám sát, không gửi hồ sơ, thiết kế nhưng khi hoàn công nhà thầu vẫn mang hồ sơ lên xin chữ ký để thanh toán.

Bản thân tôi kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau nên không thể dành thời gian kiểm tra, giám sát hết tất cả các công trình. Đến khi nhà thầu hoàn thành, mang hồ sơ và nhật ký giám sát lên để xin ký thì tôi vì nể nên vẫn ký vào các văn bản nghiệm thu, hoàn công.

Trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao về giám sát lĩnh vực xây dựng cơ bản, bản thân tôi không có kinh nghiệm, lại không được đào tạo, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, chủ đầu tư và nhà thầu không cung cấp hồ sơ thiết kế dự toán hoặc thẩm định để tiện theo dõi nên gặp khó khăn trong giám sát, theo dõi mặc dù hội nghị giao thầu đã đề nghị nhiều lần.

Có một số công trình sau khi nhà thầu mang hồ sơ lên để xem qua thì tôi mới biết trong dự toán và thiết kế phát hiện những hạng mục thiếu sót, thi công nhưng không đầy đủ theo thiết kế. Nhưng để tạo điều kiện rút vốn thanh toán, có cả dự án vì nể nang nên tôi ký để chủ đầu tư và nhà thầu được thanh toán, hoàn công. Thời điểm thanh toán cũng là lúc thành lập ban giám sát đầu tư cộng đồng, để kẹp hồ sơ vào hồ sơ thanh toán chứ trong quá trình thi công hoàn toàn không có người giám sát”, ông Phấn tường trình.

Cũng liên quan tới nội dung tố giác các vi phạm liên quan tới lĩnh vực xây dựng tại xã Vĩnh Long, nhiều cựu cán bộ xã này đã có đơn đề nghị Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc kịp thời xem xét tổ chức chỉ đạo, giải quyết vụ việc. 

"Chúng tôi đề nghị sớm thu hồi nguồn vốn thất thoát về ngân sách, củng cố lại lực lượng cán bộ để họ thực sự có trách nhiệm với công việc. Chúng tôi có đầy đủ tài liệu hồ sơ và sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu phản ánh không đúng", đơn tố giác của cựu cán bộ xã Vĩnh Long nêu rõ.

Trước những nội dung tố giác của công dân về dấu hiệu tiêu cực trong lĩnh vực xây dựng cơ bản tại xã Vĩnh Long, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc để trao đổi thông tin vụ việc nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Trưởng văn phòng Luật Minh Bạch (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ dấu hiệu hình sự trong vụ việc nêu trên.

"Cần điều tra làm rõ dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản” quy định tại Điều 353 Bộ Luật Hình sự 2015 và tội "mua bán trái phép hóa đơn theo quy định tại điều 203, Bộ Luật Hình sự 2015.

Đặt giả thiết, nếu đơn vị nhận thầu không thi công công trình nêu trên thì không thể có các hóa đơn chứng từ trong việc thi công. Nên để chứng minh việc thi công trên thì doanh nghiệp có thể sẽ hợp thức hóa bằng việc mua bán hóa đơn trái phép

Theo đó, nếu nếu cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật hình sự về hành vi mua bán hóa đơn trái phép sẽ phải chịu chế tài xử lý như sau:

1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;

đ) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

e) Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Bên cạnh đó, để các cá nhân, tổ chức trên chịu trách nhiệm trước pháp luật thì cần phải làm rõ, xác định rõ vai trò, số tiền hưởng lợi được của từng cá nhân, tổ chức (nếu có) trong vụ việc trên", vị luật sư phân tích.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top