Aa

Bất động sản 24h: M&A - “phao cứu sinh“ của doanh nghiệp bất động sản

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Bảy, 25/03/2023 - 10:09

M&A - "phao cứu sinh" của doanh nghiệp bất động sản; Gỡ khó toàn diện cho thị trường bất động sản... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

M&A - "phao cứu sinh" của doanh nghiệp bất động sản

Một số doanh nghiệp đã chấp nhận bán đi một phần tài sản, đặc biệt là các quỹ đất ở những địa bàn trọng điểm như TP.HCM, nhằm “cứu” dòng tiền.

“Giai đoạn này, doanh nghiệp nào còn có quỹ đất, dự án phù hợp để bán là quá may mắn”, đại diện một công ty bất động sản có trụ sở tại TP.HCM nói.

Người này cho hay doanh nghiệp vừa bán thành công một vài lô đất ở TP.HCM. Bên cạnh việc cắt giảm khoảng 60% quy mô nhân sự và tiết giảm các chi phí vận hành khác, nguồn tiền từ những giao dịch này đã giúp công ty thanh toán được các khoản nợ vay và mua lại một số lô trái phiếu trước hạn từ đầu năm đến nay.

Theo ông, trong thời điểm kinh doanh thuận lợi trước đây, doanh nghiệp đã thu gom khá nhiều quỹ đất lớn ở nhiều tỉnh, thành, trong đó có cả những quỹ đất rộng để xây dựng khu đô thị, nghỉ dưỡng.

Nhưng đến lúc này, chỉ những quỹ đất ở TP.HCM dự kiến phát triển các tòa nhà văn phòng, khách sạn cho thuê mới có thể bán nhanh. Hiện tại, công ty này chỉ còn lại quỹ đất ở các tỉnh vùng ven, phù hợp triển khai bất động sản nghỉ dưỡng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Chồng chéo luật cản trở doanh nghiệp và nền kinh tế: Ai chịu trách nhiệm?

Xung đột trong quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản... đã và đang gây ra những hệ luỵ lớn cho doanh nghiệp. Trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp nào cho vấn đề này?

Có chuyên gia từng phải thốt lên rằng: "Nếu tôi là nhà đầu tư mà nhìn sơ đồ pháp lý và các thủ tục trước khi bắt tay tiến hành thực hiện dự án thì tôi sẽ không dám đầu tư nữa, mà đem tiền gửi tiết kiệm hoặc đầu tư ở một kênh khác".

Theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp phát triển một dự án bất động sản hiện nay bị chi phối bởi hệ thống luật chồng chéo, xung đột lẫn nhau, bao gồm Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường,…

Bởi vậy, thời gian qua, liên tiếp trong các hội nghị gỡ khó cho thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản đều "cầu cứu" Chính phủ, bộ ngành nhanh chóng gỡ vướng pháp lý, nhanh chóng hoàn thiện thể chế thị trường bất động sản phục hồi.

Trước vấn đề nóng bỏng này, Reatimes đã ghi nhận nhiều quan điểm của nhiều chuyên gia, chỉ ra thực trạng và kiến nghị khắc phục những xung đột, chồng chéo trong các quy định của pháp luật, nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững.

Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản cho hay điểm nghẽn trong hành lang pháp lý, khâu tổ chức thi hành các quy định của pháp luật là nguyên nhân căn bản làm hạn chế sự phát triển bình thường của thị trường bất động sản, làm cho giá bất động sản tăng cao, gây bất bình trong xã hội; mặt khác làm hạn chế sự phát triển của nền kinh tế - xã hội quốc gia khi nguồn lực lớn bị "đóng băng" ở các tài sản bất động sản đã hình thành nhưng không được đưa vào lưu thông sử dụng và nguồn vốn lớn đầu tư cho lĩnh vực này không được đưa vào lưu thông trong nền kinh tế.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản công nghiệp Việt Nam: “Ngôi sao hy vọng“ của thị trường

Giữa tâm bão, bất động sản công nghiệp vẫn giữ phong độ là điểm sáng của thị trường bất động sản. Bài viết cung cấp một góc nhìn toàn cảnh về thị trường cũng như những động lực tăng trưởng trong thời gian tới.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước ta hiện có khoảng 563 khu công nghiệp (KCN) nằm trong quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành; 397 KCN đã được thành lập; 292 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng hơn 87,1 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp khoảng hơn 58,7 nghìn ha. Ngoài ra còn 106 KCN đang trong quá trình xây dựng với diện tích đất công nghiệp khoảng 23,8 nghìn ha. 

Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến hết năm 2022, tỷ lệ lấp đầy các KCN ở nước ta đạt khoảng 80%, trong đó khu vực phía Nam trung bình đạt 85% - dẫn đầu cả nước. Bình Dương là địa phương có tỷ lệ lấp đầy cao nhất, đạt trên 95%. 

Nhìn chung, tỷ lệ lấp đầy KCN tại các thị trường trọng điểm phía Bắc và phía Nam đều duy trì ở mức trên 90% trong năm 2022. Các KCN cũng tập trung chủ yếu xung quanh hai cực trung tâm là Hà Nội và TP.HCM, tại miền Trung tập trung chủ yếu tại Đà Nẵng và Quảng Nam. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Mấu chốt là củng cố và ổn định niềm tin của nhà đầu tư

Thanh khoản trên thị trường bất động sản sụt giảm mạnh trong nhiều tháng qua là do niềm tin của nhà đầu tư bị lung lay. Pháp lý vững chắc và minh bạch thông tin là cách để ổn định và phát triển thị trường trong dài hạn.

Theo chuyên gia, nếu thời gian qua những "đổ vỡ" trên thị trường tài chính không xảy ra thì lĩnh vực bất động sản đã có thể trông chờ nhiều hơn vào nguồn vốn từ trái phiếu. (Ảnh: Reatimes)

Trải qua một "cuộc bể dâu", tái thiết lập thị trường là điều tất yếu phải diễn ra để ngành địa ốc phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững hơn. Theo chuyên gia, tuy tốc độ phục hồi diễn ra khá chậm nhưng chắc chắn thị trường sẽ khởi sắc trở lại. Bước đi “chậm mà chắc” sẽ nâng cao sức bền, củng cố niềm tin dài hạn của nhà đầu tư, giúp thị trường có thể phát triển cân bằng và ổn định hơn trong tương lai.

Reatimes tiếp tục có cuộc trao đổi với PGS.TS. Ngô Thị Phương Thảo - Trưởng khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về vấn đề này.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Gỡ khó toàn diện cho thị trường bất động sản

Các chuyên gia bất động sản đánh giá, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ đã "bắt đúng bệnh" của thị trường bất động sản hiện nay và đã đưa ra các giải pháp tháo gớ khó khăn toàn diện cho thị trường.

Thị trường bất động sản vừa đón nhận tin vui khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP (Nghị quyết 33/CP) về các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững,  trong đó, Chính phủ thể hiện rõ cam kết chia sẻ, tạo sự khích lệ lớn đối với các doanh nghiệp đầu tư bất động sản và các dự án nhà ở nâng cao chất lượng an sinh xã hội.

Tại Nghị quyết 33, Chính phủ đã thông qua nội dung các ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ giảm 1,5 - 2% lãi suất cho những người vay mua nhà thông qua gói 120.000 tỷ đồng. Đây là "điểm sáng" về tín dụng cho nhu cầu ở thực, song cũng cần nhìn nhận thực tế đây là gói mang tính tự nguyện của các ngân hàng thương mại. Thực tế, với mức lãi suất cho vay đối với bất động sản hiện còn khá cao lên đến 14%, trong khi lãi suất huy động tiền gửi 7,4%, việc sở hữu bất động sản đối với nhà đầu tư hiện nay vẫn là bài toán khó.

Theo ông Trịnh Quang Đông, Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Phục Hưng, những vướng mắc và khó khăn chủ yếu của thị trường bất động sản và doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh bất động sản hiện nay chủ yếu là: Thủ tục đầu tư, pháp lý chưa được tháo gỡ đồng bộ, thống nhất về chính sách, đặc biệt là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn, lãi suất ngân hàng cho vay đang ở mức cao, tỷ giá ngoại tệ biến động, cộng với giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng dẫn đến chi phí của doanh nghiệp tăng...

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top