Aa

Bất động sản nghỉ dưỡng cần "vũ khí mới" để thu hút đầu tư nước ngoài

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 24/06/2020 - 06:00

Thời gian tới, giới chuyên gia đều cho rằng đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản ngày một tăng lên. Trong đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng để hút dòng vốn nước ngoài cũng phải tao ra "vũ khí mới" là các tổ hợp “All in one”.

Kinh tế vĩ mô là bước đệm quan trọng

Triển vọng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam được giới chuyên gia nhận định là rất tốt, tuy nhiên, có những thách thức lớn, đặc biệt là trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bởi lẽ, phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng quy mô cần nhà đầu tư lớn, có chiến lược. Vì vậy, cần có những doanh nghiệp đầu tàu FDI, những doanh nghiệp thứ cấp, những doanh nghiệp hỗ trợ đồng lòng, hợp lực và cùng nhau đi đường xa mới có thể tạo lập và phát triển được dòng sản phẩm này.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phân tích, nhiều tổ chức nghiên cứu, phân tích kinh tế - tài chính quốc tế đều chung nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ có bước tăng trưởng thuận lợi trong trung hạn. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, trong năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chậm lại, song đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi và kỳ vọng đạt 7% vào năm 2021. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng đưa ra kỳ vọng, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 sẽ đạt hơn 7%, khi nhu cầu bên ngoài và trong nước dần hồi phục, xuất khẩu, du lịch và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trở lại.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Trong những tháng đầu năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện rất hiệu quả mục tiêu kép và đạt được những kết quả rất tích cực, cụ thể. Thực tế cho thấy, tháng 5 - tháng đầu tiên sau giãn cách xã hội, nền kinh tế bắt đầu giai đoạn “bình thường mới” đã có những tín hiệu rất đáng mừng, duy trì và từng bước phục hồi nhanh các hoạt động của nền kinh tế.

Trong tháng 5, đã có trên 5.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,7%; số doanh nghiệp thành lập mới (tăng 36,1% so với tháng trước); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 26,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,2%; xuất khẩu tăng 5,2%... Điều này cho thấy, nền kinh tế nước ta đang bắt đầu dần bình thường trở lại.

Ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh: “Triển vọng hồi phục kinh tế vĩ mô sẽ tạo bước đệm quan trọng cho bất động sản nghỉ dưỡng phát triển, bởi dòng vốn rót vào các dự án sẽ được đảm bảo qua nhiều kênh khác nhau, đầu tư nước ngoài tăng, thu nhập bình quân đầu người và mức chi tiêu cho các dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí cũng sẽ tăng”.

Bên cạnh đó, ông Nam cho hay với sự “tái khởi động” của những “sếu đầu đàn”, như Sun Group, Vingroup, CEO Group…, các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn được khai thác, vận hành tốt sẽ tạo nên những giá trị lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho các khu vực nhất định.

Bằng chứng là trong khi trên thế giới, những “cỗ máy in tiền” dưới dạng mô hình tổ hợp/quần thể du lịch, nghỉ dưỡng đã xuất hiện từ lâu, như ở Singapore, Malaysia… Ở Việt Nam, mới đây, các tổ hợp du lịch quy mô cũng dần xuất hiện tại Vân Đồn, Hạ Long, Phú Quốc và chứng minh được sức hút. Lượng khách du lịch, đặc biệt là dòng khách hạng sang đến các tổ hợp này rất lớn.

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng để hút dòng vốn nước ngoài cũng phải tao ra vũ khí mới là các tổ hợp “All in one”.

Vì thế, xu hướng đầu tư vào các bất động sản nằm trong tổ hợp du lịch sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm về lượng khách ổn định, gia tăng theo thời gian. Các công trình nằm trong tổ hợp sẽ có sự bổ trợ lẫn nhau hiệu quả, đảm bảo khả năng kinh doanh cho các nhà đầu tư. Thêm điểm cộng nữa là nhà đầu tư có thể yên tâm về tính pháp lý khi đầu tư vào bất động sản nằm trong các tổ hợp quy mô, đẳng cấp.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các thị trường bất động sản như Hà Nội và TP.HCM thu hút được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhưng chủ yếu là ở phân khúc nhà ở, còn bất động sản nghỉ dưỡng thì rất ít. Ngay thị trường nhà ở cũng có quy định khách nước ngoài mua dự án chỉ ở trong khoảng 20 - 30%. Hiện nay, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc cấp giấy chứng nhận sở hữu các dự án bất động sản nghỉ dưỡng nên dường như cũng hạn chế cơ hội của các nhà đầu tư vào phân khúc này.

“Chúng ta cần sớm có những quyết sách phù hợp để có thể mở rộng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản nghỉ dưỡng ở các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai”, ông Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.

Cơ hội cho các tổ hợp “All in one”

PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dự báo thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ bắt đầu khi học sinh, sinh viên kết thúc năm học 2019 - 2020, dẫn tới bùng nổ du lịch nội địa trong ngắn hạn - giúp các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong nước hưởng lợi. Giai đoạn 2 sẽ bắt đầu khi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga khống chế dịch thành công và các đường bay quốc tế được nối lại.

Theo ông Chung, du khách quốc tế sẽ ưu tiên chọn các điểm du lịch phía Nam trong nửa cuối mùa thu và mùa đông do khí hậu ôn hoà quanh năm - nền nhiệt ẩm phong phú, ánh nắng dồi dào, giúp thị trường bất động sản du lịch hưởng lợi. Các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đã chịu thiệt hại trong những tháng đầu năm, nhưng 3 tháng cuối năm không chỉ giúp họ hồi phục, mà còn cho cơ hội phát triển hơn nữa.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, mặc dù bị tác động mạnh từ dịch Covid-19 nhưng nhiều chủ đầu tư đã khá nhạy bén thực hiện tái cấu trúc sản phẩm, thay đổi cách tiếp cận khách hàng để thích ứng, tung sản phẩm mới ra thị trường. Nhờ đó, ngay khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng những doanh nghiệp này đã kịp bắt nhịp trở lại, sẵn sàng tăng tốc trong giai đoạn tới.

Giới quan sát cho rằng, việc tung ra các mô hình mới trong lĩnh vực nghỉ dưỡng cho thấy khả năng nhanh nhạy và nắm bắt thị hiếu của các nhà phát triển bất động sản. Covid-19 cũng đã tạo ra sự thanh lọc trên thị trường để nhà đầu tư có thể dễ dàng hơn khi nhận diện các dự án thực sự chất lượng từ những chủ đầu tư uy tín.

Ngành du lịch đang ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của những vùng đất mới

Đặc biệt mô hình “All in one” được cho là những ngòi nổ giúp cho bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng bùng nổ mạnh mẽ ngay sau dịch. Sự xuất hiện các dự án quy mô lớn từng bước mở rộng phát triển các sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại các thành phố có tiềm năng du lịch lớn, không chỉ để tạo ra thật nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn đạt chuẩn quốc tế, mà còn đồng hành cùng địa phương để kích hoạt phát triển du lịch bền vững theo chiến lược phát triển du lịch của Quốc gia.

Cùng với đó, ngành du lịch đang ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của những vùng đất mới, mà dịch vụ đẳng cấp quốc tế nơi đó đang phá vỡ mọi giới hạn về không gian và quy chuẩn, đem đến những trải nghiệm sống không ngừng mở rộng cho du khách. Chính các dự án du lịch nghỉ dưỡng với đẳng cấp quốc tế 5 sao về dịch vụ lưu trú lẫn vui chơi giải trí là lợi thế cạnh tranh trong thời gian tới tại các vùng đất mới này.

Điển hình tại Vân Đồn, Tập đoàn CEO đang triển khai tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City quy mô 358,3ha. Tại đây, chủ đầu tư phát triển các sản phẩm lưu trú cao cấp như biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn quốc tế, khu đảo nghỉ dưỡng Sonasea Island Retreat cũng như các sản phẩm du lịch phụ trợ như trung tâm mua sắm, bến du thuyền, CLB du thuyền, khu vui chơi trong nhà và ngoài trời, trung tâm hội nghị quốc tế.

PGS. TS. Trần Kim Chung cho hay, việc phục hồi thị trường bất động sản du lịch lại là một lợi thế để các địa bàn có tiềm năng phát triển lợi thế của người đi sau. Rút kinh nghiệm của các giai đoạn phát triển 1993 - 1996; 2005 - 2007; 2014 - 2018 với các địa bàn Mũi Né; Nam Sơn Trà - Bắc Cửa Đại; Nha Trang - Cam Ranh; các địa bàn Phú Quốc, Vân Đồn có lợi thế trong việc lựa chọn mô hình; loại hình sản phẩm; quy mô sản phẩm cho mình. Một trong những định hướng có thể là việc lựa chọn các sản phẩm bất động sản tập trung, quy mô lớn thay cho việc phát triển hàng loạt resort liền kề nhau.

Hơn nữa, cùng với việc dịch chuyển doanh nghiệp và dòng vốn đầu tư, việc các doanh nghiệp và nhà đầu tư dịch chuyển đến Việt Nam kéo theo nhu cầu nghỉ dưỡng với chất lượng cao, quy mô lớn là khách quan. Bên cạnh đó, không loại trừ bản thân các nhà kinh doanh bất động sản, các chủ doanh nghiệp bất động sản cũng dịch chuyển đến Việt Nam để hiện thực hóa các hiệp định Việt Nam đã ký kết. Từ đó, tạo điều kiện cho Phú Quốc và Vân Đồn không chỉ có được nguồn đầu tư, thương hiệu, nhà quản lý mà còn là cơ hội được lựa chọn những sản phẩm phù hợp với định hướng chiến lược của hai địa bàn này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top