Aa

Bất động sản 24h: Mặt bằng bán lẻ “ế” hàng loạt, giá thuê vẫn tăng cao

Thứ Sáu, 21/01/2022 - 09:12

Mặt bằng bán lẻ “ế” hàng loạt, giá thuê vẫn tăng cao; Nhà đầu tư đang "đổ xô" về vùng ven, thị trường khu vực này trở nên sôi động... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Mặt bằng bán lẻ “ế” hàng loạt, giá thuê vẫn tăng cao

Savills Việt Nam vừa phát hành báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý IV/2021. 

Tại báo cáo vừa phát hành, đơn vị này cho biết, trong quý 4/2021, nguồn cung thị trường bán lẻ tăng chậm hơn dự kiến khi chỉ 4 trên 10 dự án gia nhập thị trường vào cuối năm 2021 theo đúng kế hoạch. 

Do đó, tổng nguồn cung đạt hơn 1,6 triệu m2, tăng 2% theo quý và 3% theo năm. Mặt khác, các dự án mới đều là khối đế bán lẻ giúp thị phần của hạng mục này đạt 13%, tăng 1 điểm % theo quý và theo năm.

Theo báo cáo, nguồn cung tăng trưởng chậm trong 3 năm vừa qua với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 1% mỗi năm. Từ 2019 đến nay, số lượng các trung tâm bách hóa không có sự gia tăng, trong khi nguồn cung từ trung tâm thương mại và siêu thị có mức tăng 1% mỗi năm. Khối để bán lẻ đạt mức tăng trưởng cao nhất với tỷ lệ 3% mỗi năm.

Về giá, giá thuê gộp mặt bằng tầng trệt đạt mức 927.000VND/m2/tháng, tăng nhẹ 1% theo quý nhưng không đổi theo năm. Giá thuê tăng nhanh nhất ở khu vực phía Đông với mức tăng trung bình tính từ năm 2017 đạt 7% mỗi năm. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Vắc-xin nào đủ mạnh để trị “virus“ ôm đất rồi bỏ hoang?

Không ít lần chính quyền các thành phố quyết tâm xử lý các dự án treo, tuy nhiên đến nay con số dự án đã xử lý được vẫn còn rất khiêm tốn, thậm chí số dự án "ôm đất" ngày càng nhiều lên qua các năm. 

Tham dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành tài nguyên và môi trường, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao kết quả mà ngành tài nguyên và môi trường đạt được trong năm 2021, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung nổi bật nhất, có ý nghĩa nhất trong năm vừa qua.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại và hạn chế như báo cáo tổng kết được Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu trước đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới, nhất là một số tồn tại hạn chế liên quan tới quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, thủ tục hành chính.

Nắm rõ được chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục được giao làm cơ quan đầu mối và đặc biệt nhấn mạnh đến việc kiên quyết thu hồi đất không đưa vào sử dụng; đồng thời hướng dẫn các nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc tại các dự án để sớm đưa vào khai thác.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhà đầu tư đang "đổ xô" về vùng ven, thị trường khu vực này trở nên sôi động

Trong năm 2022, nguồn cung và nhu cầu mới của phân khúc bất động sản đất nền được dự báo sẽ phục hồi và tăng cao so với năm trước. Tuy nhiên, nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển về các vùng lân cận đô thị lớn Hà Nội và TP. HCM.

Theo báo cáo quý IV/2021 thị trường bất động sản của Colliers, tại TP. HCM, thị trường sơ cấp số lượng giao dịch tăng mạnh sau khi thị trường TP.HCM mở cửa. Xét về loại hình bất động sản đất nền, nhà phố thương mại dần trở nên kém sôi động hơn so với những năm trước, do ngành bán lẻ đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch, trong khi hình thức kinh doanh đang dần chuyển sang thương mại điện tử.

Tuy nhiên, nhà phố thương mại tại khối đế của các tòa chung cư vẫn có sức hút lớn. Nhà liên kế vẫn là nơi chứa tài sản tốt cho các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân đang có xu hướng đầu tư bất động sản vào các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An thay vì mua bất động sản tại TP.HCM vì khả năng thu được vốn cao hơn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đà tăng của dòng vốn FDI và cơ hội tăng trưởng dài hạn cho nhóm bất động sản KCN

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô công bố bởi Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) đưa ra góc nhìn tích cực về dòng vốn FDI trong 2022, theo đó, Agriseco kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về vị trí địa lý, chi phí nhân công, giá thuê đất cũng như môi trường kinh doanh và chính sách ưu đãi.

Sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch vào quý III/2021, Việt Nam đã nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam và mở cửa trở lại nền kinh tế. Điều này giúp GDP quý IV/2021 hồi phục trở lại và đóng góp tích cực cho tăng trưởng cả năm.

Động lực tăng trưởng trong quý IV đến từ nhóm Công nghiệp và xây dựng với mức tăng 5,61% so với cùng kỳ năm 2020. Nhóm này đã hồi phục mạnh trở lại ở tất cả các khu vực đặc biệt là nhóm ngành công nghiệp chế biến và ngành sản xuất điện với mức tăng lần lượt là 6,37% và 5,24%. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý IV đạt 6,52% so với năm 2020 nhờ đà tăng từ nhóm công nghiệp chế biến (sản xuất kim loại, điện tử, khai thác than, dệt).

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường bất động sản “nóng” lên, nhiều nhóm ngành hưởng lợi

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cứ sau mỗi đợt dịch tạm lắng, thị trường bất động sản lại “nóng” trở lại. Ngay cả trong giai đoạn giãn cách, thị trường bất động sản vẫn ghi nhận nhiều giao dịch sôi động với những con số đáng ngạc nhiên.

Tại thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đã có khoảng 55.000 giao dịch được thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng mạnh so với hơn 40.000 giao dịch cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chỉ số về mức độ quan tâm tới bất động sản cũng tăng nhanh sau mỗi đợt dịch, Cụ thể, sau đợt dịch đầu tiên tăng 306%, sau đợt dịch thứ hai tăng 62% và sau đợt dịch thứ ba tăng mạnh tới 378%.

“Vậy nên, bất động sản có chịu ảnh hưởng từ bối cảnh chung do đại dịch Covid-19, song thị trường vẫn luôn có sức sống, hứa hẹn năm 2022 sẽ bật dậy mạnh mẽ”, ông Đính khẳng định.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, việc các nhóm ngành, dịch vụ khác bị “đóng băng” quá lâu trong suốt năm 2021 vừa qua khiến danh mục đầu tư bị thu hẹp, thì rõ ràng bất động sản vẫn luôn là “vùng trũng” đầy hấp dẫn, giữ vị thế “vàng” trong giới đầu tư.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top