Aa

Bất động sản 24h: Kiên quyết thu hồi đất tại các dự án "treo"

Thứ Năm, 26/05/2022 - 10:30

Kiên quyết thu hồi đất tại các dự án "treo"; Khánh Hòa chỉ đạo nóng việc xếp hàng xuyên đêm để làm hồ sơ đất đai... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Sắp diễn ra "Ngày hội Môi giới Bất động sản Việt Nam năm 2022"

Sáng ngày 25/5, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức buổi họp báo “Công bố Chương trình Ngày hội Môi giới Bất động sản Việt Nam năm 2022" với mục đích giới thiệu về sự kiện được Hội tổ chức thường niên, có ý nghĩa quan trọng đối với Hội và cộng đồng môi giới bất động sản trên cả nước. 

Ngày hội Môi giới Bất động sản Việt Nam 2022 hứa hẹn sẽ là một sự kiện hoành tráng và vô cùng ấn tượng. Bởi ngoài hoạt động vinh danh nghề sẽ có rất nhiều những hoạt động được tổ chức xen kẽ như đại nhạc hội, lễ hội văn hóa, thể thao... để từ đó có thể khắc họa một hình ảnh mới mẻ về ngành môi giới bất động sản và những con người đang làm công việc đó.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo

Với quy mô và ý nghĩa quan trọng của Ngày hội truyền thống, Ban tổ chức năm nay tiếp tục nhận được sự hưởng ứng, quan tâm mạnh mẽ và tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhà môi giới bất động sản. Tiêu biểu có thể kể đến những cái tên như: Hải Phát Land, SGO Group, Four Home, Thiên Khôi, Đất Xanh Miền Bắc, Đất Xanh Miền Tây, DKRA, SC Holding, King Broker… 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Khánh Hòa chỉ đạo 'nóng' việc xếp hàng xuyên đêm để làm hồ sơ đất đai

Theo thống kê trên phần mềm Một cửa điện tử từ ngày 1/1- 26/4/2022, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại huyện Cam Lâm (Chi nhánh Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) đã tiếp nhận 17.013 hồ sơ đăng ký biến động và 5.461 hồ sơ đo đạc tách thửa. Số lượng hồ sơ tiếp nhận này đã tăng cao hơn so với số lượng hồ sơ tiếp nhận cùng kỳ năm ngoái là 155% đối với hồ sơ biến động và 257% đối với hồ sơ đo đạc, tách thửa.

Trong tháng 3 và tháng 4/2022, Chi nhánh Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) đã tiếp nhận và giải quyết số lượng hồ sơ đất đai cao gấp hai, thậm chí gấp ba lần so với lượng hồ sơ của những tháng trước đó

Đáng chú ý, trong tháng 3 và tháng 4 của năm 2022, Chi nhánh Cam Lâm đã tiếp nhận và giải quyết số lượng hồ sơ cao gấp hai, thậm chí gấp ba lần so với lượng hồ sơ của những tháng trước đó. Không những vậy, nhiều người dân còn đến xếp hàng từ sớm, thậm chí có trường hợp xếp hàng xuyên đêm để có thể lấy được số làm hồ sơ đất đai, khiến dư luận hoang mang.

Trước tình trạng người dân đứng xếp hàng từ sớm để làm hồ sơ đất đai, Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa vừa yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai Khánh Hòa khẩn trương kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân để sớm có biện pháp xử lý, khắc phục tình trạng này.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Kiên quyết thu hồi đất tại các dự án "treo"

Tình trạng người dân đã nộp tiền mua đất ở, nhà ở của một số dự án nhiều năm rồi nhưng chưa được giao đất, giao nhà ở, gây bức xúc trong nhân dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng nêu rõ  tình trạng quy hoạch "treo", dự án "treo", và hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, gây lãng phí nguồn lực.

Tình trạng buông lỏng quản lý ở một số địa phương, để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai như lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép… chưa được kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ những vướng mắc, Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương một số nội dung: Chỉ đạo rà soát ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư công, quản lý và sử dụng tài sản công, cổ phần hóa, quản lý hoạt động thương mại điện tử, đấu thầu, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, khoáng sản, tài nguyên nước, rừng...

Xem thông tin chi tiết tại đây

Sau cơn sốt, giới đầu tư "ôm đất" thành ôm "bom"

Cơn sốt đất tại Bình Phước đầu năm 2021 đã khiến cho không ít nhà đầu tư đến nay “mất ăn mất ngủ” vì không kịp thoát hàng khi cơn sốt đất qua đi.

Anh Trần Tiến Hưng (một nhà đầu tư tại TP.HCM) như ngồi trên đống lửa khi anh lỡ ôm hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp tại Hớn Quản (Bình Phước).

Anh Đỗ Anh Công (Hà Nội) cũng vì tham mà bản thân chịu "thảm” khi lao vào cơn sốt nóng tại Thạch Thất (Hà Nội).

Lúc đầu anh cũng chỉ tính môi giới bán đất qua lại nhưng trong cơn sốt đất, mỗi giao dịch sang nhượng kiếm lời hàng trăm triệu đồng khiến môi giới này chuyển qua trực tiếp làm nhà đầu tư, đứng ra mua lại các lô đất của nhà đầu tư khác rồi tự kiếm khách sang nhượng lại ăn chênh.

Nhiều người ôm đất lúc sốt giờ như ngồi trên đống lửa

Theo các chuyên gia, xu hướng lướt sóng khi thị trường nóng hổi hay bắt đáy để chờ thời cơ chỉ dành cho những đầu tư chuyên nghiệp, thành thạo thị trường và có tầm nhìn dài hạn, chiến lược. Còn các nhà đầu tư “chết vì sốt đất” thường là những nhà đầu tư F0, mới tham gia thị trường, đầu tư chạy theo tâm lý đám đông, nắm thông tin chậm, ít kiến thức và non kinh nghiệm thị trường.

Xem thông tin chi tiết tại đây

TP.HCM nghiên cứu phát triển đô thị khu vực quanh Tân Sơn Nhất

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố tới Sở Quy hoạch và Kiến trúc, UBND các quận Tân Bình, Gò Vấp, Tân Phú về việc định hướng quy hoạch phát triển đô thị khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất .

Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc chủ trì, phối hợp với UBND các quận và sở ban ngành liên quan nghiên cứu kết quả Hội thảo chuyên đề "Định hướng quy hoạch, quản lý đô thị cấp địa phương gắn với Mô hình Đô thị sân bay quốc tế - Áp dụng thí điểm cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất ", để xem xét các định hướng phát triển dài hạn đối với khu vực xung quanh sân bay này trong quá trình tổ chức lập và thẩm định đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Chủ tịch UBND TP.HCM giao các quận Tân Bình, Gò vấp, Tân Phú nghiên cứu các giải pháp phát triển đô thị xung quanh sân bay trong quá trình tổ chức lập điều chỉnh tổng thể các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn quận. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các mô hình phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn quận phù hợp thực trạng phát triển kinh tế xã hội nhằm khôi phục phát triển kinh tế địa phương sau đại dịch Covid-19.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top