Aa

Cải thiện năng suất: Con đường ngắn nhất cho phát triển kinh tế

Chủ Nhật, 15/03/2020 - 19:20

Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện nhiều trong thời gian qua, nhưng vẫn còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, năng suất lao động chính là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 4/2/2020 về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất quốc gia. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các định hướng lớn về cải cách để thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam.

Dây chuyền sản xuất công tơ điện tử. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm xung quanh nội dung này.

PV: Xin ông cho biết thực chất năng suất lao động của Việt Nam hiện nay ra sao? Và việc cải thiện năng suất lao động đã đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội như thế nào?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, trong giai đoạn 2016 - 2019, nền kinh tế Việt Nam đã tạo được những xung lực mới cho quá trình phát triển; trong đó, phải kể đến tăng trưởng năng suất lao động của nền kinh tế.

Với mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng 7,02% của năm 2019, năng suất lao động Việt Nam theo giá hiện hành đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động), tăng 25,9 triệu đồng/lao động so với năm 2016, tương đương với 940 USD. Theo sức mua tương đương (PPP) 2011, năng suất lao động Việt Nam năm 2019 đạt 11.757 USD, tăng 1.766 USD.

Những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam liên tục gia tăng cả về giá trị và tốc độ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Năm 2019, năng suất lao động tăng 6,2% so với năm trước, năm có mức tăng năng suất lao động cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2019, là một trong những nước có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất trong khu vực.

PV: Thưa ông, mặc dù thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam đã cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và trên thế giới năng suất lao động của Việt Nam vẫn được cho là thấp. Vậy, đâu là nguyên nhân?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tính theo sức mua tương đương (PPP 2011), năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2019 tăng bình quân 4,87%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Singapore (1,4%/năm); Malaysia (2%/năm); Thái Lan (3,2%/năm); Indonesia (3,6%/năm); Philippines (4,3%/năm). Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn.

Nếu năm 2011, năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lần lượt gấp năng suất lao động của Việt Nam 17,6 lần; 6,3 lần; 2,9 lần và 2,4 lần thì đến năm 2019 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 13,1 lần; 5,1 lần; 2,6 lần và 2,2 lần.

Công nhân sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2019 chỉ bằng 7,6% mức năng suất của Singapore; 19,5% của Malaysia; 37,9% của Thái Lan; 45,6% của Indonesia và bằng 56,9% năng suất lao động của Philippines; chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 1,6 lần). Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện nhiều trong thời gian qua, nhưng vẫn còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Có thể kể đến một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do quy mô nền kinh tế Việt Nam nhỏ, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm.

Ngoài ra, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động tuy theo hướng tích cực, nhưng còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế.

Chuyển dịch cơ cấu lao động tuy diễn ra khá nhanh, nhưng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn lớn. Đa số lao động trong khu vực này là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến năng suất lao động thấp.

Cùng với đó, tăng năng suất lao động sẽ ngày càng phụ thuộc vào tăng năng suất lao động nội ngành. Nhưng đến nay chưa có thay đổi đáng kể trong bản chất tăng trưởng của ngành, chủ yếu vẫn nhờ vào mở rộng quy mô những ngành sử dụng nhiều lao động, hàm lượng công nghệ thấp khiến mục tiêu tăng nhanh giá trị gia tăng của sản phẩm chưa đạt được...

PV: Thưa ông, có một số ý kiến cho rằng nguồn nhân lực còn hạn chế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tôi cho rằng chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn hạn chế. Điều này thể hiện rõ ở tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn.

Tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo đang làm việc trong nền kinh tế tăng dần qua các năm, nhưng đến năm 2019 chỉ đạt 22,8%.

Bên cạnh đó, ý thức tổ chức, kỹ năng ngoại ngữ để mở rộng hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa và tham gia vào liên kết toàn cầu còn nhiều hạn chế. Đây chính là những rào cản lớn cho việc cải thiện năng suất lao động.

Khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng năng suất lao động. Doanh nghiệp nội địa Việt Nam chưa tham gia sâu, hầu như chưa kết nối được vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia lớn nên chưa tận dụng được tính lan toả của tri thức, công nghệ, kỹ năng quản lý, tính linh hoạt nắm bắt và đáp ứng nhu cầu mới của thị trường từ các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia vào doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, việc phân bổ nguồn lực của các doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế...

Và một trong những nguyên nhân khác, không thể không kể đến đó là máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu. Phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp. Nhiều doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tụt hậu 2 - 3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết những giải pháp mà Tổng cục Thống kê đề xuất để nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tôi cho rằng cải thiện năng suất lao động là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững và bắt kịp trình độ phát triển với các nước trong khu vực.

Để nâng cao năng suất lao động của Việt Nam trong thời gian tới, theo tôi có sự vào cuộc của các cấp, ngành, toàn xã hội để nâng cao nhận thức. Theo đó, một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa các nền tảng về thể chế để mọi nguồn lực; trong đó có nguồn nhân lực được huy động, phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, Chính phủ xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam...

Khu vực doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược và thực thi chiến lược nâng cao năng suất lao động dựa vào tri thức và công nghệ; tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp.

Ngoài ra, cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tế, gắn với thị trường và thích nghi với biến đổi khí hậu; đồng thời, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, nhất là công nghệ sinh học, phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp; thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn để chuyển nhanh lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao hơn.

Chính phủ cần thiết lập cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút tài năng, các chuyên gia giỏi, các nhà quản lý xuất sắc đến với Việt Nam. Năng suất lao động có tương quan chặt chẽ với trình độ giáo dục, năng lực, kỹ năng và chuyên môn của người lao động.

PV: Xin cảm ơn Tổng cục trưởng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top