Aa

Chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp hạn chế tình trạng nợ xấu gia tăng

Nguyễn Thương
Nguyễn Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Sáu, 19/05/2023 - 06:12

Trước xu hướng nợ xấu gia tăng do khả năng thanh toán của nhiều doanh nghiệp suy giảm, giới chuyên gia đề xuất mở rộng thị trường mua bán nợ xấu và tăng quyền tự chủ cho các ngân hàng thương mại.

Xu hướng nợ xấu gia tăng

Sau 5 năm thi hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), việc xử lý nợ xấu ở nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, lũy kế từ tháng 8/2017 đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 416 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42; trung bình khoảng 6,3 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ năm 2012 - 2017 trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng/tháng).

Cùng với đó, hoạt động xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cũng đạt kết quả tích cực. Lũy kế từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến cuối tháng 12/2022, VAMC đã xử lý ước đạt 276,5 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc, gấp 4,9 lần so với tổng dư nợ gốc xử lý giai đoạn 2013 - 2016.

Có thể nói, Nghị quyết 42 đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Nghị quyết đã góp phần phá tan "cục máu đông" của nền kinh tế, đưa dòng vốn luân chuyển vào hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Tuy nhiên, trước những diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và những khó khăn của nền kinh tế trong nước trong hai năm gần đây, có thể thấy khả năng thanh toán của nhiều doanh nghiệp đang dần suy giảm và tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng gia tăng.

Ông Nguyễn QUốc Hùng
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng. (Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư)

Chia sẻ tại Hội thảo “Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi)” sáng 17/5, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng dẫn số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91% so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021.

Tổng nợ xấu gộp (nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các TCTD) đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5%/tổng dư nợ - gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế phải đối diện trước khi Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực. 

Theo ông Hùng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Trong khi việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 đã hết hiệu lực…

“Một số doanh nghiệp cho biết họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Vì vậy, thực trạng nợ xấu của các TCTD hiện nay rất đáng lo ngại. Tôi cho rằng, thời gian tới, tỷ lệ nợ xấu sẽ còn gia tăng”, ông Hùng dự đoán. 

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, nếu xác định nợ xấu là vấn đề riêng của ngành ngân hàng thì rất khó xử lý, còn nếu xác định nợ xấu là vấn đề chung của toàn xã hội thì cần phải quan tâm và có sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức trong việc xử lý và thu hồi. Có như vậy, tình trạng nợ xấu mới được giảm thiểu.  

Cần mở cửa thị trường mua bán nợ xấu 

Trước thực trạng nợ xấu có xu hướng gia tăng, ông Darryl Dong, Chuyên gia tài chính cao cấp của IFC Việt Nam cho rằng, cần phải mở cửa thị trường mua bán nợ xấu nếu muốn giải quyết được vấn đề này.  

Theo ông Darryl Dong, nợ xấu không hẳn là xấu vì nó đồng hành cùng hoạt động ngân hàng nhưng cần một khung pháp lý để làm sạch và xử lý một cách công khai ở một thị trường mở, có những giao dịch thương mại đúng nghĩa.

Việt Nam cũng đã bàn nhiều tới vấn đề này, nhưng đến nay vẫn không có một giao dịch mua bán nợ xấu nào đúng nghĩa thị trường mà chủ yếu là mua bán trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và VAMC. Chính vì vậy, thị trường mua bán nợ tại Việt Nam chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia. 

Do đó, đại diện của IFC Việt Nam đề xuất, Việt Nam nên mở cửa thị trường mua bán nợ xấu. Việc mở cửa này cần được làm rõ và quy định rõ trong luật. Khi đó, Việt Nam sẽ thu hút được các chuyên gia, nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tới giải quyết và hỗ trợ nợ xấu.

“Thời điểm này là lúc phải cho thế giới thấy chúng ta đang thực sự nghiêm túc trong vấn đề xử lý nợ xấu và muốn hoạt động kinh doanh nợ xấu. Khi Việt Nam muốn trở thành một phần của thị trường tài chính toàn cầu thì phải có được bảng cân đối tài sản mạnh mẽ và muốn có nguồn tín dụng cho doanh nghiệp nội địa thì cần mở được cánh cửa cho thị trường mua bán nợ xấu của mình”, ông Darryl Dong nhấn mạnh. 

Đại diện IFC Việt Nam
Ông Darryl Dong, Chuyên gia tài chính cao cấp của IFC Việt Nam. (Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư)

Ngoài ra, ông Darryl Dong cũng đề xuất, nên có luật riêng dành cho nợ xấu. Hiện nay, khung pháp lý xử lý nợ xấu và Luật Các tổ chức tín dụng là 2 văn bản có bản chất hoàn toàn khác nhau. Luật Các tổ chức tín dụng là quy định về hoạt động, quản trị của TCTD, trong khi quy định giải quyết nợ xấu liên quan nhiều tới xử lý tài sản bảo đảm, tố tụng....

Đồng quan điểm với đề xuất của đại diện IFC Việt Nam, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cũng cho rằng, về lâu dài nên có một bộ luật riêng dành cho vấn đề nợ xấu, còn trong ngắn hạn có thể ban hành một Nghị định mới để xử lý vấn đề này. 

Tăng quyền tự chủ cho ngân hàng thương mại trong thu giữ tài sản đảm bảo

Bàn về giải pháp xử lý nhanh chóng các khoản nợ xấu, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh lại đưa ra quan điểm về tăng quyền tự chủ cho các ngân hàng thương mại, đặc biệt là quyền thu giữ tài sản đảm bảo. 

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, luật nên có quy định rõ ràng, giao ngân hàng thương mại tự chủ trong việc thu giữ, phát mại tài sản bảo đảm. Khi thu giữ hay phát mại tài sản bảo đảm không cần có đồng thuận của chủ tài sản nhưng phải thông báo cho họ biết. Tuỳ từng trường hợp, phải có thoả thuận giữa ngân hàng thương mại và chủ tài sản. Cũng cần có thêm quy định thu hồi và xử lý tài sản bảo đảm trong bao lâu chứ không phải ngân hàng thương mại thu hồi rồi giữ ở đó đợi giá lên mới xử lý.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, hiện nay rất nhiều người bức xúc về tài sản đảm bảo của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang nằm trong tay cơ quan công an, không thể mang ra bán nên câu chuyện thanh khoản không được giải quyết, trong khi Chính phủ vẫn phải "bơm" tiền vào để xử lý. Đặc biệt, SCB có thể không phải trường hợp cuối cùng, vậy phải có quy định về tài sản bảo đảm liên quan tới các vụ án xử lý như thế nào?

Ngoài ra, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cần làm nổi bật tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ngân hàng thương mại như việc cho phép họ xoá nợ. Hiện các ngân hàng thương mại muốn xoá nợ phải xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ trong khi đây là việc bình thường của các ngân hàng thương mại nếu họ có đủ khả năng. Và việc xoá nợ là cần thiết để làm sạch bảng cân đối tài sản. 

Nợ xấu ngân hàng
Xu hướng nợ xấu gia tăng. (Ảnh minh họa: Diễn đàn doanh nghiệp)

Chia sẻ về câu chuyện thu giữ tài sản đảm bảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, trước đây Việt Nam đã có Nghị định 163 của Chính phủ về việc thu giữ tài sản đảm bảo và ngân hàng được quyền thu giữ tài sản đảm bảo. Trong hợp đồng thế chấp, khi đến hạn, người vay không trả được thì tự nguyện bàn giao cho ngân hàng để phát mại. 

Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay đang không được thực hiện, các ngân hàng thương mại hiện không có quyền thu giữ tài sản đảm bảo và phải đưa ra tòa để giải quyết. Trong khi, việc thu giữ tài sản đảm bảo là trách nhiệm của người vay và người cho vay. Chính vì vậy hiện nay, người vay đang ở thế mạnh, còn người cho vay lại đang ở thế yếu./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top