Aa

“Cởi trói” cho nền kinh tế về đêm không đơn thuần chỉ là nới giờ giới nghiêm

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 18/07/2020 - 05:40

Theo các chuyên gia, để thắp sáng kinh tế về đêm không đơn thuần dừng lại ở việc kéo dài thời gian kinh doanh dịch vụ, quan trọng hơn hết nằm ở chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của du khách.

Thắp sáng kinh tế đêm Đà Nẵng càng nhanh càng tốt

Kinh tế ban đêm không chỉ được ví như “gà đẻ trứng vàng” giúp níu giữ chân du khách, đây còn là đòn bẩy quan trọng giúp gia tăng giá trị bất động sản khu vực. Khách trong và ngoài nước đến du lịch tại các địa phương bên cạnh nhu cầu nghỉ dưỡng còn mong muốn được khám phá và có những trải nghiệm đa dạng. Du khách ở lại lâu đồng nghĩa với việc thời gian lưu trú và mức chi tiêu mỗi ngày của họ sẽ tăng lên.

Tại Việt Nam, các khu phố đêm như Bùi Viện ở TP.HCM hay Tạ Hiện ở Hà Nội luôn là địa điểm hấp dẫn du khách thập phương. Tương tự như tại Phú Quốc hiện nay, sản phẩm “đinh” hút khách rất mạnh là chợ đêm Phú Quốc. Theo ghi nhận từ một số đơn vị, mỗi ngày chợ đêm đã mang về cho Phú Quốc khoảng hơn 10 tỷ đồng. Chưa kể, giá trị bất động sản và dịch vụ xung quanh chợ đêm này trong bán kính 1km đã tăng lên nhiều lần.

Theo các chuyên gia, kinh tế đêm có thể chiếm đến 70% doanh thu của du lịch, giúp tăng trưởng GDP và giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động. Chính vì tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế khổng lồ và gia tăng giá trị vượt trội cho bất động sản cũng như du lịch nên không ít địa phương đã đặt kế hoạch, chiến lược nhằm phát triển kinh tế ban đêm, trong đó có Đà Nẵng.

Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng số tiền chi tiêu bình quân chung của một lượt khách quốc tế tại Đà Nẵng là trên 5,32 triệu đồng. Khách đi theo tour có mức chi tiêu bình quân 4,29 triệu đồng, cao hơn so với khách tự sắp xếp tour là 3,1 triệu đồng. Đáng chú ý, chi tiêu bình quân một lượt khách quốc tế chủ yếu cho dịch vụ thuê phòng, ăn uống và đi lại (72,3%), trong đó dịch vụ thuê phòng là cao nhất (33,4%), các dịch vụ còn lại chiếm tỷ trọng khá thấp.

Điều đó cho thấy, mặc dù được mệnh danh là “thủ phủ du lịch miền Trung” nhưng Đà Nẵng vẫn thiếu hụt dịch vụ vui chơi giải trí, đặc biệt là các dịch vụ về đêm. Theo giới chuyên gia, nếu không có chiến lược phát triển cho khu vực kinh tế ban đêm, Đà Nẵng rất có thể sẽ bị các thành phố du lịch khác ở ngay miền Trung “vượt mặt”. Thực tế, khi nhìn sang Huế, Hội An… các địa phương này cũng đang dần sôi động về đêm với những khu phố, chợ đêm đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa, giải trí hấp dẫn.

Nhìn xa hơn nữa, những trung tâm du lịch trong khu vực tương đương với Đà Nẵng lại đang ăn nên làm ra nhờ phát triển kinh tế đêm, trong đó phải kể đến Bali (Indonesia) hay Pattaya (Thái Lan). Như vậy, kinh tế ban đêm manh mún, nghèo nàn đang khiến Đà Nẵng lãng phí một nguồn thu lớn.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng khẳng định, Đà Nẵng là điểm đến hết sức hấp dẫn, có sức thu hút với tất cả du khách. Giai đoạn từ năm 2015 - 2020, Đà Nẵng đã đem lại niềm vui, sự trải nghiệm và luôn luôn tạo được sự thoải mái cho khách du lịch. Tuy nhiên, để khai thác du lịch bền vững hơn thì nhu cầu thúc đẩy kinh tế đêm là hết sức bức thiết.

Kinh tế đêm có thể chiếm đến 70% doanh thu của du lịch

Ông Dũng nhấn mạnh: “Phải đầu tư ngay bây giờ về các hoạt động đêm, vui chơi giải trí, ẩm thực, show diễn. Và xin nhấn mạnh, việc tái cơ cấu nguồn khách tới đây, Đà Nẵng sẽ tập trung chuyên sâu vào nguồn khách Châu Âu - Úc - Mỹ. Đây là nguồn khách có nhu cầu vui chơi, giải trí về đêm vì múi giờ của họ lệch với Việt Nam. Họ cần có các hoạt động vui chơi giải trí về đêm”.

Bên cạnh đó, thị trường nội địa sau một thời gian tạm lắng vì dịch bệnh được dự báo sẽ sớm “nóng” trở lại bởi tâm lý và nhu cầu của người dân. Vì vậy, đây là thời điểm phù hợp để Đà Nẵng bắt tay ngay vào việc triển khai một chiến dịch phát triển kinh tế ban đêm bài bản.

Thắp sáng bằng cơ chế chính sách, hỗ trợ

Từ việc xác định những khó khăn, vướng mắc về phát triển kinh tế ban đêm, Đà Nẵng cũng đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể trong việc phát triển kinh tế ban đêm như: Định hướng phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố; quy hoạch để phát triển kinh tế ban đêm; nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế ban đêm; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế ban đêm; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá; đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế ban đêm; đảm bảo công tác quản lý Nhà nước đối với kinh tế ban đêm.

Thực tế cho thấy, nhiều “ông lớn” hoạt động trong lĩnh vực bất động sản du lịch đã và đang triển khai nhiều kế hoạch để mở rộng phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Nẵng. Trong số đó phải kể đến Công ty TNHH Công viên Châu Á (thuộc Tập đoàn Sun Group). Đơn vị này đã đề xuất cải tạo cảnh quan khu vực xung quanh Đài tưởng niệm đường 2/9; thành lập phố đi bộ đường Phan Đăng Lưu, đoạn từ nút giao đường Phan Đăng Lưu - 2/9 đến đường Thăng Long; mở cửa miễn phí Asia Park… Đây cũng chính là doanh nghiệp đang vận hành công viên giải trí lớn nhất miền Trung Sun World Danang Wonders (Asia Park).

Có thể thấy, doanh nghiệp quan tâm rất lớn đến kinh tế đêm ở Đà Nẵng. Đây là cơ hội không thể tốt hơn để Đà Nẵng tranh thủ nguồn lực xã hội hóa, đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế đêm, sớm lấy lại phong độ và bứt phá, tăng nhanh nguồn doanh thu ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Công ty TNHH Công viên Châu Á (thuộc Tập đoàn Sun Group) đang vận hành công viên giải trí lớn nhất miền Trung Sun World Danang Wonders (Asia Park)

Ông Cao Trí Dũng cho hay: “Kinh tế ban đêm phải được nuôi dưỡng bởi cơ chế chính sách. Thứ nhất, về cơ chế phải kéo dài thời gian các hoạt động về đêm. Thứ 2 là các cơ chế hỗ trợ về thuế. Trong đó, giảm thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân để khuyến khích doanh nghiệp mở cửa hoạt động về đêm. Mô hình kinh tế đêm của các nước đều phải giảm thuế. Bởi doanh nghiệp, người dân hy sinh thời gian, họ phải được hưởng lợi từ các hoạt động đó. Thứ 3, ngoài kêu gọi đầu tư xã hội thì cần có đầu tư công cho phố đi bộ từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý qua Nguyễn Văn Trỗi”.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, để phát triển kinh tế ban đêm cần có quy hoạch cụ thể, ban đầu nên chỉ cho những nhà đầu tư lớn, dịch vụ chất lượng cao hoạt động, không nên phát triển đại trà rộng khắp trong khi chưa có biện pháp quản lý hiệu quả từ phía chính quyền thành phố và cơ quan quản lý du lịch.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, “cởi trói” cho nền kinh tế về đêm không đơn thuần dừng lại ở việc kéo dài thời gian kinh doanh dịch vụ, quan trọng hơn hết nằm ở chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của du khách.

“Hiện cũng chưa có chính sách cụ thể về phát triển kinh tế ban đêm nào nhiều hơn việc xây dựng các khu chợ đêm hoặc phố ăn đêm. Muốn phát triển kinh tế ban đêm, phải có cách làm đa dạng về chủng loại mặt hàng và đặc biệt là tạo điểm nhấn theo địa phương", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nói thêm.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho hay, để phát triển kinh tế ban đêm còn cần có kế hoạch và sự chỉ đạo thống nhất toàn quốc, cũng như trên từng địa phương để xây dựng và tạo hệ sinh thái kinh tế ban đêm đồng bộ cả về luật pháp, mạng lưới quản lý dịch vụ an ninh, an toàn và cơ sở hạ tầng. 

Cần tập trung hình thành và phát triển các khu kinh tế ban đêm chuyên biệt, được quy hoạch dài hạn và đầu tư bài bản, đầy đủ cơ sở hạ tầng điện, nước, bất động sản, kết nối giao thông tiện lợi giữa các điểm nhấn của khu, các biệt thự nghỉ dưỡng, đường phố chuyên doanh, ẩm thực, quảng trường, công viên và cả nhà hát hoặc bảo tàng, cùng các hoạt động giải trí đa dạng theo nhu cầu khách du lịch hoạt động cả ngày và đêm. Bên cạnh đó, các sản phẩm của khu kinh tế ban đêm cần đa dạng và tiện ích cao, kết nối từ nhiều ngành ẩm thực, văn hóa, nghệ thuật và giải trí, đạt được các yêu cầu cao về chất lượng và vệ sinh dịch tễ, an toàn xã hội…

TS. Phong cho rằng, việc kích thích tiêu dùng ban đêm với chính sách hỗ trợ giá điện, nước... cho các nhà hàng, các địa điểm tham quan, biểu diễn nghệ thuật và cửa hàng tiện lợi được hoạt động 24/24 sẽ giúp thu hút được nhiều nhà đầu tư vào cơ sở vui chơi, giải trí, mua sắm... Từ đó, các công ty du lịch sẽ có nhiều phương án hơn để kéo dài thời gian lưu trú cho du khách và các tour du lịch. Du khách ở lại dài ngày sẽ chi tiêu nhiều hơn, được thụ hưởng và trải nghiệm nhiều hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top