Aa

Đà Nẵng: Chấn chỉnh hoạt động đầu tư đối với 29 dự án FDI

Thứ Ba, 06/08/2019 - 06:01

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đối với 20 chủ đầu tư dự án FDI trên địa bàn TP.

Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng mới đây đã công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với 29 dự án FDI có quy mô nhỏ trên địa bàn thành phố.

Theo kết luận thanh tra, trong số 29 dự án đầu tư nước ngoài, đoàn thanh tra đã kiểm tra 21 dự án, còn 8 dự án chưa tiến hành kiểm tra theo kế hoạch do có 1 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 3 doanh nghiệp ngừng hoạt động và đang làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế; 3 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ thực hiện dự án đã đăng ký và 1 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ thực hiện dự án đã đăng ký và kê khai địa chỉ này không có thực theo địa giới hành chính hiện nay (Công ty TNHH Hoàn Cầu Phú Giang).

Những dự án được kiểm tra đăng ký vốn góp thuộc dự án siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chủ yếu là nhà đầu tư Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cung cấp thức ăn và đồ uống tại các quận: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Cẩm Lệ, Thanh Khê.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cho hay, trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, các doanh nghiệp đã để xảy ra một số hạn chế, thiếu sót, vi phạm nhất định như: Không thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (địa điểm thực hiện dự án, tổng vốn đầu tư, tiến độ thực hiện…); Không thực hiện báo cáo về hoạt động đầu tư, báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư hoặc báo cáo không trung thực; không thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư; tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư, nhưng không thông báo bằng văn bản cho Sở…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, do doanh nghiệp là nhà đầu tư nước ngoài nên rào cản ngôn ngữ, hạn chế về tìm hiểu pháp luật Việt Nam đều thông qua các đơn vị tư vấn lập thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp. Do đó, một số thông tin kê khai về vốn góp thực hiện dự án chưa chính xác so với thực tế triển khai của dự án cũng như mục tiêu và quy mô hoạt động của dự án đã đăng ký, nhưng không triển khai trên thực tế.

Qua kiểm tra, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật hiện hành cũng như hướng dẫn doanh nghiệp về trách nhiệm của nhà đầu tư trước khi triển khai thực hiện dự án đầu tư (theo Điều 3 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp).

Kết quả cụ thể, có 1 doanh nghiệp không xử phạt vi phạm hành chính vì doanh nghiệp đã thực hiện báo cáo giải trình đối với các hành vi vi phạm và nộp hồ sơ, tài liệu khắc phục đối với các hành vi vi phạm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu doanh nghiệp này nghiêm túc rút kinh nghiệm, nếu tiếp tục vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cần xây dựng hệ thống chuyên biệt trong thanh tra thuế để xử lý tình trạng chuyển giá hiệu quả hơn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ 

Đối với 20 doanh nghiệp còn lại, Giám đốc Sở chuyển Chánh Thanh tra Sở để xem xét xử lý theo Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 1/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư với tổng số tiền xử phạt là 780 triệu đồng.

Đối với 8 doanh nghiệp không tiến hành kiểm tra, giao Phòng Đăng ký kinh doanh phối hợp với Phòng Kinh tế đối ngoại thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thực hiện giám sát đối với 8 dự án không tiến hành kiểm tra, thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức kinh tế thực hiện dự án và chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Trước đó, tại buổi làm việc về thực trạng tài chính của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) diễn ra cuối tháng 2/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần có cơ chế kiểm soát doanh nghiệp FDI nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn đầu tư, giảm vốn vay, khắc phục tình trạng vốn mỏng, cũng như cơ chế kiểm soát tài sản hình thành sau đầu tư để khắc phục tình trạng chuyển giá. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng cần xây dựng hệ thống chuyên biệt trong thanh tra thuế để xử lý tình trạng chuyển giá hiệu quả hơn.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đặt vấn đề: "Tại sao 52% doanh nghiệp FDI báo lỗ mà vẫn mở rộng hoạt động và tốc độ mở rộng cao hơn?" và "Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp FDI là 1,5 triệu tỷ đồng và tổng tài sản 5 triệu tỷ đồng là con số rất lớn, người ta bỏ vốn thực không, tổng tài sản thực không?".

Đánh giá về câu chuyện này, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng đang xảy ra tình trạng doanh nghiệp FDI vốn mỏng, "tay không bắt giặc"...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top