Aa

“Đất vàng” bỏ hoang giữa lòng thành phố

Thứ Hai, 04/10/2021 - 06:00

Nhiều khu đất có vị trí đắc địa ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa) đang bị bỏ không nhiều năm qua, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Nằm ngay trung tâm TP. Nha Trang, cách bờ biển chỉ khoảng 100m và có hai mặt tiền đường Trần Phú - Nguyễn Thị Minh Khai, nhưng khu đất số 48 - 48A Trần Phú lại đang bỏ hoang nhiều năm qua.

Khu “đất vàng” số 48 - 48A Trần Phú bị bỏ hoang giữa trung tâm TP. Nha Trang nhiều năm qua

“Đất vàng” chờ chủ mới!

Hiện nay, khu đất được bịt kín xung quanh bằng các tấm tôn; cổng ra vào bằng sắt thép đã hoen gỉ. Bên trong, cây cối mọc um tùm quanh một ao nước đọng, gây ô nhiễm môi trường.

Khu đất 48 - 48A Trần Phú rộng hơn 3.642m2, được tỉnh Khánh Hòa định hướng mục tiêu xây dựng công trình khách sạn, thương mại, dịch vụ du lịch. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, năm 2008, UBND tỉnh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị trúng đấu giá. Sau đó, khu đất được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bàn giao khu đất cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, kể từ khi trúng đấu giá đất đến tháng 9/2015 (gần 8 năm), nhà đầu tư không thực hiện các thủ tục liên quan và đầu tư xây dựng dự án, không đảm bảo khả năng tài chính để thực hiện dự án tại khu đất nói trên. Vì thế, khu “đất vàng” này bị bỏ hoang.

Khu đất kho cảng Bình Tân với 4 mặt tiền rộng khoảng 6,1ha ở TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đang để trống

Việc để khu “đất vàng” ngủ yên quá lâu ngay giữa trung tâm thành phố đã trở thành chủ đề được nêu ra tại nhiều cuộc họp HĐND tỉnh Khánh Hòa. Nhiều đại biểu cho rằng, việc bỏ hoang khu đất số 48 - 48A Trần Phú không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường mà còn gây lãng phí tài nguyên du lịch. Trả lời chất vấn tại một kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa, ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi khu đất này với lý do nhà đầu tư vi phạm quy định về Luật Đầu tư, Luật Đất đai. Sau khi thu hồi khu đất, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư mới. Qua nhiều bước theo quy định, đến tháng 1/2018, đã có 3 hồ sơ nhà đầu tư nộp và được xét thầu, đánh giá hồ sơ. Sở đã thẩm định, trình UBND tỉnh, tuy nhiên 3 hồ sơ dự thầu này đều không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Đến nay, khu đất vẫn chưa có dấu hiệu “hồi sinh”.  

Như vậy, kể từ khi tỉnh thu hồi dự án đến nay, lô “đất vàng” nói trên vẫn chưa tìm được nhà đầu tư đủ năng lực để phát huy giá trị khu đất. Hiện, khu đất trên đang được các sở, ngành liên quan rà soát lại, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh về hình thức lựa chọn nhà đầu tư nhằm đảm bảo tính hiệu quả, khả thi và phù hợp theo quy định hiện hành.

Đấu giá để tránh lãng phí

Theo tìm hiểu của PV Reatimes, ngoài lô đất số 48 - 48A Trần Phú, hiện nay nhiều lô đất ở TP. Nha Trang với quỹ đất lớn và vị trí đắc địa cũng đang bỏ không. Có thể kể đến khu đất kho cảng Bình Tân rộng khoảng 6,1ha, nằm ở vị trí 4 mặt tiền đường Phước Long - Nguyễn Lộ Trạch - Hoàng Sa - Trường Sa (TP. Nha Trang). Do chưa thực hiện xong các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất nên nhiều năm qua nơi này vẫn là bãi đất trống, rác thải vương vãi, nhếch nhác.

Khu đất trước đây thuộc dự án Công viên văn hóa giải trí thể thao Nha Trang Sao, đã bị UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi và đến nay vẫn bỏ trống

Trong khi đó, ở phía Bắc TP. Nha Trang, một khu đất rộng lớn nằm bên bờ biển đường Phạm Văn Đồng cũng đang bỏ không, cỏ dại mọc đầy, trở thành bãi tập kết xà bần, rác thải. Khu vực này từng là dự án Công viên văn hóa giải trí thể thao Nha Trang Sao, có tổng diện tích 103.568m2 (trong đó có 44.152m2 mặt đất và 59.416m2 mặt nước). Dự án khởi công từ năm 2014, vốn đầu tư 33 triệu USD, với nhiều hạng mục như: công viên, quảng trường, khối nhà nghỉ, bến ca nô, các công trình phục vụ vui chơi giải trí... Ban đầu, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Nha Trang Sao dự kiến giai đoạn 1 của dự án hoàn thành vào cuối năm 2015, giai đoạn 2 hoàn thành cuối năm 2016. Tuy nhiên, do nhiều năm để trống khu đất, năm 2019, UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định thu hồi đất dự án và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa quản lý. Đến nay, việc sử dụng khu đất này vào mục đích gì vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa, đơn vị được giao quản lý 29 khu đất, chủ yếu ở TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh. Để tránh lãng phí, trung tâm đã lập phương án và trình Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa thẩm định một số khu đất do trung tâm đang quản lý để làm bãi giữ xe. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng các khu đất này không cao do nhu cầu bến bãi tại thời điểm này gần như không có. Bên cạnh đó, 7 khu đất đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 nhưng vẫn chưa hoàn thiện vì gặp nhiều vướng mắc. Nhiều lô đất phải đợi các thủ tục thẩm định giá, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu TP. Nha Trang được phê duyệt mới có thể hoàn thiện thủ tục.

Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết tỉnh đã có chủ trương sắp xếp, quản lý, sử dụng, đấu giá các khu đất để tránh tình trạng lãng phí. Hiện, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiểm tra, rà soát lại danh sách, hồ sơ đất đai đối với các thửa đất được giao quản lý, trong đó xác định tổng thửa đất đơn vị đang quản lý, địa chỉ, loại đất của từng thửa đất này. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các khu đất, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái mục đích.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị trên cơ sở rà soát các thửa đất, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần xác định trường hợp bảo đảm đấu giá quyền sử dụng đất thì xác định loại đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và cập nhật vào quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2021. Đối với các thửa đất chưa đủ điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất thì đề xuất phương án sử dụng đất hiệu quả, trong đó cần xác định các thửa đất phải tiếp tục thực hiện theo quy hoạch được duyệt, các thửa đất cần điều chỉnh quy hoạch để đưa vào mục đích khác (đất ở, đất thương mại - dịch vụ, đất xây dựng các công trình công cộng, giáo dục, thể thao…)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top