Đất vàng và hệ lụy: Bài học nhìn từ TP.HCM

Đất vàng và hệ lụy: Bài học nhìn từ TP.HCM

Thứ Bảy, 18/07/2020 - 05:19

Thực tế, đất vàng với những giá trị khổng lồ của nó đã trở thành “miếng mồi béo bở” khiến các “bạch tuộc” luôn muốn vươn vòi thâu tóm. Hàng loạt mảnh đất vàng từ của công đã vô tư bị biến thành “của ông”. Trong một thời gian dài, nguồn lực đất đai của Nhà nước bị rơi vào "túi" tư nhân và lợi ích nhóm, gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng.

Hơn hai năm qua, chiến dịch "đốt lò”, chống tham nhũng đất đai, làm sạch bộ máy công quyền tại một số thành phố lớn, đặc biệt là TP.HCM đã và đang được đẩy mạnh. Hàng trăm dự án rơi vào tầm ngắm thanh tra và liên tục những vụ thâu tóm đất vàng đã bị phơi bày. Công thức chung của những “thương vụ” này là quan chức tiếp tay, chuyển nhượng hoặc giao đất theo hình thức chỉ định nhà đầu tư thân hữu với giá bèo.

Khi những cuộc “đi đêm”, những “móc nối”, sai phạm bị vạch trần, nhiều khu đất vàng đã được tìm lại chính mình, trở về với giá trị thực. Nhưng lại có nhiều câu chuyện đáng tiếc đặt ra và trở thành bài học xương máu cho công tác quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là đất đai. Hệ lụy của câu chuyện thất thoát đất vàng cũng vẫn còn nối dài. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải bịt những lỗ hổng đang tạo điều kiện cho lợi ích nhóm phát sinh, dẫn đến những mất mát đau lòng...

Những ngày giữa tháng 7, dư luận xã hội lại một lần nữa nóng lên vì hai chữ “đất vàng”, khi 2 cựu lãnh đạo Bộ Công Thương và nhiều lãnh đạo TP.HCM bị khởi tố theo Điều 219, Bộ luật Hình sự, với tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí’.

Qua quá trình điều tra sai phạm của lãnh đạo các bộ ngành và chính quyền TP.HCM trong những năm gần đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) xác định, có ít nhất 5 khu đất "vàng" bị nhóm lợi ích dịch chuyển từ tài sản thuộc sở hữu Nhà nước sang tay doanh nghiệp.

Cụ thể, khu đất vàng liên quan đến sai phạm của của cựu lãnh đạo Bộ Công Thương - ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa có diện tích 6.000m2, nằm ở vị trí đắc địa của quận 1, TP.HCM, có địa chỉ tại số 2 - 4 - 6 đường Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé). Đây là một trong những khu đất vàng có 4 mặt tiền hiếm hoi của thành phố vẫn chưa được triển khai dự án. 

Khu đất trên đã được Bộ Tài chính sắp xếp giao cho Bộ Công Thương, trực tiếp là Sabeco quản lý, sử dụng đầu tư, không được thành lập pháp nhân mới nhưng ông Vũ Huy Hoàng vẫn chấp thuận chủ trương để Sabeco triển khai việc liên danh, liên kết thành lập Sabeco Pearl.

Cụ thể, năm 2015, Sabeco cùng 3 công ty là: Đầu tư Mê Linh, Attland và Hà An góp vốn thành lập Sabeco Pearl để triển khai đầu tư dự án khu thương mại văn phòng cao cấp tại số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng. Trong đó, Sabeco góp 26% vốn.

Đến tháng 2/2016, dự án vẫn chưa triển khai xây dựng, nhưng lợi dụng chủ trương thoái vốn Nhà nước của Chính phủ và sau khi nhận được 2 văn bản của nhóm các cổ đông sáng lập Sabeco Pearl đề nghị, ông Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo Sabeco thoái 26% vốn góp tại Sabeco Pearl.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất của khu đất 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng. Như vậy khu "đất vàng" của Nhà nước đã trở thành đất tư nhân, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho ngân sách.

Khu đất 2 - 4 - 6 đường Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM) vẫn là bãi đất trống nhiều năm nay. Ảnh: Kinh tế tiêu dùng. 

Trước đó, cũng liên quan đến khu đất vàng này, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cùng với nhiều cán bộ khác đã bị khởi tố về sai phạm trong việc cho Sabeco Pearl thuê đất 50 năm trả tiền một lần với giá rẻ mà không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Chưa hết, ông Nguyễn Hữu Tín còn bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" liên quan đến khu đất 15 Thi Sách, quận 1, TP.HCM. 

Theo hồ sơ, ông Phan Văn Anh Vũ (còn gọi Vũ “nhôm”), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 đã lợi dụng danh nghĩa "tổ chức bình phong" của Tổng cục Tình báo Bộ Công an ký nhiều văn bản, hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi UBND TP.HCM đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện để được thuê, giao chỉ định nhà đất số 15 Thi Sách nhằm phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành Công an. Theo đó, ông Nguyễn Hữu Tín là người ký các văn bản giao đất cho Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 khu đất số 15 đường Thi Sách để xây dựng khu phức hợp thương mại - dịch vụ - căn hộ trái quy định.

Cũng với chiêu thức liên kết thành lập pháp nhân mới để thâu tóm đất vàng, một cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khác là ông Nguyễn Thành Tài cũng đã rơi vào vòng lao lý. Tháng 12/2018, ông Nguyễn Thành Tài bị bắt để điều tra về những sai phạm trong việc giao, cho thuê không qua đấu giá khu đất 5.000m2 tại số 8 - 12 đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM

Khu đất vàng 8 - 12 Lê Duẩn. Ảnh: Dân Việt.

Cụ thể, vào năm 2011, ông Nguyễn Thành Tài, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã ký quyết định giao lô đất vàng 8 - 12 Lê Duẩn cho Công ty Cổ phần đầu tư Lavenue để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê. Việc giao đất chỉ định cho Công ty Cổ phần đầu tư Lavenue chỉ “dựa trên quan hệ tình cảm” mà không thông qua đấu giá, đấu thầu, không có ý kiến thẩm định năng lực tài chính của các công ty góp vốn thuộc Bộ Công Thương.

Hậu quả là 4 công ty của Bộ Công Thương đã chuyển nhượng cổ phần kiếm lời gây thất thoát nguồn thu ngân sách. Khu đất trung tâm thành phố từ sở hữu Nhà nước bị bán cho tư nhân với giá rẻ.

Ngoài ông Nguyễn Thành Tài còn có 3 cán bộ khác cũng bị khởi tố gồm: Ông Nguyễn Hoài Nam, từng giữ chức Trưởng Phòng Quy hoạch sử dụng đất - Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, sau làm Bí thư Quận ủy quận 2; ông Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM; ông Trương Văn Út, nguyên Phó Trưởng Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Đây là những cán bộ chủ chốt, phụ trách tham mưu về lĩnh quản lý lĩnh vực đô thị, đất đai của TP.HCM.

Cũng trong năm 2018, một vị lãnh đạo cốt cán khác của TP.HCM là ông Tất Thành Cang, từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã bị cách các chức vụ cao trong Đảng do liên quan đến việc bán rẻ 32ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho doanh nghiệp. Bà Thái Thị Bích Liên, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM lúc đó cũng bị kỷ luật, điều chuyển công tác liên quan đến “thương vụ” bán rẻ đất đai này.

Khu đất vàng tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM

Cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cũng đã bị xử lý kỷ luật cách chức, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ và Thường trực Thành uỷ nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm: Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Qua đó, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân TP, gây bức xúc trong xã hội.

Mới đây nhất, ngày 11/7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến bị khởi tố vì sai phạm khi duyệt cho SAGRI chuyển nhượng dự án 37.000m2 là khu nhà ở Phước Long B ở quận 9 cho tư nhân là Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú với giá với giá hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2) - thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.

Có thể thấy, nguyên nhân khiến nhiều khu đất "vàng" công sản nói trên bị tư nhân thâu tóm một phần là do các cơ quan quản lý đã buông lỏng giám sát, thậm chí “tiếp tay” để các cá nhân lách luật, thực hiện các thủ đoạn liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân, cố tình áp dụng không đúng các quy định để từng bước dịch chuyển quyền sở hữu tài sản công thành tài sản riêng.

“Những mảnh đất nằm ở vị trí đắc địa gọi là “đất vàng” luôn có giá trị “khổng lồ” nên sẽ có không ít người nhăm nhe. Và rồi, bằng rất nhiều hình thức “chiếm dụng” hay “hợp pháp hóa” việc sở hữu mà những khu đất công đã rơi vào tay một số doanh nghiệp với giá bèo. Đầu tiên là mua cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước khi đang tiến hành cổ phần hóa. Việc mua lại cổ phần doanh nghiệp không phải nhằm vào giá trị của doanh nghiệp, thực chất là nhằm vào giá trị của miếng đất ở những vị trí đắc địa mà doanh nghiệp đó đang sở hữu. Từ đó, nghiễm nhiên biến khu đất vàng này thành những dự án chung cư, trung tâm thương mại, nhà ở cho thuê và thu được lợi nhuận “khủng”, hoặc đơn thuần chỉ cho thuê, om đất chờ tăng giá”, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh.

Một “mánh khóe” khác để có được những miếng đất vàng là thông qua các dự án BT (xây dựng - chuyển giao), hình thức sử dụng quỹ đất công, đất vàng làm đất đối ứng để đổi lấy cơ sở hạ tầng.

"Điều quan trọng nhất là người ta biết một bộ phận cơ quan quản lý hiện thời đang không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong công tác quản lý, đằng sau đó còn tồn tại lợi ích nhóm. Do đó, họ cũng không mất nhiều công sức để “phục kích”, luồn lách cửa sau và lấy mảnh đất đó về tay mình”, vị chuyên gia nói.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Luật Đất đai hiện đã được sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong thực thi, trong đó có các quy định về định giá và đấu giá đất đai. Đây cũng chính là kẽ hở khiến cho nhiều khu đất công được chuyển đến tay tư nhân với giá rất “bèo”.

“Thực tế căn bệnh “nhờn” luật đã và đang làm cho cán bộ có thẩm quyền dễ lạm quyền vì tư lợi. Ví dụ như pháp luật quy định bảng giá đất phải phù hợp với giá đất trên thị trường, nhưng bảng giá đất của tất cả các địa phương hiện nay đều chỉ bằng khoảng 30% giá thị trường. Như vậy, tất cả các địa phương đều vi phạm pháp luật nhưng như không có chuyện gì xảy ra. Giá đất mà Nhà nước ban hành thấp luôn là cơ hội phù hợp để dẫn đến tham nhũng đất đai”, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ nhận định.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhìn nhận, ngay cả khi việc giao đất vàng bằng hình thức đấu giá thì cũng xuất hiện không ít trường hợp người tổ chức đấu giá và doanh nghiệp “thông thầu”, tạo quân xanh quân đỏ để hợp thức hóa việc đấu giá. Mục tiêu đấu giá để có sự cạnh tranh công bằng, nhưng mức giá đất mua bán hợp lý bị vô hiệu hóa, mức giá trúng thầu vẫn thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

“Quy định pháp luật về đất đai hiện khá chặt chẽ, đầy đủ và chi tiết, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm chồng chéo, khó khả thi. Người thực thi pháp luật cũng vì đó mà có “cơ hội” không làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Những khu đất vàng khi không được quản lý chặt chẽ sẽ là “miếng mồi béo bở” cho những tổ chức, cá nhân lấn chiếm để tư lợi”, luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty CP Luật My Way nhận định.

Và cứ thế, đất vàng đã làm cho nhiều người trở thành “đại gia”, nhiều quan chức trở nên giàu có, nhiều doanh nghiệp lớn mạnh nhanh chóng. Nhưng cũng chính những cám dỗ liên quan đến đất vàng đã khiến hàng loạt cán bộ chủ chốt của TP.HCM sa ngã và rơi vào vòng lao lý. Ngân sách Nhà nước cũng đã thất thoát hàng nghìn tỷ đồng và khó có thể thu hồi lại được. Điều đáng lo ngại nhất là thực trạng này đang tạo ra sự bất bình cho người dân, đặc biệt là những người dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án nhưng rồi dự án đắp chiếu nhiều năm, lãng phí nguồn lực đất đai. Chính những bất bình đó sẽ làm mất đi sự tin tưởng của người dân, dẫn tới khó khăn trong việc thu hồi đất để thực hiện các dự án khác sau này.

Đó là một thực tế đáng tiếc, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, nếu tiếp tục rà soát, danh sách các cán bộ sai phạm sẽ còn nối dài.

“Trước đây chúng ta không ráo riết lắm trong việc tìm ra những cái sai của cán bộ khi có những quyết định giao đất vàng gắn với tư lợi.

Nhưng hiện nay, lò chống tham nhũng đã đốt lên. Những trường hợp có quyết định sai đã và đang bị xử lý. Chúng ta đã hao tổn, đánh mất giá trị đất vàng vì thời gian vừa rồi những khu đất đó không được đưa ra đấu giá hoặc chưa được đấu giá. Nếu chúng ta tiếp tục xem xét tất cả những trường hợp sai phạm thì còn nhiều cán bộ bị 'ngã ngựa' nữa”, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ nhận định.

Thực tế, sự “tổn thất” nhiều cán bộ nguyên là lãnh đạo UBND TP.HCM, nguyên giám đốc một số sở ngành thời gian qua đã khiến cho các cán bộ còn lại “run tay” trong việc đưa ra quyết định, chọn phương án an toàn cho mình, ngại phải đối mặt với kỷ luật và tòa án, hình thành tư duy “làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều”. Và dẫn đến một hệ lụy tiếp theo, đó là kìm hãm các cơ hội đầu tư, phát triển của thành phố.

Cụ thể, quá trình thanh tra, rà soát sai phạm tại hàng trăm dự án sử dụng đất vàng trong thời gian qua đã khiến nhiều dự án bị đình trệ, không được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhiều doanh nghiệp phải đệ đơn cầu cứu. Năm 2019, TP.HCM chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư (giảm 24 dự án), 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư (giảm 64 dự án), 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn (giảm 30 dự án) so với năm 2018. Thị trường bất động sản đứng trước nguy cơ thiếu nguồn cung.

Theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, trong tình trạng luật pháp còn vênh nhau, khoảng trống xung đột còn nhiều, thì cách giữ mình tốt nhất của cán bộ là không làm gì. Bởi ngay cả khi những người ra quyết định thật sự “vô tư” cũng không tránh khỏi thiếu sót. 

“Hiện nay, thị trường bất động sản TP.HCM bị ngừng lại cũng bởi tâm lý thận trọng của các cán bộ đương chức. Bởi với tình trạng pháp luật đất đai nhiều xung đột, chồng chéo như hiện nay, muốn phát triển thì chỉ có làm trái luật”, ông Võ nói và khẳng định thêm: “Cách xây dựng pháp luật của chúng ta làm luật nọ mâu thuẫn với luật kia. Đó chính là lý do chúng ta “tổn thất” cán bộ một cách đáng tiếc”.

Theo các chuyên gia, quyết tâm “làm sạch” bộ máy công quyền, chống tham nhũng đất đai của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý các cán bộ, cho dù đó là những cán bộ ở hàng ngũ lãnh đạo cấp cao là đáng hoan nghênh, nhưng song song với đó, cần nhìn lại vấn đề từ gốc, đó là sửa đổi những bất cập, chồng chéo và bít lỗ hổng của pháp luật hiện tại. Khi hệ thống pháp luật chặt chẽ mới loại bỏ được hội chứng “chim sợ cành cong”, đồng thời, giúp các cán bộ có thể giữ mình trước những cám dỗ từ đất vàng.

“Với tình trạng luật pháp như hiện nay, nếu cán bộ “hành động” thì không vướng luật này cũng sẽ vướng luật kia nên họ chọn phương án an toàn, bỏ mặc các cơ hội phát triển cũng là điều dễ hiểu. Từ năm 2019 tới nay, lượng dự án cung ra thị trường rất thấp. Điều này sẽ tạo ra hệ lụy lớn cho thị trường bất động sản và cả các vấn đề về an sinh xã hội trong tương lai khi giá nhà tăng cao”, GS.TSKH Đặng Hùng Võ nhìn nhận.

Cũng theo GS.TSKH, Đặng Hùng Võ, để tránh tình trạng luật chồng luật, càng sửa càng bất cập thì cần thay đổi cách làm luật, theo đó, cần tổ chức đấu giá các dự án xây dựng luật, mời gọi các chuyên gia về luật tham gia làm luật, sửa luật, để tránh tình trạng như hiện nay, các Bộ, các Cục tự mình làm luật, sửa luật theo hướng có lợi cho mình.

Sự thiếu minh bạch là cội nguồn của mọi thất thoát, khiến đất vàng dễ dàng rơi vào tay tư nhân với giá bèo, “vỗ béo” cho lợi ích nhóm phát triển. Do đó, vấn đề công khai, minh bạch thông tin liên quan đến thực trạng sử dụng các khu đất vàng là cách tốt nhất để mạnh tay chặt đứt những “chiếc vòi” đang ngày càng vươn dài, để bảo vệ quỹ đất công, trả về đúng giá trị của nó.

“Để tránh tình trạng đất vàng rơi vào tay các vào doanh nghiệp thiếu năng lực hay loại trừ việc xuất hiện lợi ích nhóm, đòi hỏi việc chuyển giao khu đất vàng cho tư nhân cần được thực hiện một cách minh bạch. Khi tiến hành giao đất công cho bất cứ tổ chức nào quản lý, sử dụng thì buộc phải tiến hành hoạt động đấu giá công khai theo đúng quy định của pháp luật. Khi đấu giá công khai, chúng ta có thể tìm ra được những đơn vị có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và có phương án khai thác, quản lý, sử dụng đất công hợp lý nhất để giao, cho thuê đất công”, luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty CP Luật My Way nhấn mạnh.

Về vấn đề này, chia sẻ với báo chí, ThS. Vũ Ngọc Bảo, Thạc sỹ Chính sách công (MPP) Đại học Fulbright Việt Nam cũng cho rằng, để đất vàng có một mức giá hợp lý, con đường duy nhất là phải đấu giá một cách công khai minh bạch.

“Việc đấu giá phải được kiểm soát bởi một cơ quan độc lập, tránh sự “thông thầu” giữa các nhóm lợi ích để thấu tóm đất vàng giá bèo. Trên thực tế, cách thức này đã được áp dụng một cách khá hiệu quả ở một số vụ bán đất vàng thời gian qua. Mức giá trúng thầu cuối cùng cao gấp 2 - 4 lần mức giá khởi điểm Nhà nước đưa ra”, ông Bảo khẳng định.

PGS.TS. Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cũng nhìn nhận, trong câu chuyện “chặt đứt” vòi bạch tuộc thâu tóm đất vàng, vấn đề cốt lõi là phải minh bạch và công khai nay từ khi xây dựng quy hoạch đến lúc triển khai thực hiện để người dân thực hiện vai trò giám sát.

“Tôi nhấn mạnh lại rằng, không có con đường nào khác ngoài minh bạch và giám sát. Bởi chúng ta biết rõ, đất đai là tài sản quốc gia và người dân cũng đồng sở hữu nên họ có quyền được biết những gì đang diễn ra với tài sản của mình. Muốn vậy, quá trình chuyển giao từ công hữu sang tư hữu phải minh bạch”, bà An nói.

Theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, hiện nay ba yếu tố trọng tâm của quản trị tốt về đất đai bao gồm: Công khai, minh bạch thông tin quản lý, có sự tham gia quản lý và giám sát của dân và trách nhiệm giải trình của cán bộ đều không được thực thi cụ thể.

“Trong cơ chế thị trường, đất đai là tài sản có giá trị lớn nhất, có thể mang lại siêu lợi ích cho một doanh nghiệp, một cá nhân. Vì vậy, yêu cầu về công khai mọi thông tin đất đai là yếu tố quan trọng, ở ta vẫn chưa được thực hiện tại tất cả các địa phương.

Mặt khác, chúng ta vẫn tôn trọng quyền riêng tư về tài sản nên không yêu cầu phải công khai thông tin về chủ sử dụng đất. Tôi tin rằng, sẽ có chuyện “động trời” khi Nhà nước yêu cầu tất cả các cán bộ phải công khai nhà đất của gia đình mình kèm theo giải trình về nguồn gốc...”, ông Võ khẳng định.

Vị chuyên gia nhấn mạnh thêm, tham nhũng chỉ có thể phát sinh trong môi trường quyền lực đó không bị kiểm soát, có thể thực hiện tùy tiện, thực hiện trong một môi trường thiếu minh bạch. Do đó, cần lọai bỏ tư duy độc quyền, cửa quyền của các cán bộ lãnh đạo thông qua cơ chế giám sát, tăng trách nhiệm giải trình và độ minh bạch. Chúng ta phải mở cửa cho người dân tham gia giám sát bởi mọi ngóc ngách đều có mặt người dân. Việc mở cửa tiếp nhận ý kiến giám sát của người dân thì tự khắc người dân sẽ tham gia giám sát và sẽ phát hiện những sai phạm.

Mặt khác, theo GS. Đặng Hùng Võ, giá đất là một yếu tố gắn với thị trường, đồng thời cũng chính là "phần hồn" của tham nhũng. Vì vậy, cần một hội đồng định giá có quyết định độc lập với bộ máy hành chính mới có thể khống chế được nguy cơ tham nhũng.

Có một chuyên gia từng nhận định, đất vàng” rơi vào tay “đại gia” không phải là điều đáng lo, vì “đại gia” mới đủ sức biến “đất vàng” thực sự trở thành vàng. Điều đáng lo là tư duy quy hoạch và sử dụng đất vàng như hiện nay đang khiến những mảnh đất vàng dần bị tư nhân hóa, phục vụ những nhóm lợi ích, trong khi hệ lụy từ tư duy quy hoạch này lại đang tạo thêm gánh nặng lên hệ thống hạ tầng đô thị, vốn đã quá tải.

Thực tế, hàng loạt khu đất vàng rơi vào tay tư nhân thời gian qua tại TP.HCM hầu hết đều đang ở trong tình trạng đắp chiếu, bỏ hoang cho cỏ mọc, hoặc trở thành những khu đất bốc mùi, chỗ trú ẩn của tệ nạn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều khu đất không sử dụng đúng mục đích ban đầu mà bị biến tướng thành các nhà xưởng, ki-ốt cho thuê, bãi đỗ xe, nhà hàng... nhằm thu lợi trước mắt, mà báo chí vẫn gọi chung là thực trạng “chảy máu đất công”, gây bức xúc trong dư luận.

Đối với các khu đất vàng đã thanh tra, rà soát, sai phạm đã rõ, cán bộ đã rơi vào vòng lao lý, vấn đề còn lại mà dư luận quan tâm là số phận của những khu đất này sẽ đi về đâu. Liệu có một lần nữa bị sang tay, bị thâu tóm bởi một nhóm lợi ích khác? Và làm thế nào để những khu đất vàng phát huy giá trị, thực sự là nguồn lực lớn trong bài toán phát triển kinh tế xã hội? Đây là những vẫn đề nhức nhối không dễ giải quyết.

Theo các chuyên gia, hậu thu hồi, các khu đất phải được thực hiện đúng quy hoạch, ưu tiên dành cho phát triển không gian xanh thay vì nhồi nhét thêm cao ốc. Nếu không kiên quyết thực hiện đúng quy hoạch, dễ dàng để “con voi chui lọt lỗ kim” thì chắc chắn điệp khúc quá tải cao ốc nội đô sẽ tiếp tục lặp lại. Còn hậu quả của việc xâu xé “miếng bánh lợi ích” đó, người dân và đô thị sẽ phải nếm trải trong tương lai gần.

“Một khi đã thu hồi được các dự án sai phạm thì việc tìm “đáp án” cho "bài toán" đất đai sau khi thu hồi cũng là một vấn đề đáng bàn. Thành phố cũng phải xem xét là đất công thu được có phù hợp với định hướng phát triển của thành phố hay không và sẽ sử dụng nó như thế nào theo lộ trình phát triển của đô thị. Còn nếu cứ thu về để đó, lại có một doanh nghiệp A, B thân quen lại “nhảy vào”, để xin phát triển một dự án nhà ở nào đó trái quy hoạch hoặc nếu không thì cũng bỏ hoang, sẽ tiếp tục lãng phí nguồn lực đất đai”, TS.KTS. Trương Văn Quảng, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhận định.

Theo ông Quảng, phát triển đô thị là cả một quá trình, nhu cầu đến đâu phát triển đến đó, sử dụng tài nguyên đất đai phải hợp lý, tiết kiệm nhưng hiệu quả.

Nói thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, đất đai không thể tự “nở” ra nên cần phải xem xét, tính toán sử dụng như thế nào để có giá trị nhất cho cộng đồng. Và quan trọng hơn là để 50 - 100 năm nữa chúng ta vẫn còn cái để tận dụng, phát huy hiệu quả. Còn nếu chỉ vì những lợi ích trước mắt mà “tay không bắt giặc”, thực hiện giao khoán đất một cách vô tội vạ thì chỉ vài ba năm nữa quỹ đất ắt sẽ cạn kiệt, không còn gì để mà giao nữa.

“Đâu đó còn lợi ích nhóm, còn có "sân sau cửa trước" thì vấn đề thất thoát đất vàng chỉ là bình cũ rượu mới, không thể giải quyết triệt để. Điều quan trọng là cơ quan quản lý Nhà nước, những người có thẩm quyền luôn phải đặt sự phát triển chung của xã hội lên hàng đầu. Bởi tài sản công, tài sản đất đai cũng chỉ có giới hạn”, vị chuyên gia nói thêm.

Sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong việc chống tham nhũng đất đai, sự nghiêm minh trong xử lý các sai phạm của các cán bộ thời gian qua đã cho thấy, không còn vùng cấm, không còn ngoại lệ, không còn "đường băng" để các cán bộ có thể thoải mái sai phạm nhưng “hạ cánh an toàn” khi về hưu. Xin được dẫn lại lời phát biểu của Tổng Bíi thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng:

“Thật đau lòng! Song vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới”.

Chung quy lại, để đất vàng thực sự sinh ra “vàng” thay vì sinh ra “hệ lụy”, các cơ quan quản lý, cụ thể hơn là các cán bộ chủ chốt cần thể hiện rõ vai trò “người bảo hộ”, theo đó, hơn lúc nào hết, bài toán trách nhiệm trong câu chuyện này cần được làm tròn.

Hãy để đất vàng thực sự tạo ra giá trị cho xã hội, góp phần tạo nên sự thành công của cán bộ trong nhiệm kỳ, thay vì biến đất vàng thành nỗi đau, gây ra những hậu quả, tổn thất không đáng có đối với Đảng, đất nước và nhân dân, để rồi phải kết thúc "đường quan" của mình bằng cú ngã vào vòng lao lý...

Nguyên Hà
Lê Quyên - Quỳnh Nga
18/07/2020 05:20


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top