Aa

Bất an bên những dự án “rùa bò“ ở Bình Định

Thứ Năm, 23/03/2023 - 13:30

Tại Bình Định, hiện vẫn còn nhiều dự án đầu tư dang dở gần chục năm trời trong tình trạng "để đó ngó chơi" khiến không ít người dân địa phương khổ sở.

Nằm ở vị trí đắc địa của TP. Quy Nhơn (Bình Định), Dự án Khu đô thị, du lịch, văn hóa, thể thao hồ Phú Hòa (gọi tắt Khu đô thị hồ Phú Hòa) có tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, thế nhưng sau nhiều năm triển khai vẫn chỉ là bãi đất hoang hóa rộng bạt ngàn với hàng loạt hạng mục công trình dang dở, mất an toàn.

khu đô thị phú hòa
Cảnh nhếch nhác trong khu đô thị 5.000 tỷ đồng.

Nhếch nhác ở khu đô thị 5.000 tỷ đồng

Trung tuần tháng 3/2023, theo ghi nhận của PV Reatimes, xung quanh bờ kè mặt hồ Phú Hoà và dọc 2 bên mặt đường trong khu vực này nhiều cọc sắt lởm chởm; công trình sau thi công để lại nhiều miệng hố, cống thoát nước không được che chắn an toàn, để lộ thiên, nguy hiểm cho người dân khu vực. Ngoài ra, khu vực còn là nơi tập trung nhiều rác và xà bần... Những tồn tại này dù đã có nhiều phản ánh từ phía các hộ dân xung quanh khu vực và các cơ quan truyền thông, báo chí nhưng vẫn chưa thấy xử lý dứt điểm.

Dự án nằm sát tuyến đường lớn Quốc lộ 1D dẫn vào trung tâm TP. Quy Nhơn, dựng hàng rào bên ngoài thành nơi rao quảng cáo, buôn bán đất. Nhiều năm nay, doanh nghiệp huy động máy móc, phương tiện san bạt, đào cắt sâu vào chân và sườn núi Bà Hỏa để lại hiện trường nham nhở. 

Được biết, ngày 14/2/2023, BQL dự án Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Bình Định có tờ trình đề nghị UBND tỉnh này cho chủ trương chấm dứt 2 hợp đồng BT đối với dự án Khu đô thị hồ Phú Hòa vì nhà đầu tư đã vi phạm nhiều điều khoản trong hợp đồng và thời gian hiệu lực của 2 hợp đồng BT đã kết thúc.

Theo người dân địa phương, hồ Phú Hòa hay gọi "ao cá Bác Hồ", từng rộng đến 120ha và là nơi mưu sinh của hàng trăm hộ dân TP. Quy Nhơn; là nơi điều hòa nước sông Hà Thanh, góp phần giải quyết chuyện úng lũ cho vùng phía Nam thành phố. Tuy nhiên, việc triển khai dự án Khu đô thị Phú Hòa khiến lòng hồ bị san lấp, thu hẹp hiện chỉ còn lại vài chục hécta, gây nhiều lo ngại sẽ ngập úng cho khu vực xung quanh. Trong khi đó, quỹ đất để phát triển TP. Quy Nhơn không lớn, nhu cầu về đất ở đô thị ngày càng tăng, vì thế việc bỏ hoang hàng trăm hécta giữa trung tâm thành phố nhiều năm qua là lãng phí tài nguyên.

Dự án Khu đô thị hồ Phú Hòa và các dự án thành phần hình thành, phê duyệt trong giai đoạn nhiệm kỳ 2010 - 2015 của tỉnh Bình Định. Thời điểm đó, nhiều cựu lãnh đạo, chuyên gia bày tỏ lo ngại, thậm chí phản đối trước việc cho phép doanh nghiệp đào phá núi Bà Hỏa, san lấp hồ Phú Hòa. Năm 2013, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc (Công ty Phúc Lộc, ở Ninh Bình) có văn bản đề xuất đầu tư 2 dự án, gồm: Xây dựng đường Điện Biên Phủ nối dài và cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa tại TP. Quy Nhơn theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Đổi lại, tỉnh Bình Định sẽ dùng dự án Khu đô thị Phú Hòa làm vốn đối ứng.

khu đô thị hồ phú hòa
Sau nhiều năm thi công, dự án hồ Phú Hòa vẫn án binh bất động.

Sau đó, UBND tỉnh Bình Định tổ chức mời gọi đầu tư theo hình thức BT đối với 2 dự án nói trên, kết quả chỉ duy nhất Công ty Phúc Lộc tham gia. Trên cơ sở đó, ngày 1/7/2014, UBND tỉnh Bình Định có văn bản giao Công ty Phúc Lộc là nhà đầu tư thực hiện 2 dự án: Xây dựng đường Điện Biên Phủ nối dài và cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa theo hình thức BT, đồng thời giao dự án khác để thanh toán cho nhà đầu tư là dự án khai thác quỹ đất của Khu đô thị Phú Hòa.

Theo hồ sơ, dự án Khu đô thị hồ Phú Hòa có tổng diện tích 324ha, tổng vốn 5.000 tỷ đồng, được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 từ tháng 7/2015. Dự án được thực hiện theo hình thức BT do liên doanh nhà đầu tư Công ty Phúc Lộc - Thành An triển khai.

Nhà xuống cấp vì dự án… bất động

Suốt 4 năm nay, cả trăm hộ dân sống tại 2 phường Quang Trung và Ngô Mây (TP. Quy Nhơn) lo ngại vì cảnh nhà cửa xuống cấp, nứt nẻ đã lâu nhưng lại không thể sửa chữa hay xây mới vì nằm trong diện bị ảnh hưởng bởi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Ngô Mây nối dài.

nhà dân ở dự án đường Ngô Mây nối dài
Nhà của hộ dân gặp tình trạng nứt nẻ, xuống cấp sau nhiều năm xây dựng trong dự án đường Ngô Mây nối dài

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Ngô Mây nối dài đi qua địa bàn hai phường nêu trên, được triển khai thực hiện từ năm 2019, do BQL Dự án Giao thông tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 396 tỷ đồng. Tuyến đường này bắt đầu từ ngã ba đường Hoàng Văn Thụ - Ngô Mây và điểm kết thúc giáp với đường Điện Biên Phủ, với chiều dài tuyến là 1,377km. Thời gian dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2023, thế nhưng suốt 4 năm trôi qua, dự án này vẫn "nằm im bất động" khiến cho các hộ dân trong vùng dự án "đi không được, ở không xong".

Bà Hồ Thị Kim Ngọc, Chủ tịch UBND phường Ngô Mây (TP. Quy Nhơn) cho biết, nhà của những hộ dân này đã xây dựng lâu năm, xuống cấp nhưng đa phần không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phường cũng tạo điều kiện cho những hộ có nhà xuống cấp, dột nát sửa chữa đơn giản, nâng tường, thay mái để đảm bảo an toàn. Đối với những hộ trong vùng dự án, địa phương kiến nghị tỉnh nên có chính sách riêng để tạo điều kiện cho người dân, khi giải phóng mặt bằng người dân có chỗ ở mới để ổn định cuộc sống.

Theo BQL Dự án Giao thông tỉnh Bình Định, dự án đường Ngô Mây nối dài được UBND tỉnh giao cho UBND TP. Quy Nhơn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nay, vướng mắc lớn nhất của dự án này là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Đơn vị đề nghị thành phố tập trung vào công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để sớm giao trả, tổ chức triển khai thi công, xây dựng.

Lãnh đạo UBND TP. Quy Nhơn cho biết, có 196 hộ gia đình và 2 tổ chức bị ảnh hưởng trong Dự án đường Ngô Mây nối dài. Hiện nay, công tác xác minh nguồn gốc đất đã hoàn thành. UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 6 đợt gồm 58 hộ với số tiền hơn 33 tỷ đồng. Thành phố đang triển khai dự án khu tái định cư tại phường Quang Trung với diện tích hơn 4ha để bố trí cho các hộ dân trong vùng dự án này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top