FLC - Sự nghiệp hay tài sản?

FLC - Sự nghiệp hay tài sản?

Thứ Bảy, 02/04/2022 - 06:03

Những ngày gần đây, sự kiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án và thực hiện bắt tạm giam đối với doanh nhân Trịnh Văn Quyết về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán" được quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự đã khiến dư luận quan tâm. 

***

Chuyện này cũng dễ hiểu bởi lẽ ai cũng biết, Trịnh Văn Quyết vốn là luật sư tư vấn luật và quản lý đầu tư, nay lại có hành vi trái pháp luật trên thị trường chứng khoán, vậy lý do gì đã khiến ông phải dấn thân vào nơi mà người dân bình thường nhất cũng không muốn vào? Phần nữa, FLC là công ty cổ phần, tuy chưa có con số thống kê chính thức công bố nhưng số nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu FLC là hàng nghìn, hàng vạn chứ không chỉ của mình ông Trịnh Văn Quyết, vậy sự kiện này sẽ ảnh hưởng như thế nào? Bên cạnh đó còn nỗi lo lắng của hàng chục nghìn người lao động đang làm việc trong tầm ảnh hưởng dưới thương hiệu FLC đang cần lời giải đáp…

Thực ra, trên thế giới, nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn hơn FLC rất nhiều cũng từng dính vào những vụ bê bối lịch sử, nhiều người đứng đầu của họ cũng dính vào vòng lao lý, nhưng thương hiệu của họ vẫn phát triển cho đến ngày nay bởi mối quan hệ minh bạch giữa tổ chức và sự nghiệp, cá nhân và tài sản.

Ông Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch Tập đoàn FLC bị khởi tố và bắt ngày 29/3 với cáo buộc thao túng và che giấu thông tin chứng khoán. 

Ai cũng biết Samsung là một trong những tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc. Năm 2002, dưới thời Chủ tịch Lee Kun Hee, Tập đoàn Samsung bị tố cáo lập nhiều quỹ đen với tổng số tiền hàng tỷ won dưới dạng trái phiếu. Năm 2005, Samsung lại vướng vào tội nâng giá ảo với chip máy tính để thu lợi bất chính. Thời điểm đó, Samsung đã bị phạt tới 345 triệu USD. Năm 2007, Samsung chính thức bị tố cáo hối lộ, lập quỹ đen với số tiền lên tới cả tỷ USD, liên quan đến vụ hối lộ hàng chục quan chức (trong đó có người của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế quốc gia) để che đậy những vụ bê bối tài chính trước đó.

Gần đây, Lee Jae Yong, người được mệnh danh là "Thái tử Samsung" đã bị tuyên án 2,5 năm tù với tội danh hối lộ bạn thân của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye vào năm 2017 để giành được sự ủng hộ của chính quyền và củng cố quyền lực tại Tập đoàn Samsung…

Thế nhưng, trên thương trường cũng như trong hệ thống pháp lý của nhiều quốc gia, sự minh bạch trong mối quan hệ giữa tổ chức và sự nghiệp, cá nhân và tài sản đã không “vơ đũa cả nắm” để khiến người không có hành vi phạm tội bị thiệt hại lây.

Chính vì thế, mặc dù những người lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Samsung có thể bị vướng vào lao lý nhưng quyền lợi của các nhà đầu tư vào sự nghiệp của Samsung vẫn không bị ảnh hưởng.

Năm 2019, Samsung có giá trị thương hiệu lớn nhất châu Á, hạng 5 thế giới. Năm 2020, Samsung đứng đầu bảng xếp hạng 1.000 thương hiệu được yêu thích nhất châu Á. Tháng 10/2020, Samsung vượt qua Toyota để trở thành thương hiệu đắt giá nhất châu Á, xếp hạng 5 toàn cầu. Tháng 11/2020, Samsung vượt qua Apple để dẫn đầu thị trường smartphone tại Mỹ. Cũng trong năm 2020, giá trị thương hiệu Samsung được định giá xấp xỉ 95 tỷ USD, đứng số 1 châu Á cũng như thứ 5 thế giới. Năm 2021, con số trên tăng lên mức 102,6 tỷ USD và Samsung vẫn giữ hạng 5 toàn cầu. Ngoài ra, Samsung còn là 1 trong 16 công ty công nghệ sáng tạo nhất thế giới với vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng của Boston Consulting Group... 

Đưa một dẫn chứng như vậy để mong rằng với FLC, hãy tự tin vào sự nghiệp đã và đang thành công của mình để phát triển trong tương lai tựa như Samsung.

Còn với doanh nhân Trịnh Văn Quyết, tuy chưa có dịp gặp ông lần nào nhưng trong lòng tôi vẫn có sự cảm phục vốn có với tất cả những ai có chí làm giàu trên mảnh đất Việt Nam đang nỗ lực vươn lên “sánh vai với cường quốc năm châu” này.

Nguyên là Tổng biên tập Báo Doanh Nghiệp những năm 90 của thế kỷ trước, khi công cuộc đổi mới của đất nước đang dần mở cánh cửa cho lực lượng doanh nghiệp tư nhân phát triển, hơn ai hết, tôi hiểu với cuộc đời doanh nhân, không chỉ Việt Nam mà ở cả các nước khác, sự vinh quang tột đỉnh và nỗi bất hạnh tận cùng đôi khi chỉ cách nhau một làn sương mỏng.

Ấn tượng nhất với tôi là sự kiện, chỉ mấy ngày đầu tháng 8/2003, tầng 12 một cao ốc ở trung tâm Seoul (Hàn Quốc) và tầng 56 của khách sạn Aston ở Thủ đô Jakarta (Indonesia) đều chịu chung một số phận, cùng phủ lên mình một màn sương tang tóc. Hai nhà doanh nghiệp lừng danh, hai người đàn ông một thời là thần tượng của biết bao bạn trẻ, đã từ đây nhảy lầu tự vẫn. Một người là Chung Mong Hun, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai-Asan, một trong những trụ cột của sức mạnh kinh tế Hàn Quốc, và người nữa là Manimaren, Chủ tịch Texmaco – tập đoàn dệt may lớn nhất Indonesia.

Khi những tấm ván thiên đóng lại thì những gì là thực trong cuộc đời của hai ông bắt đầu hiện ra. Chỉ cách đấy ít giờ, ai ai nghĩ đến hai ông là nghĩ đến quyền uy của những ông vua mới, trị vì những vương quốc hiện đại và kiêu hùng, đến vẻ mặt cao sang, những nụ cười lịch lãm…

Thế rồi điểm mặt các doanh nghiệp Việt Nam độ chục năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, không ít bài học cay đắng đã được rút ra từ cuộc đời của nhiều doanh gia đầy tham vọng cứ đi như bị ma ám vào bước đường cùng. Đã có giám đốc một công ty nổi tiếng nối hai cực điện 220V vào người rồi tự đóng cầu dao tự sát vì không chịu nổi những sức ép của trách nhiệm. Có giám đốc khách sạn đã thắt cổ tự vẫn bởi những bất đồng trong tổ chức. Có vị nữ tổng giám đốc giỏi giang, thành đạt bị nhồi máu cơ tim và qua đời ngay sau một cuộc họp căng thẳng.

Năm 1994, Tăng Minh Phụng khi đang trên đỉnh của vinh quang với những cuộc đầu tư hàng trăm triệu USD, với hàng chục xưởng may và gần 10.000 công nhân… đã kể với bạn bè rằng, mới đi xem bói, thầy bảo cuối đời sẽ cực kỳ khốn khó, chết không có chiếu mà chôn. Tưởng là câu chuyện vui, thế mà chỉ chưa đầy chục năm sau, sự khắc nghiệt của thương trường đã biến điều đó thành sự thật...

Rồi để sau đấy khoảng dăm năm thôi, nhiều người đã tiếc rằng, doanh nhân Tăng Minh Phụng gặp hạn do đi trước thời cuộc hơi sớm…

Nay đến Trịnh Văn Quyết, dám làm dám chịu, không thể trách ai được. Tuy nhiên, những cơ sở vật chất khổng lồ mà sự nghiệp của FLC tạo dựng tại Thanh Hóa, Quy Nhơn, Quảng Ninh… đã và đang để lại những ấn tượng tốt đẹp không chỉ cho chính quyền địa phương, cho nhiều người dân Việt Nam mà còn trong đông đảo khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó là hàng vạn người lao động có công ăn việc làm ổn định dưới thương hiệu FLC là điều không thể không ghi nhận và không phải ai cũng làm được.

Chỉ hy vọng rằng, vụ việc liên quan đến Trịnh Văn Quyết sẽ là những bài học cảnh tỉnh cho bất cứ doanh nhân nào đứng trước hấp lực ma ám của đồng tiền./.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh
Thanh Thảo
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top