Aa

Gia Lai: Vùng đất động lực phát triển của Tây Nguyên

Thứ Bảy, 03/04/2021 - 06:36

Thời gian qua, chính quyền tỉnh Gia Lai đặc biệt chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Gia Lai đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư có năng lực.

TP. Pleiku, Gia Lai nhìn từ trên cao với nhiều đổi thay về bộ mặt đô thị, thu hút đầu tư phát triển. (Ảnh: Phan Nguyên)

Phố núi mong thu hút nhà đầu tư có năng lực

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định công nhận TP. Pleiku là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh và Quyết định số 1015/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ đây, Gia Lai sẽ có thêm nhiều cơ hội bứt phá để làm đầu tàu, động lực cho cả vùng Tây Nguyên phát triển.

Sự kiện công nhận Pleiku là đô thị loại I có ý nghĩa quan trọng đối với chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai, khẳng định sự nỗ lực trong quá trình xây dựng và phát triển. Thời gian qua, chính quyền TP. Pleiku đã tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá về tiềm năng phát triển công nghiệp, thương mại và du lịch, góp phần thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị ngày một hoàn thiện hơn, hướng đến mục tiêu thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

Ông Nguyễn Hữu Quế, Chủ tịch UBND TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, cho biết việc công nhận đô thị loại I sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân sống trong đô thị. “Trước hết, TP. Pleiku là đô thị, trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa và thương mại dịch vụ, nơi có đầy đủ hệ thống trường học, bệnh viện, cơ sở khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn đô thị loại I. Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho người dân có điều kiện thụ hưởng, học tập, kinh doanh và làm việc tốt hơn”, ông Nguyễn Hữu Quế nói thêm.

TP. Pleiku được quy hoạch và phát triển mạnh trong thời gian tới

Công nhận đô thị loại I sẽ là đòn bẩy cho thị trường bất động sản tại địa phương tăng trưởng nhanh chóng. Các dự án hạ tầng bất động sản thu hút đầu tư, hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ sẽ tác động tích cực đến các thành phần kinh tế, đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ đó đời sống của người dân được nâng lên.

TP. Pleiku sẽ có thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương với các cơ chế, chính sách mới tự chủ nhiều hơn. Cũng theo ông Nguyễn Hữu Quế, thời gian tới, UBND TP. Pleiku sẽ quy hoạch bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, chính quyền sẽ kêu gọi thu hút đầu tư bằng chính sách mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tạo môi trường thông thoáng, công khai minh bạch, thu hút các nguồn vốn vào các công trình trọng điểm, các công trình phúc lợi an sinh xã hội cao và hệ thống giáo dục, y tế, văn hóa. UBND TP. Pleiku sẽ lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án, có cơ chế giám sát, kiểm tra thường xuyên theo quy định.

Khai phá vùng đất nhiều tiềm năng, lợi thế

Nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Gia Lại thời kỳ kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng là nhiệm vụ quan trọng để tạo sự đột phá trong kinh tế. Quy hoạch tỉnh là cơ sở để quản lý và thu hút đầu tư, phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. 

Gia Lai hy vọng thành động lực cho Tây Nguyên phát triển với việc thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng nông nghiệp, đất đai. (Ảnh: Phan Nguyên)

Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nhận định: “Việc lập quy hoạch tỉnh là việc làm cần thiết và cấp bách, là đòi hỏi cấp thiết của nhân dân toàn tỉnh. Quy hoạch sẽ phải đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội của tỉnh từ trước tới nay đi đúng hướng chưa, vì phải đánh giá đầy đủ hiện trạng thì mới xác định được định hướng để có thể phát triển đột phá. Sau khi xác định được trụ cột trọng tâm để phát triển thì phải chỉ ra cho được nguồn lực nào là chủ yếu. Đồng thời, quy hoạch cũng đưa ra mục tiêu tới mốc năm 2030, kinh tế - xã hội Gia Lai tăng trưởng tới đâu và lúc đó cần rà soát điều chỉnh vấn đề gì?”.

Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định tỉnh sẽ phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường. Thời gian qua, chính quyền tỉnh Gia Lai đã đặc biệt chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, thu hút các nhà đầu tư lớn như: FLC, Vingroup, THACO... Tỉnh Gia Lai cũng phấn đấu xây dựng ít nhất 6 trung tâm, viện nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi của các doanh nghiệp lớn như: Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Nafood, Công ty OLAM, Công ty Mía đường An Khê… nhằm sản xuất giống mới, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp. 

“Tỉnh Gia Lai cũng tập trung ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, chú trọng phát triển dịch vụ vận tải. Tỉnh sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương sớm triển khai nâng cấp Cảng Hàng không Pleiku và mở rộng phát triển các tuyến bay. Nâng cấp Quốc lộ 19, kêu gọi đầu tư đường cao tốc kết nối Kon Tum - Gia Lai - Bình Định, tạo sự kết nối giữa tỉnh với khu vực Duyên hải miền Trung và khu vực Tam giác phát triển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương”, ông Võ Ngọc Thành, chia sẻ.

Đặc biệt, trong quá trình phát triển đô thị, chính quyền tỉnh chú trọng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, phát triển du lịch văn hóa cộng đồng; xây dựng Pleiku theo hướng đô thị văn minh, hiện đại, thành phố "Cao nguyên xanh vì sức khỏe". Môi trường là một trong 3 trụ cột chính, do vậy quy hoạch sẽ đi sâu xác định các vấn đề về môi trường tự nhiên, sản xuất và đời sống, nông thôn và đô thị, khu và cụm công nghiệp. 

Gia Lai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, nâng cao chất lượng sống của người dân, phát huy vai trò là một trong những đô thị trung tâm của khu vực Tây Nguyên.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top