Aa

Kỳ 2: Hụt hẫng với mô hình “nông nghiệp công nghệ cao”

Mai Đình Toàn
Mai Đình Toàn thuongtruhue@gmail.com
Thứ Ba, 23/08/2022 - 06:12

PV Reatimes đã đi tìm những địa chỉ được cho là đang ứng dụng hoặc chuẩn bị triển khai những mô hình điểm về nông nghiệp công nghệ cao, nhưng kết quả rất bất ngờ...

Lời tòa soạn:

Công nghệ cao (CNC) là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

Luật Công nghệ cao có hiệu lực đã 14 năm, xác định nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được chú trọng ứng dụng CNC và các giải pháp, chính sách kèm theo đã được luật hóa. Trong đó bao gồm tiêu chuẩn để hình thành doanh nghiệp ứng dụng CNC và những ưu đãi kèm theo; khâu chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; phòng, trừ dịch bệnh; trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao; tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp; bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC; phát triển dịch vụ CNC phục vụ nông nghiệp…

Trên thực tế ngành nông nghiệp vẫn đang loay hoay với các mô hình, những vùng, khu nông nghiệp ứng dụng CNC (sau đây gọi tắt là NNCNC). Đã 14 năm trôi qua, nhưng cả nước vẫn bị xé lẻ, “vỡ vụn” khi chưa có một quy hoạch tổng thể về NNCNC. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp tại phần lớn các địa phương bị cắt gọt, “bóp nhỏ dần kế hoạch sử dụng đất” để hình thành các khu đô thị, bất chấp những cảnh tỉnh của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách…

Mặc dù NNCNC chưa mang lại hiệu quả, chưa tạo ra các chuỗi liên kết giá trị, mô hình nổi bật nhưng không ít tỉnh, thành phố lại tiêu tốn ngân sách khá lớn cho việc ứng dụng hay triển khai các nhiệm vụ, đề tài về nghiên cứu, ứng dụng NNCNC. Bên cạnh một số ít doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xông pha, đi đầu ứng dụng CNC vào nông nghiệp thì phần lớn các tỉnh, thành phố vẫn loay hoay trong việc lựa chọn mô hình, khu vực và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC để tạo sản phẩm đạt các tiêu chí như chủ trương của Đảng và Nhà nước. Không chỉ thế, việc triển khai không đầu không cuối, không thiết thực đã nảy sinh tình trạng “xí phần” trong ngân sách về nghiên cứu khoa học ứng dụng CNC nói chung và NNCNC nói riêng.

Trên tinh thần nghiên cứu, phản biện, Reatimes khởi đăng loạt bài về Bất động sản nông nghiệp - NNCNC, trong đó nêu lên những thực trạng, góp ý và đề xuất của nhà quản lý về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển bền vững NNCNC hiện nay.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, bước đầu thu hút được các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Theo báo báo gần đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, các ứng dụng CNC, VietGAP, hữu cơ trong trồng trọt trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển; đã xây dựng được 40 nhà lưới với tổng diện tích khoảng 55.000m2; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục phát triển mở rộng với hơn 5.100ha lúa và rau các loại; sản xuất hữu cơ hơn 500ha. Toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp “đã đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, khép kín để sản xuất cây con bằng phương pháp nuôi cấy mô kinh doanh giống lâm nghiệp sử dụng CNC với công suất thiết kế khoảng 6 triệu cây/năm”.

"Điểm sáng" về ứng dụng CNC vào ngành lâm nghiệp của Doanh nghiệp tư nhân Thảo Trang mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế nêu không có gì nổi bật và "sắp phá sản" (Ảnh: M.Đ.T)

Điểm sáng... "sắp phá sản"

Lần theo cái tên doanh nghiệp được cho là "điểm sáng" nói trên, chúng tôi tìm về thôn Thủy Yên Hạ, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế để tham quan mô hình của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thảo Trang. Đây là 1 trong 3 doanh nghiệp "điểm sáng" về công nghệ nhân giống được ngành nông nghiệp tỉnh giới thiệu với các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học của Trung ương và địa phương tại một cuộc hội thảo về NNCNC.

Cơ ngơi của DNTN Thảo Trang ẩn mình sâu trong làng Thủy Yên Hạ đi qua con đường lô nhô đất cấp phối. Giữa những ngày hè nắng nóng oi nồng, từ sáng sớm nắng đã phủ bóng khắp vườn ươm của doanh nghiệp. Một khu đất rộng chừng vài trăm mét vuông, ngoài ngôi nhà điều hành vắng bóng nhân viên là khoảng không gian vườn để ươm giống. Khoảng 9 giờ sáng chỉ có hai nữ nhân công lớn tuổi là người làm thuê chăm sóc cây giống, vệ sinh vườn. Trên khu vườn ươm, có sự hiện diện những luống cây giống sao đen, lim xanh, keo lai... chưa xuất bán.

Chủ DNTN Thảo Trang cho biết sắp dỡ bỏ ngôi nhà này do làm ăn thua lỗ, phá sản (Ảnh: M.Đ.T)

Khu vườn không thấy hệ thống máy móc hiện đại hoặc công nghệ gì tân tiến hiện diện. Dãy nhà điều hành, xử lý kỹ thuật của doanh nghiệp cửa đóng then cài. Chúng tôi hỏi người làm công ở đây về “công nghệ” mà họ thực hiện hằng ngày để làm nên cây giống thì họ cho biết bản thân thường chiết cành giâm hom cây keo để cho ra cây giống, cây giống được bán nhiều nhất là cây keo lai. Quy trình làm thủ công, chứ không có máy móc gì. Quan sát xung quanh, một số hạng mục phục vụ vườn ươm đang dần xuống cấp do thiếu sự chăm sóc.

Theo tìm hiểu của PV Reatimes, DNTN Thảo Trang được thành lập cách đây 15 năm, ban đầu đứng tên đại diện pháp lý là ông T.V.L, sau là bà P.T.B (vợ ông T.V.L) đứng tên làm giám đốc. Ông T.V.L nguyên là Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, nghỉ hưu cách đây chưa lâu.

Với DNTN Thảo Trang, mặc dù bà P.T.B đứng tên, nhưng hầu như công việc điều hành doanh nghiệp, nhất là chỉ đạo công tác kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, mua bán cây giống đều do ông T.V.L điều hành. Để tìm hiểu thêm về doanh nghiệp là “điểm sáng” áp dụng CNC trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh “thầm khen”, ngày 12/8/2022, PV Reatimes đã gọi điện cho ông T.V.L để được đến DNTN Thảo Trang tìm hiểu về những “thành tựu CNC” mà doanh nghiệp này ứng dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi nghe nói đến từ “điểm sáng” về công nghệ sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp tỉnh, ông T.V.L từ chối làm việc và cười một cách chua chát: “Sáng chi mà sáng, tui thua lỗ toạc mặt đây này. Lỗ mấy trăm triệu đồng rồi...”. Ông T.V.L cũng cho biết doanh nghiệp ông “sắp phá sản” và ông “chuẩn bị tháo dỡ nhà trụ sở” tại thôn Thủy Yên Hạ, xã Lộc Thủy…

Dự án 213ha "chết lâm sàng"

Giữa năm 2016, một thông tin vui đến với bà con nông dân TX. Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế khi có một nhà đầu tư lớn trong nước vào đầu tư lĩnh vực NNCNC trên địa bàn hai phường: Hương Chữ và Hương An, thuộc Hương Trà. Theo Quyết định số 1840/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng CNC này thì có khoảng 213ha đất dành cho nhà đầu tư triển khai dự án (nhà đầu tư thuê lại quyền sử dụng đất của các hộ dân, trên cơ sở điều chỉnh sau khi có các Hợp đồng thỏa thuận thuê lại quyền sử dụng đất của nhà đầu tư với các hộ dân và văn bản thống nhất phương án sử dụng đất của UBND tỉnh). Với tổng vốn đầu tư 525,475 tỷ đồng, thời hạn hoạt động là 49 năm, đây có thể xem là dự án có tính đột phá và lớn hàng đầu về NNCNC tại tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như khu vực miền Trung.

Người dân phường Hương Chữ, TX. Hương Trà được hỗ trợ cải tiến, sử dụng công nghệ mới trong tưới nước để sản xuất rau màu, hành ngò (Ảnh: M.Đ.T)

Theo quyết định được thông qua, dự án có mục tiêu là tổ chức trồng trọt, sản xuất sản phẩm rau, củ, quả... đạt tiêu chuẩn sạch, chất lượng an toàn, giàu dinh dưỡng thông qua việc đầu tư xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn có ứng dụng CNC, tự động hóa, cơ giới hóa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; bảo quản, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp theo công nghệ mới và tiên tiến; thu hút nguồn đầu tư, nhân lực CNC trong nước và ngoài nước thực hiện hoạt động ứng dụng CNC trong nông nghiệp; tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế của địa phương…

Dự án nói trên cũng đặt ra quy mô và năng suất, như Khu sản xuất rau mầm với diện tích 1ha, sản lượng 40 tấn/năm; Rau ăn lá thủy canh diện tích 1,5ha, sản lượng 100 tấn/năm; Rau hữu cơ diện tích 2ha, sản lượng 275 tấn/năm; Rau truyền thống và rau bản địa diện tích 1,5ha, sản lượng 150 tấn/năm; Dưa ngọt diện tích 1ha, sản lượng 80 tấn/năm; Rau ăn quả diện tích 3ha, sản lượng 600 tấn/năm...

Cụ thể, dự án sẽ đầu tư xây dựng khu nhà kính và nhà mái che CNC trồng các loại rau ăn lá và ăn quả chất lượng cao; đầu tư xây dựng khu cánh đồng mẫu lớn sản xuất rau nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu (các loại rau ăn lá - củ - quả); đầu tư xây dựng khu khảo nghiệm và sản xuất giống; đầu tư xây dựng trung tâm điều hành, trung tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ; đầu tư xây dựng khu bảo quản, sơ chế nông sản sau thu hoạch; đầu tư xây dựng nhà kho, xưởng xử lý giá thể, phân bón và môi trường; đầu tư xây dựng hệ thống đường, kênh mương nội đồng. Các hạng mục sẽ được xây dựng như khu trung tâm, khu canh tác ngoài đồng ruộng, khu canh tác trong nhà cùng các công trình phụ trợ khác. Công nghệ dự án sẽ theo mô hình từ nước Israel và áp dụng các tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP trong quy trình sản xuất.

Những ngày gần đây, PV Reatimes đã đến tìm hiểu dự án nói trên tại phường Hương Chữ (thuộc TX. Hương Trà) và phường Hương An, nay thuộc TP. Huế. Đây là hai địa phương có bề dày truyền thống sản xuất nông nghiệp, nhất là chuyên canh rau màu như hành, ngò, củ kiệu, dưa, cải, xà lách... Khi PV có mặt, người dân vẫn tập trung sản xuất nông nghiệp, canh tác và thu hoạch rau màu theo phương thức nông hộ nhỏ lẻ; không có sự hiện diện nào của dự án NNCNC.

Trang trại nuôi heo của doanh nghiệp Thái Lan trên đất do Đại học Huế quản lý

Qua trao đổi với lãnh đạo chính quyền và người dân cả hai địa phương cho biết, nếu có dự án đầu tư lớn, chuyển giao công nghệ hay hợp tác sản xuất với người dân theo hướng hiện đại, sản xuất số lượng lớn, an toàn, bền vững thì điều đó rất đáng mừng. Tiếc thay, đến nay người dân cũng như chính quyền chưa nắm được thông tin cụ thể về việc triển khai dự án. PV Reatimes cũng đã liên hệ với lãnh đạo các phòng, ban chức năng liên quan của TP. Huế cũng như lãnh đạo TX. Hương Trà về dự án quy mô này, nhưng thông tin nhận lại được khá mù mờ, hoặc im lặng chưa cung cấp./.

Mô hình NNCNC “bí ẩn” của người Thái

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, có một mô hình về NNCNC được triển khai từ nhiều năm trước. Đó là khu trang trại nuôi heo của doanh nghiệp Thái Lan đầu tư trên khu đất và cơ sở nhà xưởng do Đại học Huế đầu tư, sau đó cho doanh nghiệp thuê tại cơ sở thực hành, nghiên cứu của Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế ở phường Hương Vân, TX. Hương Trà.

PV Reatimes đã đến trang trại này tìm hiểu nhưng do yêu cầu về phòng dịch, vô trùng và kỹ thuật chăn nuôi, khu chăn nuôi này nằm biệt lập giữa khu rừng, kiểm soát nghiêm ngặt và hạn chế người ra vào. Đây là khu chăn nuôi được đánh giá khá thành công khi ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi; đầu tư trang thiết bị hiện đại như: Hệ thống làm mát, hầm biogas, tự động hóa một số khâu kỹ thuật chăn nuôi thông qua ứng dụng internet... Các kỹ thuật, công nghệ này đều do người Thái làm chủ. Ngoài mục đích nuôi và chế biến thịt heo thương phẩm số lượng lớn, cơ sở này còn kiêm luôn mục đích phục vụ cho học tập, nghiên cứu của sinh viên Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế.

Kỳ 3: Nhà đầu tư “tháo chạy” vì… giải phóng mặt bằng?: Vướng các cơ chế chính sách hỗ trợ, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư… khiến nhà đầu tư “tháo chạy” khỏi các dự án đầu tư NNCNC tại Quảng Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top