Khai thác tiềm năng, phát triển bền vững đô thị du lịch biển Việt Nam

Khai thác tiềm năng, phát triển bền vững đô thị du lịch biển Việt Nam

Thứ Hai, 27/06/2022 - 06:03

LTS: Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 đến 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Nghị quyết khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Với bờ biển trải dài 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và đầy tiềm năng với tổng chiều dài hơn 41.900km, bao gồm 9 hệ thống sông lớn, trong đó có khoảng 2.360 con sông có chiều dài trên 10km. Sông nước là cội nguồn tạo ra đô thị nên hầu hết các thành phố lớn ở nước ta đều gắn với các dòng sông mang trong mình những diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Đây là điều kiện hoàn hảo để xây dựng những khu đô thị ven sông với cảnh quan hoàn mỹ, tạo nên không gian sống sang trọng, văn minh.

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông, đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị ven sông – biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp. Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Phát triển đô thị sông - biển Việt Nam thời kỳ mới

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

 

Đô thị du lịch biển Việt Nam

Hiểu về đô thị du lịch biển

Đô thị du lịch là điểm đô thị, ở đó khách tham quan đến với đô thị không chỉ tìm hiểu văn hoá, cảnh quan đô thị, mà còn trải nghiệm cuộc sống thành thị và những hoạt động đô thị. Bởi đô thị là nơi hội tụ và giao thoa của nhiều nền văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, văn học bao gồm cả những công trình, kiến trúc kỳ vĩ. Việc tập trung các công trình và đa dạng những hoạt động đã biến đô thị trở thành điểm đến thu hút khách du lịch và đưa nhiều thành phố nổi bật trên bản đồ du lịch.

Điều kiện để đô thị trở thành đô thị du lịch ở mỗi nơi quy định khác nhau.

Theo đó, đô thị du lịch phải đảm bảo cung cấp dịch vụ du lịch cho tối thiểu 1 triệu khách/năm đến tham quan vùng du lịch xung quanh nó; có tiềm năng du lịch như công trình văn hoá, di sản hay cảnh quan thiên nhiên đẹp và có các hạ tầng du lịch đáp ứng nhu cầu tham quan, lưu trú của khách du lịch; có nguồn lực lao động trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ du lịch và có nền kinh tế du lịch đóng vai trò chủ đạo.

Còn đô thị du lịch biển là đô thị du lịch nằm trong vùng địa lý có tài nguyên du lịch biển - đảo như thắng cảnh tự nhiên núi, rừng, biển, đảo ven biển, bãi tắm, vũng vịnh, cửa sông, đầm phá…

Ở Việt Nam, đô thị du lịch biển chưa được định nghĩa. Dựa vào Luật Du lịch 2017 xin đưa ra một số gợi ý về đô thị du lịch biển sau: Có tài nguyên du lịch hấp dẫn trong ranh giới đô thị hoặc trong ranh giới đô thị và khu vực liền kề với biển; có cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch; có cơ cấu lao động phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch gắn với biển; ngành du lịch gắn với biển có vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế đô thị.

Kts Nguyễn Thị Hồng Diệp

Mỏ vàng tiềm năng của Việt Nam

Biển đảo Việt Nam có khí hậu nhiệt đới tạo điều kiện cho sinh vật biển phát triển và tồn tại tốt, biển có tài nguyên sinh vật và khoáng sản phong phú, đa dạng và quý hiếm. Địa hình bờ biển của nước ta rất đa dạng và độc đáo do được phát triển trên các loại đất đá khác nhau trong điều kiện khí hậu có sự phân hóa rõ rệt theo chiều bắc - nam. Đó là địa hình Karst phát triển trên đá vôi ở vịnh Hạ Long và Bái Tử Long (Quảng Ninh), Hòn Đỏ (Ninh Thuận). Địa hình “Karst giả” phát triển trên cát đỏ ở khu vực Suối Tiên - Mũi Né (Bình Thuận), “Karst giả” phát triển trên đá granite ở khu vực mũi Kê Gà và một số nơi khác của tỉnh khác ở Trung bộ. Các vách đá hùng vỹ ở mũi Đá Vách, đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cả, mũi Đại Lãnh, đèo Hải Vân, “gành đá đĩa” phát triển trên đá bazan ở Phú Yên.

Vùng ven bờ nước ta có tổng số 48 vũng vịnh với tổng diện tích khoảng 4.000km2, phân bố từ Bắc vào Nam, trong đó vùng Nam Trung Bộ có nhiều nhất (31 vũng, vịnh), chiếm 64,6% tổng số vũng vịnh cả nước, tiếp đến là vùng Bắc Bộ (7 vũng vịnh), chiếm 14,6%, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ cùng có 5 vũng vịnh, chiếm 10,4%, còn vùng biển Nam Bộ không có vũng vịnh. Nhiều vũng vịnh tương đối sâu và kín, không chỉ thuận lợi cho việc xây dựng các cảng nước sâu, nơi trú ngụ của tàu thuyền mà còn phát triển du lịch và đô thị du lịch.

Mặt khác, biển Đông là nơi gặp gỡ của hai nền văn hoá lớn châu Á là Trung Hoa, Ấn Độ từ ngàn năm nay và cả văn hoá Tây Âu vào thế kỷ 16 - 17. Do vậy, biển Đông là không gian có nền văn hoá đa dạng, phân hoá theo lãnh thổ lục địa và biển. Bán đảo Đông Dương chủ yếu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa, được tiếp thu chọn lọc và phát triển theo đặc điểm của mỗi dân tộc. Dải đất Việt Nam trong lịch sử, việc giao lưu và giao thoa văn hoá ảnh hưởng từ biển Đông làm nên các nền văn hoá Hạ Long, Sa Huỳnh, Đông Sơn.

Đô thị Du lịch biển Việt Nam

Đô thị Du lịch biển
Bản đồ atlat du lịch và 9 đô thị du lịch biển trọng điểm Việt Nam.

 

Đô thị du lịch biển

Dựa trên tài nguyên tự nhiên và văn hóa, tiềm năng du lịch biển tại Việt Nam được chia thành 4 vùng rõ rệt: Vùng du lịch Bắc Bộ, Vùng du lịch Bắc Trung Bộ, Vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ và Vùng du lịch Nam Bộ.

Vùng du lịch Bắc Bộ

Vùng du lịch Bắc Bộ có tiềm năng nổi bật là các đảo ven bờ gồm các quần đảo Cô Tô, Vân Đồn, Bái Tử Long, Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) và hệ sinh thái đa dạng cửa sông của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đổ ra biển. Vùng du lịch Bắc Bộ đã hình thành các đô thị du lịch biển như Hạ Long, Vân Đồn, Cát Bà, Đồ Sơn. Trong đó:

Đô thị Hạ Long là đô thị biển tổng hợp, sở hữu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, đang chuyển đổi từ kinh tế công nghiệp (khai thác than và cảng công nghiệp Cái Lân) sang kinh tế du lịch - dịch vụ du lịch.

Đô thị du lịch biển Hạ Long giai đoạn 2000 - 2020 mở rộng không gian về mọi phía với nhiều dự án lấn biển, bạt núi tạo nên không gian dành cho dịch vụ du lịch và giải trí.

Đô thị du lịch biển Hạ Long
Không gian phát triển đô thị biển Hạ Long ngày càng mở rộng.

Đô thị Ha Long

Đô thị Hạ Long

Sự thay đổi của đô thị du lịch biển Hạ Long giai đoạn 2000 - 2020. 

Đô thị Vân Đồn và Cát Bà là đô thị du lịch đảo gắn liền với văn hoá Cát Bầu, là thương cảng cổ, có tiềm năng du lịch lớn, nằm trong trung tâm cụm đảo Cô Tô và Bái tử Long, đang được phát triển trở thành Đặc khu kinh tế - hành chính. Quần đảo Cát Bà có Vườn Quốc gia Cát Bà và khu bảo tồn biển đang được UNESCO tiến cử là dự trữ sinh quyền.

Đô thị Đồ Sơn: Hiện nay, thành phố Hải Phòng có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại nhất cả nước, như cảng Lạch Huyện, sân bay Cát Bi, đường cao tốc Hà Nội - Hạ Long, tạo nên cơ hội mới để Đồ Sơn bứt phá dành lại vị thế du lịch nghỉ dưỡng ở khu vực phía Bắc.

Vùng du lịch Bắc Trung Bộ

Vùng Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Tiềm năng du lịch nổi bật của vùng Bắc Trung Bộ là bãi biển dài pha lẫn phù sa, càng về phía Nam bãi biển ít phù sa hơn và gắn với các đầm phá như Phá Tam Giang, Cầu Hai, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Bên cạnh đó, vùng còn có các loại tài nguyên du lịch núi, hang động, nước khoáng, đầm phá, như di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, Thành nhà Hồ, Di tích cố đô Huế Vùng đã hình thành các đô thị du lịch biển như Sầm Sơn, Cửa Lò, Cửa Tùng, Cửa Việt, Thuận An, Lăng Cô, Đồng Hới. Trong đó:

Đô thị du lịch Sầm Sơn có nhiều khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng ở phía Bắc Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20, gắn kết với các bãi biển Quảng Xương, Tĩnh Gia, nổi bật là dự án FLC Thanh Hoá.

Các đô thị du lịch biển Cửa Lò, Thiên Cầm, Cửa Tùng, Thuận An, Lăng Cô được phát triển từ các làng chài với bãi biển đẹp hoang sơ, hiện nay các tỉnh trong vùng đã nỗi lực xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, sân gôn… nhằm kết nối đô thị du lịch biển này vào chuỗi du lịch xuyên Việt.

Đô thị du lịch biển Đồng Hới có nhiều triển vọng phát triển trở thành đô thị du lịch biển trọng điểm. Đồng Hới nằm ở cửa sông Nhật Lệ, có nhiều dải cát trắng hoang sơ. Đồng Hới là tỉnh lỵ tỉnh Quảng Bình nên cơ sở hạ tầng du lịch được tăng cường, đón nhiều du khách tham quan di sản Phong Nha Kẻ Bàng và khu lăng mô đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Đô thị biển Đồng Hới
Đô thị du lịch biển Đồng Hới có nhiều triển vọng phát triển trở thành đô thị du lịch biển trọng điểm. 

Vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ gồm TP. Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Vùng là nơi giao thoa văn hoá Chăm Pa và Đại Việt; có điều kiện khí hậu và cảnh quan biển vô cùng hấp dẫn với nhiều bãi tắm cát trắng, sạch, hoang sơ, nhiều vũng vịnh, đảo ven bờ, đầm phá nên có thể phát triển du lịch quanh năm. Vùng đã hình thành các đô thị du lịch biển nổi tiếng như Đà nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết. Trong đó:

Đô thị Đà Nẵng với sự phát triển kỳ diệu trong 20 năm gần đây đã thay đổi hoàn toàn diện mạo đô thị du lịch biển, không gian đô thị mở rộng về phía biển và vịnh Đà Nẵng với nhiều dự án du lịch mang tầm quốc tế.

Đô thị Hội An được hình thành từ đô thị cổ Hội An là các di sản văn hoá thế giới, không gian đô thị đã mở rộng nhanh chóng về bãi biển Cửa Đại và đảo Cù Lao Chàm.

Đô thị Phan Thiết với 57,4km đường bờ biển trải dài đã và đang thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các khu resort ven bờ biển từ trung tâm đô thị đến làng chài Mũi Né phát triển mạnh. Phát triển đô thị du lịch biển Phan Thiết gặp bất cập về biến đổi khí hậu như xói lở, xâm thực bờ biển, sa mạc hóa. Hình thái không gian phát triển theo dạng tuyến dọc theo hành lang ven biển làm đô thị dải trải, khó tiếp cận giữa cư dân với du khách.

Biển Mũi Né
Biển Mũi Né

 

Đô thị Nha Trang: So với các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, Nha Trang có khí hậu dễ chịu hơn cả nên thuận lợi khai thác du lịch quanh năm. Nha Trang có lợi thế về du lịch biển - đảo và nhiều di tích, thắng cảnh.

Hiện nay, Nha Trang là thành phố du lịch năng động nhất miền Trung, là trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng của cả nước và quốc tế. Dải ven biển Nha Trang được chính quyền thành phố quy hoạch bố trí các dịch vụ du lịch, cây xanh công viên và lễ hội.

Nha Trang
Nha Trang

Đô thị hoá khu vực trung tâm đô thị du lịch biển Nha Trang giai đoạn 2003 - 2020, khu vực đô thị dịch chuyển vào trong đất liền nhường lớp công trình ven biển cho dịch vụ du lịch.

Nhìn chung, các đô thị du lịch biển khu vực Nam Trung Bộ phát triển mạnh trong khoảng 10 năm qua. Quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ ở dải ven biển Nam Trung Bộ, nhất là khu vực Đà Nẵng - Hội An - Chu Lai - Dung Quất, Nha Trang - Cam Ranh đã tạo điều kiện để để thu hút nhiều tập đoàn du lịch trong nước và quốc tế đổ vốn đầu tư. Hầu hết các đô thị có cơ sở hạ tầng đẩy đủ như sân bay, quốc lộ, đường sắt; có hạ tầng du lịch chất lượng cao với các khách sạn, resort 5 sao ngày càng nhiều; có trung tâm đô thị hướng ra biển tạo thành khu phố biển sầm uất và các quảng trưởng biển được thiết kế đô thị để tổ chức các lễ hội lớn. Vùng Nam Trung Bộ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Vùng Nam Bộ

Vùng Nam Bộ không có nhiều tiềm năng phát triển đô thị du lịch biển ngoại trừ khu vực Vũng Tàu - Côn Đảo và Phú Quốc. Vùng đã hình thành các đô thị du lịch biển - đảo như Vũng Tàu và Phú Quốc, Côn Đảo trong tương lai. Trong đó: 

Đô thị đảo Phú Quốc: Đảo Phú Quốc có nhiều tiềm năng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của khu vực và thế giới. Hiện tỉnh Kiên Giang đang đẩy mạnh thu hút đầu tư để đổi mới sản phẩm du lịch, quy hoạch thành đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt trong tương lai, nhiều nhà đầu tư với tiềm lực tài chính mạnh, tầm cỡ quốc gia, quốc tế trên lĩnh vực du lịch đã và đang đầu tư vào Phú Quốc làm thay đổi đáng kể diện mạo du lịch đảo ngọc, tạo đà cho du lịch Phú Quốc phát triển mạnh mẽ.

Đô thị Côn Đảo: Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là đô thị du lịch đảo tiềm năng, trên cở sở bảo tồn các di sản di tích lịch sử văn hóa cách mạng, tính đa dạng hệ sinh thái tự nhiên. Huyện đảo có Côn Sơn là đảo trung tâm, tập trung dân cư và hạ tầng cơ sở du lịch. Côn Đảo có hơn 20 bãi tắm đẹp ấm áp quanh năm, đón khoảng 40 vạn lượt khách du lịch năm 2019.

KTS Nguyễn Thị Hồng Diệp

Những thách thức đặt ra

Tiềm năng, cơ hội phát triển lớn, vai trò của đô thị du lịch biển là không thể phủ nhận đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo cũng như với phát triển du lịch Việt Nam, tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề đô thị du lịch biển đang phải đương đầu.

Thứ nhất, về quy hoạch kiến trúc cảnh quan: Hiện đang thiếu các cơ sở khoa học để xây dựng mô hình và các giải pháp cấu trúc đô thị sinh thái du lịch biển Việt Nam.

Bên cạnh đó, diện mạo kiến trúc chưa tạo được hình ảnh riêng cho từng đô thị. Quy hoạch và quản lý phát triển đô thị du lịch ven biển còn nhiều lúng túng, nhất là việc cấp phép xây dưng các tổ hợp công trình cao tầng quy mô lớn. Ví dụ, trung tâm đô thị biển Nha Trang đang có nhiều công trình cao tầng xây dựng tạo nên bức tường bê tông che chắn toàn bộ không gian đô thị hướng ra cảnh quan biển - đảo ven bờ.

Ngoài ra, các đô thị du lịch biển còn thiếu sự kết nối cảnh quan, tầm nhìn, hướng gió, bãi cát, mặt nước từ biển vào đô thị. Hình thức kiến trúc cũng thiếu tính liên kết đồng bộ.

Mặt khác, do tác động của đô thị hóa, các không gian mở trong đô thị đặc biệt các không gian xanh và không gian công cộng đô thị du lịch biển càng ngày càng bị thu hẹp và bị chia cắt, gây ảnh hưởng tới môi trường đô thị cũng như cuộc sống của người dân địa phương.

Đô thị Du lịch biển Đà Nẵng
Phân bố không gian công cộng đô thị biển Đà Nẵng. 

Ví dụ như tại TP. Đà Nẵng, dọc theo bờ biển dài hơn 30km có nhiều bãi biển đẹp như Nam Ô, Thanh Bình, Tiên Sa, Non Nước…, tuy nhiên việc xây dựng nhiều nhà hàng, khách sạn đã làm nhiều đoạn bị che khuất tầm nhìn với biển. Thêm nữa, khả năng tiếp cận với biển của người dân cũng bị hạn chế, do chỉ có khách du lịch sử dụng dịch vụ của các khu nghỉ dưỡng được hưởng thụ. Khu vực phía Đông thành phố, khả năng tiếp cận cận của các không gian công cộng ở phía Bắc của Thành phố tương đối tốt, các bãi biển khu vực phía Nam còn đang bị hạn chế tiếp cận do sự sở hữu của các khu Resort. Các bãi tắm phía Bắc, Nam chưa được kết nối, quản lý có hệ thống theo một chiến lược thống nhất.

Thứ hai, về quản lý đô thị du lịch ven biển, hiện chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lọai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch môi trường với qui hoạch đô thị đối với các tuyến đường ven biển nói chung và các đô thị ven biển nói chung. Nên việc kiểm soát đất đai đô thị khó khăn. Đất xây dựng đô thị du lịch biển đang có xu thể phát triển lan rộng khó kiểm soát, thôn tính hầu hết các vùng cảnh quan có giá trị vùng ven biển. Khu vực trung tâm có giá trị đất cao nên ngày càng tập trung nhiều công trình cao tầng, trong khi chính quyền chưa kịp chuẩn bị các hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như giao thông, cấp thoát nước.

Đô thị biển Phú Quốc
Khu vực đô thị ven biển từng ngập nặng do "rừng bê tông" chắn kín đường thoát nước ra biển.

Cùng với đó, việc thiếu những định hướng phát triển và quản lý kiến trúc - cảnh quan, chiều cao và hình thức tòa nhà, môi trường, khai thác tài nguyên biển đã dẫn đến diện mạo kiến trúc thiếu bản sắc, sự phát triển không gian tùy tiện, mất trật tự về xây dựng và sử dụng đất dọc theo tuyến đường ven biển. Đặc biệt các vấn đề tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu như nước biển dâng, ngập úng, nhiệt độ tăng, thiên tai…

Đó là chưa kể đến việc thiếu quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch phù hợp hoặc một hướng dẫn thiết kế tốt để kiểm soát chiều cao và hình thức các tòa nhà cũng như về quản lý mật độ xây dựng, khoảng lùi trước và hai bên tuyến đường, quy định về chỗ đậu đỗ xe kinh doanh…

Giải pháp phát triển bền vững

Các đô thị du lịch biển Việt Nam cơ bản đã được định hình trong gần 35 năm phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Để các đô thị du lịch biển bảo tồn và phát huy các tài nguyên thiên nhiên, môi trường cảnh quan và văn hoá bản địa bền vững trước sức ép đô thị hoá và nhu cầu du lịch, không chỉ yêu cầu nỗ lực của Chính quyền đô thị mà cần sự tham gia của các nhà khoa học.

Trước hết, để phát triển nền kinh tế du lịch hiệu quả cần quy hoạch phát triển vùng lồng ghép kế hoạch phát triển du lịch và các lĩnh vực khác, để khai thác du lịch biển đảo không mâu thuẫn với các ngành kinh tế khác, như cảng, thuỷ sản, công nghiệp, khai thác tài nguyên.v.v..

Các lợi thế từ biển là cảnh quan, tầm nhìn, hướng gió, bãi cát, mặt nước…cần được chia sẻ cho toàn đô thị. Ưu tiên các không gian dành cho cộng đồng và kiểm soát hạn chế sở hữu tư nhân, chiếm hữu không gian công cộng dành cho cộng đồng. Giải phóng các tầm nhìn ra biển. Kết nối đô thị với biển qua các trục không gian hướng biển. Không gian này là không gian chuyển tiếp, thuộc về công cộng nên mọi người tự do đi lại, ưu tiên các hoạt động gắn với đi bộ, cây xanh cách ly, cây xanh cảnh quan, kiến trúc nhỏ.

Cần thiết tái cấu trúc không gian vùng ven biển hướng tới nền kinh tế du lịch xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và kế thừa cấu trúc cũ để bảo tồn di sản văn hoá và thiết chế xã hội. Ảnh minh họa.

Về không gian kiến trúc cảnh quan, hiện các tuyến đường qua các đô thị du lịch ven biển, đặc biệt các tuyến đi qua khu vực trung tâm đô thị có nhiều vấn đề bất cập, như kiến trúc công trình, chỉ tiêu xây dựng, cây xanh kết nối… Do đó, cần lưu ý tới giải pháp kiến trúc nương tựa vào tự nhiên và không làm tổn hại đến các giá trị vốn có, các giá trị cảnh quan cần được bảo tồn, dành cho tự nhiên, không lấn át thiên nhiên. Tổ chức/phân bố có nhịp điệu công trình và tổ hợp công trình cao tầng, mật độ xây dựng phù hợp theo từng đoạn tuyến đường đô thị ven biển, thay vì dàn trải bê tông hóa trên suốt dọc dài bờ biển. Cân nhắc xác định những vị trí xây dựng công trình cao tầng bám sát không gian ven biển/đường đô thị ven biển. Các công trình chung cư cao tầng cần quy hoạch theo hướng tập trung thành tổ hợp phát triển theo chiều sâu vào đô thị với không gian trục kết nối hướng biển. Hệ thống cây xanh kết nối với hệ thống công viên cây xanh lân cận.

Về môi trường biển, việc phát triển ồ ạt các khu vực ven biển sẽ tác động đến làm chết các sinh vật đáy, mất đi môi trường sinh sống…, ảnh hưởng đến dòng chảy dẫn đến sạt lở ở các vùng xung quanh. Việc lấn biển khiến các dòng hải lưu thay đổi, hệ quả là gây bồi tụ hoặc xói lở ở các vùng biển xung quanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng hải và các công trình, bãi biển khu vực đó. Việc phát triển nóng các không gian ven biển còn tạo ra trầm tích lơ lửng trong nước. Bên cạnh đó sự xuất hiện các trầm tích trong nước cũng làm một số hệ sinh thái như rừng ngập mặn. Do đó, cần có các biện pháp quy hoạch, phát triển không gian đô thị biển bền vững, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đô thi biển Việt Nam

Để tạo dựng hình ảnh không gian đô thị du lịch biển, cần có quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch phù hợp hoặc một Hướng dẫn thiết kế tốt (Design Guideline) để kiểm soát chiều cao và hình thức các tòa nhà. Bên cạnh đó, cần thiết tái cấu trúc không gian vùng ven biển hướng tới nền kinh tế du lịch xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và kế thừa cấu trúc cũ để bảo tồn di sản văn hoá và thiết chế xã hội.

Ngoài ra cần quy định rõ về quản lý mật độ xây dựng, khoảng lùi trước và hai bên tuyến đường, quy định về chỗ đậu đỗ xe kinh doanh; tăng cường sự tham gia của các bên trong công tác quy hoạch phát triển không gian kiến trúc cảnh quan tuyến đường ven biển.

Quản lý phát triển các đô thị du lịch ven biển Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình phát triển, đô thị hóa. Sức ép tăng trưởng về du lịch nghỉ dưỡng những năm gần đây gia tăng nhanh chóng do sự phát triển ồ ạt hệ thống khách sạn, resort, condotel, officetel, các trung tâm thương mại, sân golf kèm bất động sản, các cơ sở dịch vụ và nhà ở.

Việc quản lý phát triển không hiệu quả sẽ dẫn tới tình trạng hỗn độn, không có bản sắc, không cân đối các chức năng đô thị, tạo ra ít giá trị gia tăng. Theo đó, cần có một nhận thức đầy đủ và khái niệm rõ ràng về đô thị du lịch biển, xây dựng cơ sở khoa học về mô hình đô thị du lịch biển Việt Nam bền vững./.

Đô thị du lịch biển
Cần có một nhận thức đầy đủ và khái niệm rõ ràng về đô thị du lịch biển, xây dựng cơ sở khoa học về mô hình đô thị du lịch biển Việt Nam bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  I. Tài liệu tiếng Việt

1.         Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

2.         Nguyễn Văn Lưu, (2008), Thị trường du lịch, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.

http://kqtkd.duytan.edu.vn/uploads/ dothivadacdiemdothitaivietnamdoantranh.pdf

3.         Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, (2018), Kỷ yếu Hội thảo “Du lịch đô thị, thực trạng và giải pháp phát triển”.

II. Tài liệu tiếng Anh

4.         Costas Spirou (2011), Urban tourism and urban change cities in a Global Economy, Routledge

5.         Deborah Edwards; Tony Griffin Bruce Hayllar (2008), “Urban tourism research, developing an Agenda”, University of Technology Sydney, Australia; Annals of Tourism Research, Vol. 35, No. 4, pp. 1032–1052.

6.         G.J. Ashworth (11 Nov 2014), “Is There n Urban Tourism?” Pages 3-8 Published online: http://dx.doi.org/10.1080/02508281.1992.11014645.

7.         Judith Ruetsche, “Urban tourism what attacts visitors to cities”, Let’s Talk, Business E-newsleter, Issue 117, May 2006, ngày truy cập 24/6/2018

8.         https://www.weforum.org/agenda/2015/06/whats-the-definition-of-urban.

9.         http://www.coastalwiki.org/wiki/Coastal_Cities#Coastal_Management_and_Urban_Planning

10.      https://www.igi-global.com/dictionary/urban-tourism/60237.

11.      https://fyi.uwex.edu/downtowneconomics/files/2012/08/urban-tourism.pdf.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top