Aa

Phát huy vai trò của doanh nghiệp hỗ trợ người lao động mua nhà ở xã hội

Thứ Ba, 06/06/2023 - 08:19

Chủ trương phát triển 1 triệu nhà ở xã hội mà Chính phủ đang chỉ đạo được xã hội và người lao động hết sức đón nhận, song cần có những thay đổi về điều kiện, chính sách thuận lợi hơn cho người lao động.

Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) có Báo cáo kết quả khảo sát tình hình người lao động và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, gửi Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo dựa trên Khảo sát tình hình người lao động (trên cả nước), tháng 5/2023, trong đó có vấn đề nhà ở xã hội, do Ban IV chủ trì, phối hợp với VnExpress thực hiện.

Cần thiết thay đổi điều kiện giúp người lao động thu nhập thấp dễ tiếp cận chương trình

Theo Khảo sát, cả nước có 57% người lao động tham gia khảo sát muốn mua nhà, trong đó tỷ lệ người lao động muốn mua nhà ở xã hội và mua nhà không thuộc diện “nhà ở xã hội” gần như tương đương nhau, tương ứng là 28% so với 29%. Nhu cầu nhà ở xã hội theo đó, cao gấp hơn 1,5 lần so với tỷ lệ người lao động hiện đang ở nhà ở xã hội (18%).

Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn khi mua nhà ở xã hội và “điều kiện để được mua nhà ở xã hội” hiện là rào cản lớn nhất với 39% người lao động tham gia khảo sát có cùng nhận định này. Ba khó khăn lớn khác ở góc nhìn của người lao động là: Thiếu tài chính sẵn có cho khoản đóng góp ban đầu (33%); khó cạnh tranh suất mua (32%); hồ sơ giấy tờ chứng minh phức tạp (27%).

Trước những khó khăn đó, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đề xuất:

Một là, nghiên cứu điều chỉnh tên chương trình/đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 thành “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở cho người lao động thuộc diện thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Mục đích giúp phần đông người lao động thu nhập thấp tiếp cận được với nhà ở giá rẻ nói chung, thay vì nhà ở xã hội bó hẹp đối tượng như hiện nay.

Nhiều người mua nhà ở xã hội tại dự án NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã phải xếp hàng từ đêm đến sáng để chờ nộp hồ sơ.
Nhiều người mua nhà ở xã hội tại dự án NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã phải xếp hàng từ đêm đến sáng để chờ nộp hồ sơ. (Ảnh: Tùng Dương)

Đồng thời, giảm mạnh lãi suất cho vay và áp dụng cho tất cả đối tượng người lao động mua nhà ở trong chương trình. Thay vì chỉ có người thuộc diện “đối tượng chính sách xã hội” mới được tiếp cận vay với lãi suất thấp tại các ngân hàng chính sách xã hội, còn đối tượng công nhân khu công nghiệp muốn mua nhà ở xã hội hầu hết phải vay với lãi suất thông thường của ngân hàng thương mại. Đây là thách thức với số đông người lao động vì số tiền trả lãi, trả gốc hàng tháng thậm chí vượt quá 50% thu nhập của công nhân.

Hai là, xem xét cải thiện quy trình, hồ sơ, điều kiện cho vay mua nhà ở xã hội (nhà ở cho người lao động) vì đây là những rào cản rất lớn.

Theo đó, khoản 5 Điều 13 Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 quy định “Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại NHCSXH hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay”.

Quy định này tạo ra một trong các điều kiện vay mua nhà ở xã hội tại các ngân hàng chính sách xã hội là đối tượng vay “Phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại NHCSXH với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng với NHCSXH, mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ gốc bình quân tháng của người vay vốn”.

Trong khi đó, theo Ban IV, phần lớn người lao động “Thiếu tài chính sẵn có cho khoản đóng góp ban đầu” (thông thường là 20 - 30% giá trị hợp đồng mua nhà), việc đặt ra yêu cầu như trên càng làm giảm mạnh cơ hội mua nhà của họ. Hoặc các yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ chứng minh “thuộc diện đối tượng cho vay” hay chứng minh về thực trạng nhà ở, điều kiện thu nhập, điều kiện cư trú… cũng rất phức tạp với phần lớn người lao động.

Sáng 5/6, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.

Các dự án xây dựng nhà ở xã hội tại các thành phố lớn sẽ gặp nhiều thách thức

vì tổng chi phí đầu vào rất cao

Tại báo cáo Khảo sát tình hình doanh nghiệp tháng 5/2023, cũng do Ban IV chủ trì, các doanh nghiệp có kiến nghị đáng chú ý: “Nhà nước xem xét các cơ chế để doanh nghiệp tham gia tín chấp, bảo lãnh cho người lao động trong quá trình vay mua/thuê nhà ở xã hội so với quy trình xét duyệt phức tạp theo diện “đối tượng chính sách” như hiện nay để chủ trương phát triển nhà ở xã hội đi vào thực tiễn…”.

Ban IV đánh giá, doanh nghiệp có thể phát huy vai trò nhiều hơn trong câu chuyện mua nhà ở xã hội của người lao động. Thông qua việc xác nhận thu nhập, hay thay mặt người lao động trả khoản tiền gốc và lãi hàng tháng tương tự cách doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hiện nay.

Đồng thời, một số doanh nghiệp có thể bổ sung thêm cơ chế “hỗ trợ một phần tiền” để thực hành chính sách chăm lo đời sống cán bộ nhân viên, giữ chân người lao động, kết hợp với nỗ lực của Chính phủ trong đề án này.

nhà ở xã hội
Việc phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, chưa huy động được nhiều thành phần kinh tế và nguồn lực xã hội đầu tư. (Ảnh: Tạp chí Kinh tế và Môi trường)

Ngoài ra, cần nghiên cứu, đánh giá nhu cầu nhà ở cho người lao động theo từng địa phương. Ưu tiên các địa phương tập trung đông công nhân, người lao động để phân bổ chỉ tiêu phát triển dự án hợp lý, đi kèm với các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù nếu cần.

Với bảng giá đất và chi phí xây dựng như hiện nay, Ban IV nhận định, các dự án xây dựng nhà ở xã hội tại các thành phố lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai sẽ gặp nhiều thách thức vì tổng chi phí đầu vào rất cao. Tuy nhiên, đây cũng là các tỉnh, thành tập trung đông công nhân, người lao động nên cần các quyết sách cụ thể, tiệm cận đối tượng mục tiêu của chính sách, hỗ trợ cho quá trình phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời, trong quá trình phát triển các dự án nhà ở xã hội/nhà ở cho người lao động trên từng địa phương, cần rà soát và quan tâm đặc biệt tới việc bố trí các hạ tầng nền tảng như điện, nước, trường học công lập... vì với mức thu nhập thấp, lại phải trả lãi/gốc tiền vay mua nhà ở xã hội hàng tháng, thì số tiền còn lại của người lao động rất khó để trang trải các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, chưa nói tới việc trang trải các chi phí cho con đi học tư thục, hay các vấn đề phát sinh khác. Đây là việc chính quyền địa phương và doanh nghiệp kết hợp để mang lại môi trường sống tốt cho người mua nhà./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top