Ngăn chặn “nhóm lợi ích” bán rẻ đất công, chia chác tiền tỷ

Ngăn chặn “nhóm lợi ích” bán rẻ đất công, chia chác tiền tỷ

Thứ Sáu, 18/02/2022 - 06:15

Thời gian gần đây có nhiều cán bộ lãnh đạo vướng vòng lao lý vì sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai. Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng “nhóm lợi ích” lợi dụng kẽ hở pháp luật gây thất thoát tài sản Nhà nước?

LTS: Trong những năm gần đây, hàng loạt cán bộ lãnh đạo địa phương đã vướng vào vòng lao lý vì những vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai. Đa phần các vụ việc sai phạm đều có một điểm chung là cán bộ cơ quan công quyền kết hợp với doanh nghiệp tạo thành “liên minh”, lợi dụng kẽ hở của pháp luật nhằm thâu tóm những lô đất ở vị trí đắc địa với mức giá thấp, gây thất thoát lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước, làm suy giảm lòng tin của người dân vào sự công bằng và tôn nghiêm của pháp luật.

Bên cạnh những trường hợp cố ý làm sai, nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn nếu cứ áp dụng đúng mọi quy định thì có thể làm chậm thời cơ phát triển của cả địa phương và doanh nghiệp, nhưng nếu "sáng tạo" thì có thể bị truy xét trách nhiệm cá nhân.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào loại bỏ những quy định đã “lỗi thời” nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn với nguồn lực, triển khai các dự án thuận lợi, khuyến khích được cán bộ nhà nước cống hiến và đồng thời cũng “không thể, không dám, không muốn” cố ý sai phạm.

Với mong muốn đưa ra nhiều góc nhìn nghiên cứu, phản biện, Reatimes khởi đăng tuyến bài: "Sai phạm quản lý đất đai ở nhiều địa phương, thực trạng và giải pháp".

Bài 2: Ngăn chặn “nhóm lợi ích” bán rẻ đất công, chia chác tiền tỷ

Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả!

NHIỀU SAI PHẠM GÂY THẤT THOÁT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

HÀNG NGHÌN TỶ ĐỒNG

Thời gian qua, hàng loạt vụ sai phạm, tham nhũng của các cán bộ lãnh đạo từ cấp bộ ngành tới địa phương đã bị phanh phui, nhiều người bị kỷ luật, thậm chí phải chịu án tù giam.

Mới đây, vào tháng 12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Quảng Ngãi đã thực hiện quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Ngọc Nhựt (sinh năm 1983), phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi. Theo kết quả điều tra ban đầu, trong năm 2016, Nguyễn Ngọc Nhựt lợi dụng chức vụ được giao đã cố ý làm trái quy định, tham mưu cho lãnh đạo UBND phường Quảng Phú ký, ban hành văn bản xác nhận không đúng nguồn gốc đất đối với một số thửa đất thuộc quỹ đất 5% đất công ích do UBND phường quản lý. Từ đó, hợp thức hóa hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất gây thất thoát tài sản của nhà nước

Với hành vi này, Nguyễn Ngọc Nhựt đã bị bắt tạm giam để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tại thời điểm bị bắt tạm giam để điều tra, Nguyễn Ngọc Nhựt là cán bộ địa chính phường Trần Hưng Đạo (TP Quảng Ngãi).

Trước đó, tại Đà Nẵng, cơ quan chức năng xác định vụ việc Phan văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) thâu tóm đất công tại có liên quan tới một loạt cựu lãnh đạo thành phố và thuộc cấp. Hai cựu Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng là ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến bị cáo buộc đã lạm dụng chức vụ, chỉ đạo cấp dưới xây dựng các văn bản pháp lý, nhanh chóng hoàn thành hồ sơ, thủ tục để giúp Vũ “nhôm” được nhận chuyển nhượng các dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Tại TP.HCM trong giai đoạn 2010-2016 đã xảy ra nhiều vụ sai phạm liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai, khiến nhiều cán bộ lãnh đạo thành phố và các sở ban ngành của địa phương bị kỷ luật, cách chức, thậm chí bị khởi tố. Tháng 12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố ông Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và một số cán bộ thuộc cấp sở về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến dự án tại số 8-12 Lê Duẩn (quận 1).

Năm 2007, UBND TP.HCM chủ trương thu hồi "khu đất vàng" tại số 8-12 Lê Duẩn để đấu thầu chọn nhà đầu tư uy tín, kinh nghiệm xây dựng khách sạn 5 sao và một phần trung tâm thương mại. Ông Nguyễn Thành Tài là người chỉ đạo, thực hiện hành vi ký nhiều văn bản quyết định và chỉ đạo các cán bộ cấp dưới tạo điều kiện và chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm của bị cáo Lê Thị Thanh Thúy được thực hiện dự án khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và một phần trung tâm thương mại tại khu đất trên theo hình thức chỉ định, không qua đấu thầu dự án hay đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khu đất số 8-12 Lê Duẩn nếu thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định ước tính sẽ thu về ngân sách trên 2.000 tỷ đồng. Vào tháng 9/2020, TAND TP.HCM tuyên phạt 5 bị cáo trong vụ giao, cho thuê khu đất 8-12 Lê Duẩn trái pháp luật, trong đó cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài lãnh án 8 năm tù.

Vào cuối tháng 4/2021, TAND TP.Hà Nội đã tuyên án ông Vũ Huy Hoàng - cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương 11 năm tù và các đồng phạm từ 30 tháng tù treo cho tới 9 năm tù giam, trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và TP.HCM.

Bản án sơ thẩm nhận định, bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) đã có hành vi đồng phạm giúp sức tích cực trong vụ án. Bà Thoa là người trực tiếp ký các văn bản hoặc tham mưu, đề xuất để bị cáo Vũ Huy Hoàng duyệt, ký các văn bản chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thực hiện dự án bất động sản không phải là ngành nghề kinh doanh chính, chấp thuận cho liên kết thành lập công ty cổ phần làm chủ đầu tư dự án và chuyển giao khu đất cho công ty cổ phần không phải doanh nghiệp nhà nước. Sau khi công ty cổ phần được thành lập, bà Thoa không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án mà lại tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương thoái toàn bộ vốn góp của Sabeco. Sau khi góp vốn liên doanh xong, các bị cáo đã tích cực chỉ đạo Sabeco thoái vốn, chuyển quyền quản lý tài sản nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với số tiền hơn 2.700 tỷ đồng. 

VÌ ĐÂU NÊN LỖI?

Có hàng loạt lý do để xảy ra tình trạng trên trong đó lỗ hổng Luật Đất đai và văn bản dưới luật; một số quan chức địa phương dễ bị đồng tiền làm tha hóa, lợi dụng quyền lực để làm lợi cho bản thân và “nhóm lợi ích”.

Chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh nhận định, sai phạm về đất đai chủ yếu diễn ra dưới các hình thức: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân; không sử dụng hoặc sử dụng đất không đúng mục đích; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Sai phạm về đất đai diễn ra phổ biến, thường xuyên, phức tạp ở nhiều tổ chức, nhiều cấp quản lý với các mức độ từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng nhưng chậm xử lý, gây hậu quả lớn về kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, tình trạng định giá đất chưa phù hợp làm méo mó sự vận động của thị trường bất động sản cũng là nguyên nhân làm nảy sinh hàng loạt sai phạm trong quản lý tài chính về đất đai như thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, tính giá trị doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa.

Cùng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, nhiều vụ việc từ việc giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, đến hô biến “đất vàng” của nhà nước thành tài sản tư với mức giá “ưu đãi”.

Đất đai là tài sản có giá trị lớn, là “miếng mồi béo bở” mà nhiều đối tượng quan tâm, lợi dụng để trục lợi. Nếu như đạo đức của cán bộ làm công tác quản lý không vững, không sáng hoặc trình độ non kém thì rất dễ bị mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo, giật dây,… thực hiện hành vi vi phạm trong quản lý về đất đai hoặc thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước.

Thêm vào đó là hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai còn sơ sài, thiếu thống nhất đã làm hạn chế năng lực công tác của cán bộ. Tuy nhiên nguyên nhân gốc rễ của vấn đề vẫn là những bất cập, hạn chế trong chính sách quản lý về đất đai, quản lý kinh tế mà biểu hiện là những bất cập, hạn chế của Luật Đất đai đang được nghiên cứu sửa đổi thời gian qua. Việc chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các quy định pháp luật về đất đai chính là cơ hội phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Hiện nay, Luật Đất đai còn có những xung đột, mâu thuẫn với Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản… Nhìn chung, các xung đột, chồng chéo này dẫn đến sự lúng túng trong quản lý và tạo ra những khe hở của luật pháp để một số cá nhân và tổ chức lợi dụng nhằm tham nhũng và trục lợi, gây lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước.

Một vấn đề nữa cần được đề cập là tập trung quyền lực nhà nước trong công tác quản lý đất đai hiện nay vẫn còn tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” mà biểu hiện rõ ràng nhất là việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất và cơ chế về giá đất. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Hiện nay thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất đều chủ yếu thuộc về UBND cấp huyện, cấp tỉnh.

Trong khi đó thẩm quyền tính giá đất để giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; định giá đất để bồi thưỡng, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất lại cũng thuộc về những cơ quan này. Quy định như vậy có thể tạo ra cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng.

Mặt khác, hiện nay khung giá đất, phương pháp định giá đất quy định trong Luật Đất đai 2013 vẫn mang nặng tính số học, chưa thể hiện được đầy đủ đặc tính kinh tế của đất đai, chưa phù hợp với thực tế của thị trường đất đai, do đó dễ bị các đối tượng cấu kết, lợi dụng để trục lợi làm thất thoát lãng phí sản đất đai.

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất cũng đang bộc lộ một số bất cập. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất vẫn đang bộc lộ nhiều lúng túng, bất cập.

PHÒNG VÀ "CHỮA BỆNH" BẰNG CÁCH NÀO?

Trả lời Reatimes, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, để giảm thiểu những tiêu cực, sai phạm trong hoạt động đấu giá bất động sản thì cần phải hoàn thiện chính sách, pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân và cán bộ trong quản lý đất đai. Đồng thời cần phải thực hiện các cơ chế, chính sách, thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch, công bằng, thực hiện đầy đủ nguyên tắc trong đấu giá quyền sử dụng đất.

“Công khai, khách quan, liên tục, bình đẳng, trung thực, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên và đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai, đấu giá tài sản. Cần nghiên cứu để quy định về tổ chức đấu giá đất tập trung trên nhiều tỉnh thành, địa phương tại cùng một thời điểm để tránh tình trạng thao túng, thổi giá đất, có sự bắt tay cấu kết giữa cán bộ với các doanh nghiệp đầu tư bất động sản.

Cần phải quy định cụ thể về công khai minh bạch thông tin quy hoạch, thông tin về các dự án bất động sản, thông tin về các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất đối với mỗi dự án. Cần có cơ chế kiểm tra, giám sát khách quan, minh bạch đối với hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.

Kiểm soát chặt chẽ việc bán hồ sơ, tổ chức đấu giá để tránh tình trạng người có nhu cầu thực sự thì không nắm được thông tin, không mua được hồ sơ, không tham gia được vào cuộc đấu giá. Phải xử lý nghiêm trường hợp các đối tượng đe dọa, uy hiếp người dân khi mua hồ sơ đấu giá, tham dự đấu giá", luật sư Cường nói. 

Một nội dung rất quan trọng trong đấu giá quyền sử dụng đất là xác định giá khởi điểm. Theo quy định pháp luật hiện nay thì giá khởi điểm phù hợp với giá giao dịch trên thị trường nhưng không thấp hơn không giá đất nhà nước quy định. Trong khi đó việc công khai, minh bạch trong thị trường bất động sản còn hạn chế dẫn đến các giao dịch ghi trong giấy tờ chưa phải là giá thực, thêm vào đó là giá nhà nước quy định chưa sát với giá thị trường nên mức khởi điểm trong đấu giá quyền sử dụng đất thường thấp, chưa đảm bảo được quyền lợi của nhà nước.

Nếu đưa ra giá khởi điểm thấp mà không quản lý được hoạt động tổ chức đấu giá dẫn đến tình trạng bắt tay giữa doanh nghiệp với cán bộ có thẩm quyền thì kết quả trúng đấu giá sẽ rất thấp, không phải là giá thị trường gây tổn thất cho ngân sách Nhà nước.

Bởi vậy, nếu giá khởi điểm được xác định đúng với giá thị trường thì kết quả đấu giá quyền sử dụng đất dù bằng giá khởi điểm thì cũng đã bằng giao dịch thực tế trên thị trường, không gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Để có giá khởi điểm chính xác thì cần phải quản lý tốt các giao dịch trên thị trường để những giá trong hồ sơ là giá thực, đồng thời nghiên cứu đưa ra khung giá nhà nước quy định phù hợp với giá thị trường.

Ngoài ra, cần phải có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, có sự giám sát của bên thứ ba trong việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tránh tình trạng các cán bộ có liên quan lợi dụng chức vụ quyền hạn để thao túng, cấu kết, thông đồng với doanh nghiệp tạo ra kết quả đấu giá quyền sử dụng đất không khách quan, gây thất thoát tài sản của nhà nước.

Về công tác cán bộ thì cần phải tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ có đủ năng lực phẩm chất, trình độ. Cần phải đảm bảo các điều kiện về vật chất, đời sống, phương tiện kĩ thuật làm việc đồng thời nâng cao đạo đức công vụ. Kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các cán bộ sa sút về phẩm chất đạo đức, tiếp tay, dung túng cho các hành vi sai phạm để thao túng giá đất.

Có thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp từ chính sách, pháp luật phải đến công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đến công tác nhân sự, chất lượng nhân lực, cơ chế giám sát, minh bạch thị trường bất động sản thì mới quản lý tốt được thị trường, giảm bớt những thiệt hại cho nhà nước, tránh việc gây thất thoát lãng phí tài sản công và hiện tượng thổi giá đất, thao túng thị trường bất động sản.

Chia sẻ với Reatimes, Luật sư Trần Minh Cường – Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Solution & Partners (Đoàn Luật sư TP.HCM) chỉ rõ, đất đai như “miếng mồi rất ngon” để những chiếc vòi bạch tuộc tham nhũng, nhóm lợi ích bám lấy.

Các nhóm sai phạm chủ yếu có thể thấy được chẳng hạn như: Biến đất nông nghiệp, đất rừng thành đất ở, đất thương mại rồi mang đi kinh doanh trái pháp luật; Không/không đầy đủ thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước liên quan đến các Dự án đổi đất lấy hạ tầng (BT)… Trong đó khâu thẩm định/định giá còn nhiều khoản hỡ; Xuất phát từ một số cá nhân được Nhà nước trao quyền cố tình làm trái các quy định pháp luật về đất đai, buông lỏng quản lý nhằm hưởng các lợi ích cá nhân.

Nhà nước đã cố gắng sửa đổi pháp luật trong quản lý đất đai, tuy nhiên thực tế vẫn còn tồn tại bất cập, trong đó lỗ hổng kiểm soát quyền lực làm không hiệu quả, nhiều người được giao quản lý đất đã tự ý thu hồi đất, cấp đất, giao đất, bán đất. Tình trạng này diễn ra phổ biến tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước.

Từ những bất cập nêu trên việc sửa đổi bổ sung Luật đất đai 2013 (đã có hiệu lực hơn 8 năm) đến thời điểm này là rất cần thiết để Quốc hội xem xét và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc một cách quyết liệt.

“Cần tạo ra hành lang pháp lý rộng, rõ ràng để tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, đồng thời có cơ chế kiểm tra giám sát một cách hiệu quả để các tổ chức, cá nhân được Nhà nước được trao quyền, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Luật sư Trần Minh Cường cũng chỉ ra một nguyên nhân nữa là có những sai phạm kéo dài, qua nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện được cho tới khi cơ quan công an vào cuộc. Điều này cho thấy năng lực của các cơ quan thanh tra còn hạn chế, thậm chí bị nghi ngờ có “vùng đen” trong công tác giám sát, do đó cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan này.

02/18/2022 06:15
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top